Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

TIÊN LÃNG TRUYỆN (TIẾP THEO)

NôngDân đã nói

+ Là người đang sống ở Tiên Lãng, Nông dân tôi cố đưa ra cái nhìn khách quan nhất về sự kiện Đoàn Văn Vươn. Để tránh một comment quá dài Tôi sẽ chia làm ba phần và nhờ AnhBaSam lần lượt gửi cho những ai quan tâm.
Phần 1: Đất và người Tiên Lãng (comment lúc 08:42 ngày 29/01/2012)
Phần 2: Quá trình khai thác bãi bồi ven sông, biển và cái gọi là thu hồi của huyện Tiên Lãng. (comment lúc lúc 09:26 ngày 30/1/2012)
Phần 3: “Trấn áp tội phạm”, “Bảo vệ hiện trường” và cách xử lý hậu quả của lãnh đạo Hải Phòng.

PHẦN III
+ Việc cưỡng chế khu đầm Đoàn Văn Vươn chỉ là một vụ cưỡng hành chính. Có sự tham gia của các phòng ban chức năng, dân, chính, đảng tất nhiên có lực lượng công an. Nhiệm vụ chính của Công an là để giữ gìn trật tự đảm bảo cho hoạt động cưỡng chế diễn an toàn ra đúng pháp luật. Công an chỉ xử lý những hành vi quá kích cản trở những người đang làm công tác cưỡng chế.
+ Công an Tiên Lãng chưa thực hiện đúng chức năng khi tham gia cưỡng chế, bỏ mặt các tổ công tác và giữ gìn trận tự an toàn trên đê, lại xông thẳng xuống đầm. Hình ảnh này tạo cho Đoàn Văn Quý có cảm giác như đang bị truy đuổi, không làm chủ được bản thân, dẫn đến nổ súng và hậu quả đáng tiếc 6 cán bộ chiến sĩ của lực lượng của huyện đã bị thương.
+ Vụ việc lúc này đã thực sự trở nên nghiêm trọng, đối tượng đang là chủ sử dụng đầm bị cưỡng chế phút chốc trở thành tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống người thi hành “công vụ”. Tin tức được truyền đi chắc chắn nó đã được đồn thổi. Đây lúc cần bản lĩnh và sự trải nghiệm ở người đứng đầu lực lượng công an thành phố.
+ Việc điều lực lượng bổ xung xuống hiện trường để trấn áp “tội phạm” là cần thiết. Nhưng vừa nhận tin dồn dập về thương vong, về hiện trường, lại phải tập hợp các đồng chí trong ban giám đốc và các phòng ban chức năng, rồi còn phải báo cáo xin chỉ thị của cơ quan cấp trên, không biết các “bộ não” đang sử dụng con chíp được lắp từ thế kỷ trước có xử lý kịp không? (câu hỏi này là của cháu tôi).
+ Tới nửa buổi sáng các lãnh đạo công an thành phố lần lượt xuất hiện cùng với lực lượng hùng hậu, xe lớn, xe nhỏ và các thiết bị mà Nông dân chúng tôi chưa bao giờ được mục kích. Phần lớn lãnh đạo chưa đặt chân đến cống Rộc, làm sao hiểu hết thực địa đầm và con người của Đoàn Văn Vươn.
+ Thế là lại nghe báo cáo, lại hội ý, xin ý kiến, vác loa kêu gọi, yêu cầu đối tượng bỏ vũ khí đầu hàng, triển khai lực lượng nhích dần từng bước, thậm thà thậm thụt, áp sát mục tiêu và đinh linh là ở đó có ba đối tượng nam và một đối tượng nữ đang cố thủ!. Ai đã biết những người trong gia đình Đoàn Văn Vươn đều hiểu, Họ sẽ hoảng hốt mà bỏ chạy, ngay khi nhìn thấy Họ đã dùng súng làm bị thương một số người.
+ Đại tá Ca bắt đầu làm thất vọng rất đông người dân ở đó, khi cho phép nã đạn vào ngôi nhà đang có nghi can ẩn lấp. Càng thất vọng hơn khi người dân chứng kiến cảnh bắt, đánh đập đàn bà và trẻ con trước mặt mọi người. Ngay cả các đồng chí là sỹ quan mà vẫn không can ngăn ( không hiểu người dân cả nước sẽ nghĩ gì khi họ được mục kích những cảnh này)
+ Nói về hiện trường, Giám đốc Ca là người mặc áo chống đạn cầm loa chỉ đạo “tác chiến” trực tiếp và là những người đầu tiên tiếp cận hiện trường. Phải biết hơn ai hết, đấy không phải là nơi có hầm ngầm, bong ke cố thủ mà là nơi sống của một gia đình lao động với quần áo, chăn màn, gường chiếu bàn tờ tổ tiên… (chắc chắc đại tá Ca hiện nay cũng có các bức ảnh đẩy đủ nội thất căn nhà, sau khi lực lượng công an đã làm chủ )
+ Còn những cái thu được tại hiện trường, ngoài bọc ni lông gói thuốc nhồi đạn hoa cải có thể coi là bất thường, còn những vật khác như hai bình ga, mấy con dao phay, vài tuýp sắt, cái bình ăc quy, cuộn dân điện, cả cái ống nhòm nếu được coi là vũ khí gây án nguy hiểm, thì người dân Việt Nam phải dùng đồ vật bằng gỗ, hay quay lại thời kỳ đồ đá cho an toàn!
+ Đoàn Văn Quý chỉ có nguyện vọng là được ra đầu thú ở Công an thành phố, xem ra chưa hợp lý lắm. Hơn 20 ngày mà lực lượng Công an thành phố còn chưa tìm ra được ai là chủ nhân cái máy ủi to như con voi đã ủi nhà Đoàn Văn Quý, thì làm sao có đủ năng lực tìm ra nơi đã bán hai bình ga (là đại lý hay bãi sắt vụn), hay như đối tượng đã mua xăng ở đâu để tẩm bao nhiêu rơm đang phơi trải dọc một đường dài từ ngoài vào nhà. Không biết khi Bộ vào, có tìm ra không nhỉ?.
+ Qua những lời trả lời báo trí một, vài ngày sau đó, Nông dân tôi cho rằng lúc đó đại tá Ca đang thăng hoa với thắng lợi về một trận đánh “đẹp”, vượt qua những tình thế chưa bao giờ có trong “giáo án” . Chắc chắn những báo cáo đầu tiên với các cơ quan cấp trên, là những đánh giá đủ làm an lòng cấp trên về cách thức xử lý của Công an thành phố.
+ Nhưng với những người dân Tiên Lãng đây là một một chấn động mạnh mẽ, vượt lên trên sợ hãi là tình làng nghĩa xóm, là nỗi lo cho họ hàng, anh em, bè bạn đang sinh sống ở Hùng Thắng, Vinh Quang (có ai bị đánh không?, có ai bị bắt không?, có ai hệ lụy gì không?). Càng tìm hiểu họ càng kinh hoàng hơn vơi cách ứng sử của công an và quan chức địa phương nơi đây. Có lẽ ngay lúc đó Lê Văn Hiền và lãnh đạo huyện Tiên Lãng đã hiểu dư luận quần chúng nhân dân trong huyện đang không ủng hộ họ.
+ Cùng chung các tâm trạng với người dân là các nhà Báo, nhưng Họ nhạy cảm hơn. Họ đã cảm giác được những bất thường trong các câu trả lời quanh co của quan chức huyện, của các quan chức thành phố trong các cuộc họp báo vội vàng.
+ Khi lãnh đạo thành phố nhận ra sự phức tạp của sự việc, thay cho việc nhìn thẳng vào sự thật để có những ứng sử thích hợp. Họ chọn giải pháp bưng bịt thông tin, đưa ra đưa ra các lời ngụy biện dối trá. Bằng chúng là thông qua việc gặp gỡ các cơ quan thông tin, báo chí địa phương của bí thư Thàng ủy chiều 19/1/2012, và trả lời báo trí tại Hà Nội ngày 17/1/2012 của phó chủ tịch thành phố, phát ngôn của giám đốc công an trên truyền hình Hải Phòng cùng ngày.
+ “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”. Tai sao đến nay có người còn không hiểu trong thơi đại công nghệ này, người dân cũng có thể sử dụng các thiết bị hiện đại, để tự bảo vệ mình. Chính sự tráo trở, lừa đảo của các quan tham đã dạy cho họ phải làm như vậy.
+ Khi xem các bản tin thời sự được phát tối ngày 5/1/2012, Nông dân tôi phải ngả mũ “kính phục” khả năng “tưởng tượng” của những lời bình được phát đi khi ấy!. Ôi! cái mồm đẹp, sao lại phọt ra được những điều điêu ngoa đến thế.

P/S Là Nông dân tôi chí biết viết ra những điều mình đã biết, văn phong lủng củng, cứ hết câu là xuống dòng. Để viết những điều mình nghĩ thành bài báo kỹ lưỡng là vượt quá khả năng.

 http://anhbasam.wordpress.com/2012/01/31/tin-thu-ba-31-01-2012/#comments

BOM HẸN GIỜ/TỪ TRƯỜNG ĐÃ NÉM XUỐNG CỐNG RỘC TỪ BA NĂM TRƯỚC...

Vietnam Economic News (VEN)

Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng):

Báo Đối ngoại VEN đã “vào cuộc” từ năm 2008

Cập nhật lúc:  10:10 17/01/2012
(VEN) – Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc diễn ra ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) ngày 5/1/2012. Vụ việc chống lại người thi hành công vụ lực lượng cưỡng chế thuộc khu vực Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng diễn ra làm 6 cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội bị thương.

Đã có nhiều luồng thông tin khác nhau về sự việc nhưng chủ yếu là những thông tin diễn ra sau ngày 5/1 hoặc một số vấn đề ngay trước đó mà chưa có dịp tiếp cận với những gì đã có từ nhiều năm trước – khi Cống Rộc còn là “nỗi kinh hoàng” của người dân Tiên Lãng.
Dẫu vậy, bằng nhiều nguồn khác nhau, bản chất của sự việc dần được nêu ra tường tận.
.
Báo đối ngoại Vietnam Economic News (VEN) (Bộ Công Thương) ngay từ năm 2008, báo đã có loạt bài phóng sự “Cống Rộc – Thách thức không đến từ biển”. Trên cơ sở đơn thư khiếu nại khẩn thiết của người dân, Tòa soạn đã cử phóng viên về “ba chung” tại Cống Rộc và nghiêm túc nghiên cứu hồ sơ, thực hiện chặt chẽ các quy trình trước khi cho đăng trên ấn phẩm Kinh tế Việt Nam, sau đó đăng lại trên trang điện tử http://www.ven.vn – thuộc Báo Đối ngoại Vietnam Economic News.
.
Tổng Biên tập Báo Đối ngoại VEN – cho biết: “Dù đã gần 4 năm, nhưng vẫn nhớ rất rõ vì đã phải xem xét kỹ càng hồ sơ vụ việc tới từng chi tiết trước khi duyệt đăng những bài này”.
.
Đúng ra, loạt phóng sự này ban đầu gồm 6 kỳ. Tuy nhiên, do là tuần báo và theo đề nghị của Ban biên tập nên sau đó tác giả loạt phóng sự này đã rút thành 3 kỳ.
.
Để có tài liệu và hình ảnh cho loạt phóng sự, phóng viên đã phải nhiều lần tới Vinh Quang cùng sống, ăn, ngủ những người dân giữa đầm nuôi tôm (khu vực mới bị cưỡng chế). Trong lần nghỉ lại giữa đầm tôm này, phóng viên đã có lúc phải cùng người dân thức trắng đêm do muỗi và mưa to bất ngờ ập đến. Cũng trong các chuyến công tác, phóng viên không ít lần phải giấu đi những giọt nước mắt khi nghe câu chuyện về quá trình lấn biển của ông Vươn cũng như chứng kiến tận mắt nỗi vất vả, khó khăn của những người dân nơi đây.
.
Thể theo nguyện vọng của đông đảo bạn đọc và nhằm cung cấp thêm thông tin liên quan đến “sự kiện 5/1/2012” ở Hải Phòng, Tòa soạn xin đăng tải lại 3 kỳ “Cống Rộc – Thách thức không đến từ biển” đã xuất bản trên ấn phẩm Kinh tế Việt Nam số 30 (ra ngày 22/7/2008), số 31 (ra ngày 29/7/2008), số 32 (ra ngày 5/8/2008) trên trang tin điện tử http://www.ven.vn./. 
.

Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

.
Chí Trung
——————–

Cống Rộc – Thách thức không đến từ biển

Cập nhật lúc:  09:40 22/07/2008
(VEN) – Ôm theo gần 2kg đơn thư, tài liệu cầu cứu của những người dân ven biển huyện Tiên Lãng, chúng tôi đến Hải Phòng đúng ngày trời đổ mưa lớn đầu mùa. Vượt qua những quãng đường đất đá dưới cơn mưa tầm tã, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến và biết được câu chuyện cảm động của những người “mở đất” và việc một số cá nhân ở huyện Tiên Lãng đang bất chấp quy định của pháp luật và đạo lý, muốn biến hàng trăm ha đất cùng hàng chục tỷ đồng của những người dân nơi đây thành việc của… “biển”.
Kỳ I: Người mang tên Vươn và hàng trăm ha đất ở Tiên Lãng đã “vươn” ra biển như thế nào?
.
Theo tài liệu của UBND huyện Tiên Lãng, thì hơn 100ha đất bồi thuộc khu vực bãi triều ven biển (ngoài đê) thuộc khu vực cống Rộc (xã Vinh Quang, Tiên Lãng) trước đây là nơi “đầu sóng ngọn gió”, mênh mông nước biển, thường xuyên đe dọa đến sự an nguy của những người dân địa phương. Mặc dù ở đây có một con đê chắn sóng quốc gia, nhưng do phía ngoài đê trống trải nên mỗi lần gió Nam mạnh cũng làm đê sạt lở, chưa nói khi mùa bão lũ đến. Người dân nơi này không ít lần chứng kiến cảnh vỡ đê và thường đi sơ tán mỗi khi nghe tin bão về.
.
Ông Mai Công Chính – 82 tuổi, nguyên cán bộ Sở Thuỷ sản Hải Phòng – kể: “Đã bao nhiêu năm gia đình tôi ở đây nên biết rất rõ nỗi cơ cực do sóng biển đe dọa. Trước đây phía Nam cống Rộc này rất đáng sợ. Chỗ nhà tôi từng bị nước biển tràn vào và chịu cảnh ngập lụt không biết bao nhiêu lần”. Còn ông Phạm Văn Danh – 79 tuổi, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Vinh Quang, nguyên Thường vụ huyện uỷ Tiên Lãng – thì cho biết: “Cống Rộc khi trước kinh hãi lắm, nước biển mênh mông. Không ai dám nghĩ có ngày ở đó được yên ổn chứ nói gì đến việc bỏ công sức ra đầu tư để sản xuất đâu”. Ông Danh còn kể: Khi nghe tin anh Vươn tuyên bố nhận làm ở khu cống Rộc, ông Đinh Quang Hiên – người nhiều năm đầu tư khai thác vùng ven biển ở Tiền Hải (Thái Bình) và phía Bắc xã Vinh Quang – thách đố: “Nếu thằng Vươn làm thành công tôi sẽ mất với nó một chiếc xe máy đẹp”. Đó là câu chuyện diễn ra cách nay đã hơn 15 năm.
.
Còn ngày nay, đứng trên đê quốc gia nhìn ra biển, bất cứ ai cũng có thể nhận ra những đầm nuôi trồng thuỷ sản đã được hình thành vững chắc, ổn định với diện tích rộng hàng trăm ha. Ông Chính bảo: “Nhờ có việc đầu tư công sức và hàng chục tỷ đồng của anh Vươn và những hộ dân nên tuyến đê biển này đã thực sự an toàn, người dân trong vùng được yên tâm sinh sống”. Còn để chỉnh trị vùng ven biển này, ông Chính khẳng định: “Quá trình anh Vươn làm ở đây, những con đê bảo vệ cũng vỡ nhiều lần. Có khi đắp sáng, chiều vỡ, đắp tối thì sáng hôm sau vỡ. Việc làm bấy giờ của anh ấy ví như con dã tràng xe cát. Bây giờ không thể nào nói hết công lao của anh ấy”. Ông Danh tiếp lời: “Nhiều người gàn lắm. Tôi cũng ngăn cản. Không ai ngờ là anh ấy làm được đâu. Anh Vươn như đi cải tạo 6-7 năm trời. Cả gia đình anh ấy cũng lao đao, khổ theo. Ngay đứa con gái đầu lòng của anh ấy cũng chết ở ngoài đó”… Những người dân ở Tiên Lãng vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện này mỗi khi nhớ về quá trình lấn biển ở vùng cống Rộc. Còn với “người trong cuộc” Đoàn Văn Vươn thì sao?
.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bắc Hưng (Tiên Lãng), định mệnh đã gắn cuộc đời của ông với biển khơi, như chính cái tên “Vươn” cùng bao khát vọng chinh phục biển – điều mà cha ông – một cán bộ đảng lâu năm – mong muốn. Sau khi rời quân ngũ năm 1986, chàng thanh niên Đoàn Văn Vươn trở về địa phương với quyết tâm tìm cách chế ngự thiên nhiên, biến nỗi kinh hoàng của biển khơi thành tiềm năng phục vụ con người.
.
Ông Đoàn Văn Vươn bên đầm nuôi trồng thuỷ sản ở Vinh Quang (Tiên Lãng)
.
Đã không ít người hồ nghi và coi việc làm của Vươn khi ấy chỉ là sự ngông cuồng của tuổi trẻ. Ông Vươn kể: “Sau khi nghiên cứu địa hình, tôi cho rằng nếu làm được, thì khu vực ấy (cống Rộc) không những sẽ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội lớn. Do đó, tôi đã lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và huy động mọi nguồn lực để tiến hành cắt dòng chảy, từng bước khoanh vùng đắp đập ngăn nước”.
.
Hơn nửa năm trời, người ta chứng kiến hơn 750 nhân công cùng 13 tàu, xe cơ giới ngày đêm vật lộn với sóng biển ở cống Rộc. Ước tính đã có trên 23.000m3 đất đá được chuyển từ Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và trong vùng đổ xuống biển. Từ năm 1994-1998 hàng ngàn cây giống đã được ông bỏ công sức chuyển từ đất liền ra trồng, nhưng tất cả đều bị sóng biển cuốn trôi. Không nản chí, ông tiếp tục nghiên cứu và từng bước kiên trì để tạo nên hàng rào chắn sóng bằng hàng chục tấn đất đá, cùng khoảng 140 tấn xi măng để xây kè và hàng nghìn cây bần, vẹt. Để rồi, máu cùng nước mắt có ngày được đền công: dòng chảy phía ngoài cống Rộc chuyển hướng, chân đê từ chỗ sâu 1,65m (cốt âm) được nâng lên cốt dương và hàng chục ha đất bồi cùng 60ha rừng vẹt ngăn sóng hình thành. Thành công từ việc trồng rừng chắn sóng của ông Vươn còn được các chuyên gia Nhật Bản đến tìm hiểu, nghiên cứu.
.
Nam cống Rộc được chế ngự đã giúp cho hàng trăm ha đất ven biển ở Tiên Lãng được bồi đắp mạnh hơn, tuyến đê biển được đẩy lùi vào hàng chục nghìn mét và trở nên vững chãi. Cảm khái trước tâm huyết và công sức của con người dũng cảm dám đối đầu với thiên nhiên, tết năm 1994, người con cao tuổi nhất bấy giờ của làng Chùa (Vinh Quang) đã đem pháo ra cống Rộc đốt và nói: “Việc làm của anh Vươn đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Vinh Quang. Con cháu chúng tôi sẽ phải ghi nhớ công ơn này. Và nếu được, tôi đề nghị phải đắp tượng anh Vươn”.
.
Tuy nhiên, để biến ước mơ thành hiện thực, ông Vươn đã phải chấp nhận chuyển cả gia đình đến sống chung với bão lũ; và để có vốn, ông đã phải bán những tài sản có giá trị của gia đình, vay lãi ngân hàng, huy động người thân vào công việc lấn biển và việc ông mất đi cô con gái đầu lòng cho biển cống Rộc.
Sự nỗ lực góp phần chỉnh trị dòng chảy, giữ an toàn cho tuyến đê biển và tạo nên những đầm nuôi trồng thuỷ sản như hiện nay của ông Vươn là cả một quãng thời gian dài với bao công sức, tiền của. Những ngày đầu năm 2008, ông vẫn tiếp tục đầu tư hơn 100 triệu đồng để kè đá cho đầm tôm. Cùng với ông Vươn, ở Tiên Lãng hiện còn nhiều hộ gia đình đang sử dụng đất bồi ven biển để nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có không ít những người như ông Vươn. Điều muốn nói ở đây là họ đã và đang đối mặt với những thách thức mới, không những từ biển mà còn từ những việc làm không tuân thủ pháp luật, thiếu tình người của một số người có trách nhiệm ở Tiên Lãng./.
.
Đón đọc kỳ II: Những việc làm ngẫu hứng khiến lòng người nổi sóng
.
Chí Trung
——————-

Cống Rộc đang “độc” vì ai?

Cập nhật lúc:  09:46 29/07/2008
VEN) – Là người có công trong việc mở mang diện tích đất bồi ven biển và có luận chứng kinh tế, hồ sơ về thuỷ lợi, nên ngày 4/10/1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có Quyết định số 447/QĐ-UB giao 21ha bãi bồi ven biển thuộc xã Vinh Quang (cống Rộc) cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng vào mục đích nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.
Kỳ II: Cống Rộc – Thách thức không đến từ biển
.
.
Ngày 1/12/2007, ông Vươn nhận được Thông báo số 225/TB-UBND của UBND huyện Tiên Lãng về việc dừng đầu tư vùng nuôi trồng thuỷ sản với lý do thời hạn giao đất ghi 14 năm đã hết. Tiếp đó, ngày 23/4/2008 UBND huyện Tiên Lãng lại có Quyết định số 460/QĐ-UB về việc thu hồi và yêu cầu phải bàn giao lại toàn bộ 21ha đất đang sử dụng cùng các công trình có trên đất cho xã Vinh Quang quản lý trong thời gian… 15 ngày.
.
Điều đáng nói là, theo đề án và luận chứng kinh tế kỹ thuật mà ông Vươn cung cấp thì thời gian ông đăng ký nhận đầu tư 21ha đất bồi là 30 năm. Đặc biệt, theo quy định của pháp luật thì, đối với loại đất bãi triều ven biển và đất mặt nước ven biển (ngoài đê) là đối tượng được khuyến khích đầu tư sử dụng và được Nhà nước hỗ trợ. Nội dung này được thể hiện khá rõ trong Luật Đất đai, Quyết định số 327-CT, ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tại Quyết định số 567/QĐ-UB, ngày 22/4/1992 của UBND TP. Hải Phòng. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 67 Luật Đất đai năm 2003 ghi “Thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15/10/1993”. Tại điểm 3, mục I, Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT, ngày 13/4/2005 của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã hướng dẫn cụ thể về điều này.
.
Chưa cần dẫn chiếu các văn bản khác cũng có thể thấy Quyết định 460/QĐ-UB, ngày 23/4/2008 của UBND huyện Tiên Lãng là trái với tinh thần của pháp luật hiện hành về thời hạn giao đất. Chưa hết, tại Điều II quyết định này, UBND huyện Tiên Lãng còn giao Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND xã Vinh Quang làm thủ tục thu hồi đất cùng toàn bộ công trình có trên đất, mà không bồi thường gì (!). Điều này là không đúng với quy định. Bởi, tại Điều 9 Quyết định số 327-CT ghi “Đối với các dự án sử dụng bãi bồi, đất trống ven biển, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản có quy mô khoảng 700ha, ngang mức dân một xã, mỗi hộ gia đình được giao một số đất để nuôi tôm, cua, rau câu và 700m2 đất để làm vườn. Nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc hoàn vốn bằng khấu hao. Việc xây dựng công trình nội đồng, nuôi trồng thuỷ sản do hộ gia đình đầu tư bằng vốn tự có hoặc vay vốn ngân hàng. Các bãi bồi, mặt nước nhỏ dưới 700ha do địa phương đầu tư hoặc giao cho các hộ tự làm”. Căn cứ vào nội dung của quyết định này thì gia đình ông Vươn thuộc diện được ưu tiên, tạo điều kiện để quản lý, sử dụng và còn được Nhà nước hỗ trợ trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đối với diện tích đất trên.
Đơn thư, tài liệu do người dân cung cấp
.
Trong khi “Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp, công ty cổ phần, công ty và các hộ tư nhân, kể cả liên doanh giữa công ty hoặc tư nhân với nước ngoài đầu tư vào việc trồng trọt, chăn nuôi ở vùng đất mới” (Điều 11, Mục B Quyết định 327-CT) và tại khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai quy định “Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng…”, nhưng UBND huyện Tiên Lãng lại không xem xét tới những điều này của Luật Đất đai và Quyết định 327-CT. Qua tìm hiểu, được biết, kể từ khi được giao đất vào năm 1993 đến nay, gia đình ông Vươn luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý và sử dụng đất. Thậm chí, ông còn bỏ khá nhiều công sức, tiền của để củng cố đê kè, góp phần tích cực cải tạo vùng đất bồi hiệu quả và giữ yên cho cả vùng. Mặt khác, ông Vươn còn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thuỷ sản nước lợ huyện Tiên Lãng từ năm 1993 đến nay và ông đã có nhiều đơn xin được tiếp tục giao 21ha trên để sản xuất, nhưng không được giải quyết. Vậy nguyên nhân và động cơ nào khiến UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định 460/QĐ-UB?
.
Trước quyết định “ngẫu hứng” này, ông Vươn tiếp tục khiếu nại, nhưng tất cả vẫn bị rơi vào quên lãng. Ông Vươn phẫn uất: “Tôi đã bỏ bao tâm huyết, tiền bạc vào đây, chấp nhận để cả gia đình cơ cực để lo làm ăn, góp phần giữ đất, giữ quê. Thậm chí, con gái tôi cũng chết vì khu cống Rộc này, vậy mà… Nhưng ở đây còn nhiều người khác cũng đang khổ sở, như ông Luân, ông Trong, ông Tin, ông Đọc, ông Tiêu….”. Còn những người dân ở Vinh Quang thì lại bất bình và bức xúc cho ông. Đối với nguyên Uỷ viên thường vụ Huyện uỷ Tiên Lãng Phạm Văn Danh thì: “Khi anh Vươn trình dự án lên UBND huyện năm 1993, huyện cho rằng hão huyền. Vậy mà làm được, góp phần làm bồi nhanh cho cả khu vực”. Ông Danh bức xúc tuyên bố: “Nếu theo quyết định của Chủ tịch huyện (Quyết định 460/QĐ-UB) là cướp trắng của người ta”.
.
Sự phẫn nộ về những quyết định và việc làm kỳ quặc được phát ra từ UBND huyện Tiên Lãng sẽ còn được đề cập trong bài viết tiếp sau. Ở đây chỉ nói lên một thực tế là niềm tin của người dân nơi đây đối với chính quyền địa phương đang bị phai nhạt dần vì một số vụ việc va chạm giữa dân và các cơ quan chính quyền địa phương đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trong thời gian có mặt ở Hải Phòng, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nỗi bức xúc và tiếp nhận một khối lượng lớn đơn thư, tài liệu do người dân cung cấp xung quanh những quyết định liên quan đến vấn đề đất đai do UBND huyện Tiên Lãng ban hành./.
.
Kỳ cuối: Hàng trăm hécta đất cùng nhiều tỷ đồng của dân có phải là việc của… biển?
.
Liêu Chí Trung
———-

Cống Rộc – Thách thức không đến từ biển

Cập nhật lúc:  10:00 05/08/2008
(VEN) – Như đã đề cập, cùng với gia đình ông Vươn, chúng tôi còn nhận được đơn thư và phán ánh của hơn 20 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng.
Kỳ cuối: Hàng trăm hécta đất cùng nhiều tỷ đồng của dân có phải là việc của… biển?
Lá đơn tập thể của hơn 20 hộ gia đình ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Trong lá đơn dài 11 trang của ông Vũ Văn Luân (xóm 9, xã Hùng Thắng, Tiên Lãng) gửi các cơ quan chức năng, có đoạn viết: “Căn cứ vào Quyết định số 471 ngày 2/8/1999 và căn cứ vào Quyết định giao đất số 415 ngày 10/3/2000, chúng tôi khẳng định UBND huyện Tiên Lãng giao đất trái pháp luật”. Cùng với việc phân tích về những việc làm “chẳng giống ai” của chính quyền địa phương, ông Luân cho biết, gia đình ông đã làm nhiều đơn thư và được các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng pháp luật, nhưng đã hơn 2 năm vẫn không có hồi âm. Chung cảnh ngộ với hộ ông Vươn, ông Luân, còn có gia đình các ông Lương Văn Trong, Hoàng Văn Tin, Nguyễn Văn Tiêu, Nguyễn Thế Đọc… cũng đang chịu nỗi cơ cực vì “bão tố” không đến từ biển. Xin lưu ý, từ tháng 1/1992 đến trước ngày 15/10/1993 – trước khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực – UBND huyện Tiên Lãng đã làm thủ tục giao đất nuôi trồng thủy sản cho 18 hộ với tổng diện tích trên 370ha.
.
Ngày 2/6/2008, chúng tôi tìm đến UBND huyện Tiên Lãng để tìm câu trả lời của những người có trách nhiệm. Trước những bức xúc của các hộ gia đình đang nuôi trồng thủy sản ở xã Vinh Quang, ông Ngô Văn Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng – khẳng định “Những đầm đến bây giờ hết hạn, chúng tôi sẽ thu hồi để giao cho địa phương, cho xã quản lý, để đỡ gây nên phức tạp. Hơn nữa, quản lý của huyện thực tế cũng không thường xuyên, trực tiếp”. Giải thích về việc tại sao huyện lại không giao cho hộ ông Vươn và những hộ khác thời gian 20 năm như quy định của pháp luật mà chỉ là 12 đến 15 năm, ông Khánh trả lời bằng cách… chuyển đề tài, rồi lấy lý do bận việc và giới thiệu chúng tôi đến gặp lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, vì “đó là nơi trực tiếp quản lý tài liệu, giấy tờ”.
.
Vẫn với những thắc mắc trên, chúng tôi nhận được giải thích từ Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng – Phạm Văn Trống: “Trong quyết định có ghi thời hạn giao đất, nên khi hết thời hạn thì Nhà nước thu hồi theo Điều 38, Điều 45 của Luật Đất đai”. Nhưng khi đối chiếu với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác, chúng tôi không tìm thấy quy định nào phù hợp hoặc liên quan đối với trường hợp này. Khi được hỏi: “Vì sao các hộ gia đình ông Vươn, ông Trong, ông Tin…, dù chấp hành tốt các quy định, được giao đất trước ngày 15/10/1993 và đã có đơn xin tiếp tục được giao đất nhiều lần lại không được chấp nhận. Trong khi, tại Báo cáo số 68/BC-UBND ngày 25/12/2006 (sau khi có Kế hoạch 58/KH-UB) lại có 18 hộ ở Vinh Quang được huyện giao mới 67,45ha đất với thời hạn… 20 năm?”. Ông Trống “giải thích” rằng: “Đối với 18 hộ ở Vinh Quang, anh em tôi có ra quyết định giao, cho thuê đất. Đến thời điểm này quyết định vẫn chưa thực hiện và anh em tôi cũng đang báo cáo để xem xét lại việc giao đất năm 2005”.
.
Xin nói thêm, một trong những “căn cứ” để thu hồi đất của các hộ nói trên là Kế hoạch số 58/KH-UB, được UBND huyện này ban hành vào ngày 1/12/2004. Chưa nhắc tới nội dung, ngay từ khi ra đời văn bản này đã có vấn đề. Theo quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Đất đai năm 2003 thì “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp”. Tuy nhiên, Kế hoạch 58/KH-UB của UBND huyện Tiên Lãng lại không được gửi cho UBND TP. Hải Phòng, nhưng vẫn được dùng làm cơ sở để ban hành hàng loạt các quyết định quy hoạch, giao và thu hồi đất (!). Chưa hết, trong phần thu hồi đất, Kế hoạch 58 ghi “Không được đền bù tiền đất và công trình xây dựng đã đầu tư trên diện tích thu hồi”. Điều này có nghĩa, những hộ gia đình được giao đất trước ngày 15/10/1993 ở Vinh Quang sẽ bị thu hồi mà không được bồi thường. Như vậy là trái với quy định của Điều 41, Điều 42 Luật Đất đai.
.
Về quyết định thu hồi đối với diện tích đất giao cho các hộ (từ 12 đến 15 năm) trước ngày 15/10/1993, trái với quy định tại Điều 67, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật, ông Trống cho rằng “tùy từng địa phương, người ta giao cho bao nhiêu, quyết định thời hạn là bao nhiêu, mà không cứ phải 20 năm”.
.
Chưa kể, theo “quan điểm” mà “Kế hoạch 58” đưa ra thì huyện Tiên Lãng chủ trương sẽ xé nhỏ hàng trăm ha đất mà các hộ gia đình đang được giao sử dụng ổn định để cho đấu thầu theo các lô, có diện tích từ 1-5ha/lô. Nghe qua, tưởng hay, nhưng điều này là vô cùng nguy hiểm. Bởi, diện tích đất trên không giống như nền trụ sở UBND huyện Tiên Lãng, mà là đất bồi ven biển – mới được hình thành hơn 10 năm gần đây, nền đất còn nhiều biến động. Càng phi thực tế hơn khi những nền đất này để hình thành nên những đầm nuôi trồng thủy sản ven biển – vốn cần quy hoạch chắc chắn, có thời gian đầu tư lâu dài ổn định. Điều này còn mâu thuẫn với mong muốn “hình thành một vùng nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả theo hướng công nghiệp” như các văn bản mà chính quyền huyện Tiên Lãng dùng để báo cáo với cấp trên và làm cơ sở để quy hoạch phát triển.
.
Cũng cần nói thêm, thời gian qua UBND huyện Tiên Lãng đã giao hàng trăm ha đất cho Công ty Việt Mỹ và hàng chục ha cho Tổng đội thanh niên xung phong với thời hạn từ 27 đến 40 năm, cùng với mục đích nuôi trồng thủy sản, nhưng vẫn chưa sử dụng có hiệu quả. Trong khi đó, các hộ gia đình như ông Vươn, ông Luân, ông Tin, ông Đọc… không những đã có công trong việc đầu tư, khai khẩn, đang làm ăn ổn định và mong muốn được tiếp tục nhận giao đất để sản xuất theo đúng quy định của pháp luật thì lại bị từ chối theo cái “lý” của UBND huyện Tiên Lãng (?!)
.
Xin chuyển những vấn đề này tới các cơ quan có thẩm quyền với mong muốn những băn khoăn của người dân sẽ sớm được làm rõ./.
.
Chí Trung
.

BOM HẸN GIỜ Ở TIÊN LÃNG

Tin nóng: Tiên Lãng đã phát nổ một quả “BOMB” sự thật

Đăng vào ngày 30/01/2012 @11:45 Chiều

Anh Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý
Sau nhiều ngày, với nhiều lý lẽ rất loăng quăng, tiền hậu bất nhất, dối trá,  cố đấm ăn xôi của các cấp lãnh đạo Hải Phòng, Tiên Lãng về vụ cưỡng chế đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn; sau nhiều ngày chỉ nghe tiếng nói phản đối một phía từ báo chí, các quan chức, nhân sĩ trí thức, dư luận, các cơ quan nhà nước Trung ương về những sai phạm của chính quyền Hải Phòng, Tiên Lãng trong việc cấp đất, thu hồi và cưỡng chế đất; sau nhiều ngày cảm tưởng như hệ thống cơ quan ban ngành ở Tiên Lãng một lòng một dạ, cố sống cố chết bảo vệ sai trái của lãnh đạo huyện…Hôm nay, chúng tôi có trong tay văn bản báo cáo chính thức của Hội nuôi trồng thủy hải sản huyện Tiên Lãng ( một đơn vị trực thuộc sự lãnh đạo của huyện Tiên Lãng) đã phát một văn bản báo cáo, vạch trần toàn bộ sự thật về những sai trái, thậm chí phạm pháp của lãnh đạo của mình, nó có sức mạnh như một quả bom tấn, nó là tiếng nói của một tổ chức có tư cách pháp nhân, đóng dấu đỏ…Những sự thật trong văn bản sẽ làm ngả ngửa giới chức lãnh đạo Tiên Lãng vì nó phanh phui những bí mật động trời…Văn bản ngay lập tức trong chiều nay đã được gửi cho rất nhiều các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ…
Người trong cuộc đã lên tiếng vì sự thật.
Một thông tin rất nóng và cần thiết vào lúc này. Một tài liệu quan trọng cho các đoàn kiểm tra Trung ương. Văn bản như một quả bom sự thật của chính người trong cuộc đã châm ngòi.
Chúng tôi có niềm vui được công bố lần đầu văn bản này.
Tặng những cựu chiến binh của Cu Vinh và các bác bài hát VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH, nghe bài này trong lúc đọc mới sướng

______________________
Các bác yêu dấu.
Lúc này, một lá đơn của người dân Tiên Lãng, một báo cáo của một tổ chức xã hội nghề nghiệp ( như báo cáo này), một tiếng nói của một cán bộ, đảng viên ở địa phương…tất cả là đường dẫn cho các cơ quan kiểm tra tìm đến các ngóc ngách, bằng chứng của sự thật. Với công tác điều tra, những thông tin này quý giá như vàng. Ví dụ, sở Tư pháp Hải Phòng đã phát công văn yêu cầu huyện Tiên Lãng thu hồi văn bản trái pháp luật mà huyện không thu hồi, ví dụ một số văn bản của huyện về một số chủ trương không báo cáo Thành phố mà thực hiện lén lút…v..v..Tất cả những điều đó sẽ biến thành sự thật chính thống của các đoàn kiểm tra. Có đường dẫn này, các đoàn kiểm tra sẽ giảm đi rất nhiều thời gian tìm kiếm sự thật. Với Cu Vinh, văn bản này đọc xong, chỉ có cách uống cốc trà, phả khói thuốc và he he he.
Với công việc điều tra sai phạm, đôi khi chỉ là mấy dòng chữ viết rất vội trên võ bao thuốc lá mà phanh phui ra cả một tội tày đình các bác ạ.
Cái giá trị văn bản báo cáo này nằm ở chỗ đó.

http://nguyencuvinh.wordpress.com/2012/01/30/tin-r%e1%ba%a5t-nong-tien-lang-da-cho-n%e1%bb%95-m%e1%bb%99t-qu%e1%ba%a3-bom-s%e1%bb%b1-th%e1%ba%adt/

CHỦ TỊCH NƯỚC LÀM NÔNG DÂN TRONG LỄ TỊCH ĐIỀN

Chủ tịch nước đi cày trong lễ Tịch điền

Sáng 29-1 (mùng 7 Tết), tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn, lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự lễ hội.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xắn quần, chân đất xuống đồng cày ruộng trong lễ Tịch điền - Ảnh: TTXVN - Bee.net







Trong nhiều tài liệu lịch sử còn lưu lại, mùa xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm lễ tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp nước ta.
Kể từ đó, lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng.
Đây là lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, được UBND tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức quy mô lớn trong nhiều năm gần đây.
Năm nay lễ hội Tịch điền được UBND tỉnh Hà Nam tổ chức với quy mô lễ hội cấp tỉnh, diễn ra trong các ngày từ 27 đến 29-1 (tức 5, 6, 7 tháng giêng năm Nhâm Thìn) với các nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia.

Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định lịch sử Việt Nam đã chứng minh dù bất cứ hoàn cảnh nào, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là cơ sở vững chắc, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước. 

Chủ tịch nước nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cả nhân loại đang đứng trước những thách thức lớn, vấn đề an ninh lương thực càng phải được chú trọng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn ngày hội xuống đồng Đọi Sơn, Hà Nam tiếp tục là một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch hằng năm của tỉnh.

Chủ tịch nước đã phát lệnh xuống đồng trong lễ hội lao động sản xuất đầu năm mới Nhâm Thìn 2012.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gieo hạt xuống đồng trong lễ Tịch điền - Ảnh: bee.net

Kết thúc lễ hội, một cao niên trong làng khoác áo long bào nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp đó là những đường cày của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo bộ, ngành trung ương, tỉnh Hà Nam và đông đảo người dân tham gia lễ hội, lật lên những lớp đất nâu, tơi xốp.

TTXVN
 http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/475225/Chu-tich-nuoc-di-cay-gieo-hat-giong-trong-le-Tich-dien.html

TIÊN LÃNG TRUYỆN

Đoàn Văn Vươn - Đất và người Tiên Lãng

Phần 1: Đất và người Tiên Lãng
Phần 2: Quá trình khai thác bãi bồi ven sông, biển và cái gọi là thu hồi của huyện Tiên Lãng.
Phần 3: “Trấn áp tội phạm”, “Bảo vệ hiện trường” và cách xử lý hậu quả của lãnh đạo Hải Phòng.

PHÂN I : ĐẤT VÀ NGƯỜI TIÊN LÃNG
+ Tiên Lãng là một vùng đất nằm ở phía Nam Thành phố biển Hải Phòng. Mảnh đất đầu sóng ngọn gió có từ hơn hai nghìn năm, đã được ghi lại qua nhiều dấu ấn lịch sử văn hoá:
+ Miếu thờ ba chị em họ Tạ là Tạ Huy Thâu, Tạ Ả Ráng và Tạ Đoan Dung ở xã Tiên Minh. Họ là những người đã tập hợp người dân địa phương thành một đội quân gồm cả nam lẫn nữ rất đông, kéo về Mê Linh tụ nghĩa. Khi khởi nghĩa hai bà Trưng thất bại họ rút quân về quê tiếp tục kháng chiến, nơi đó là mảnh đất cuối cùng Mã Viện bình định được.
+ Tiên Lãng là nơi có danh tướng Ngô Lý Tín có công lớn đã làm đến chức Thái phó thời nhà lý, chọn là nơi trở về với đất trời ( tại làng Cẩm Khê – Xã Toàn Thắng ) đến nay đền thờ Gắm vẫn còn.
+ Tiên Lãng có ngôi cổ tự được xây dựng từ thời nhà Lý cách đây trên 800 năm. Tại đây đã có rất nhiều các bậc cao Tăng trụ trì và hành đạo, nay được tôn tạo thành chùa Phúc Thắng ở thôn Mỹ Lộc – xã Tiên Thắng.
+ Tiên Lãng là quê hương của Hộ bộ thượng thư Nhữ văn Lân, thân phụ của bà Nhữ Thị Thục một bậc nữ lưu tài hoa, Người đã mang tài học về Lý số của mình truyền cho con trai là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
+ Từ đời nhà Mạc để giúp dân Tiên Lãng chống chọi với bão gió, triều cường vỡ đê, lụt lội, Mạc Đăng Dung đã cho tôn cao một giải đất chạy dài dọc theo sông Thái Bình từ xã Bắc Hưng, vắt qua Tiên Minh, Đoàn Lập tới bến Đò Hàn, để đến hôm nay người dân ở đó còn biết nơi họ đang ở, làng xóm của họ, được xây dựng trên đường nhà Mạc khi xưa. Cách làm này, có phải ngày nay đang được áp dụng với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
+ Với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp có bao nhiêu Làng, Xã ở huyện Tiên Lãng được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng? nó đủ nói lên sự mất mát hy sinh của người dân Tiên Lãng ở thời kỳ này.
+ Tiên Lãng rất nghèo, bạn có thể gặp trên khắp mọi miền của đất nước, những người xuất thân từ Tiên Lãng đang sinh cơ lập nghiệp. Nhưng chắc chắn sẽ không ai gặp một người Tiên Lãng đang đi ăn mày.
+ Viết những dòng này Nông dân tôi chỉ muốn nhắc nhỏ những ai đang coi người dân Tiên Lãng nói riêng, người dân Hải Phòng hay người dân cả đất nước Việt Nam chỉ là những đối tượng phải “giáo dưỡng”, “thuần hóa” thì họ đang nhầm.



PHÂN II: Quá trình khai thác bãi bồi ven sông, biển và cái gọi là thu hồi của huyện Tiên Lãng.

+ Vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20 Phần bãi bồi hàng nghìn ha ở hai cửa sông Thái Bình và Văn Úc và bãi bồi biển Vinh Quang đều để hoang hóa.
+ Năm 1988 Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đảng CS VN được thực thi, lúc này chức năng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại. Nền sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp bắt đầu hình thành và ngày càng phát triển. Đất đai tư liệu sản xuất chủ yếu của người Nông dân được khai thác ngày càng hiệu quả. Ở Tiên Lãng những năm này bắt đầu có nhu cầu khai thác vùng bãi bồi ven sông, ven biển. Đầu tiên là việc chính quyền một số xã, thông qua các hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức đắp đê khoanh vùng tại các bãi triều ven sông, với mục tiêu nuôi trồng thủy sản, nhưng hoàn toàn thất bại, chỉ sau mấy tháng phần đê các hợp tác xã đắp phần lớn bị trôi phẳng.
+ Cuối những năm 80 đầu những năm 90 do Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, vùng biên giới được thông thương, một số thủy sản trước kia chỉ là sản phẩm phụ nay được giá ( ví dụ 1kg Cua có thể đổi được 10 kg gạo ), vì vây phong trào đắp đê tạo vùng nuôi trồng thủy sản bắt đầu phát triển. Ban đầu một số hộ dân ký hợp đồng trực tiếp với chính quyền các xã, hoặc các hợp tác xã nông nghiệp, Họ hoàn toàn không có sự hỗ trợ tài chính kinh tế nào từ chính quyền vì vậy đòi hỏi Họ phải chút ít tiềm lực, đặt biệt phải có nhiều nhân lực. ( như gia đình Đoàn Văn Vươn có tới 7 anh chị em )
+ Khi luật đất đai năm 1993 có hiệu lực, chính quyền Huyện bắt đầu phải giao đất cho các chủ đầm theo luật định và mặc nhiên quyền quản lý các Đầm trên các vùng bãi bồi thuộc thẩm quyền của Huyện. Việc này giúp các chủ đầm yên tâm hơn trong việc đầu tư và có thể dùng giấy quyền sử dụng đất thế chấp vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Kết quả phong trào khai thác các bãi bồi ven sông, cửa biển phát triển rất mạnh. Từ đó đâ hình thành sự liên kết của các chủ đầm, để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
+ Việc giao đất theo thời gian ngẫu hứng là cách nghĩ của các quan huyện “tao không làm được, nhưng “tao biết”, giao cho chúng mày từng đó năm là có lãi rồi “ điều này có phạm luật hay không xin nhường cho các cơ quan hữu quan “đối chất”. Còn việc nói khi giao đất, các chủ đầm có hợp đồng với huyện, khi hết hạn bị thu hồi không đòi hỏi phải bồi hoàn tài sản, là phát ngôn láo toét.
+ Trở lại trường hợp thu hồi đầm của Đoàn Văn Vươn và một số chủ đầm khác ở Tiên Lãng đợt này. Huyện đã giao quyết định thu hồi cho các chủ đầm nhưng đều bị các chủ đầm phản đối mạnh mẽ, vì tính phi lý của nó, vì tấm gương của chủ đầm Thảo ( tôi quên mất họ) với 70 ha bãi bồi ở xã Tiên Thắng, đã bị chính quyền huyện thu hồi và hành xử như thế nào (điều này phải hỏi nguyên lãnh đạo Lưu Quang Yên sẽ rõ!). Mâu thuẫn hai bên ở thời điểm này đã mang tính đối kháng.
+ Tưởng ý mình có thế bưng bít và đứng trên pháp luật, Dân là đối tượng không cần quan tâm!. Lê Văn Hiền và một số lãnh đạo huyện Tiên Lãng vẫn quyết định thực hiện cưỡng chế và chọn gia đình Đoàn Văn Vươn là điểm bắt đầu với các toan tính:
- Thư nhất: Anh em Đoàn Văn Vươn là những người hiền nhất trong các chủ đầm của Huyện, lại theo công giáo và rất tôn trong pháp luật sẽ không dám chống đối những người được coi là “thi hành công vụ”
- Thứ hai: Anh em Đoàn Văn Vươn đang sử dụng đầm trên 40 ha tại xã Vinh Quang nơi có Lê Văn Liêm làm chủ tịch xã, Vươn lại là người xã khác. Hai điều này có thể thuận lợi, để tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân xã.
- Thứ ba: Các chủ mới đã thỏa thuận xong, giao kèo ngầm đã được ký kết. chỉ còn đợi ra “công khai” đấu thầu.
+ Có thể nói chính quyền huyện Tiên Lãng đã tính toán rất kỹ, nên mới hơn 7 giờ sáng khi chủ đầm Đoàn Văn Vươn còn đang to tiếng với các cán bộ xã, huyện tại UBND xã Vinh Quang, thì trước đó một mũi khác của đoàn cưỡng chế đã bắt đầu xuống đầm và pháo phát nổ, súng phát hỏa xảy ra ở thời điểm này.
+ Rất nhiều khả năng dù đoàn “cưỡng chế” có vào khu đầm bình thường, thì gia đình Đoàn Văn Vươn vẫn có người bị bắt vì một lý do theo kịch bản đã có sẵn. Điều này căn cứ vào câu nói của một lãnh đạo tham gia đoàn cưỡng chế “Hỏng mất kế hoạch, nhưng gia đình nó bị bắt hết cũng đủ răn đe rồi”
+ Vì vụ án còn trong quá trình điều tra Nông dân tôi chỉ xin thông tin như vậy (việc lộ bí mật trong quá trình điều tra, pháp luật đã ngăn cấm).
+ Thông tin thêm; bí thư huyện ủy Tiên Lãng hiện nay là đồng chí Bùi Thế Nghĩa nguyên là sinh viên khoa văn đại học Tổng Hợp, chưa biết có mê “Kiều “ hay không?, nhưng rất thích bàn văn và bình thơ. Đồng chí chủ tịch Lê Văn Hiền mời hơn ba năm nhận nhiệm vụ đã luôn có được “ủng hộ” và “thống nhất” của các cán bộ, ban ngành trong huyện ở rất nhiều công việc. Thế mà Lê Văn Hiền mới làm tới chức chủ tịch huyện “tiếc thật, tiếc thật!”. Ở đây Tôi hoàn toàn không muốn so sánh, hoặc phóng to chính quyền Huyện này.
+ Luật đất đai ảnh hưởng nhiều nhất tới hơn 70% dân số là Nông dân chúng tôi. Trước khi ban hành các bác cũng nên hỏi chúng tôi một tiếng! Đừng để xảy ra sai phạm quá trầm trọng, các bác mới tìm nhau “Đối chất “ thì khó cho Nông dân lắm lắm.

Nông Dân
(Còn tiếp)

 http://www.cafechemgio.com/2012/01/oan-van-vuon.html

NÔNG DÂN CHÍNH HIỆU LÀM LỄ TỊCH ĐIỀN KHAI RUỘNG

CÁC VỊ CHỦ TỊCH NƯỚC LÀM LỄ TỊCH ĐIỀN Ở ĐỌI TAM-ĐỌI SƠN-HÀ NAM


CHỦ TỊCH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM TRƯƠNG TẤN SANG TRONG LỄ TỊCH ĐIỀN NĂM NHÂM THÌN

NGUYÊN/CỰU CHỦ TỊCH NƯỚC CHXHCN NGUYỄN MINH TRIẾT VIỆT NAM TRONG LỄ TỊCH ĐIỀN


Khai ruộng', người kéo bừa thay trâu
TPO – Trong khi nhiều người vẫn còn đang ăn Tết, du xuân… thì nông dân ở nhiều nơi phải ra đồng làm việc. Không trâu, không tiền thuê máy, một số hộ nông dân ở  Hưng Yên phải dùng sức người kéo bừa.
Bố con ông Kháng đi bừa trên đồng. Ảnh: Trường Phong
Bố con ông Kháng đi bừa trên đồng. Ảnh: Trường Phong.
Sáng mùng 6 Tết, ông Phạm Văn Kháng, 47 tuổi (xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng con trai ra bừa khoảnh ruộng nhỏ ngay giáp quốc lộ 5. Sợi dây thừng được buộc vào hai đầu chiếc bừa, con trai ông Kháng vòng qua bụng, hai tay nắm chặt dây, kéo bừa đi. Đằng sau, ông Kháng lựa chiếc bừa đi theo bước chân con trai.
“Nhà tôi không có trâu. Mà trong làng cũng chẳng còn ai nuôi trâu, bò để mượn. Khoảnh ruộng thì nhỏ, thuê máy bừa vừa tốn tiền, vừa hỏng bờ, nên hai bố con làm cho tiện” – Ông Kháng cho biết.
Cách ruộng của ông Kháng vài khoảnh, dù ruộng khá rộng, nhưng cô Hòe (Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng ba con gái cũng đang bừa ruộng bằng sức người. Cô Hòe cầm bừa, trong khi ba cô con gái ra sức kéo chiếc bừa trên ruộng cạn.
Ông Kháng cho biết, với những cánh đồng lớn, cả làng thường thuê máy cày, máy bừa, nhưng với những khoảnh ruộng nhỏ, làm riêng rẽ từng hộ… do không có trâu, bò, tiết kiệm tiền thuê máy, nên thường tận dụng sức người để cuốc, bừa ruộng.
Không có trâu, con trai ông Kháng phải kéo bừa cho bố. Ảnh: Trường Phong
Không có trâu, con trai ông Kháng phải kéo bừa cho bố. Ảnh: Trường Phong.
Bốn mẹ con cô Hòe cũng đang cố gắng bừa thửa ruộng cạn. Ảnh: Trường Phong
Bốn mẹ con cô Hòe cũng đang cố gắng bừa thửa ruộng cạn. Ảnh: Trường Phong .
Trường Phong
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/565055/Khai-ruong-nguoi-keo-bua-thay-trau-tpov.html