Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Tái tạo một thời chiến tranh
Những chiếc nôi trẻ con trong nhà hầm giữ trẻ
TTCN - Đến di tích chiến trường mới tái dựng của ông Nguyễn Xuân Liên (ở vực Quành, xã Nghĩa Ninh, phía tây thị xã Đồng Hới, Quảng Bình), tôi không thể ngờ là ông lại tạo dựng được một khung cảnh như thế từ những gì ông có.
Trên một khoảng đồi rộng đến 2ha bên cạnh một đầm nước ven đường Hồ Chí Minh mọc lên bảy căn nhà lợp lá tranh nửa nổi nửa chìm trong lòng đất, tưởng như còn lại từ thời đạn bom của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước ở ngay mảnh đất này vậy. Đó là những căn nhà hầm như nhà mổ, nhà điều trị của quân y, dân y; nhà trẻ, nhà hội trường, kho gạo, trạm giao liên... được thưng bốn bên vách bằng những thân cây tre, nứa, cây rừng nhỏ...
Trong căn hầm là nhà trẻ treo năm chiếc nôi tre đong đưa, gợi nhớ biết bao những năm tháng chiến tranh ác liệt ở đất lửa Quảng Bình - cửa ngõ của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đông Trường Sơn, nơi người dân ngủ hầm trong tiếng gào rú của máy bay Mỹ. Cả một hố bom tấn Mỹ to đùng cũng vừa được đào lại tât cả tươi màu đất rừng.
Những lối mòn nhỏ len lỏi trong rừng cây dẫn tôi đến với kho gạo, trong kho đã được xếp chồng nhiều bao gạo, muối (giả). Phía dưới đầm nước, khe suối nổi lềnh bềnh những bao nilông, những thùng phuy xăng dầu (hơn 50 chiếc) được sơn lại màu xanh lá giống y các bao gạo, thùng xăng mà bộ đội vận tải đường 559 Trường Sơn đã thả xuống suối cho các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trước đây.
Những căn nhà Quảng Bình trong chiến tranh được dựng lại
Lấp ló đây đó trong tán cây rừng, ven lối mòn từng cụm phuy xăng dầu được đặt... y như thật. Xung quanh khu vực di tích là một hệ thống hào giao thông mới đào chạy uốn lượn, có độ dài gần 4km. Trong khi xây dựng khu di tích này, ông Nguyên Xuân Liên đã phát hiện trong lòng đất còn nhiều đoạn đường ống dẫn xăng dầu của bộ đội 559 ngày trước, và tât cả được để nguyên, trở thành một di tích “sống” khá ấn tượng. Trên mặt đất cũng còn lại dấu vết của các trận địa pháo phòng không, một đoạn đường giao liên vừa phát hiện dưới lớp lớp cây rừng.
Chủ nhân còn dựng sáu căn nhà được mua từ vùng nông thôn huyện Quảng Trạch về (không dưới 20 triệu đồng/căn). Đó là những căn nhà rường, lợp ngói liệt hoặc lợp tranh, mà theo ông Liên là ông muốn giữ nếp nhà xưa của người dân Quảng Bình. Chưa hết, còn bốn căn nhà khác được lợp tranh, trét vách (theo truyền thống của địa phương là trộn rơm với đất dẻo) nhằm tạo lại những căn nhà dân nơi đây đã từng sinh sống. Mỗi căn như thế, phía sau hồi nhà có làm thêm một chiếc hầm chữ A tránh bom chẳng khác gì với ngày chiến tranh mà tôi từng ở.
Ông Liên, 62 tuổi, thường trú tại 145-C10 Tân Mai, Hà Nội, vốn là cán bộ của Trường Y tế Quảng Bình trong thời kỳ chiến tranh (giai đoạn 1961 - 1970). Ông gắn bó với mảnh đất lửa Quảng Bình suốt những năm phá hoại ác liệt của Mỹ ở miền Bắc. Năm 1970 ông về Hà Nội và công tác. Từ 1992 ông trở lại Quảng Bình nhiều lần, mang nặng nợ với đất và người nơi đây. Tái tạo hình ảnh chiến trường xưa đã nung nấu trong ông dữ dội sau mỗi lần vào Quảng Bình về. Sự ám ảnh về một tuyến phòng không nhân dân với công sự, hầm hào, đường giao liên, kho tàng, bến bãi trên đường Trường Sơn làm ông không sống yên được.
Ông Liên bảo rằng không biết còn sống được bao năm nữa nên ước nguyện duy nhất của ông là sớm hoàn thành việc tái tạo di tích này kẻo không kịp. Ông muốn dựng lại càng đúng nguyên mẫu chừng nào tốt chừng đó. Vì vậy ngoài những gì đã làm xong trên đây, ông Liên sẽ phục dựng lại 1km đường mòn Hồ Chí Minh (trong diện tích 12ha đất mà ông đã mua) như xưa, và đã tìm mua được một chiếc xe Zil 157 ba cầu cũ của Liên Xô, ông sẽ đê xe nằm trên đường này, rồi mời những lái xe Trường Sơn năm xưa lên... chạy.
Những thùng phy xăng dầu được thả trôi trên suối nước
Để như thật, ông mua sắt thép như mảnh bom, vỏ đạn, vỏ bom Mỹ, xác ôtô... về ném rải rác vào khu di tích và xây nhà tưởng niệm liệt sĩ ngành y tế, bộ đội, thanh niên xung phong hi sinh trên đường Trường Sơn.
Nguồn vốn mà ông bỏ ra để “tái tạo chiến tranh” đến nay đã lên tới hơn 2,5 tỉ đồng (trong đó có 1 tỉ đồng mua đất). Ông Liên đã thuyết phục vợ, con bán một căn nhà ở Hà Nội, rồi lấy một nửa số tiền đó cùng với tiền con cái ở nước ngoài giúp, một mình vào Quảng Bình... mua đất lập di tích (một nửa tiền bán nhà còn lại thì vợ cầm về... ở nhờ quê ngoại).
Mặc dù hiện nay khu di tích này chưa được hoàn thành nhưng đã có nhiều đoàn học sinh trong vùng kéo nhau tới thăm. Nhiều vị lãnh đạo tỉnh cũng đã tới và hứa ủng hộ ông hoàn thành ý nguyện này (được biết trên đất Quảng Bình cũng sẽ có một vài đoạn đường Trường Sơn xưa sẽ được phục dựng lại để khách du lịch biết về con đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh nhưng đến nay chưa có điều kiện thực hiện).
LAM GIANG
file:///I:/Bao%20%20Vuc%20Quanh/Tu%E1%BB%95i%20Tr%E1%BA%BB%20Online%20-%20T%C3%A1i%20t%E1%BA%A1o%20m%E1%BB%99t%20th%E1%BB%9Di%20chi%E1%BA%BFn%20tranh.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét