Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Làng bảo tàng chiến tranh ở Quảng Bình

Nhà tranh với mái hầm
chữ A tránh bom.
Ông Nguyễn Xuân Liên (Quảng Bình) đã có ý tưởng tái dựng lại làng bảo tàng chiến tranh ở vực Quành, xã Nghĩa Ninh, phía tây thị xã Đồng Hới. Với ông, đó là cách tốt nhất để lưu giữ ký ức một thời chiến tranh gian khổ.

Chiến tranh đã đi qua 30 năm, những con người của một thời máu lửa có nhiều cách khác nhau để lưu giữ ký ức hào hùng của mình. Ông Nguyễn Xuân Liên, với ý tưởng tái dựng lại Làng bảo tàng chiến tranh ở vực Quành, xã Nghĩa Ninh, phía tây thị xã Đồng Hới, Quảng Bình là một trong những người như thế.

Có diện tích 10 ha, ngôi làng  tái hiện không gian chiến tranh, nơi từng có các tuyến đưa giao liên đi qua, có ống dẫn xăng dầu của Đoàn 559 đưa vào phục vụ chiến trường miền nam, có trạm quân y dã chiến và giữa mảnh đất này là ụ pháo phòng không 12 ly 7. Ngôi làng được bắt đầu xây dựng từ tháng 7-2003,  giờ là quần thể với những mái nhà tranh cổ truyền của người dân Quảng Bình. Những căn hầm chữ A được sử dụng làm phòng mổ, nhà điều trị của quân y, dân y, hội trường, lớp học, kho gạo, hệ thống hầm hào, bến phà dã chiến, đường giao liên và cả một hố bom tấn Mỹ to đùng, dấu tích vừa tái dựng còn nguyên mầu đất rừng.


Nhà trẻ thời chiến.
Trong căn hầm nửa nồi nửa chìm khác là nhà trẻ thời chiến. Ông Liên giới thiệu những chiếc nôi trẻ đong đưa làm khách gợi nhớ Quảng Bình của những năm tháng chiến tranh ác liệt. Mảnh đất lửa từng là hậu phương lớn, nơi tập kết bộ đội: lương thực, đạn dược cung cấp cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa là tiền tuyến hằng ngày nhận hàng ngàn trái bom của Mỹ ném xuống trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc từ 1964 đến 1968.

Không tuân theo những nguyên tắc làm bảo tàng thông thường, bằng ký ức của mình với sự giúp đỡ của bạn bè, ông Liên đã cùng chính những người dân sống nơi đây xây dựng lại làng. Và chỉ có họ mới có thể giúp ông tái dựng lại một thời "mưa bom bão đạn" thực sự sống động và chân thực nhất.


Căn bếp thời chiến.
Chiếc đèn dầu hỏa từ vỏ bom bi, hòm đựng gạo, xẻng đào hào mòn vẹt, những cánh cửa bị đạn bom băm nát, chiếc xe đạp có bình điện dùng chiếu sáng trong hầm mổ dã chiến... Đó chính là những kỷ vật của biết bao con người từng chống chọi và sinh tồn giữa mưa bom bão đạn trao tặng cho ông, bởi đơn giản nó sẽ mang thêm giá trị khi được đặt đúng trong ngôi làng này. Bên cạnh đó, ông còn mời một số người dân địa phương về sống trong chính những căn nhà ấy, vừa để có thu nhập, vừa thổi hồn quá khứ vào ngôi làng.

Ông Liên cho dựng sáu căn nhà do chính ông cất công mua từ nông thôn huyện Quảng Trạch về. Đó là những căn nhà rường, lợp ngói liệt hoặc tranh nguyên nếp xưa của người dân Quảng Bình. Sâu chút nữa là bốn căn nhà khác được lợp tranh, trét vách bằng rơm trộn đất sét bùn theo truyền thống của người địa phương nơi đây. Sau hồi nhà của mỗi căn có làm thêm một chiếc hầm chữ A tránh bom.

Dù chưa hoàn chỉnh nhưng làng bảo tàng chiến tranh đã có nhiều du khách dừng chân sau khi đã ghé thăm di sản văn hóa thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Xin trích dòng cảm xúc của một bạn trẻ: "Nếu ai đã từng đổ xương máu vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đã từng mất mát người thân, nhà cửa, ruộng vườn khi đến đây sẽ bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm xưa để ấm lòng hơn, để thương yêu quý trọng nhau hơn trong hiện tại. Nếu ai chưa từng biết đến những gian lao, hy sinh cao cả của lớp người đi trước, xin hãy đến đây để được hiểu thêm quá khứ qua những mái tranh vách đất đầy sự thật này".
Theo Người đẹp Việt Nam
file:///I:/Bao%20%20Vuc%20Quanh/Nhan%20Dan%20---%20Trang%20tin%20b%C3%A0i%201.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét