Ông chủ
"làng chiến tranh"
QĐND -
Thứ Năm, 20/08/2009, 20:19 (GMT+7)
|
“Lớp học thời chiến” được tái
hiện ở “làng chiến tranh”.
|
Ông Nguyễn
Xuân Liên, một người quê gốc ở Thủ đô Hà Nội, khi về hưu đã tạm biệt
phố phường tìm đến Vực Quành (xã Nghĩa Ninh, Ðồng Hới, Quảng Bình), dốc toàn bộ
vốn liếng tái tạo ký ức chiến tranh trên mảnh đất 10 héc-ta gần đường Hồ Chí
Minh.
"Ðây là ngôi làng tái tạo hình ảnh một làng
kháng chiến trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước. Nó là bảo tàng ngoài
trời, có lẽ là duy nhất ở Việt Nam ,
với nhiều nhà hầm, đường giao liên, kho chứa vũ khí, hàng hóa... cùng nhiều di
vật chiến tranh. Gọi là làng chiến tranh hay bảo tàng chiến tranh đều được
cả" - Ông Liên tự hào giới thiệu về "làng" của mình như vậy.
Năm 1961, chàng trai trẻ 21 tuổi Nguyễn Xuân Liên vào công tác
tại ngành y tế Quảng Bình. Gần 10 năm sống và chiến đấu cùng người dân Quảng
Bình, nên đến bây giờ những ký ức hầu như vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Ông nhớ
hồi đi gặt lúa giúp dân ở Quảng Trạch, Lệ Thủy, chứng kiến nhiều gia đình ăn
sắn thay cơm nhưng quyết không đụng đến một hạt gạo dành cho bộ đội. Rồi chuyện
những người mẹ thức thâu đêm chăm sóc thương binh; những chị đêm đêm chèo
thuyền trong mưa bom bão đạn vận chuyển lương thực, vũ khí ra tiền tuyến...
Năm 1992, ông Liên có dịp về thăm những đồng đội của
mình đã mãi mãi nằm lại vùng đất lửa. Sau chuyến đi ấy, ông nảy sinh ý tưởng
xây dựng “làng chiến tranh” ngay trên vùng đất lửa Quảng Bình. Thế là, năm
2003, sau khi nghỉ hưu, ông Liên bán nhà và vận động hai người con trai đang
định cư tại Ðức giúp đỡ kinh phí, vào Quảng Bình thực hiện ý tưởng của mình.
|
Ông Liên-người chủ “làng chiến tranh”.
|
Bây giờ, bên cạnh việc tái hiện "làng chiến
tranh", ông Liên còn xây Nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ở lối dẫn
vào làng. Trên tường là danh sách các liệt sĩ được khắc trên bia đá lớn. Ngày
ngày ông đến các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn Quảng Bình, thu thập tên, địa
chỉ và chụp ảnh những ngôi mộ của các anh rồi gửi các phương tiện thông tin đại
chúng và đăng tải trên trang nhật ký điện tử (blog: 360.yahoo.com/vucquanh)
của mình. Ðến nay, ông đã sưu tập được địa chỉ của 3.000 liệt sĩ. Có lần, đoàn
cán bộ, phóng viên Báo Bắc Giang vào thăm “làng kháng chiến”, ông đã
cung cấp danh sách các liệt sĩ quê Hà Bắc hiện được an táng tại Quảng Bình. Sau
khi Báo Bắc Giang đăng tải danh sách này đã có sáu gia đình tìm được mộ
người thân.
Ông Liên tâm sự: "Tôi làm tất cả những việc này
trước hết là thỏa với lòng mình, sau là muốn để lớp trẻ hiểu thêm về thế hệ cha
anh ngày trước. Thế hệ chúng tôi, tất cả mọi người đều sẵn sàng hy sinh vì độc
lập tự do của Tổ quốc. Tôi chỉ muốn làm công việc nhỏ để tiếp tục truyền thống
ấy".
Bài và ảnh: Lê Bảo – KT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét