Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

CẢM ƠN BẠN CŨ : LAM GIANG - ĐÌNH THẮNG

Thứ Bảy, 28/04/2012, 05:34 (GMT+7)

Khu du lịch Vực Quành đang lụi dần

TT - Ra đời tại xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình từ năm 2004, khu du lịch văn hóa sinh thái lịch sử Vực Quành được xem như một bảo tàng chiến tranh ngoài trời, thu hút hàng chục ngàn lượt du khách.




Nhưng giờ đây bảo tàng ngoài trời có một không hai này đang đứng trước sự tàn lụi...

Lẽ nào rồi đây sẽ không còn những cảnh khách đến tham quan như thế này tại Vực Quành? - Ảnh: Lam Giang

Đến khu du lịch Vực Quành những ngày này, đập vào mắt mọi người là khung cảnh đìu hiu, cỏ cây mọc lấn hết đường đi lối lại.
Ở khu bảo tàng chính, những ngôi nhà lợp tranh đã mục nát, mái thủng lỗ chỗ trơ cả rui mèn và lộ những khoảng trời lớn. Những đoạn đường hào giao thông do không có người tu bổ nên bây giờ cây cỏ mọc che lấp cả. Trong những căn nhà tranh làm nửa nổi nửa chìm - mô phỏng lớp học, nhà giữ trẻ, nhà cứu thương... trong chiến tranh của người dân Quảng Bình, các dụng cụ như nôi trẻ em, bàn ghế học trò, phản gỗ cứu thương... đều đã rách nát, lấm bụi. Những căn nhà kho trưng bày bao gạo, hòm đạn, quân cụ (tất cả đều được tạo dựng lại mới, mô phỏng theo kiểu dáng có thật từ những ngày chiến tranh)... cũng đang xập xệ dần...
Mọi người đến tham quan khu du lịch Vực Quành vào dịp kỷ niệm 30-4 và 1-5 năm nay đành tiếc rẻ quay gót. Ông Trần Văn Thế - cựu chiến binh ở TP Đồng Hới, Quảng Bình - nói: “Năm nào đến dịp kỷ niệm 30-4, tôi cũng rủ thêm vài đồng đội lên Vực Quành. Năm nay lên thấy khung cảnh vắng vẻ quá nên rất buồn. Nếu không còn nó nữa thì tiếc lắm!”.
“Tôi không còn tiền để duy trì nữa”
Anh Lê Thanh Toàn, người trông coi khu du lịch này, cho biết: “Nhà cửa kiểu tranh tre nứa lá như ngày xưa thế này phải được tu bổ hằng năm mới chịu được gió mưa. Nhưng lâu nay không được đầu tư nên xuống cấp là không tránh khỏi”. Còn ông Nguyễn Xuân Liên, chủ nhân của khu du lịch Vực Quành, ngậm ngùi nói: “Tôi không còn tiền để duy trì nữa. Nó đã tồn tại chừng ấy năm, bằng với thời gian tôi đã sống và chiến đấu trên mảnh đất Quảng Bình rồi. Tôi đã làm khu du lịch này để tri ân con người và mảnh đất Quảng Bình với tất cả tấm lòng và khả năng tài chính của mình...”.
"Bảo tàng này vừa có phần du lịch lịch sử, phần ký ức chiến tranh nhằm lưu giữ những kinh nghiệm sống và chiến đấu dưới bom đạn của tỉnh Quảng Bình. Tại đây, trên diện tích 3ha, ông Liên đã xây dựng một ngôi làng có những mái nhà tranh trải dài dọc theo những con đường hào thô sơ. Mỗi căn nhà tranh tái hiện một khía cạnh của đời sống làng quê như nhà ở, trường học, nhà giữ trẻ, bệnh viện... Nếu họ không làm gì để ghi lại câu chuyện của họ bằng cách nào đó, những kinh nghiệm chiến tranh của mảnh đất này sẽ biến mất vào những cánh rừng bạt ngàn của Trường Sơn huyền thoại"
Trích giới thiệu về điểm du lịch Vực Quành trong cuốn cẩm nang du lịch mang tên Vietnam của nhà xuất bản tư nhân chuyên về du lịch lớn nhất thế giới Lonely planet.
Năm 2003, ông Nguyễn Xuân Liên - một người Hà Nội gốc - đã bán căn nhà của mình ở thủ đô Hà Nội để vào với Quảng Bình. Và đến nay ông đã bỏ ra trên 4,6 tỉ đồng làm nên khu du lịch văn hóa sinh thái lịch sử Vực Quành cho Quảng Bình. Đến nay ông cũng đã sưu tầm, mua được hàng trăm hiện vật chiến tranh như vỏ bom đạn, phuy xăng dầu, xác máy bay Mỹ, cây nhiệt đới Mỹ, xác ôtô chở hàng bị cháy và nhiều loại quân cụ của Mỹ, của bộ đội ta và đồ dùng của người dân địa phương... Nhưng từ đó đến nay ông chưa hề đòi hỏi cho cá nhân mình một điều lợi gì.
Và dù số lượng khách tham quan đông, từ đó đến nay khu du lịch chưa lấy một đồng tiền vé hay lệ phí nào của khách. Anh Toàn băn khoăn: “Một mình ông Liên bỏ tiền túi ra làm thì không thể chịu nổi. Cần có sự chung tay của xã hội và cả
Nhà nước nữa mới duy trì được”.
Cần bàn tay của người làm du lịch?
“Tôi vẫn mang nặng tình cảm với khu du lịch này, bởi sự tri ân không bao giờ có giới hạn. Tôi đang vận động những đứa con của tôi giúp tôi thêm tiền để duy trì và bảo tồn khu du lịch cho mai sau, nhưng hiện vì nhiều lý do nên chưa có đứa nào đồng ý. Trước mắt tôi vẫn mong tỉnh Quảng Bình có chính sách giúp đỡ, ít nhất cũng miễn thuế đất 10 năm để tôi dành tiền tiếp tục đầu tư tu bổ cho bảo tàng này. Chứ hiện tôi đang nợ tiền thuế thuê đất hơn 380 triệu đồng, khổ lắm...” - ông Liên thổ lộ.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình, nói: “Không phải nơi đâu cũng có được khu du lịch như của ông Liên. Nhưng để duy trì và phát triển lâu dài, kể cả mua thêm hiện vật mới thì phải có nguồn thu, có thể là từ bán vé hoặc từ các sản phẩm du lịch khác nữa. Như vậy ông Liên phải hoàn thiện nó và xin phép ủy ban tỉnh được bán vé, cũng như phải mở các dịch vụ du lịch khác và có thủ tục gửi ủy ban tỉnh để được hỗ trợ về chính sách đầu tư... Hoặc ông Liên nên liên kết với các doanh nghiệp làm du lịch khác để sinh lợi”.
Đồng ý kiến với ông Nguyễn Văn Kỳ, ông Trần Tiến Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho rằng: “Đây là một mô hình rất tốt, đầy tâm huyết và lâu nay tôi vẫn đánh giá rất cao. Nhưng một mình ông Liên không thể duy trì lâu dài được, vì vậy cần có bàn tay của những người làm du lịch chuyên nghiệp góp vào. Về phía tỉnh, sẽ tạo mọi điều kiện cho ông Liên như chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chính sách ưu đãi trong đầu tư để ông duy trì và phát triển khu du lịch này”.
Ở góc nhìn khách quan, lãnh đạo tỉnh khuyên vậy. Nhưng cùng với thời gian, cùng với sự thừa nhận của hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước, Vực Quành đã không chỉ là “của riêng”, là “việc nhà” của một cá nhân nào. Cùng góp phần làm nên sức hút lịch sử cho một vùng đất giàu có lịch sử như Quảng Bình cũng có thể là một việc chung của nhiều người, nhiều ngành.
LAM GIANG

CẢM ƠN BẠN CŨ : ĐÌNH THẮNG - LAM GIANG

Thứ Hai, 30/04/2012, 07:40 (GMT+7)

Đừng để ký ức lụi tàn

TT - Bốn năm trước, cùng vài bạn bè, chúng tôi tìm đến Vực Quành, không phải với tư cách những du khách thưởng ngoạn, càng không phải với tư cách nhà báo.
Những người bạn làm du lịch đi tìm tác giả, người đã phục dựng ký ức miền đất lửa Quảng Bình bằng chính tiền túi của mình, để cố gắng hình dung công thức mà TS Ernst Sagemueller (Đức) - một chuyên gia về du lịch, trong các khóa huấn luyện của mình - luôn cho không gian Vực Quành là chuẩn mực của du lịch sinh thái - lịch sử...
Ông Nguyễn Xuân Liên (phải) giới thiệu với khách tham quan về nhà hầm giữ trẻ ở Vực Quành (ảnh chụp năm 2009) - Ảnh: Lam Giang

Nhưng tất cả đều lắc đầu. Bởi chuẩn mực đó rất khó với tới được. Lý do: tác giả, cựu chiến binh trên chiến trường Quảng Bình Nguyễn Xuân Liên, khi phục dựng những ký ức chiến tranh như một bảo tàng sinh động, với tâm nguyện “trả một phần món nợ với mảnh đất này và các đồng đội tôi đã nằm lại đây vĩnh viễn”, đã tạo tác nên một Vực Quành trên tinh thần vô-vụ-lợi...
Những doanh nghiệp du lịch đi cùng đã lắc đầu. Cái lắc đầu ngưỡng phục.
Khi ngồi lại cùng nhau, chúng tôi thử đi tìm câu trả lời, vì sao một người chưa kinh qua một khóa đào tạo nào lại có thể chuyên nghiệp đến thế khi đến với du lịch. Câu trả lời cuối cùng vẫn không khác: tấm lòng vô vụ lợi!
Vực Quành, những năm tháng đó trở thành một điểm đến, không phải chỉ với du khách, không phải chỉ với người Quảng Bình...
Nhiều đoàn làm phim truyện về chiến tranh chọn Vực Quành làm phim trường: không phải tốn tiền phục dựng bất kỳ một tiểu cảnh nào, lại hoàn toàn miễn phí, chưa kể được hỗ trợ tối đa từ chủ nhân của nó.
Nhiều đạo diễn ca nhạc chọn Vực Quành để quay ngoại cảnh vì thiên nhiên đẹp, sạch, có nhà tranh vách lá, có sông, suối, chim muông...
Nhiều đôi uyên ương chọn Vực Quành để chụp hình cưới. Nhiều thầy cô giáo đưa học sinh đến Vực Quành để học bài học lịch sử trực quan về chiến tranh. Nhiều đoàn sinh viên chọn Vực Quành để kiến tập, thực tập...
Chưa thấy ai trở về mà không vừa ý.
Tất cả đều không tốn một xu.
Dĩ nhiên, làm du lịch chuyên nghiệp phải cần một nguồn thu, chí ít cũng để trùng tu, tôn tạo, nuôi sống bộ máy cơ hữu. Và “cái chết” của Vực Quành sẽ đến như tất yếu, trên chính tinh thần vô vụ lợi của tác giả (“Khu du lịch Vực Quành đang lụi dần”,  Tuổi Trẻ 28-4)...
Song, nếu hiểu rằng những ký ức máu lửa một thời sẽ dần khô kiệt, chỉ còn trong các nhà bảo tàng khép kín và trên những trang giấy đôi khi vô hồn, thì việc gìn giữ cho Vực Quành sống sinh động là điều mà những nhà du lịch, những người làm lịch sử, những ai có trách nhiệm... phải thật sự quan tâm.
Khái niệm bảo tàng sống (living museum) ra đời ở châu Âu và đang được nhân bản trên khắp thế giới. Khái niệm “sống” (living) ở đây nôm na là chính cộng đồng góp sức vào, gìn giữ, tôn tạo, phát triển... “Lợi nhuận” cuối cùng chính là việc lưu giữ ký ức, lưu giữ văn hóa và lịch sử, tạo nên thương hiệu và chắc chắn sẽ có tác động đến kinh tế.
Nếu Vực Quành trở thành một bảo tàng sống, nếu Vực Quành được quan tâm chăm chút như một thực thể của lịch sử, của du lịch, chứ không phải chỉ là 12ha đất tư nhân (trong đó 3ha dành làm khu bảo tàng) của một cá nhân, chắc chắn sẽ không có “cái chết” tức tưởi đang được dự báo.
Vẫn chưa muộn, nếu thật sự chính quyền sở tại hoặc những người làm du lịch chuyên nghiệp bằng tình cảm thật sự của mình cộng đồng trách nhiệm với Vực Quành.
ĐÌNH THẮNG

NỖI BUỒN 30/4 !


NGÀY 30/4 NHỚ VỀ EM TRAI NGUYỄN XUÂN CẢNH:

XA NHÀ ĐÃ 45 NĂM.

GIỜ ĐÂY, NGÀY NÀY EM ĐANG NẰM Ở NƠI ĐÂU ?


CẦU MONG NƠI EM YÊN NGHỈ KHÔNG CÓ "DỰ ÁN ĐƯỢC CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT"

ĐỂ NẮM XƯƠNG TÀN CỦA CON TRAI MẸ KHÔNG BỊ CHÚNG ĐÀO BỚI; HỦY HOẠI NHƯ Ở VĂN GIANG NGÀY 24/4.

" KHI TIỄN CON RA ĐI, MẸ CẦU MONG CON CỦA MẸ LÀNH LẶN, KHỎE MẠNH TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA ĐỂ MẸ VẪN LÀ MẸ CỦA CON.

MẸ KHÔNG MONG CON THÀNH LIỆT SĨ ĐỂ MẸ THÀNH MẸ LIỆT SĨ/MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG ! "