Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

THỰC THI LUẬT ĐẤT ĐAI...

GS Đặng Hùng Võ: Để thực thi nghiêm pháp luật đất đai

Tháng Hai 3, 2012
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ
 
 
 

Vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua làm chúng ta đau lòng. Các hành vi sai trái đều phải bị xử nghiêm theo pháp luật. Việc giải quyết phải đúng với tinh thần của một nhà nước pháp quyền. Nhưng những sai trái về thực thi pháp luật đất đai ở địa phương, cách phản ứng trái pháp luật của người dân ở địa phương đang làm đau đầu chúng ta. Làm gì để hoàn thiện pháp luật đất đai và thực thi nghiêm pháp luật trong thực tế là một việc lớn, nhất là vào thời điểm Quốc hội đang chuẩn bị xem xét thông qua Luật Đất đai mới.
Thời hạn 20 năm sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được quy định tại Luật Đất đai 1993. Luật này cũng có quy định về việc được gia hạn khi sử dụng đất có hiệu quả. Khi Bộ Chính trị tổ chức tổng kết 10 năm thi hành chính sách, pháp luật đất đai vào năm 2001-2002, vấn đề thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được đưa ra xem xét như một trọng điểm do tính phức tạp của vấn đề đất đai. Khi hết thời hạn mà quy định là sẽ được gia hạn nếu sử dụng đất “có hiệu quả” thì ai là người kết luận về hiệu quả. Như vậy, để được kết luận đất của mình sử dụng có hiệu quả thì người nông dân lại phải “cầu cạnh” tới chính quyền huyện và xã. Nguy cơ tham nhũng sẽ nảy sinh, làm cho người nông dân không yên tâm. Hầu hết ý kiến đều cho rằng pháp luật phải có quy định cụ thể là hết thời hạn thì làm gì.
Lúc đó có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Một luồng là khi hết thời hạn thì chia lại ruộng đất, tức là làm lại cải cách ruộng đất vì lý do có người mới sinh ra, có người đã chết đi, có người không làm nông nghiệp nữa, có người quyết định về quê làm ruộng. Luồng ý kiến thứ hai là kéo dài thời hạn, thậm chí là kéo tới vô hạn để thị trường điều tiết mọi việc tiếp theo. Luồng ý kiến nào cũng có mặt hợp lý và có mặt không hợp lý. Điều khó xử là tỷ lệ hai luồng ý kiến này ngang nhau 50/50. Vấn đề lớn này không quyết định được tại Hội nghị Ban Chấp hàng Trung ương lần thứ 7, Khóa IX khi thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TƯ (2002) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên thực tế, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa khá nhiều ý kiến về bất cập của thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hiện nay. Người muốn đầu tư lớn cho nghề nông không dám bỏ tiền ra tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng. Làm lớn mà lâm vào cảnh như gia đình ông Vươn ở Tiên Lãng thì tan nát hết. Sự đau lòng ở Tiên Lãng đã chỉ ra rằng nếu không giải quyết thấu đáo về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp thì không có động lực để giải quyết vấn đề Tam nông.
Một điểm nhạy cảm tiếp theo là cách thức Nhà nước thu hồi đất, thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với đất đai đang được người nông dân sử dụng hiệu quả. Người nông dân đã gắn mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của mình trên mảnh đất được giao. Rồi một ngày bị thu hồi đất trái pháp luật, coi như mọi thứ trở thành số “0”. Những gì đã xảy ra ở vùng đất những người nông dân đã khai phá, thuần dưỡng đất bãi bồi ven biển ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về thực thi pháp luật về thu hồi đất đai hiện nay ở địa phương.
Nhiều cơ quan hành chính ở địa phương có quan niệm rất sai về cơ chế nhà nước thu hồi đất. Đã có rất nhiều ý kiến phản ảnh rằng các cán bộ thừa hành ở cấp huyện hay nói “Nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu”. Đây là một cách nói vừa thể hiện kém hiểu biết pháp luật và cũng làm mất uy tín của Nhà nước ta. Cơ chế nhà nước thu hồi đất phải được thực hiện theo đúng pháp luật. Lý do phải đúng và trình tự, thủ tục phải rõ ràng. Không thể có quyền lực thu hồi đất nào lại “vô biên” như trong cách nói như vậy. Việc cưỡng chế thu hồi đất cũng vậy. Việc này hệ trọng lắm, không thể làm nhanh được. “Dục tốc” thường “bất đạt”. Thu hồi đất là chính quyền lấy đất của dân – nguyên tắc thuyết phục và đồng thuận cần được đặt lên hàng đầu.
Điểm nhạy cảm thứ ba là cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính của dân sao cho hiệu quả. Chủ trương hiện nay đang tập trung đẩy mạnh việc nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền. Việc tập trung giao cho tòa án giải quyết mọi khiếu kiện về đất đai, không để các khiếu kiện này tràn lên trung ương là một chủ trương đúng nhưng cần có lộ trình phù hợp cho nông thôn. Trong vụ việc ở Tiên Lãng, người dân đã khởi kiện lên tòa án huyện nhưng thua kiện, khởi kiện tiếp lên tòa án tỉnh thì được khuyến khích thỏa thuận. Chưa làm theo đúng tinh thần thỏa thuận thì chính quyền đã cưỡng chế. Vậy người dân có thể tìm công lý ở đâu khi mọi cánh cửa đều đã đóng.
Cái sai về thực thi pháp luật đất đai ở Tiên Lãng rất dễ nhận ra, người dân cũng biết. UBND nói không sai, có thể hiểu được vì lý do cán bộ không dám tự phê bình. Điều quan trọng hơn cả là tại sao hai cấp tòa án cũng không nhận ra? Đây là một điều cần suy nghĩ để xác định lại giải pháp giải quyết khiếu kiện của dân. Trong một thời gian nhất định, các cơ quan chuyên môn ở trung ương phải vào cuộc để bảo đảm tính khách quan trong giải quyết, khắc phục sự bất cập về nhân lực của hệ thống tòa án, nhằm thực sự bảo vệ được quyền lợi của dân. Việc giải quyết khiếu nại hành chính của dân về đất đai cần thực hiện đúng như Luật Khiếu nại vừa được Quốc hội thông qua, không nên tách thành quy định riêng trong Luật Đất đai theo hướng không cho khiếu nại lên các cơ quan trung ương.
Một việc gây nên hậu quả rất nghiêm trọng ở Tiên Lãng, trải qua gần sáu năm, mà không thấy sự xuất hiện của công tác kiểm tra của cấp thành phố, cũng không thấy có tác động của HĐND huyện. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương chưa thực hiện được bao nhiêu. Đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật rất nặng nề, cần tới một cách làm thực chất, cụ thể, minh bạch. Nhất là khi đã biết rõ sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm thiệt hại đến quyền lợi của dân.
Chính quyền giữ chữ “tín” với dân là cốt lõi của công việc quản lý đất nước. Lòng dân không bao giờ mua được, chỉ có thể đổi được bằng chữ “tín” của chính quyền. Ở Tiên Lãng đã xảy ra những việc làm của huyện mà người dân không tin.
Vấn đề đất đai cho nông dân không hề đơn giản. Hơn 70% dân ta vẫn đang sống ở nông thôn. Việc xây dựng một xã hội nông thôn tốt đẹp đóng vai trò rất lớn để bảo đảm bền vững trong quá trình phát triển, đó là bền vững xã hội. Những gì đã xảy ra ở Tiên Lãng vừa qua là đau lòng, những sự việc đó có tính phê phán rất lớn. Đó cũng là dấu hiệu để những người có trách nhiệm biết cụ thể hơn tầm quan trọng của chính sách đất đai nông nghiệp hiện nay. Việc hoàn thiện pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp còn rất nặng nề trước mắt.
Hai cái sai của chính quyền Tiên Lãng
Pháp luật về đất đai ở nước ta chưa bao giờ cho cấp huyện có thẩm quyền quy định về thời hạn và hạn điền, thế mà Tiên Lãng dám tự quy định. Theo Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 về việc ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp quy định thống nhất thời hạn sử dụng đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm. Nếu đất được giao từ ngày 15-10-1993 trở về trước thì thời hạn được tính thống nhất từ ngày 15-10-1993, nếu đất được giao sau ngày 15-10-1993 thì tính từ ngày giao (quy định hồi tố về thời hạn sử dụng đất). Đây là chính sách rất lớn về đất đai của Đảng và Nhà nước ta.
Các quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng có căn cứ vào hết thời hạn mà không được gia hạn. Trong khi đó, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 về thi hành Luật Đất đai (khoản 1 điều 34) quy định rằng khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), trừ một số trường hợp Nhà nước có quyết định thu hồi đất nhưng không trừ trường hợp Nhà nước thu hồi vì hết thời hạn. Đó là cái sai cơ bản thứ hai của chính quyền Tiên Lãng so với pháp luật hiện hành. Tiên Lãng đã tự quyết định trước cả những quyết định lớn về “làm gì khi hết thời hạn sử dụng đất của nông dân” mà Quốc hội sẽ quyết định trước ngày 15-10-2013.
Theo TBKTSG

QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT ĐAI

Sở hữu đất đai nhìn từ vụ Tiên Lãng

Nguyên Tấn

(TBKTSG) – Xung quanh chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã có nhiều ý kiến tranh luận, đề nghị xem xét sửa đổi. Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất, gây xôn xao dư luận ở Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra mới đây lại một lần nữa gợi lên không ít khía cạnh liên quan đến vấn đề trên.
Đầm nuôi thủy sản và tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tan hoang sau vụ cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: Huy Hoàng
Đầm nuôi thủy sản và tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tan hoang sau vụ cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: Huy Hoàng
Theo LS. Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xuất hiện lần đầu tiên trong Hiến pháp 1980 khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai thực ra không phải được hình thành dựa trên một nền tảng lý luận khoa học nào cả mà chỉ là từ ý kiến của một vài vị lãnh đạo sau thời kỳ miền Nam vừa giải phóng.
Thật vậy, Hiến pháp 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn thừa nhận “bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân” (điều 14) và chỉ coi “đất hoang” mới thuộc sở hữu toàn dân (điều 12). Đến Hiến pháp 1980 và sau này Hiến pháp 1992 kế thừa thì đất đai (toàn bộ đất đai nói chung) được tuyên bố là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, trải qua 20 năm, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã bộc lộ vô vàn bất cập mà theo các chuyên gia vụ Tiên Lãng xảy ra vừa qua là một ví dụ cụ thể.
Cũng như nhiều vụ thu hồi đất tương tự, vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy với quyền can thiệp rất lớn của Nhà nước (ở đây là cấp huyện) vào đất đai, quyền đó có thể dễ dàng bị lạm dụng. Theo Luật Đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được trao những quyền định đoạt đối với đất đai như: quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; định giá đất; thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… “Vì được trao quyền định đoạt, Nhà nước có thể thu hồi, giải tỏa đất bất cứ lúc nào nếu Nhà nước muốn với giá đền bù rẻ mạt và điều nghịch lý là việc thu hồi đó lại được xem là hợp pháp”, LS. Trương Thanh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải, nói với TBKTSG. Ông dẫn chứng một trường hợp ông biết rõ, trong đó căn nhà thuộc diện bị giải tỏa bởi dự án 1.000 năm Thăng Long có giá đền bù tối đa 30 triệu đồng/mét vuông trong khi giá thị trường hiện lên tới 200 triệu đồng/mét vuông.
Trong vụ Tiên Lãng, hộ ông Đoàn Văn Vươn còn “thảm” hơn khi không được đền bù một đồng nào cho dù khu đất đầm bị thu hồi do họ bỏ công sức, tiền bạc khai khẩn trong nhiều năm và cho dù khu đất đầm ấy đang tạo ra nguồn lợi thủy sản với giá trị hàng tỉ đồng. Có thông tin còn cho biết thêm rằng số đất trên thu hồi dự kiến để giao cho hộ khác. Tiêu cực trong vụ việc này nếu có cũng không phải cá biệt bởi tham nhũng từ đất đai đang diễn ra hầu như khắp nơi. Nhóm tác giả gồm PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, PGS.TS. Đặng Văn Thanh, LS. Trần Hữu Huỳnh và LS. Nguyễn Tiến Lập trong một báo cáo nghiên cứu cách đây hơn một năm (*) khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tạo nên những kẽ hở quá lớn để các nhóm lợi ích bắt tay nhau trục lợi. Tình trạng này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở hai lĩnh vực (i) quy hoạch sử dụng đất và (ii) thu hồi đất (nhất là đất của nông dân) cho các dự án công nghiệp, thương mại.
Các chuyên gia cũng lo ngại rằng đến năm 2013, khi hết thời hạn giao đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối) nếu thẳng tay thu hồi đất của hàng triệu nông dân như kiểu của chính quyền huyện Tiên Lãng đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn thì sẽ tạo nên những bất ổn vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, theo LS. Trần Hữu Huỳnh, nhìn sâu hơn, vấn đề cần xem xét là ở quyền sở hữu đất đai. Với chế độ sở hữu toàn dân, đất đai được giao, cho thuê luôn có thời hạn khiến cho người sử dụng không thể an tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài, đây mới là điều nguy hiểm.
Theo ông Huỳnh, để đất đai được sử dụng một cách hiệu quả nên công nhận chế độ đa sở hữu đối với đất đai. Trong đó, có thể bao gồm sở hữu nhà nước đối với đất công; sở hữu tư nhân đối với một số loại đất (đất ở, đất ruộng, đất rừng sản xuất, đất khoáng sản đã cấp phép khai thác lâu dài, kể cả không gian, khoảng sâu nhất định trên và dưới mặt đất) và sở hữu cộng đồng (ví dụ đất xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ ở khu dân cư…). “Khi đất trở thành tư hữu thì đất đó vĩnh viễn thuộc người chủ sở hữu. Người đó sẽ tìm cách đầu tư, khai thác sao cho có hiệu quả nhất”, ông Huỳnh giải thích.
LS. Đức cho rằng sở hữu tư nhân về đất đai là một đòi hỏi xuất phát cả từ lý luận lẫn thực tiễn. Không thừa nhận vấn đề gốc rễ căn bản đó, thì dù có sửa Luật Đất đai bao nhiêu lần nữa cũng vẫn không thoát khỏi bất cập. Theo ông Đức, giả định nếu khu đất do hộ ông Vươn khai khẩn được công nhận là sở hữu của gia đình ông ấy thì có thể vụ việc đáng tiếc vừa qua đã không xảy ra. LS. Trần Hữu Huỳnh cũng đồng tình cho rằng sở hữu là quyền thiêng liêng được Hiến pháp bảo vệ. Do đó, khi đất đai trở thành tài sản sở hữu của tư nhân thì việc thu hồi đất không thể dễ dàng, tùy tiện. Theo Hiến pháp, chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, nhà nước mới được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của công dân và được bồi thường theo thời giá thị trường.
____________________________________________________________________
(*) Báo cáo “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo yêu cầu Nghị quyết 48/NQ-TW”.

N.T.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/70455/So-huu-dat-dai-nhin-tu-vu-Tien-Lang.html

THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐANG Ở ĐÂY ???

Vụ Tiên Lãng, Hải Phòng: Chính quyền địa phương đã phá hoại chính sách Nhà nước

Ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng nay đã bị san bằng. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
Ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng nay đã bị san bằng. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
REUTERS/Stringer

Thụy My
Theo luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong vụ ông Đoàn Văn Vươn, việc làm của chính quyền địa phương huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là phi pháp, bất nhân. Ông cho rằng Hiến pháp cần công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, để bọn cường hào mới không thể lạm quyền, gây bất công xã hội, tạo ra những bất ổn định tiềm ẩn về chính trị.

Đã gần một tháng qua, dư luận vẫn còn xôn xao về vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị cưỡng chế giao lại khu vực đầm mà ông đã được giao trong lúc chưa hết thời hạn, nhà cửa và hoa lợi của trên khu đất này cũng bị phá hủy và cướp bóc. Hiện sáu người trong gia đình ông đang bị truy tố, riêng ông và người em đang bị tạm giam với tội danh rất nặng là « giết người », vì đã chống lại đoàn cưỡng chế.
Nhưng vụ Đoàn Văn Vươn cũng đã cho thấy những vấn đề sâu xa, gai góc hơn, như quyền sở hữu đất đai, tình trạng thiếu dân chủ ở một số địa phương… và là dấu hiệu báo động sẽ có nhiều vụ Đoàn Văn Vươn nữa nếu chính quyền không giải quyết đến nơi đến chốn. Đây cũng là ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Hiếu Đằng_Thành phố Hồ Chí Minh
 
02/02/2012
 
 
RFI : Kính chào ông Lê Hiếu Đằng. Thưa ông về vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, có lẽ thời gian của một cuộc phỏng vấn ngắn như thế này là quá ít, nhưng ông có thể cho một vài nhận định được không ?
Lê Hiếu Đằng : Gần một tháng nay có thể nói là công luận rất phẫn nộ, bất bình về những việc làm của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng. Bởi vì ông Vươn là bộ đội xuất ngũ, có học hành đàng hoàng, là kỹ sư nông nghiệp đi khai hoang phục hóa, đáp ứng được một chủ trương của nhà nước là làm giàu một cách chính đáng và phát triển sản xuất.
Thế thì cái việc làm phi pháp, trái luật của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng Hải Phòng, là một việc làm có thể nói là phá hoại chính sách của nhà nước về vấn đề khuyến khích sản xuất. Đây là một chính sách lớn của nhà nước.Có thể nói đây là những phần tử phá hoại.
Bởi vì nếu ông Vươn làm ăn có hiệu quả, thì dù thời gian cho mượn đất có đến đi chăng nữa – mà các chuyên gia đã chứng minh rằng chưa đến - thì vẫn phải tiếp tục cho ông ta khai thác mảnh đất mà ông đã tự đầu tư biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vào đấy. Chính cái việc làm bất nhân của chính quyền Tiên Lãng đã đẩy ông Vươn vào con đường uất ức không thể nào chịu đựng được, vì vậy mới có hành động như chúng ta đã biết.
Chúng ta rất thông cảm, rất hiểu những việc làm đó là vi phạm pháp luật, nhưng những nguyên nhân nào đẩy ông Vươn đến hành động đó ? Chính là những kẻ nằm trong chính quyền huyện Tiên Lãng. Do đó có thể nói đang có làn sóng bất bình, phẫn nộ trong giới trí thức, trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi có những vụ việc giải tỏa rồi chiếm đất, cũng cái kiểu như chỗ ông Đoàn Văn Vươn, nhưng người ta kềm chế, không có phản ứng như vậy.
Điều đó nói lên cái gì ? Đó là vụ ông Đoàn Văn Vươn chỉ là một trong những vụ việc hiện nay đang xảy ra trên khắp đất nước Việt Nam.
Nhà nước hay nói là kẻ xấu hay âm mưu diễn biến hòa bình. Nhưng mà riêng bản thân tôi không thấy đâu hết. Chính những kẻ xấu, kẻ phá hoại chính sách là nằm trong Đảng và chính quyền, như ông chủ tịch huyện Tiên Lãng và kể cả chính quyền thành phố Hải Phòng, sau khi vụ việc xảy ra rồi lẽ ra phải điều tra kỹ cái này, lại đứng hùa về phía huyện Tiên Lãng và có những ý kiến bất nhất. Cả một cái hệ thống chính trị, cả một cái tập thể ở Hải Phòng lại chủ trương việc này.
Cái nguy hiểm, cái tính chất nghiêm trọng là ở chỗ đó. Không phải chỉ ở huyện Tiên Lãng mà rõ ràng Hải Phòng từ Ủy ban Nhân dân thành phố đển Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, và kể cả Mặt trận, các đoàn thể đều đứng về phía chủ trương đàn áp, ức hiếp ông Vươn. Cái cảnh gia đình ông Vươn trong những ngày Tết sống trong một căn lều như vậy, thì ông Lê Đức Tiết là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã khuyến cáo rằng nên đi thăm hỏi. Nhưng kể cả Mặt trận và các đoàn thể của Hải Phòng cũng không làm cái động tác đó.
RFI : Theo ông như vậy là chính quyền địa phương đã không làm theo chủ trương của nhà nước ?
Lê Hiếu Đằng : Điều đó nói lên rằng, sau phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và bài viết của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2012 nói rằng sẽ nghiêm trị tham nhũng, tiêu cực ; thì rõ ràng vụ Tiên Lãng Hải Phòng nó bộc lộ cái mức độ thối nát, mức độ ức hiếp quần chúng rất là nghiêm trọng.
Vì vậy chúng tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhân dân cả nước đang trông chờ sự xử lý nghiêm minh của Đàng và Nhà nước. Và nếu xử lý không nghiêm minh, không đúng mực trước những vi phạm nghiêm trọng của chính quyền huyện Tiên Lãng và Hải Phòng, thì chứng tỏ giữa lời nói với việc làm của các vị lãnh đạo là không đi đôi với nhau. Người dân không còn tin cái lời nói đó nữa, và nghị quyết xây dựng Đảng vừa rồi được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư họp đưa ra, là không có tác dụng gì nữa, nó vô nghĩa !
Nếu mà xử lý không đúng mực thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, sẽ có hành động để phản ứng lại. Và công luận trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ lên án những việc này. Để trấn an lòng dân, và để tạo được niềm tin trong dân thì chính quyền phải xử lý triệt để đối với những kẻ đã gây ra vụ việc ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã bức hiếp ông Vươn và gia đình đi đến cái cảnh phải chống trả lại như vậy, và bây giờ đang ở trong vòng tù tội.
RFI : Phải chăng cái gốc của vấn đề là Luật đất đai chưa dứt khoát, và chính quyền địa phương huyện xã có quyền hành quá lớn, nên có thể tùy tiện lấy đất lại để giao cho những người ăn cánh với mình, và không chỉ ở Tiên Lãng mà thôi ?
Lê Hiếu Đằng : Đúng, vụ này nói lên cái gì ? Đó là vấn đề sở hữu đất đai của người dân mà chúng ta chưa công nhận, là một việc hết sức bất hợp lý, không phù hợp với đạo lý. Bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất, tại sao công nhận đối với các nhà công thương ở đô thị, mà đối với nông dân thì lại không công nhận quyền sở hữu ruộng đất ?
Tôi cho đây là một trong những nguyên nhân gây nên những việc lạm quyền của chính quyền các cấp. Và hiện nay có thể nói là nó hình thành một loại cường hào mới ở nông thôn cũng như ở một số vùng, bức hiếp người dân.
Tôi nói ví dụ, ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, cũng có những vùng trước đây đã nuôi chúng tôi trong thời kỳ kháng chiến. Nhưng mà chính quyền cách mạng về, rồi giải tỏa đền bù với giá rẻ mạt. Người dân phải đi nơi khác ở, đi khỏi cái vùng mà cha ông người ta đã đổ mồ hôi để mà xây dựng nên. Thì chính cái đó đã gây nên bất bình lớn trong dân chúng, mà chúng tôi trước đây ở Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý nhiều vụ việc như vậy.
Ví dụ như Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, là một vùng mà bây giờ trở thành một đô thị mà ai cũng khen. Nhưng mà người dân Phú Mỹ Hưng bị giải tỏa sau đó đi đâu, và bây giờ sống như thế nào, chúng ta có biết không ?
Vì vậy mà lần này sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi kiên quyết đề nghị là Hiến pháp phải công nhận quyền sở hữu về ruộng đất của người dân. Không nên để cho những tập đoàn lợi ích dựa vào sơ hở của luật pháp, để mua bán rồi đền bù một cách vô tội vạ, móc ngoặc với chính quyền để hưởng lợi ích riêng cho tập đoàn của họ, cho những cá nhân. Điều đó gây nên một sự bất công xã hội hết sức lớn hiện nay, và đã đẩy một số người dân bị mất đất trở thành bần cùng hóa.
Chính những điều đó đã gây bất ổn định về mặt chính trị tiềm ẩn, chứ không phải là kẻ xấu hay là mưu toan diễn biến hòa bình nào cả. Mà chính bản thân bộ máy chính quyền, vì cái lợi ích cá nhân, lợi ích của nhóm nên đã có những việc làm như vậy, đẩy người dân đến chỗ phải chống đối lại. Đó chính là sự bất ổn định về mặt chính trị.
RFI : Thưa ông, dư luận cũng đang rất trông chờ sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu đến tận nơi để tìm hiểu hồi trước Tết. Nhưng thực chất Mặt trận Tổ quốc có tác động được gì không ?
Lê Hiếu Đằng : Lần này tôi rất mừng là Mặt trận Tổ quốc Trung ương, thông qua Hội đồng tư vấn pháp luật đã đi khảo sát, và đã có những ý kiến ban đầu, trong đó lên án việc vi phạm pháp luật của chính quyền Tiên Lãng. Và gần đây có đoàn khảo sát của trung ương đã về Tiên Lãng, tuy chưa có kết luận nhưng cũng cho rằng việc làm của huyện Tiên Lãng là vi phạm pháp luật.
Tôi nghĩ là nếu Mặt trận quyết tâm làm - và để xứng đáng là một tổ chức chính trị đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có các nhân sĩ trí thức, thì Mặt trận phải quyết liệt làm cho ra lẽ vụ này. Phải đứng về phía lợi ích của người dân để bảo vệ cho họ. Như vậy Mặt trận mới có lý do tồn tại.
Chứ còn vụ việc này mà Mặt trận Trung ương không làm, thì người dân sẽ mất lòng tin, xem như Mặt trận chỉ tồn tại một cách hình thức, bởi vì đã không bảo vệ được những quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một tổ chức liên minh chính trị, hoàn toàn có quyền đề nghị chính quyền cho gặp ông Vươn. Nhất là phải giám sát điều kiện của ông Vươn ở trong tù như thế nào, có bị nhục hình, bị uy hiếp tinh thần hay không. Một người tuy có những hành động phạm pháp, nhưng trong lúc tòa chưa xử, thì phải được bảo vệ.
Bởi vì chúng ta đã thấy qua thông tin là hàng loạt những vụ công an đánh chết người. Như vậy chúng ta phải ngăn chận tình huống xấu nhất xảy ra cho ông Vươn, bằng cách tiếp cận ông.
RFI : Theo ông nghĩ có nên huy động một lực lượng lớn kể cả quân đội vào vụ này như Tiên Lãng đã làm không ?
Lê Hiếu Đằng : Đây là tranh chấp dân sự, và việc này thật không đáng để huy động một lực lượng hùng hậu như vậy. Mà thiên hạ buồn cười nhất là cái ý kiến của ông Ca, giám đốc công an Hải Phòng, nói đây là một chiến dịch phối hợp đẹp, có thể viết thành chuyện phim.
Để giải tỏa một gia đình người dân như ông Vươn mà chính quyền Hải Phòng lại huy động cả một lực lượng hùng hậu như vậy, làm cho dân người ta thấy rằng có cái gì bất bình thường. Người ta hoàn toàn có thể hoài nghi là có những động lực bên trong, khiến chính quyền Hải Phòng cũng như Tiên Lãng đã xua quân đi giải tỏa, trấn áp một gia đình như vậy.
Đây là một việc làm hết sức – tôi xin nói thẳng – là ngu xuẩn, của một cái chính quyền không kể đến lợi ích của người dân, không kể đến uy tín, thanh danh của chính quyền. Người dân sẽ đánh giá chính quyền đó là như thế nào ? Đó là biện pháp mà gần như trước đây chính quyền thực dân phong kiến dùng để đàn áp nhân dân. Do đó có thể nói hiện nay nhân dân cả nước rất phẫn uất về việc này. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều vụ việc như ông Vươn nữa sẽ xảy ra nếu chúng ta không giải quyết êm đẹp.
RFI : Nhưng thời gian cũng đã lâu rồi, cho đến giờ chưa thấy chính quyền trung ương có ý kiến gì cả, liệu đây có là một dấu hiệu xấu không thưa ông ?
Lê Hiếu Đằng : Riêng về chính phủ thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có ý kiến chỉ đạo là đề nghị chính quyền Hải Phòng phải làm rõ vấn đề này. Người dân đang chờ xem Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là người đứng đầu chính phủ, và đồng thời là đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.
Nhưng rõ ràng là, tuy là đại biểu của dân, nhưng đoàn đại biểu Hải Phòng cho đến nay chưa có ai lên tiếng gì cả. Gần một tháng trời rồi mà sự im lặng đó –như trước đây ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có nói –là một « sự im lặng đáng sợ », và người ta cũng rất ngạc nhiên vì sự im lặng này.
Tôi nghĩ là chính quyền trung ương sẽ có thái độ rõ ràng hơn trong thời gian tới, chứ không thể nào như thế này được, làm cho người dân mất lòng tin.
RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120202-vu-tien-lang-hai-phong-chinh-quyen-dia-phuong-da-pha-hoai-chinh-sach-nha-nuoc-gay-

ĐẠI TÁ CA CA (Đỗ Hữu) NÓI NGÀY 02/02/2012


 ĐẠI TÁ CA CA (Đỗ Hữu) TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Nhận được lời yêu cầu qua thư của chị Nguyễn Thị Thương vợ bị can Đoàn Văn Vươn và chị Phạm Thị Hiền vợ bị can Đoàn Văn Quý với nội dung: “Đề nghị nhà báo tạo điều kiện đến thăm chồng chúng tôi trong trại tạm giam Hải Phòng. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của chồng chúng tôi vì chúng tôi sợ anh ấy bị đánh đập trong trại giam”. Chúng tôi đã chuyển đề xuất này với Công an tp Hải Phòng vào sáng ngày 31-1-2012. Sau nhiều vòng hướng dẫn của các phòng ban chuyên môn, sau khi đã xem kỹ thẻ nhà báo, đến 5 giờ chiều cùng ngày thì giám đã công an thành phố Đỗ Hữu Ca đã đồng ý trả lời chất vấn của chúng tôi. Trong giấy yêu cầu chúng tôi chỉ viết một câu rất gắn gọn: “Bị can Đoàn văn Vươn có bị đánh đập trong trại tạm giam không?”.
Ông Đỗ Hữu Ca chia sẻ ngay phút đầu tiên làm việc với các nhà báo: “Tôi giật mình khi nhận được yêu cầu này. Tôi đã chỉ đạo cho ông Đinh Viết Tân là phó giám thị và Phạm Ngọc Tươi là giám thị trại giam 175 Nguyễn Đức Cảnh khẩn trương kiểm tra báo cáo xem bị can Đàm Văn Vươn có bị đánh không. Đến thời điểm này, hai đồng chí đó khẳng định với  tôi là các bị can trong vụ án Cống Rộc không bị đáng đập, không bị ép cung, khônh bị dụ cung như nghi ngại của người thân họ. Bản chất của chế độ ta không cho phép nhục hình bức cung. Nếu ai vi phạm điều này sẽ bị cách chức, ai không thực hiện đúng chính sách với phạm nhân thì chúng tôi xử lý rất nghiêm minh. Năm 2010 chúng tôi đã xử lý 3 quản giáo vì vô trách nhiệm để phạm nhân đánh nhau, để ma cũ bắt nạt ma mới trong trại. Anh em công an điều tra không có thù hằn gì với ông Vươn cả thì sao lại đánh ông ấy chứ”.
Chúng tôi xin chụp ảnh chân dung để đăng báo nhưng ông Ca đã từ chối. Những ngày qua nhiều tờ báo và blog đã đăng ảnh của ông, có những ảnh đã làm ông không vừa lòng.
 Chia sẻ với chúng tôi xung quanh vụ án Cống Rộc, đại tá Đỗ hữu Ca trăn trở nhiều điều, ông nói thực lòng: “Tôi thấy đau xót cho vụ này lắm. Đoàn Văn Vươn là tội phạm, đã bắt được rồi, ấy thế mà báo chí lại ca ngợi tội phạm như một người anh hùng. Chúng tôi đấu tranh chống tội phạm bảo vệ Đảng bảo vệ chế độ mà lại không được ủng hộ. Chưa có cơ quan báo chí nào có lời hỏi thăm các chiến sĩ công an bị thương, chỉ hỏi thăm tội phạm Đoàn Văn Vươn thôi”.
Đại tá Đỗ Hữu Ca cho biết, các bị can trong vụ án Cống Rộc đã nhận hết tội rồi, tuy nhiên chưa thể nói khi nào xong kết luận điều tra. Các bị can vẫn bị tạm giam theo quy định của pháp luật, nếu 4 tháng lần thứ nhất không xong thì sẽ gia hạn tiếp tục tạm giam. 4 bị can bị khởi tố tội giết người đang bị tạm giam, còn 2 bị can bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ là 2 bà vợ của Đoàn Văn Vươn và Đoàn văn Quý thì được tại ngoại chở ngày xét xử. Theo luật sư Vũ Lợi thì tội giết người khung hình phạt cao nhất sẽ là tử hình. Nếu không có những tình tiết giảm nhẹ thì các bị can vụ án Cống Rộc bị truy tố tội giết người có tổ chức sẽ phải chịu hình phạt từ 7 đến 10 năm tù giam.
Nội dung “Ai đã phá nhà ông Đoàn văn Vươn tại khu vực ngoài cưỡng chế?” đang là đề tài nóng bỏng nhất xung quanh vụ án này. Đây là hành vi hủy hoại tài sản công dân, cần phải truy tố trước pháp luật. Người có trách nhiệm ở Hải Phòng thì nói do chính người dân bức xúc nên phá nhà ông Vươn, còn bà con nhân dân thì nói chính quyền đã điều máy ủi đến phá tan tành ngôi nhà này. Đại tá Đỗ Hữu Ca đã trả lời rất nhiều các nhà báo trong đó có báo Đại Đoàn Kết rằng chúng tôi đang xác minh để tìm ra thủ phạm phá nhà dân. Tuy nhiên khi chúng tôi về Cống Rộc thì chẳng thấy ai đi xác minh cả. Không biết đến bao giờ thì kẻ hủy hoại tài sản công dân này mới bị Công an Hải Phòng vạch mặt chỉ tên?
Trao đổi với chúng tôi xung quanh đề tài các luật sư đến Công an tp Hải Phòng làm thủ tục bào chữa miễn phí cho các bị can, ông Ca cho biết: “Quan điểm của tôi là Công an tp Hải Phòng sẽ tạo mọi điều kiện cho các luật sư đến làm thủ tục bào chữa cho các bị can”. Tuy nhiên ngay sau đó cúng tôi đã nhận được phản ánh của luật sư Nguyễn Hồng Bách đoàn Luật sư Hà Nội rằng Cơ quan điều tra Công an Hải Phòng đã gây khó dễ cho ông trong việc làm thủ tục bào chữa cho các bị can. Đó là việc yêu cầu luật sư phải lấy xác nhận của chính quyền địa phương đối với chữ ký của thân nhân các bị can mời luật sư, thủ tục này không có trong quy định tại điều 27 luật Luật sư. Hiện nay đã có 3 văn phòng luật sư và công ty luật nhận bào chữa miễn phí cho các bị can vụ Cống Rộc. Mong rằng Công an tp Hải Phòng thực hiện đúng chỉ đạo của giám đốc Đõ Hữu Ca để các bị can được hưởng sớm nhất dịch phụ pháp lý cần thiết. Ông Ca bật mí rằng, 1 trong số 4 bị can bị khởi tố tội giết người được cơ quan điều tra đề xuất cho tại ngoại nhưng Viện kiển sát không đồng ý.
Chia tay với chúng tôi, đại tá Đõ Hữu Ca một lần nữa đề nghị: “Các nhà báo nên có bài về các chiến sĩ công an bị thương trong vụ án này”. Vâng, chúng tôi cũng nghĩ thế, xin hẹn một ngày gần đây chúng tôi sẽ tiếp xúc với các chiến sĩ công an bị thương trong lúc thi hành nhiệm vụ cưỡng chế vụ án Cống Rộc và ghi lại tâm tư của họ.
Hiện nay các luật sư vẫn chưa làm xong thủ tục bào chữa tại cơ quan điều tra nên chưa thể tiếp xúc với các bị can và hồ sơ vụ án. Gia đình các bị can và dư luật rất nóng lòng được biết tình hình sức khỏe các bị can trong trại tạm giam.
Chưa có một vụ án nào được quan tâm như vụ án Cống Rộc. Dư luận nóng lên tùng ngày mỗi khi có tin mới xung quanh vụ án. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo làm rõ trắng đen, nhiều vị nguyên thủ đã lên tiếng xung quanh vụ án này, Ủy ban TƯMTTQVN đã tiến hành giám sát vụ việc, nhiều bộ ngành đã triển khai việc thanh tra kết luật ai sai ai đúng. Một ngày không xa nữa mọi chuyện sẽ được minh bạch.

LÊ TỰ
Nguồn: Daidoanket online

Thứ năm ngày  2/2/2012

VỤ TIÊN LÃNG LÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN

GS Nguyễn Minh Thuyết: Vụ Tiên Lãng và bài học lòng dân

HOÀNG HƯỜNG (Thực hiện)
Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, dư luận xôn xao, bất bình về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng. Ông có suy nghĩ gì về sự việc này?
Gần một tháng qua, đã có nhiều ý kiến của rất nhiều nhà báo, nhân sĩ, chuyên gia, cựu lãnh đạo, trong đó có ý kiến của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH; GS Đặng Hùng Võ,  nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường… phân tích rất đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về vụ việc.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng trong vụ việc này, chính quyền từ huyện đến xã đều sai, khiến cho người dân bị đẩy đến đường cùng phải chống người thi hành công vụ. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải sáng nay,  nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh còn nhấn mạnh: “Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân.”
Chuyên gia về đất đai, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, và nhiều luật sư đã phân tích rất rõ những sai phạm của chính quyền trong việc diễn giải và áp dụng Luật Đất đai, cũng như trong công tác tổ chức cưỡng chế.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đưa ra những lời nhận định đáng suy ngẫm về tác động xấu của vụ việc tới tình hình an ninh chính trị xã hội của đất nước, coi đây là bài học đắt giá về công tác lãnh đạo.
Gần đây nhất có một bài viết hết sức công phu và thuyết phục của GS Hoàng Xuân Phú, công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông phân tích hành vi của cơ quan công quyền trong vụ việc này là hoàn toàn sai trái, không thể gọi là thi hành công vụ một cách chính danh.
Tất cả các ý kiến phát biểu và bài viết nói trên đều đã nói rất đầy đủ những điều cần nói.
Tôi chỉ muốn nói thêm rằng bên cạnh hành vi thu hồi đất trái pháp luật, chính quyền huyện Tiên Lãng còn bội tín với dân, thể hiện qua việc lập biên bản hoà giải tại toà án đồng ý cho dân tiếp tục thuê đất để dân rút đơn kiện, rồi bất ngờ đem lực lượng đến cưỡng chế. Đây có thể coi là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, không thể chấp nhận được, làm mất đi tính chính danh của chính quyền.
Hơn nữa, việc tổ chức lực lượng cưỡng chế hàng trăm người, dồn ép dân, hủy hoại tài sản của dân ngay trước Tết Nguyên đán là hành động trái đạo lý, vô nhân đạo và vi phạm trắng trợn pháp luật của những người có chức vụ ở Tiên Lãng cũng như TP Hải Phòng.
Qua toàn bộ sự vụ, những phát ngôn mập mờ, bất nhất và vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm, có thể thấy đằng sau vụ việc này có dấu hiệu tư lợi.
Điều tôi băn khoăn hơn cả là các ban ngành, từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quá chậm. Vụ việc đã xảy ra cả tháng, ngoài Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đoàn giám sát về trước Tết, đến nay mới thấy Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ bắt đầu vào cuộc.
Các ĐBQH ở đâu trong vụ Tiên Lãng?
LS Lê Đức Tiết, thành viên đoàn giám sát của UB Mặt trận tổ quốc về Tiên Lãng có bày tỏ trăn trở vì sao một sự việc mà có hai cách nhìn nhận sự việc hoàn toàn đối lập nhau gay gắt giữa cán bộ Đảng, chính quyền, cán bộ Mặt trận xã, huyện, của cán bộ chính quyền tỉnh với nhân dân dịa phương. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng như vậy?
Cũng phải hỏi thêm rằng tại sao không chỉ có nhân dân Tiên Lãng mà báo chí và các chuyên gia, các cựu lãnh đạo cũng đứng về một phía khi nhận định về vấn đề Tiên Lãng. Vì sao lại thế?
Và tại sao trong toàn bộ sự việc không hề thấy bóng dáng các đại diện của nhân dân ở đâu. Ngoài đại diện của Hội nghề cá, thì các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đang ở đâu?
Trước một việc nghiêm trọng như vậy, vì sao không thấy nói Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã cử người về giám sát? Riêng các đại biểu được người dân Tiên Lãng bầu ra, chẳng lẽ họ phải đợi chính quyền phân công thì mới về gặp dân sao?
Thông thường mỗi người dân nước ta đều có đến 7 – 8 đại diện từ các hội đoàn, tổ chức… thế mà suốt tháng nay không thấy một đại diện nào của người dân huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng lên tiếng, ngoài các vị đóng cả vai hành pháp, lên tiếng đòi xử lý dân về hành động chống người thi hành công vụ hoặc đổ lỗi cho dân. Vậy trách nhiệm của người đại diện nhân dân ở đâu?
Không chỉ LS Lê Đức Tiết băn khoăn về ‘hố ngăn cách’ giữa dân và chính quyền, mà từ lâu cơ chế làm việc của ta đã thể hiện nhiều bất cập.
Báo chí cũng chỉ ra những mối quan hệ mật thiết có dấu hiệu cấu kết phe cánh, tư lợi như anh em ruột chủ tịch huyện Tiên Lãng, chủ tịch xã Vinh Quang; tên tuổi của những người sẽ được giao đầm tôm sau khi thu hồi và quan hệ của họ với những người trong chính quyền.
Tệ hơn, đã có những thông tin về các tay anh chị giang hồ xuất hiện trong vụ cưỡng chế. Tại sao chính quyền lại có thể sử dụng hoặc “phối hợp” với giang hồ trong vụ cưỡng chế.
Chẳng lẽ đã đến mức chính quyền “đi đêm” với những lực lượng như thế trong việc trấn áp dân?
Dân không phải là địch
Theo ông, nên nhìn sự kiện Tiên Lãng như một hiện tượng cá biệt hay là một dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ bất ổn như nhận định của LS Lê Đức Tiết rằng, Tiên Lãng là lời cảnh báo cho những “cơn sóng ngầm trong lòng dân“?
Thật ra những mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với nhân dân xung quanh chuyện thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng không phải xảy ra lần đầu. Nếu chỉ có một vài vụ thì có thể nói đó là sai sót của một vài địa phương. Nhưng khi một hiện tượng xảy ra phổ biến, chiếm tới 80% các vụ khiếu kiện thì có thể nói là cái sai của chính sách.
Không được giải quyết hợp lý hợp tình, đất đai sẽ là ngòi nổ của những vụ gây mất ổn định xã hội.
Vụ cưỡng chế đầm nuôi tôm ở Tiên Lãng là một vụ đỉnh điểm để chúng ta nhìn lại nhiều vấn đề: 1, lòng dân; 2, chính sách đất đai; 3, việc thực hiện quyền dân chủ; 4, trách nhiệm “công bộc” của Nhà nước trước dân.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, theo tôi, việc đầu tiên phải quán triệt một vấn đề tưởng hiển nhiên, nhưng đang bị nhiều lãnh đạo nhầm lẫn: DÂN KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊCH.
Đối xử với dân, tức là những người chủ của đất nước, phải thực sự “kính trọng và lễ phép”, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”  như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng ta đã có bài học về lòng dân từ Thái Bình năm 1997 rồi, nhưng lâu nay có lẽ đã quên, mà quên lần này là hỏng hẳn.
GĐ Công an Hải Phòng, Đỗ Hữu Ca cho rằng việc huy động hàng trăm chiến sĩ lực lượng vũ trang xuống cưỡng chế đầm là một việc làm bình thường, nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo, cựu tướng lĩnh quân đội lại cho rằng đó là việc làm tùy tiện. Ý kiến của ông?
Tôi không biết TP Hải Phòng đã chỉ đạo như thế nào. Nhưng từ ý kiến của ông GĐ Công an Hải Phòng đến các ý kiến khác của lãnh đạo của Hải Phòng và Tiên Lãng, tôi thấy nổi lên một điều: nhiều lãnh đạo ở Hải Phòng không phân biệt nổi mâu thuẫn ta – địch với mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Công dân Đoàn Văn Vươn là người lao động chân chính và có công. Nếu Hải Phòng muốn thu hồi đất, nếu đúng pháp luật, thì có nhiều cách làm một cách đàng hoàng chính danh.
Nhưng nhà chức trách ở Hải Phòng lại tổ chức tấn công ông Đoàn Văn Vươn không khác gì một kẻ địch thì sai quá, sai hoàn toàn về nguyên tắc.
Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng “vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng”, tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP.
Ông Ca dùng các cụm từ “rất là hay”, “rất là đẹp” nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào.
Tôi chỉ nhớ nhà thơ Việt Phương từng kể một mẩu chuyện về Bác Hồ mà ông đề cập đến trong bài Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương. Có lần Bác Hồ đã gạch bỏ cụm từ “trận đánh đẹp” trong một văn bản trình lên Bác. Bác nói một trận chiến làm chết nhiều người, dù người ở phía nào chăng nữa, đều không thể gọi là một trận đánh đẹp.
Đấy là đánh nhau với địch, còn đây là quan hệ với dân. Ông Ca còn bảo định viết thành giáo trình nghiệp vụ, thì tôi không hiểu giáo trình ấy viết ra để dạy ai?
Phải thừa nhận quyền sở hữu đất đai của dân
Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc Tiên Lãng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về hiện trạng bất cập của Luật Đất đai hiện hành, tạo ra những kẽ hở để chính quyền địa phương tùy tiện diễn dịch luật theo ý muốn chủ quan của mình, gây nên mâu thuẫn tích tụ với người dân, có nguy cơ bùng nổ bất kỳ lúc nào. Từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, ông thấy Quốc hội đã nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Tôi tham gia 2 khóa Quốc hội. Khóa 11 chính là nhiệm kỳ thông qua Luật Đất đai. Đã có nhiều đại biểu đưa ra những ý kiến rất thẳng thắn về vấn đề sở hữu đất đai. Bản thân tôi từng phát biểu, đề nghị Quốc hội thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, ít nhất là theo hạn điền, nhưng đã không được chấp nhận.
Nhìn lại quá khứ, có lúc chúng ta đã xếp những người giàu có, sở hữu nhiều đất đai, nhà xưởng, thuê công nhân làm việc vào loại thành phần “bóc lột” và ép họ đưa tài sản vào công tư hợp doanh.
Đến thời kỳ Đổi Mới, ta thấy đó là sai lầm. Chính những người chủ tư sản ấy đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng làm ra của cải xã hội, tạo nên sự phồn vinh của xã hội. Bây giờ ta lại phải khuyến khích những thành phần ấy phát triển. Tốt nhất là không đề ra chính sách sai. Nhưng sai thì phải sửa.
Chính những bất cập về chính sách đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai đang tạo khe hở cho một bộ phận cán bộ có chức có quyền làm dụng chức vụ kiếm lợi, đẩy người dân vào cảnh khốn khó. Nhưng ta lại chưa kịp thời trừng trị những cán bộ như thế để bảo vệ dân. Đừng để đến một lúc nào đó bức xúc vỡ tung ra, giống như vụ Tiên Lãng thì trở tay không kịp.
Có đồng chí lãnh đạo từng nói nếu cứ kỷ luật hết thì lấy ai làm việc, nhưng hiện giờ rất nhiều người có tâm có tài còn đang chưa được sử dụng đúng vị trí, thậm chí nhiều người còn đang chưa có việc làm. Phải sàng lọc liên tục thì mới chọn ra được người tốt, người giỏi. Còn cứ chạy vào được vị trí nào rồi bám chặt vị trí ấy cho đến lúc … già thì đất nước làm sao chọn được nhân tài mà tiến lên?
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai mới trước năm 2013. Căn nguyên của bất cập luật đất đai, theo nhiều nhà làm luật là quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Chính quy định mập mờ này đã tạo ra những khe hở pháp lý, dẫn đến tình trạng “đất dân, quyền quan”, chính quyền địa phương muốn thu hồi đất của dân lúc nào cũng được. Nhưng liệu chúng ta đã có đủ ý chí chính trị, và thời điểm đã chín muồi để luật công nhận một cách chính thức quyền sở hữu đất đai của người dân?
Luật pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng ‘toàn dân’ là ai, rất chung chung. Cuối cùng từ toàn dân lại thành của riêng một vài người.
Khi thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp, giá đền bù gần như lấy không, chỉ mấy hôm sau giá đất ấy đã lên hàng trăm lần. Mọi thiệt thòi đều do dân gánh chịu.
Chuyện này đã kéo dài quá lâu rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thực sự hợp lý cho chính sách đất đai. Nếu bây giờ không có sự đổi mới tư duy, ta sẽ mãi không giải quyết được vấn đề.
Ta nên đặt câu hỏi, tại sao nhiều nước khác thừa nhận quyền sở hữu đất đai nhưng họ không lo mất đất, mất quyền làm chủ hay mất nhân dân. Họ thừa nhận được, tại sao mình lại không?
Tôi nghĩ đây chính là lúc chúng ta nên bàn thảo nghiêm túc, nghiên cứu những giải pháp đền bù hợp lý cho đất đai, và thừa nhận quyền sở hữu đất đai của dân.
Xin cảm ơn ông!