Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

LÀNG HO

Khuôn mặt Làng Ho

Làm phim hành trình lên tây Trường Sơn, vào với Làng Ho ở xã Kim Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Làng Ho đẹp nao lòng. Con suối nhỏ. Bản làng nhỏ. Con người nhỏ bé giữa núi rừng. Làng Ho mùa đông năm 2011 rét tái tê. Những khuôn mặt tràn ra hứng gió, những ánh mắt nhìn người lạ lẫm. Những đôi mắt đẹp lạ kỳ không sân si ái ố. Những đôi mắt vô tư giữa đại ngàn sâu thẳm. Mời bà con xem khuôn mặt Làng Ho nhé. Có thể ảnh chưa đẹp nhưng là một khuôn hình.
Người mẹ Làng Ho


Bé gái Làng Ho, hình này rất tình cờ

Làng Ho mùa đông năm 2011

Ánh mắt con trẻ Làng Ho

Nụ cười Làng Ho, nụ cười giản dị vô biên

Thiếu nữ Làng Ho

Năm khuôn mặt năm ánh mắt

Cõng em đi chơi ở Làng Ho

Nhà ai dưới núi ở Làng Ho
Cu Làng Cát
 

LÀNG HO TRÊN TUYẾN THỐNG NHẤT (ĐƯỜNG 559)


Làng Ho trên Tây Trường Sơn
Thứ năm, 30/06/2011, 00:14 (GMT+7)
Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) nằm bên Tây Trường Sơn hùng vĩ. Những tháng năm đánh giặc, Làng Ho là địa chỉ đầu tiên tập kết hàng hóa chuyển vào Nam. Sau chiến tranh, Làng Ho nép mình dưới tán rừng trầm mặc, dân bản vật lộn với khó khăn. Nhưng tới đây, sẽ có một dự án lớn nhằm đổi thay cuộc đời người Vân Kiều tại Làng Ho từ chương trình Nghĩa tình Trường Sơn
của Báo SGGP.
Một góc Làng Ho sắp được thay mới bằng bản làng khang trang kiểu mẫu.
Chuyện xưa
Làng Ho nằm giữa bạt ngàn núi rừng, vạn đời; ngàn đời người Vân Kiều chung thủy với bản quán, đi theo cách mạng. Họ sống ở độ cao gần 100m so với mực nước biển. Ngày xưa, muốn lên Làng Ho, không có đường nào khác ngoài bạt rừng đi bộ 3 ngày.
Ngày nay, lên Làng Ho có hai cách. Một, đi từ Đồng Hới ra Khe Gát (Bố Trạch), bắt đầu từ cây số 0, phóng xe hơn 200km sẽ chạm mốc Làng Ho nổi tiếng; hai, đi theo đường 10 nối Đông và Tây Trường Sơn tại xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) và Kim Thủy (Lệ Thủy), chỉ khoảng 100km.

Những năm đánh giặc, Đoàn 559 đã chọn Làng Ho làm điểm tập hợp vũ khí, cơm gạo, thuốc men, đạn dược gùi thồ vượt đỉnh 1001 và Khe Hó. Những người Vân Kiều lớn tuổi kể: “Lúc đầu không biết đó là bộ đội, chỉ nghe nói quân mình, người của Bác Hồ cần làm việc lớn, cần dân giúp đỡ, thế là dân bản cử những thanh niên giỏi nhất, khỏe nhất, và giữ được bí mật nhất giúp cán bộ soi đường, mở lối vượt dốc Khỉ cao cả ngàn mét để vô Quảng Trị”.
Từ chỗ là điểm tập kết nhỏ, Làng Ho trở thành địa điểm tấp nập của Binh trạm 27 Đoàn 559, số nhân công bốc vá, gùi - thồ hàng có lúc đến hàng ngàn người. Hồ Uôi, 80 tuổi, người Làng Ho kể: “Từ Làng Ho đi qua nước bạn Lào chưa đến 10km, từ Làng Ho vào Quảng Trị cũng chừng 20km nên Làng Ho được chọn đóng chốt là kho trung chuyển hàng hóa rất lớn trên đường Trường Sơn huyền thoại.
Và tại tấm bia di tích đặt bên đường Hồ Chí Minh vẫn còn ghi rõ: “Làng Ho - Tháng 10 năm 1959 đã được chọn đặt chỉ huy sở tiền phương của Đoàn 559, là điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị Thiên và khu 5 từ 1959-1962. Năm 1966, 1967 bộ đội, TNXP Trường Sơn đã mở đường cơ giới Thạch Bàn - Làng Ho, Làng Ho -  Khe Sanh, Làng Ho - Bản Đông (Lào) để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 Nam Lào 1971”.
Ở Làng Ho, nhà nào cũng tham gia bảo vệ bộ đội, cùng TNXP làm đường, gùi thồ hàng hóa, cáng thương, tải đạn. Làng Ho là địa danh trung chuyển có tiếng nên số lần máy bay địch ném bom lên đến hàng trăm lượt, nhưng người Làng Ho vẫn kiên trung, các lực lượng chiến đấu ở Làng Ho vẫn chuyển hàng qua Lào, vào Trị Thiên chi viện thành công cho các chiến trường.

Người Làng Ho mưu sinh
Sau ngày hòa bình lập lại, những con người cứng cỏi của Làng Ho về với bản làng, bắt tay vực lại cuộc sống. Nhưng sống ở vùng hiểm địa, đường sá đi lại khó khăn, không có ruộng sản xuất, không nương lớn rẫy rộng, bà con Vân Kiều chỉ quanh quẩn với mấy vuông sắn quanh nhà sàn ọp ẹp. Cũng đã mấy chục năm chiến tranh lùi xa, người Làng Ho vẫn toát mồ hôi với cuộc mưu sinh trên nhánh Tây Trường Sơn.
Ông Hồ Un nói: “Trước đây còn ăn trộm rừng bán lấy tiền sinh nhai. Nhưng nay, một phần rừng được giữ rất chặt, mặt khác bà con cũng hiểu phá rừng là phá cuộc sống nên dừng luôn. Chừ sinh kế duy nhất chẳng có chi ngoài đi đãi vàng dưới suối”. Hồ Dung, cô gái trẻ người Vân Kiều chia sẻ: “Con gái trong bản đi mót vàng, con trai vào rừng ăn ong, về bán cho người buôn miền xuôi để duy trì cuộc sống thôi, chẳng có ruộng mần nên phải thế mà”.
Làng Ho còn khó khăn với tình trạng sinh con đông. Cựu binh Hồ Uôi (80 tuổi) có đến hai vợ phải gồng gánh 18 đứa con, trong đó có ba người con khác đã mất do không nuôi được. Với 37 hộ, có đến gần 200 nhân khẩu, Làng Ho thật sự khó khăn để nuôi được bản thân mình khi không có đất sản xuất, toàn bản là 100% hộ nghèo.
Bản kiểu mẫu cho Làng Ho
Cuối năm 2010, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã có chuyến thăm bản Làng Ho và quyết định tài trợ nơi đây một bản làng kiểu mẫu để Làng Ho thoát nghèo.
Vào cuối tháng 4-2011, đại diện thường trực Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã làm việc với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cùng Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy về dự án. Sau đó, Tổng Công ty Bia rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã đồng ý tài trợ cho dự án đầy ý nghĩa này.
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây mới 33 căn nhà gỗ trị giá 1 tỷ 485 triệu đồng, sửa lại 3 căn khác đã xuống cấp trị giá 75 triệu đồng; xây dựng trạm dân quân y kết hợp, làm đường nội bộ 100 triệu đồng, làm cổng chào vào bản, xây dựng nhà vệ sinh cho mỗi hộ và ủng hộ mỗi hộ dân 500.000 đồng mua giống. Tổng giá trị đầu tư 3 tỷ đồng.
Có một chi tiết nhỏ cũng cần được nhắc đến, ấy là tên Làng Ho đã không còn mà chuyển thành bản Trung Đoàn. Đại diện Báo SGGP có ý kiến cần lấy lại tên Làng Ho, bởi Làng Ho là một địa danh lịch sử. Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Thái Tôn nhất trí việc này và cho biết sẽ có đề xuất điều chỉnh.
Rồi đây trên Tây Trường Sơn sẽ có một Làng Ho - bản kiểu mẫu của người Vân Kiều trên con đường Hồ Chí Minh. Chắc chắn Làng Ho sẽ đổi thay phát triển bằng sự đầu tư xứng tầm ấy. Làng Ho, một bản làng không thể nào quên.
MINH PHONG

http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2011/6/261317/

VĂN NGHỆ SĨ HẢI PHÒNG VIẾT VỀ TIÊN LÃNG

NỖI ĐAU ĐỚN, HỔ THẸN NÀY...


TL: Nhà biên kịch Long Khánh là cộng tác viên lâu năm của VFC, thường tiên phong viết mảng chính luận, chống tham nhũng. Cũng là người đồng nghiệp, người anh vong niên lâu năm của TL. Mới đây gặp lại nhân dịp đầu năm, TL có hỏi bác chuyện Tiên Lãng. Chỉ thấy bác cười buồn, không nói gì. Và hôm nay TL nhận được bài viết này…Xin post lên đây để cùng bạn bè đọc và hiểu thêm tâm tư của một người Hải Phòng trước sự kiện Tiên Lãng còn nóng bỏng trên các diễn đàn cả nước và quốc tế.

Nguyễn Long Khánh
 
Vụ cưỡng chế đầm nuôi thuỷ sản ở Tiên Lãng với tiếng đạn hoa cải của hai anh nông dân Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý làm chấn động cả nước…Biết bao  người có lương tâm yêu công lý, sự thật, lẽ công bằng đã lên tiếng: từ cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, đến Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan, các Bộ trưởng, tướng lĩnh quân đội, công an, các đại biểu quốc hội và các văn nghệ sĩ ở 64 tỉnh, thành trong cả nước…Vậy mà văn nghệ sĩ Hải Phòng chúng tôi dường như im lặng…Tôi đỏ mặt khi đọc bức tranh biếm hoạ về thái độ văn nghệ sĩ Hải Phòng trên mạng Trần Nhương: Hai ông văn nghệ sĩ Hải Phòng đắp chăn bảo nhau: hình như chuyện xẩy ra ở cống Rộc ở đâu I Ran, I Rắc thì phải? Nên cứ yên tâm mà ngủ…Thật đau đớn, hổ thẹn khôn cùng khi có những điều thật khó nói ra.
Thành phố hoa phượng đỏ có bề dày lịch sử oai hùng, quang vinh luôn hiên ngang ngẩng cao đầu. Thành phố được dựng lên bởi nữ tướng Lê Chân lẫm liệt, thành phố đã có trận đánh Bạch Đằng Giang lịch sử chôn vùi bao chiến thuyền của giặc Nam Hán xâm lược, thành phố đã đánh thắng đế quốc Pháp bằng những cuộc chống càn anh dũng, đã chiến thắng B52 giặc Mĩ khi chúng đánh phá khu Xi măng, Thượng Lý. Thành phố của cần lao, làm lụng, dựng xây…Trong gian khổ, khó khăn, bão táp vẫn ngẩng cao đầu: những bến Sáu Kho, nhà máy Xi măng, đóng tàu Hạ Lý, cơ khí Duyên Hải đã trở thành huyền thoại bất tử về truyền thống của những người công nhân làm nên những chiến công bất hủ dưới ngọn cờ của Đảng. Chúng tôi tự hào với truyền thống thành phố Cảng bất khuất, kiên cường đã làm nên những mốc kinh tế đáng nhớ: Bốn cống, năm cầu, năm cửa ô...Và đã đón nhận biết bao huân chương, phần thưởng cao quý.

Vậy mà, mọi thứ cứ mai một dần. Gần 15 năm nay, chính tôi cũng không nhận ra thành phố của mình trong khi bao tỉnh, thành phố tiến lên như vũ bão, thay da đổi thịt từng ngày. Tôi đã đến thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Gần hơn là các tỉnh liền bên: Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, cảm nhận nhìn thấy bằng chính đôi mắt của mình: nhịp độ xây dựng, sự thay đổi nhanh chóng rất đáng ngưỡng mộ của họ. Nhưng khi trở về thành phố của mình, tôi buồn bã nhận ra rằng: Hải Phòng đã tụt lại thành thị xã lạc hậu về mọi mặt với bộ mặt nghèo nàn, nham nhở đầy những vết tích làm chúng tôi xấu hổ về sự ứng xử văn hoá, về tệ tham nhũng cửa quyền, về an ninh trật tự xã hội, về vệ sinh đô thị...Như câu ca dao truyền miệng:
“…Rủ nhau đi Vịnh Hạ Long
Nhớ qua thị xã Hải Phòng chờ em…”
Không có thành phố nào có những vụ đất đai như Quán Nam, Đồ Sơn với bản danh sách cán bộ nhận chia đất từ dự án đến gần 200 người được đăng tải trên báo “Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh” cho cả nước xem. Không có thành phố nào có ông phó chủ tịch, rồi giám đốc sở này, chủ tịch huyện nọ, trưởng phòng địa chính, hai lần “được” đứng trước vành móng ngựa và bị dân la ó, ghét bỏ đến thế ? Còn biết bao chuyện không thể nói vì thật đau lòng: chuyện mua phiếu bầu cử, chuyện nội bộ đấu đá nhau giành quyền lực, chuyện mua bán chức tước, tất cả diễn ra công khai hệt chuyện bóng đá Hải Phòng. Dân bức xúc tham gia ý kiến, đấu tranh thì bị trù dập, đè nén. Các vị chủ tịch, bí thư chấp chính hai khoá liền xây được cho thành phố 1 nhà thư viện 8 tầng (có 4 tầng để không), xây khu nhà thương mại “Cánh diều” bỏ hoang nhiều hơn sử dụng công nợ đến giờ trả chưa xong? Nhưng khi từ giã quan trường về hưu các ông xây biệt thự, Hotel bạc tỉ, mua những cao ốc hàng chục tầng, có ông chạy lên Hà Nội xây biêt thự, tiền ở đâu ra sau chục năm “phục vụ nhân dân” mà có? Chắc các ông tự hiểu…Vậy mà khi người dân làm ăn được một chút các ông lại không thể bằng lòng…
 Cứ thế thành phố của chúng tôi lặng lẽ lùi dần, tiếng xấu lan âm ỉ. Đó lâu văn nghệ sĩ chúng tôi không viết được những dòng tự hào về thực tế đang diễn ra của thành phố quê hương mình? Cho đến vụ Đoàn Văn Vươn với tiếng súng hoa cải loé sáng để cả nước tập trung vào mổ xẻ, thoá mạ những người lãnh đạo ở xã, ở huyện Tiên Lãng, ở thành phố, chúng tôi buộc phải choàng tỉnh, phải mở mắt, dỏng tai nghe những gì mọi người ở khắp đất nước đang nói về Hải Phòng “Thành phố hoa phượng đỏ chỉ biết hiên ngang ngẩng cao đầu”? Thật đớn đau hết mức! Ai đã bôi nhọ thành phố của mình, chúng tôi đau đớn tự hỏi?
Lãnh đạo thành phố, huyện, xã đã hành xử vô tâm thế nào để những người “nông dân Tiên Lãng chống càn” ngày xưa đang làm lụng cần cù, nhẫn nại, cam chịu nay lại phải mang tính mạng mình ra cầm vũ khí tự tạo dám nổ súng dẫu biết rằng có thể chết, vào tù. Họ chống ai? Chống lại chế độ mà cả đời ông, cha họ đã từng hy sinh, chống càn giữ từng tấc đất để làm nên chế độ xã hội tốt đẹp hôm nay ư? Sao những “cán bộ làm đầy tớ của dân” lại bắt họ phải làm điều oái ăm thế? Làm gì có chuyện hợp đồng tác chiến, phương án này, phương án nọ để tấn công vào người nông dân đến bước đường cùng: phải tự vệ để mang tội chống đối Nhà nước? Chính quyền của Đảng, của dân sao lại nỡ làm như vậy với dân? Họ còn thấy tự hào khi đã làm điều đó ư? Thế thì chính quyền vì dân ở điểm nào?
Chúng tôi đã lần tìm cốt lõi của việc thu hồi cưỡng chế các đầm thuỷ sản giao cho dân để làm gì? Khi mà 40 hộ dân đang làm ăn có hiệu quả: Họ quai đê, lấn biển, khai thông kênh lạch, đầm hồ, đổ mồ hôi, tiền bạc xuống để có ngày hôm nay làm ăn có miếng ăn, miếng để cho quê hương Tiên Lãng đẹp giàu, cho những người lao động có  việc làm. Tất cả đang phát triển tốt đẹp vì dân có giàu, nước mới mạnh…
Thật ra câu trả lời thật đơn giản: những người lãnh đạo “vì dân” thấy dân làm ăn được nhưng biếu xén ít quá, không nộp các khoản cống nạp đúng ra họ phải “tự hiểu”, mà thời gian chính quyền đặt ra giao đất cho dân sắp hết rồi. Đã có những đại gia, những doanh nghiệp muốn nhảy vào thế chỗ thuê lại, họ sẵn sàng đấu thầu sòng phẳng, nhưng quan trọng nhất là họ sẽ có ngay những khoản lót tay khi trúng thầu. 70 ha đầm thu hồi đấu thầu lại: kẻ trúng thầu với số tiền hơn 20 tỷ, nhưng sau 20 tỷ công khai kia là biết bao tỷ sẽ vào túi những ai? Vấn đề cưỡng chế thu hồi đất đai, bất chấp đạo lý, lẽ phải, luật lệ là ở chỗ đó. Những người lãnh đạo hiểu rất rõ chuyện này!
Chính vì thế mà lãnh đạo thành phố không biết, lãnh đạo huyện ầm ừ đổ cho xã mọi điều: từ thu hồi đất, từ cưỡng chế, từ phá nhà anh Vươn…Họ chỉ biết kí các lệnh cưỡng chế, thu hồi để xã làm nhưng khi anh Vươn chống lại, thì sẽ có lệnh huy động ngay Toà án, quân đội, công an, chính quyền huyện, xã nhảy vào để cưỡng chế cho được mấy anh em nhà Vươn “láo xược” dám kiện tụng, dám chống lại lệnh “Trời”? Vấn đề chính là ở chỗ đó.
Chúng tôi thật tủi hổ khi việc ở Cống Rộc (Tiên Lãng) đích thân thủ tướng cùng các bộ, các cơ quan trung ương phải vào cuộc giải quyết, để cho nhân dân cả nước phải quan tâm theo dõi, tham gia ý kiến để nhà báo, với nghệ sĩ cả nước phải vào cuộc phân tích, bình luận, thoá mạ những người lãnh đạo thành phố, huyện, xã. Để bốn từ Tiên Lãng, Hải Phòng đầy ắp các trang báo với những lời trách cứ đến đau lòng. Mà thành phố vinh quang của chúng tôi làm gì nên tội? Tất cả tại những kẻ với tham vọng xấu xa, làm giàu bất chính đã bôi nhọ thành phố, bôi nhọ thanh danh của người  Hải Phòng!
Trong hội nghị của các cán bộ lão thành cách mạng câu lạc bộ  Bạch Đằng, sau khi nghe bài nói chuyện của vị bí thư thành uỷ, bốn năm cụ đã đăng đàn phát biểu khẳng định cái sai, sự bảo thủ, trì trệ trong nhận thức hành động “nói sai, trái lại với ý kiến thủ tướng” và kiến nghị Thành uỷ, Uỷ ban phải nghiêm túc tự giác xử lý, làm đúng pháp luật để lấy lại uy tín, danh dự của thành phố Cảng…Vậy mà lãnh đạo thành phố vẫn bảo thủ, giải quyết lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm: thành phố bảo do huyện, huyện đổ cho xã, xã đổ cho dân,  khi sự thật bị phơi bày thì kỉ luật đình chỉ cán bộ 15 ngày để làm kiểm điểm! Thật hệt như vụ đất đai ở Đồ Sơn năm nao khi toà phạt mỗi bị can 50.000đ án phí??? Rồi chuyện sẽ đi đến đâu, hồi kết thế nào? Là người Hải Phòng, văn nghệ sĩ chúng tôi đành chịu, không thể biết? Chúng tôi không có quyền xử lý, tham gia, không thể làm gì? Chỉ có thể bằng tiếng nói đau đớn,  bức xúc  của người cầm bút (viết hay không viết, nói hay không nói?).
Thôi đành phải hy vọng vào tiếng nói của chính nghĩa, sức mạnh của công lý, sức mạnh của nhân dân lao động cả nước…Và tất nhiên là trông chờ rất nhiều ở sự công minh của pháp luật, cán cân công lý của Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mong lắm thay!