Đóng & mở
Một kiến trúc sư khá nổi tiếng (không tiện nêu tên) ở TP.HCM cho biết: “Chịu. Tôi không thể nào bố trí lại được không gian bên dưới mái một ngôi nhà rường!”.
Đóng và mở.
Nhà rường là loại nhà chia không gian làm ba (hoặc hơn nữa) theo chiều cắt ngang từ cửa vào thông qua hệ thống trính và trụ lỏng, khác so với nhà rọi chỉ chia không gian trục này làm hai do cột đấu thẳng lên với nơi tiếp xúc của hai đầu kèo. Ý anh kiến trúc sư nọ là anh không thể bố trí cái không gian chung theo hệ thống cấu trúc nhà truyền thống người Việt lại theo hệ thống phòng ốc riêng biệt theo kiểu phương Tây được nên cho rằng ở nhà cổ của người Việt hoàn toàn không tiện nghi. Điều này có lẽ sẽ tranh luận sau. Ở đây ta thấy rõ ràng sự đối lập giữa một không gian ở chung – toàn thể và một không gian phân cấp từng phòng riêng – khu biệt.
Niệm khúc đóng.
Những ngôi nhà rường với không gian mở chung cho mọi người.
Đóng và mở.
Ta lại cũng thấy người Việt cách đây hơn 10 năm vẫn thích đắm mình ở những quán café vĩa hè – một thứ không gian mở, so với những quán café hộp du nhập từ phương Tây – một thứ không gian đóng kín. Bây giờ café vỉa hè cao cấp đang quay lại với những quán như Highlands, Terrace. Những thứ nửa vĩa hè như Windows… cũng đang mọc lên.
Xe gắn máy là không gian đối lập với buồng xe ôtô: mở và đóng.
Tôi cũng biết không ít người Việt vẫn thích ngồi trên xe gắn máy với không gian mở cùng với cả gia đình hơn là đóng mình bên trong một nội thất sang trọng của ô tô – một thứ không gian đóng, mặc dầu họ có điều kiện.
Tại sao người Việt, nói chung là người châu Á, từ xưa vẫn thích nghi với không gian mở? Trong lúc đó người phương Tây lại bo bo với những không gian đóng kín với quan niệm đẩy mạnh tự do cá nhân, bảo vệ sự riêng tư của từng cá thể?
Mở và đóng làm cho người liên tưởng đến hai nền triết học – phải chăng nó cũng bao trùm lên triết lý không gian sống? – của Đông và Tây: chủ toàn và chủ biệt. Phương Đông vẫn nhận thức sự vật thông qua cái toàn thể trong khi phương Tây lại thông qua từng thành phần.
Mở ra vô tận với trời và đất trong giây phút trừ tịch.
Tại sao mở? Tại sao đóng?
Khoan nói đến công năng. Vì nói đến công năng thì không gian mở đang có xu hướng thắng thế. Nhất là trong những nơi đông người hoạt động trong hệ thống công việc – không gian mà giám đốc chỉ cần đứng lên, bước ra khỏi phòng riêng của mình, là kiểm soát toàn bộ nhân viên. Hoặc nơi người ta có nhu cầu chung đụng như sàn nhảy – chẳng mấy ai đóng cửa nhảy một mình. Hoặc ngày càng nhiều những cá nhân sống độc thân – nếu bạn độc thân thì cần gì phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc, thư viện?
Trong không gian mở của người Việt một thời còn chứa cả tam/tứ đại đồng đường. Nhất là những đại gia đình chỉ đủ sức xây một ngôi nhà ba gian hai chái. Thật ra tam/tứ đại đồng đường đó còn phải kể thêm cả không gian dành cho tổ tiên từ thủy tổ nữa kia – thường đặt ở gian giữa, cũng là nơi dành cho chủ nhà. Như thế trong không gian mở này “n” đại (các thế hệ) của một tộc họ đều có đủ. Phải chăng mở là một cách để không chia cắt kẻ âm người dương? Không chỉ riêng người Kinh, không gian ở của những người dân tộc ít người cũng là mở.
Trong không gian này nếu có ngăn thì cũng chỉ là những vách ngăn di động – màn kéo. Để khi cần thì cả ngôi nhà trở thành một khối rộng tênh. Không gian này vốn có nguồn gốc từ nông thôn, nơi mỗi gia đình hoặc đại gia đình lại “đóng” trong không gian riêng gồm nhà và đất vườn, so với hàng xóm, bởi những hàng rào bằng cây tự nhiên. Từ nông thôn, phát triển thành kinh thành thì những đơn vị không gian đóng-vườn, mở-nhà tiếp tục hình thành những nhà vườn ở Huế. Những đô thị thương mại từ rất sớm như Hội An mới phát triển nhà liên kế, nhưng với cấu trúc nhà truyền thống theo kiểu cột kèo, thì ngôi nhà vẫn cứ là không gian mở.
Chỉ đến gần đây, không gian ở người Việt mới đóng, rồi do sự chật hẹp chen chúc của đô thị, lại đang mở ra, chỉ còn nửa đóng, hoặc đóng ước lệ.
Với khu nhà hẹp ở Mả Lạng này, con hẻm trở thành không gian chung của từng ngôi nhà riêng và là một bộ phận của ngôi nhà – ở đó mỗi người trong xóm có những sinh hoạt riêng của mình.
Trong khi đó, từ thế kỷ thứ IV và III trước CN, ở Hy Lạp đô thị hình thành sớm, qui hoạch ô cờ cũng phát triển sớm nhất thế giới. Mỗi ô phố kích thước trung bình 30x40m, mỗi phường có 4-6 nhà. Nhiều nhà giàu, dinh thự của họ chiếm tới nửa hoặc nguyên cả ô phố. Nhà ở của chủ nô lệ hoặc nhà giàu có cách bố cục bốn mặt khép kín, có cổng vào ở một phía, nhà chính ở phía đối diện, hai cạnh bên có hành lang hoặc đặt các phòng phụ. Phụ nữ có các phòng sinh hoạt riêng. Các phòng phía bắc có ánh nắng mặt trời là những phòng chính, có khi cao hai tầng, tận dụng mở rộng không gian về hướng tốt. Phòng ăn nam giới là phòng có deco đẹp nhất, bốn phía có bệ xây bằng đất để các chủ nô lệ ngồi trên đó ăn uống (1).
Như thế ta thấy, nhà ở phương Tây mà chiếc nôi là Hy Lạp, rồi La Mã, đã có hình thành những không gian riêng và đóng kín cho từng công năng khác nhau.
Phải chăng có mối liên hệ giữa không gian kiến trúc và tư duy triết học của phương Đông và phương Tây?
Công Khanh
Ảnh: Trần Việt Đức
(1) Đặng Thái Hoàng, Lịch sử kiến trúc, tập 1, chương 4 – kiến trúc Hy Lạp cổ đại