Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

ĐẢNG TA THẬT SÁNG SUỐT : NHỜ ƠN ĐẢNG ĐÃ CHỈ CHO TA BIẾT BỌN THAM NHŨNG Ở ĐÂU.

Báo cáo kết quả điều tra tham nhũng ở Việt Nam:

10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất

Thứ Tư, 30/11/2005 10:25

Lần đầu tiên, một danh sách 10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất đã được công bố, trong đó ba cơ quan dẫn đầu là: Địa chính nhà đất; Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu; và cảnh sát giao thông. Danh sách do Ban Nội chính TW Đảng công bố ngày hôm nay, 30-11.

Người quen cũng không chừa!
Trong danh sách này, có thể kể thêm: Cơ quan tài chính, thuế; Cơ quan quản lý/các đơn vị trong ngành xây dựng; Cơ quan cấp phép xây dựng; y tế; cơ quan kế hoạch và đầu tư; cơ quan quản lý/các đơn vị trong ngành giao thông; công an kinh tế.
Nhóm nghiên cứu đã “bầu chọn” danh sách này từ đánh giá của các nhóm xã hội về mức độ tham nhũng ở 21 cơ quan công quyền và dịch vụ công.
Một so sánh thú vị về tỷ lệ cán bộ, công chức đánh giá tình trạng tham nhũng ở mức “rất phổ biến hoặc tương đối phổ biến” đối với cơ quan báo đài và Địa chính-nhà đất ở Hà Nội, là 8,6% cho báo đài (có tỷ lệ đánh giá thấp nhất) và 66,5% cho Địa chính-nhà đất (có tỷ lệ đánh giá cao nhất).
Những hành vi tham nhũng nào thường xảy ra trong các cơ quan ở danh sách “top ten” nêu trên?
Từ những quy định trong Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998, nhóm nghiên cứu đã cụ thể hoá thành 17 hành vi tham nhũng. Ở 7 tỉnh mà nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra đã có một tỷ lệ đáng kể cán bộ công chức thừa nhận đã gặp cả 17 hành vi trong một năm qua.
Còn ở 3 Bộ, các cán bộ công chức tuy chưa chứng kiến xảy ra tất cả 17 hành vi tham nhũng nhưng cũng đã gặp trên 10 loại hành vi tham nhũng trong năm.
Đặc biệt phổ biến là: “Sử dụng phương tiện của cơ quan phục vụ nhu cầu riêng của cá nhân hoặc gia đình”.

Ở cả 3 Bộ đều có trên 40% số công chức được hỏi cho biết họ đã chứng kiến hành vi “Người có chức vụ, quyền hạn cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc để buộc người cần giải quyết phải chi tiền hoặc quà biếu”.
Trong các hành vi tham nhũng, thì hành vi: “Gọi điện, viết thư tay can thiệp nhằm mưu lợi cho người thân quen khá phổ biến. Tỷ lệ công chức chứng kiến hành vi này, tính chung trong 7 tỉnh là 24,6% (tức khoảng 1/4 số người được hỏi và gần 30% số người trả lời).
Gọi điện, viết thư tay, nếu dẫn đến hành vi tham nhũng bị phát hiện thì tác giả của những cú điện thoại, những bức thư này là “vô can” vì về mặt hình thức, gọi điện, viết thư tay không phải là văn bản pháp lý (về mặt nội dung, họ đủ trình độ để viết sao cho đạt được mục đích nhưng tránh né được pháp luật).
Các hành vi tham nhũng được che giấu bởi các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng “thật 100%”, nhưng đằng sau là các thỏa thuận ngầm mà cơ quan bảo vệ pháp luật rất khó kiểm tra, phát hiện.
Chẳng hạn, hình thức “thỏa thuận tăng giá trị hợp đồng để nhận tiền trích % từ bên B” được 35,7% công chức Bộ GT &VT, 30,07% công chức tỉnh Sơn La chứng kiến. Nếu tính chung ở 7 tỉnh, 3 Bộ thì tỷ lệ này là 20,9%!
Vừa tinh vi, tham nhũng lại vừa trắng trợn thể hiện ở chỗ: Người nhận hối lộ không cần che giấu. Họ nhận cả của người quen, để giải quyết công việc nào đó, tức là không sợ tố cáo, không cần che giấu danh tính, địa chỉ của mình.
Theo thống kê, đa số (khoảng 60-70%) người nhận tham nhũng nhận tiền, quà của người quen ở các mức độ khác nhau, trong đó quen lâu năm cũng lên tới10%! Điều đáng lo ngại là nhóm nghiên cứu nhận định khoảng 1/3 cán bộ công chức có thể nhận hối lộ nếu có người đưa.
Chống tham nhũng không hiệu quả vì chưa quyết tâm
Mặc dù cho rằng tham nhũng về cơ bản là hành vi riêng lẻ của từng cá nhân, nhưng nhóm nghiên cứu cũng đi đến nhận định một số trường hợp tham nhũng mang tính tập thể, liên kết thành mạng lưới. Rất khó xác định hành vi tham nhũng là của tập thể hay chỉ là một cá nhân.
Tuy nhiên, ở những nơi nhũng nhiễu, lấy tiền của dân phổ biến hơn thì tỷ lệ cho hành vi cá nhân thường cao nhất, còn ở những vụ lớn, dễ lộ như đất đai (Vụ Đồ Sơn, vụ đảo Phú Quốc…) thì tham nhũng lại thường mang tính tập thể.
Ngay công chức cũng có tới 38% hoàn toàn đồng ý rằng “Do bè cánh, nếu ai không tham nhũng sẽ bị loại ra”. Minh chứng cho tính liên kết, theo kết quả điều tra có tới 21,8% công chức cho rằng trong năm qua đã chứng kiến hiện tượng cấp trên bao che, bảo lãnh cho người vi phạm; Tương tự, 24,6% chứng kiến các quan chức gọi điện, viết thư tay can thiệp vào các vụ việc nhằm giảm nhẹ hoặc gỡ tội cho kẻ vi phạm.
Đối với chủ thể của hành vi tham nhũng, nhóm nghiên cứu cho rằng những người nhận hối lộ đa số là nam giới; đa số là trung niên; những người tham nhũng không nhất thiết phải có chức vụ; tham nhũng xảy ra ở nhiều cấp; và tuyệt đại bộ phận những người tham nhũng là do lòng tham chứ không phải do thu nhập thấp hoặc nghèo đói.
Về hậu quả của tham nhũng, nhóm nghiên cứu đã có nhận định: “Mục đích cuối cùng của những người tham nhũng là làm giàu và giàu hơn nữa, nên tham nhũng không có giới hạn cuối cùng. Nó tăng lên cùng cơ hội.
Chính vì vậy, tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị chiếm đoạt tăng dần theo “cấp số nhân”, từ tiền tỷ ở cấp xã đến hàng trăm tỷ trong phạm vi cả nước.
Ngoài thất thoát ở các địa phương, tham nhũng ở các ngành mới là điều đáng kể. Nếu như khoản tiền mà doanh nghiệp bị mất do tệ tham nhũng được coi là chi phí “đen” trong tổng số chi phí của doanh nghiệp, thì theo
Nhóm nghiên cứu hầu hết cán bộ doanh nghiệp đều biết doanh nghiệp của mình hàng năm vẫn có khoản chi phí không chính thức, bất hợp pháp, chỉ có điều là họ không thể biết được chính xác là bao nhiêu.
Đáng chú ý là 8% cán bộ doanh nghiệp đánh giá những khoản chi không chính thức chiếm từ 1% đến trên 10% tổng chi phí, riêng TP.HCM lên đến 13%. Tham nhũng làm cho doanh nghiệp mất chữ tín, chữ tài (tài chính), chữ thời (thời cơ và giới hạn), nghĩa là làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dự án “Nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng”. Cơ quan thực hiện: Ban Nội chính Trung ương. Cơ quan tài trợ: SIDA - Thụy điển.
Nhóm nghiên cứu (chuyên gia trong nước và tư vấn Thụy Điển) đã thực hiện điều tra về tình hình tham nhũng và phòng chống tham nhũng ở 7 tỉnh/thành phố: Sơn La, Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, TPHCM, Đồng Tháp và 3 Bộ: Công nghiệp; Xây Dựng, GT-VT.
Đây là cuộc điều tra về nhận thức, hiểu biết, thái độ, đánh giá của người dân và cán bộ về vấn đề tham nhũng.
Khi đề cập đến nguyên nhân của tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, nhóm nghiên cứu đã trích dẫn phát biểu của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào trong báo cáo của mình như sau: “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người”.
Một câu hỏi cần đặt ra là: Vì sao ở nước ta có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Luật, Pháp lệnh, Nghị định…của Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng; Chúng ta từng có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, bên cạnh đó, bộ máy Đảng và Nhà nước có đầy đủ các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử có chức năng phòng, chống tham nhũng; Đảng và Nhà nước cũng đã phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ tham nhũng, hàng vạn cán bộ, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn nặng nề và kết quả phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế?
Đại đa số các nhóm xã hội đều thống nhất đánh giá người có trách nhiệm chưa quyết tâm chống tham nhũng sẽ gây hạn chế lớn đến thành công của sự nghiệp này.
Trên 80% cán bộ công chức và cán bộ doanh nghiệp (tỷ lệ cao nhất) thống nhất với nhận định như vậy. Đối với người dân, tỷ lệ này xếp thứ hai, nhưng cũng đạt tới 78,1% và gần sát với tỷ lệ cao nhất (78,3% chọn “xử lý chưa nghiêm minh người tham nhũng làm nguyên nhân số 1).
Song, việc xử lý chưa nghiêm minh người tham nhũng cũng chỉ là một biểu hiện của quyết tâm chống tham nhũng chưa cao” mà thôi.
Theo Tiền Phong