Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Nhâm Thìn nhìn Rồng ngẫm quần Long

Nhâm Thìn nhìn Rồng ngẫm quần Long

Sau nhà … Hồ, sân rồng thành ruộng lúa. Đất nước thất lạc độc lập, quyền bính bơ vơ, rồng rớt ao tù? Luận theo Kinh Dịch thì con Rồng Việt như đang gặp quẻ Thiên địa Bĩ hay Trạch thủy khốn?


Rồng mây cất mình bay lên từ chân núi Ba Vì (phía sau là sông Đà)

Biểu tượng Rồng có ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực trong đời sống và văn hóa phương Đông.
Từ thời Hồng bàng, người Việt tự coi mình là dòng con rồng cháu tiên. Dã sử lưu truyền rằng Kinh Dương Vương xuống thủy phủ cưới vợ là Long Nữ và sinh ra Lạc Long Quân.
Từ góc độ địa lý, phong thủy, yếu tố Rồng có thể xuất hiện sớm nhất với hình ảnh thần Long Đỗ khi Cao Biền tìm long mạch để xây thành Đại La. Sách Lĩnh Nam chích quái viết: “thần Long Đỗ là một dị nhân mặc quần áo sặc sỡ, trang sức kỳ vỹ, cưỡi con rồng đỏ, tay cầm giản vàng, lơ lửng trong mây khói, khí thế ngùn ngụt, bay lên lượn xuống hồi lâu mới tan”.
Trong mỹ thuật truyền thống, hình ảnh Rồng xuất hiện sớm nhất và còn lưu giữ được ở các di chỉ, di tích từ thời vua Đinh.
Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn chẳng gì thú vị hơn khi mượn quẻ thuần càn mà suy ngẫm về những thăng trầm của thiết kế và đời sống. Hình của quẻ là lục long ngự thiên- sáu rồng bay trên trời. Tượng và khí chất của quẻ là quảng đại, bao dung, quyền biến như long vân.
Hoặc dược? tại uyên?

Cửu Long
Bao thế kỷ đã trôi qua, nhưng không phải lúc nào hình tượng Rồng cũng ở thế vượt lên hay ngự thiên. Đáng suy ngẫm nhất là mấy chục năm gần đây, riêng biểu tượng Rồng trong quy hoạch, thiết kế kiến trúc, design, deco… người ta chỉ thấy hiển hiện một bức tranh khá ảm đạm, chìm khuất.
Chẳng thể giấu diếm những con rồng Tô Lịch, Kim Ngưu, Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải…đang từng ngày bị phân hủy. Tiếc thay, Đồ Sơn cắt núi, xẻ đồi, lấp biển để phá đi thế cửu long tranh châu. Làm sao có thể quên Long Trì trước chùa Thầy đang từng ngày biến dạng bởi chất thải. Ngổn ngang những đầu rồng phô lộ ở Suối Tiên, Sài Gòn hay Đại Nam, Bình Dương. Và khi sự hiểu biết về văn hóa và quá khứ lệch lạc đến độ … phi thường thì người ta mới cố diễn họa, diễn đạt mái của nhà ga Nội Bài là lấy cảm hứng từ những đình làng xưa với những đầu đao cong cong…
Vậy là rất nhiều công trình gắn với biểu tượng Rồng. Có thấy hình nhưng mất hồn, cạn vía, có copy, lặp lại mà hẫng đi phần tiếp nối, tái tạo, sáng tạo. Không gian Rồng được Thiên mà mất Thời. Có Địa mà hụt thiếu sự giao hòa. Con người ứ thừa ham muốn nhưng lòng Nhân lại vô cùng hẹp hòi, bấn loạn.
Luận theo Kinh Dịch thì con Rồng Việt như đang gặp quẻ Thiên địa Bĩ hay Trạch thủy khốn?
Phi long tại… thiên tử?


Long sàng đặt ở sân trước đền thờ vua Đinh – Ninh Bình

Rồng luôn được gắn với Vua, con trời. Gương mặt, thần thái của vua được gọi là Long Nhan. Nơi ở và làm việc gọi là Long Cung. Sân nhà, kiệu của vua là Long Đình. Xe của vua gọi là Long Xa, Long Giá. bàn viết của vua là Long án. Ghế của vua là Long kỹ. Thuyền của vua gọi là Long Châu. Gường vua ngủ là Long Sàng. Áo của vua gọi là Long Bào, Long Cổn…
Nhưng ngặt một nỗi chẳng phải tạo tác nào cho nơi cao sang, quyền quý cũng được trân trọng và trường tồn.
Trước cửa đền vua Đinh cơn cớ gì mà người đời lại đặt một chiếc long sàng bằng đá? Từ Tây An, Lạc Dương, Nam Kinh, Bắc Kinh, Seoul, Kyoto, Thăng Long, Tây Đô, Huế… không có nơi thờ tự nào lại ngự một long sàng ở sân trước. Tàng ẩn sau những điêu khắc long phượng quấn quýt, vân vi còn bao điều thị phi về những dâm loạn nơi hậu cung? Trơ gan cùng tuế nguyệt hay còn giấu đi bao chuyện đồng sàng dị mộng cùng cái chết bí ẩn của cha con vua Đinh mà lịch sử chưa thể giải mã? Long sàng đẫm máu hay ứa lệ tình? Trong khi đó, rất có thể ám ảnh ký ức muôn người lại là chiếc long sàng mà Dương Vân Nga và Lê Hoàn cùng nhau hân hoan, truy hoan bên sông Vân Sàng sau ngày nhà vua bình Tống trở về?

Còn đó thành nhà Hồ, nơi vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, vất vưởng vài mảnh rồng đá bị “trói” lại trong rào tre sơn đỏ trắng. Điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ, Đông cung, Thái Miếu đã bị san phẳng, mất tiêu hay chìm nghỉm đâu đó nơi dòng sông Mã, chân núi Ngưu Ngọa, Hắc Khuyển, Thổ Tượng. Sân rồng đã thành ruộng lúa. Đất nước thất lạc độc lập, quyền bính bơ vơ, rồng rớt ao tù.

Một ngày đẹp trời được tận mắt chứng kiến những bảo vật thời Nguyễn như ấn quý, kiếm báu, áo xênh xang, mũ thượng triều cùng chậu vàng, bát ngọc… . Hình ảnh rồng lung linh, rực rỡ qua những chạm khắc, thêu dệt cầu kỳ, tinh tế. Nhưng khi bảo vật được long trọng trưng ra ở thủ đô lại chợt nhớ những đầu rồng trong lăng Gia Long ở cố đô vẫn bị chém chặt tàn hoang.
Chất liệu cũng như kỹ năng tạo tác trang trí rồng có thể tạo nên những tuyệt phẩm ấn ngọc Đại Nam Thụ Thiên Vĩnh Mệnh truyền quốc tỷ, ấn vàng Quốc gia tín bảo, Sắc mệnh chi bảo, An dân bảo kiếm… Nhưng chính trị thì luôn đoản mệnh. Hiện thực nghiệt ngã này chỉ tạo thêm cho vàng quý, ngọc hiếm một trạng thái lạnh lùng đến vô cảm của một hiện vật. Ký sinh vào đó một số kiếp điêu linh.
Khi Thiên tử và vương quyền không thể là một nét sổ dọc trong Hán tự hay gạch nối giữa trời- đất và con người thì chẳng có một biểu tượng nào có thể bền vững cùng thời gian hư ảo. Điều này càng phơi lộ rõ hơn khi chính sự biến động, sau sinh mệnh của bao kiếp người thì các di sản văn hóa cũng không có nhiều cơ hội dù rất mong manh để duy trì, tồn tại.

Hiện long tại… đình?



Mả táng hàm rồng- đình Chu Quyến
Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài. Tôi rất muốn thậm xưng một chút khi sửa câu ca xưa thành Rồng Đoài.
Ấn tượng của điêu khắc rồng và mỹ thuật làng ẩn chứa trong những tạo tác mộc mạc, rung động thô phác. Bên cạnh những câu chuyện ái ân như trai gái tắm hồ sen, chải tóc, làm duyên và sờ tí con gái …là cảnh táng mả hàm rồng ở đình Chu Quyến, đầu rồng đuôi cá, trai gái ôm sen, cưỡi rồng ở Tây Đằng. Rồng mẹ dạy con học bài ở Đường Lâm…
Những điêu khắc rồng nấp dưới mái đình thâm u, neo vào chồng đấu, vì kèo, bám chắc vào ván nong, xà thượng, nghé kẻ, đầu dư, đầu bẩy… Những tác phẩm rất khéo trường tồn cùng với niềm tin dân gian.
Điêu khắc rồng ở đình làng không chỉ góp phần làm giảm sức nặng của mái và kiến trúc gỗ. Vượt qua giới hạn hình thức của chất liệu, kết cấu hay kiến trúc, mượn điêu khắc dân làng muốn mở ra một lối đi khác cho đời sống tinh thần, tín ngưỡng của chính mình. Đó là mỹ lộ dẫn con người thoát thực, tìm đến một cảnh giới khác của những ước mơ, khát vọng, của sự đổi thay.
Tuy nhiên mỹ thuật làng còn có khoảng cách nhất định so với chạm rồng ở bệ tượng Adida ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh, chạm khắc rồng trên cửa đền Trần, chùa Phổ Minh Nam Định, rồng hóa trúc ở đền thờ vua Đinh ở Ninh Bình hay rồng hóa mây ở Hoàng thành Thăng Long….
Điêu khắc rồng ở đình làng ít chế tác trên chất liệu bền vững, quý hiếm như đá, ngọc, vàng, bạc. So với điêu khắc ở cung đình hay các trung tâm Phật giáo lớn thì có hụt đi một chút sự tinh khéo và cách tổ hợp, kết nối các câu chuyện, ước mơ hay biểu tượng trong một tổng thể thống nhất.
Thời gian, chiến tranh hay sự nghèo khó cũng khiến các phù điêu, điêu khắc rồng trên các đình cổ ở miền Bắc mau phai tàn, lạt màu, thất sắc. Những thất thoát, biến dạng ấy gây quá nhiều khó khăn cho việc tập hợp, tích tụ mỹ thuật làng thành một định dạng, thiết chế văn hóa. Cái bột phát, cảm tính vừa lệ thuộc và dung dưỡng cho sự tùy tiện, cẩu thả. Cái cá biệt chưa đẩy lên thành phong cách, trường phái.
Tiềm phục?


Từ những phân tích trên, đôi khi viết về đề tài này tôi thường bế tắc. Để tự giải thoát, tôi thường gấp sách, tắt máy lặng lẽ dời Thăng long để tìm về Hạ Long. Bỏ cái vội vã, tất bật, cương cường của đô thị đang quá suy đồi, hỗn loạn để trở về trầm mình trước mênh mông, hiền hòa và bí ẩn của biển cả.
Cảm nhận về Thăng Long thì cần rất nhiều hồi ức thực và hư, lựa chọn thật và giả, bóc tách cái tiểu tiết và đại thể, phân tích cái đúng, sai, quán tưởng và suy luận. Nhưng trước Hạ Long một kẻ tầm thường, ít học như tôi cũng có cơ may đốn ngộ được cái lẽ huyền diệu của càn khôn.
Rất nên bỏ qua những lời mời dừng nghỉ ở khách sạn, du thuyền ba, bốn, năm sao. Bám vào di sản, kinh doanh, kiếm lời từ Hạ Long nhưng nơi đây rất vắng một thứ triết lý kinh doanh quyền biến. Trong một môi trường làm ăn khá buồn tẻ, mấy ai tìm hiểu về những thăng trầm, nhọc nhằn trên những hải trình chinh phục biển của người Việt? Từ đó càng khó tìm thấy những luận giải sâu sắc về Rồng?
Sang thu, Hạ Long luân chuyển bốn mùa trong một ngày. Có thời điểm lạ lùng trước, trong và sau những cơn mưa muộn màng, bờ vịnh trở nên kỳ ảo nhất khi nó thỉnh thoảng hé lộ tinh thần và quyền lực của tạo hóa.
Điểm dừng tuyệt thú nhất phải là những chòi canh côi cút, mong manh, chơ vơ của ngư dân nghèo neo bám trên mặt vịnh. Gió ào ạt. Sóng ào ạt. Liếp thưa, sàn mỏng, cột èo uột, gỗ tre oải mục. Mọi định nghĩa về vật chất, vật thể, tiện nghi bị mờ nhòa đến bất cần, cùng cực. Bù lại, người ta có một cơ hội tĩnh tại, an nhiên nhất để thẩm nhận đại tượng tráng lệ của gió, mây, mưa, núi, đảo đá và mặt nước.
Kìa, Hạ Long đang rực lên khi cơn mưa xuất hiện xa xa. Sắc nắng óng hơn giống như nền trời mỗi khi xuất hiện cầu vồng. Hạ Long biếc xanh và lấp lánh khi mây đen dần choán mặt trời. Linh cảm này tựa như một lần chứng ngộ cảnh tượng mây rồng cất mình bay lên hùng tráng ở chân núi thiêng. Bỗng chốc Hạ Long nhòe mờ bàng bạc trước hiện tượng rồng phún thủy…
Tự vấn Hạ Long có vị thế nào trong trục Hạ Long – Thăng Long? Hạ Long nằm ở đâu trong suốt chiều dài biến ảo của Yên Tử, Yên Phụ, Tam Đảo. Hạ Long góp phần gì cho những chuyển vận kỳ lạ của thiếu tổ sơn Hoàng Liên Sơn và đại tổ sơn Hymalaya?
Hạ Long nằm ở đâu đó hay xê dịch giữa những xa- gần, thực- ảo, lớn- nhỏ, trước- sau, mờ – tỏ, cái hiện diện và khiếm diện, cả sự buông thả và điều có thể nắm bắt…
Bỗng chốc vẳng nghe biển đảo gọi về bao ký ức hiển long.

Bài này khi in ra trên báo Xuân Nhâm Thìn đã chẳng còn là của mềnh. Post lên nhân tháng Thìn.
http://xuanbinhfreelance.wordpress.com/2012/04/03/nham-thin-nhin-r%e1%bb%93ng-ng%e1%ba%abm-qu%e1%ba%a7n-long/#comment-2641