Đò dọc sông Gianh
NGỌC PHƯƠNG NAM. Trời ! Tôi đọc xong bài văn Đò dọc sông Gianh của thầy Hoàng Thái Sơn do anh Thanh Vân giới thiệu mà lặng người rưng rưng. Kỹ niệm Dòng sông quê hương ào ạt chảy về.Cha tôi là người chèo đó dọc sông Gianh từ ngã ba ráo Nan, nguồn Son vào chợ Tróc động Phong Nha và từ ngã ba sông này xuống cửa Hác, Phú Trịch, Ba Đồn lên lèn Bảng, Tuyên Hóa suốt từ năm 1954 đến năm 1968 khi ông bị bom Mỹ giết hại. Ông cũng đã cứu người chết đuối bị nạn và được ông thầy bói nổi tiếng Cao Lao Hạ tri ân tặng lời khuyên cho gia đình mình nay lập nghiệp đất phương Nam . Anh mẹt Phiếm nối tiếp công việc cha mình nhưng chỉ chèo đò ngang chợ Mới. Anh đã liều mình cứu sống chín học trò chìm đò và anh đã đổi bằng mạng sống. Vụ chìm đò ở Quảng Hải mới đây Nguyễn Quang Lập (con thầy Nguyễn Quang Đạng) có viết về Những con rạm bè sông Gianh và chuyến đò dọc cứu được gần một nữa số mạng người gặp nạn. Sông Gianh yêu thương, huyền thoại và lịch sử, suốt đời mình mang ơn. Biết bao buồn vui với mình bên dòng sông này mà mình chỉ mới viết được đôi dòng rụt rè ở Thầy bạn là lộc cuân cuộc đời. Cám ơn thầy Sơn. Cám ơn Thanh Vân. Cám ơn sự khơi dậy nguồn tâm thức của những người con xa xứ hướng về cội nguồn quê hương (lời bình và ảnh sông Gianh: HK).
ĐÔI BỜ SÔNG GIANH. Nhà văn Hoàng Thái Sơn là thầy giáo dạy văn của Thanh Vân thời học cấp ba . Thầy nguyên là Tổng biên tập tạp chí Nhật Lệ. Nhà thầy và nhà tôi cách nhau dòng sông Gianh với chuyến đò ngang thảnh thơi, buông mái chèo đợi khách. Đôi bờ sông Gianh, đò ngang bây giờ vẫn còn nhiều. Những chuyến đò dọc sông Gianh đã không còn nữa. Đò dọc chỉ còn trong trí nhớ những người đã lớn tuổi. Và khi lớp người này đi về với tổ tiên ông bà, đò dọc sông Gianh cũng theo họ biến mất khỏi cuộc sống những người hiện tại. Blog của tôi lấy tên Đôi bờ sông Gianh nhưng tôi nào viết được dòng nào về dòng sông tuổi thơ ấy. Qua anh Nguyễn Đình Chiến tôi vui mừng được gặp thầy cũ, và gặp được tuỳ bút Đò dọc sông Gianh của thầy. Xin trân trọng giới thiệu với bà con Xóm Lá bài tuỳ bút này này để cùng chiêm nghiệm một dòng sông lịch sử, một chuyến đò dọc rất thơ của một vùng quê nghèo khó. Bài tuỳ bút này thầy viết hộ những người viết sử tỉnh Quảng Bình và thay lời cho bao nhiêu người con sống bên bờ sông đã đi xa.
ĐÒ DỌC SÔNG GIANH
Hoàng Thái Sơn
Thuở bé tôi đã nhiều lần đi thuyền trên dòng sông này, nhưng phải xuôi đến Ba Đồn mới cảm nhận hết những gì dòng sông mang lại từ ngày ấu thơ đi hết cuộc đời vẫn nhớ.
Chợ Ba Đồn, gọi tắt là Chợ Đồn. Từ xưa đã có câu hát “Chợ Đồn một tháng ba phiên”. Chợ họp vào ba ngày 6, 16 và 26 âm lịch hàng tháng. Về sau do nhu cầu giao thông ngày càng cao, chợ tăng thêm ba phiên nữa, là các ngày 1, 10 và ngày cuối tháng âm lịch, câu ca trên thành thử đã lạc hậu rồi cùng rất nhiều thứ nay không còn bóng dáng…Chợ Đồn có những hấp dẫn riêng không mấy nơi có, và trong trí nhớ, trong cảm nhận mỗi người, mỗi lứa tuổi, mỗi vùng địa lí lại có cái riêng biệt. Như tôi ngày nhỏ, hay có mặt trên con đường quan chạy sát bìa rừng, nhiều lần thấy những ông lái bò lùa đàn bò năm ba con qua làng về chợ, nhưng hay hơn cả, là những ông lái chó mặc áo quần gụ, đội nón mê, tay cầm mấy chục sợi dây lùa đàn chó vừa chạy vừa nhìn ngó, có con kêu ăng ẳng, mà số phận được định đoạt ở mấy cái quán cầy Chợ Đồn bên cạnh chai rượu Tượng Sơn ngon nhức răng làm say khách đường xa…Đâu rồi những ông lái bò, những ông lái chó năm mươi năm trước thủng thẳng bước giữa trầm mặc cuộc đời, trong chầm chầm của con đường làng quê vương bóng chiều… Có nhiều bài viết hay về Chợ Đồn, nhưng tôi vẫn cứ muốn nói thêm về cái chợ tuyệt vời này, có lẽ một lần nào khác vậy.
Được đi Chợ Đồn bấy giờ còn sướng hơn đi siêu thị, thậm chí hơn đi du lịch thời nay. Cái thời không thông tin, không sách báo, không giải trí đó, bước ra khỏi luỹ tre làng là dịp hiếm. Làng tôi – làng Xuân Mai – cách chợ Đồn độ ba chục cây số thôi, nhưng ngày nhỏ tôi thấy thật xa xôi. Chính người lớn cũng cho là rất xa, và nếu nhìn lên vùng trên Đồng Lê, Thanh Lạng, Quy Đạt mây mù bao bọc, càng hiểu với họ, Chợ Đồn còn xa vời vợi. Thành thử chuẩn bị đi chợ đã là một thứ công việc. Cứ lấy một phiên chợ 16 chẳng hạn, mọi chuẩn bị đã bắt đầu từ ngày rằm rồi, chưa nói là hàng hoá có thứ phải lo trước cả năm; mẹ tôi làm nghề dệt vải, để có vải bán, không lo mọi việc cả năm thì gì. Từ sáng, mẹ tôi đã đi hỏi xem nốôc của ai phiên này sẽ đi “ăn chợ”, lại phải hỏi coi cái nốôc ấy có ghé ngang ghé tắt nơi nào nữa không, bởi nếu ghé, thì đến chợ có thể chậm và nhất là khi về, sẽ gặp khối thứ phiền hà. Ấy, cái sự kĩ càng của mẹ tôi là sự kĩ càng của một người đàn bà dày dạn kinh nghiệm sống, khi mọi chuyện trong nhà, từ cái ăn cái mặc tới mái tranh dột mưa, đêm hôm có trộm cắp…đều phải lo cả, vì ba tôi cả đời đi xa. Mẹ tôi hay đi nốôc của anh Mẹt Nậy, anh Cu Phúc hay anh Mẹt Liến; những nốôc này rộng, làm ăn khá, chủ nhân lại khoẻ và rất thành thạo nghề sông nước. Thường họ làm nghề buôn chuối, mít, bưởi bòng, mùa nào thức ấy. Có hôm tôi thấy trên mui những chiếc thuyền xuôi sông vàng rực một màu. Sản vật vùng quê tôi đó. Đến Tuyên Hóa, đi dọc đôi bờ sông Gianh mượt mà phù sa, bê dâu xanh ngắt, tre pheo vi vu trong gió, ta gặp cơ man những vườn cây ăn quả đặc màu trung du; đi lên vùng Huyện Nựu, Còi, Đá Sập lại thấy đỏ ngây ngất những vườn quýt làm ấm bầu trời mùa đông heo may gió lạnh…
Mặt trời gác núi, bóng lèn đổ xuống dòng sông lấp lánh ánh vàng trong ngọn gió nồm mát rượi. Con thuyền đã cắm nơi bến nước nhà tôi từ bao giờ, lúc chúng tôi đến, đã thấy như từng có con thuyền neo đậu bên mé nước cả ngàn năm nay. Trên thuyền lúc đó đã sẵn người, vài ông ngồi ngoài khoang uống nước, vài bà ngồi bên trong, lưng dựa vách nhai trầu. Ấy là các bà bao giờ cũng chu đáo, kĩ tính, bởi không kiếm chỗ trước, khi đông người, thì còn đâu vị trí ngon lành để lênh đênh trên thuyền suốt đêm dài ngủ gà ngủ gật.
Tôi và mẹ tôi bước lên cầu thuyền, một tấm ván mòn nhẵn bước chân một đầu đặt trên bãi cát, một đầu gác lên be thuyền. Con thuyền cứ neo đợi khách cho tận hoàng hôn, rồi người chủ thuyền nhổ sào, hạ chèo, thuyền trôi dần ra giữa dòng sông. Người đàn ông chèo lái, người đàn bà chèo mũi, đúng với cung cách chèo lái con thuyền đời trong một gia đình. Trời tối dần, gió thổi ngược chiều lùa vào tận mọi ngõ ngách trong lòng thuyền trong tiếng chèo khua nước chầm chậm, nhịp nhàng.
Ngồi trong thuyền, tôi đếm từng nhịp chèo, cứ nghĩ vẩn vơ xem thử mấy ngàn vạn nhịp thì đến Chợ Đồn, và hết đêm, trời hửng sáng. Ôi, tuổi thơ vời vợi xa xăm xuôi dòng sông quê trên những con thuyền chèo, rồi ngủ say trong hơi ấm mẹ hiền trong đêm yên tĩnh của trăng lên… Cũng không còn nhớ bao nhiêu đêm trên dòng sông quê, tôi say ngắm ánh trăng, phải thật lâu sau này, khi đã khôn lớn, từng trải, mới thấy trăng trên sông thật đẹp. Trong ánh đêm mờ tỏ, trong tiếng chèo khua lóc bóc, nhịp nhàng, trong cái dãi dề lênh láng của màn sáng bạc trên mặt nước lung linh và trong chút se lạnh dưới trời khuya mới cảm nhận hết trăng trong vẻ đẹp và nét buồn của nó, và cũng hiểu tại sao hồn thi sĩ lại gần trăng hơn ai hết.
Đêm đã khá khuya, song tôi vẫn chưa ngủ. Tôi luôn hỏi mẹ đến chỗ nào rồi, dù tôi đâu có biết những địa danh mẹ tôi nhắc tới, có những cái tên nghe sang lắm, như Lệ Sơn, Cồn Rồng, Hoà Ninh đầy chất văn chương, lại có cái tên rặt một màu ngôn ngữ Chàm, như Lò Độôc, Cồn Niệt, Kẻ Hác (cũng như Bù lu Kịn, Thác Nậy ở vùng thượng nguồn). Những tên làng thân thuộc ấy sống mãi trong tâm trí tôi đến tận bây giờ, dù ngày nay đã thay bằng tên mới.
Thuyền xuôi về một vùng sông trăng, mênh mông, trong ánh mờ của đêm ta vẫn cảm nhận được cái khoáng đạt của gió và tiếng sóng to dần. Tôi gục đầu vào gối mẹ, thiu thiu. Mẹ tôi vỗ vỗ vào vai tôi, bảo:
- Con có biết đò đến nơi nào rồi không?
Dĩ nhiên tôi làm sao biết. Mẹ tôi chỉ vào bóng đêm nói nho nhỏ:
- Làng của ông mệ ngoại con đó tề.
Nghe thế, tôi chồm dậy, đưa mắt theo hướng mẹ chỉ. Thì ra Cồn Quan là đây, đó là một làng đảo bởi dòng sông Gianh đoạn này rẽ làm hai, một bên là làng Tiên Lễ, một bên là làng Tiên Lang. Trong bóng đêm mờ ảo, tôi thấy những ngọn lửa đèn dưới những tàng cây lúp xúp, một cái tháp chuông nhà thờ bên bờ sông, vài cái chòi rớ…Thủa bé, tôi từng về quê ngoại, và những ấn tượng ban đầu sẽ không phai mờ cho đến mãi sau này. Ngôi nhà ông ngoại tôi thuộc loại to nhất vùng, có tường xây, có căn gác có cái cầu thang gỗ lim…Ông tôi làm thuốc bắc, con cái học hành đến nơi cả, chỉ riêng mẹ tôi chịu thiệt thòi theo nếp xưa ,con gái lớn lên học nghề canh cửi rồi đi lấy chồng! Tôi viết lách nhì nhằng lắm thứ, vẫn đau đáu nghĩ suy về quê ngoại, nhưng chưa trang viết nào nên hồn, trở thành món nợ day dứt cả đời!
Bất cứ dòng sông nào nếu đi ra biển, bao giờ cũng có nơi chung đụng giữa hai con nước, là nước mặn và nước ngọt, dân gian gọi là nước lợ. Đó là vùng nước thay đổi theo mùa, thường mùa mưa đẩy lùi nước mặn xuống, mùa khô nước mặn dâng cao, lại còn theo con nước xuống lên, cũng tình trạng ấy. Sông Gianh, vùng nước lợ độ khoảng làng Tiên Lễ là trung tâm, từ đó xuống lên theo mùa, theo con trăng và con nước. Cá tôm nước lợ ngon nhất, đó cũng là vùng nhiều giống thuỷ sản nhất trên sông…Thuyền về đến đây, ta ngửi thấy mùi tanh của những bãi bần đang rút nước xuống để trơ những vùng sình lầy phơi ra những vỏ hàu, vỏ hến, đặc biệt là vỏ chắt chắt, không biết nơi khác gọi là gì, tôi chưa đọc thấy, nhưng gọi là chắt thì đúng quá, vì nó bé tí. Có lẽ chưa ai viết về cái con vật nhỏ tí hin mà cực ngon này? Nhớ ngày nhỏ thỉnh thoảng được một bữa canh chắt chắt nấu với mít non, lá lốt băm nhỏ giữa trưa hè nóng bức bảo đảm ngon hơn gì hết…Trong bóng trăng đang nhạt dần, trong ảo mờ và âm u của trùng đêm, ta nghe rõ tiếng khua chèo, tiếng sóng lúc một to và gió sông lồng lộng; bóng người lái đò lặng lẽ gập xuống ngẫng lên chầm chầm, đều đều nhịp đời sông nước xa xưa ngày nay không còn nữa.
Xa xa hai bên bờ sông nghe rõ dần tiếng gõ chài đuổi cá. Vậy là con nước bắt đầu lên, đó là lúc các loài cá tôm theo con nước vào bờ tìm cái ăn ở các bãi bến. Cái tiếng gõ chài ấy cũng là dấu ấn một thời nay đố ai còn nghe thấy, nó lang canh, thưa thớt rồi dồn dập như sóng như gió vào lúc cao trào, đấy là một khúc hoà tấu hoàn hảo của một dàn bộ gõ nhiều âm sắc rất vang động. Trong thuyền, im ắng bao trùm, chỉ đâu đó lập loè ánh lửa từ một điếu thuốc vấn, một vài tiếng ngáy ngủ…Tôi cũng bỏ nước bỏ trăng, vùi mình bên cạnh mẹ trong giấc ngủ say.
Lang thang một buổi sáng, thức tròn một buổi trưa với Chợ Đồn chật chội, ồn ào rồi con thuyền lại chở những người đi ăn chợ trở lên vùng trên. Đầy sông là những cánh buồm, rất nhiều màu sắc, nhiều hình dáng, kích cỡ, cái thong thả, cái như vội vàng, tất cả đều hứng ngọn gió nồm lồng lộng no tròn, căng những sợi dây neo. Tôi ra đầu mũi thuyền ngồi, căng mắt nhìn không chán. Chiếc thuyền tôi đang đi cũng đã căng buồm từ bao giờ không rõ. Một cánh buồm nâu giang rộng ngự trên đầu tôi, nghe rõ tiếng reo phần phật. Con thuyền chòng chành khi gặp gió to, sóng chồm lên táp lên mạn thuyền, rồi đó, nó lại lao đi hình như nhanh hơn…
Tôi vô cùng thích thú trước phong cảnh như tranh vẽ từ núi non, cây cối, thôn làng, bến nước vùng hạ lưu thoai thoải, mênh mang, đi lên vùng trung lưu bờ dốc dần lên hai bên, và càng đi lên phía thượng nguồn dòng sông càng thu hẹp lại giữa đôi bờ cao thăm thẳm. Từ bên triền sông, thảng hoặc ta lại gặp một cánh diều vút bay cao, một ngọn khói xanh vằn vèo bay lên, có thể khói đốt rơm rạ, khói xảm thuyền, cái ngọn khói ấy như đã có tự bao đời nay, bên bờ sông ấy, đúng cái nơi ấy, cứ chiều chiều lại vương vấn bay lên tựa một nét hoa văn…
Bây giờ ngồi nhớ lại dòng sông quê trong hồi tưởng, tôi thấy se lòng trước rất nhiều thay đổi. Dĩ nhiên, công cuộc đổi mới đã mang lại cuộc sống văn minh hơn, no đủ hơn, tốc độ hơn, nhưng lại mất đi nhiều kỉ niệm, mà con người ta, không có kỉ niệm ở đời, cũng nghèo tâm hồn đi nhiều lắm. Đời mỗi người lẽ nào lại thiếu vắng tấm lòng mẹ, và một thôn làng, một dòng sông, và những cánh buồm? Với tôi, từng có tất cả và tất cả nay đã xa mờ: người mẹ vô vàn thương yêu đã về theo tiên tổ, mảnh làng quê và dòng sông tuổi thơ đã biến mất trong di biến đổi dời, và những cánh buồm trên dòng sông quê một thời nay không còn nữa, đã tan tác trong lòng biết bao thế hệ người dân lớn lên bên đôi bờ con sông chảy phía trước nhà!…Năm kia, tôi cùng mấy nhà văn dong thuyền đi dọc hết con sông Son, sau đó lại đi lên thượng nguồn dòng sông Gianh trong cảm thức vui buồn lẫn lộn: những dấu vết cuộc sống ngày xưa thương mến đã biến mất, trong đó có sự biến mất những cánh buồm thắm đỏ, những cánh buồm trắng, những cánh buồm nâu thong thả lướt đi trong êm đềm thơ mộng! Những cánh buồm hay những mảnh hồn? Tôi chợt nhớ câu thơ tài hoa của nhà thơ Tế Hanh “Cánh buồm dương to như mảnh hồn làng”, bỗng bâng khuâng nhớ về dòng sông Gianh những chiều nồm lồng lộng buồm lên phơi phới, và giờ đây thay vào đó là tiếng máy nổ vô hồn đưa những con thuyền xuôi ngược. Dòng sông, cũng quá nhiều thay đổi; nhiều đoạn nông sờ, rong rêu, những lồng cá nuôi đục nước, và tanh nồng. Làng xóm ven bờ cũng không như xưa trong nét trầm mặc nghìn năm; những ngọn núi đá cao vút,thơ mộng đang bị khai thác trong tiếng mìn nổ và bụi mù che phủ bầu trời. Đâu còn bóng những hòn lèn đẹp màu men sứ tranh thuỷ mặc lấp loáng trên dòng Gianh biếc nắng. Đâu rồi chiều cố hương núi xanh sắc núi trời xanh sắc trời, có mẹ già ra sông gánh nước, bóng mẹ lồng bóng sông khảm vào lòng con!…
Bây giờ không còn ý niệm đò dọc trên dòng sông quê nữa, nó thuộc về quá vãng, những con thuyền chèo tay, những anh Mẹt, chị Cu, những bác trai bác gái ngái ngủ chèo thuyền với hai bàn chân choãi ngón không còn nữa, rất nhiều người đã quên hẳn, rất nhiều người chưa từng biết đến, tuy vậy, cũng nhiều người thỉnh thoảng ngồi nhớ lại trong tâm trạng bâng khuâng.
Đi dọc sông Gianh – những ai sinh vào thời máy tính nối mạng, di động cầm tay, hãy tin rằng từng có một thời xa xưa có những chuyến đò dọc xuống lên dòng sông này với những bàn tay chèo chống và buồm căng giữa chậm rãi nhịp đời, lại mong rằng những ai từng biết đến, từng cảm nhận hãy giữ gìn trong tìm thức để dòng sông thân yêu ấy có hiện tại và quá khứ khiến nó thêm giàu sức sống trong lòng những con dân lớn lên, sinh sống ở đôi bờ, nhất là với bao người từ đó đi xa..
http://hoangkimvietnam.wordpress.com/2011/12/17/do-d%E1%BB%8Dc-song-gianh/