Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011


NGÀY NÀY 39 NĂM TRƯỚC B52 NÉM BOM RẢI THẢM HÀ NỘI

Bài viết cách đây 3 năm :

GIÁ NHƯ KHÔNG CÓ CHIẾN TRANH ...



Bố tôi khi 50 tuổi


Em Nguyễn Xuân Cảnh
( trích ra từ ảnh chụp chung thời học sinh cấp II để làm ảnh liệt sĩ)

NGÀY NÀY 39 NĂM TRƯỚC...

 
Đêm 26 tháng 12 năm 1972, các pháo đài bay B 52 Hoa Kỳ dội những trận bom huỷ diệt cuối cùng xuống Hà Nội. Những trận bom ấy đã gieo chết chóc, tàn phá xuống nhiều khu phố đông dân của Thủ đô.

Cho đến giờ, đã nhiều năm, vào những ngày này, các phương tiện truyền thông thường chỉ nhắc ta nhớ lại vụ thảm sát, huỷ diệt của không lực Hoa Kỳ đối với nhân dân khu phố Khâm Thiên. Nhưng thực ra vào đêm 26/12/1972 ấy, còn có một khu phố khác của Thủ đô cũng bị máy bay Mỹ rải bom tàn phá giết hại nhiều dân thường như Khâm Thiên, đó là Khu Lao động Tương Mai nay là phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trong trận bom Mỹ huỷ diệt khu Lao động Tương Mai này, tôi đã mất NGƯỜI CHA KÍNH YÊU của mình. Cha tôi bị trúng bom ngay tại nhà, trong hầm trú ẩn, khi em trai tôi đưa được Cha lên thì Ông không còn nói được nữa và ra đi ngay sau ít phút. Lúc ấy chỉ có Mẹ và hai em tôi ở bên người vì chúng tôi người thì ở xa, người đi sơ tán theo cơ quan. Cha tôi có tới 10 người con – 5 trai, 5 gái -, nhưng khi mất chỉ có hai con ở bên và phải mai táng vội vàng vì sợ máy bay tiếp tục đánh phá nữa nên các con ở xa không ai về kịp. Khi ấy tôi đang ở Thái Nguyên, cũng là một trọng điểm bắn phá của máy bay B 52. Và, còn một người con trai ( em kề tôi ) mà Cha tôi rất yêu quý cũng đang ở chiến trường.

Có lẽ cho đến trước khi mất, Cha tôi vẫn luôn lo cho tôi và em trai tôi đang sống ở những nơi bom đạn cận kề vì Người đang sống ở Thủ đô - “ Thăng Long phi chiến địa “ -. Nhưng không ngờ, Cha tôi đã mất bởi bom đạn ngay tại nhà mình, giữa Thủ đô. Và, Người cũng không biết rằng người con trai yêu quý của mình - Nguyễn Xuân Cảnh – đã bỏ mình ở một nơi nào đó trên đất nước này từ năm 1969 ( theo giấy báo tử gia đình chúng tôi nhận được vào năm 1974 ), mà cho đến nay cũng không biết nấm mồ Em tôi nằm ở đâu trên cái " Mặt trận phía Nam " vô định , vô hình ghi trên tấm giấy báo tử kia.

Còn tôi, ở Thái Nguyên nhưng tới ngày 07 tháng 01 năm 1973 mới nhận được điện báo do một người hàng xóm của Cha tôi ở Tương Mai báo tin cho biết ( vì mọi liên lạc vào thời gian đó đều bị gián đoạn ). Khi ấy con gái đầu của chúng tôi mới được 7 tháng tuổi.
Ngày hôm sau, chúng tôi, ba người đèo nhau trên xe đạp từ Thái Nguyên về Hà Nội, để, chỉ còn thấy Cha tôi dưới ba thước đất, bên cạnh nấm mồ của những người hàng xóm cùng bị trúng bom trong đêm 26 tháng 12 ấy.
Nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao khi ấy tôi không thể nào khóc thành tiếng.

Nỗi đau này đã 36 năm nay và mãi mãi sau này, tôi còn khắc sâu trong lòng và truyền lại cho con cháu tôi : Cha tôi vất vả và chịu thiệt thòi cả đời để nuôi, dạy chúng tôi nên người, nhưng Người đã ra đi quá sớm.

Cha tôi mất khi Người mới 56 tuổi.
Người ta giải thích rằng đó là do chiến tranh...

Giá như không có chiến tranh ...

KỶ NIỆM ĐAU THƯƠNG




Xem lại những tấm ảnh tang thương ở Khâm Thiên (1973) này, nhớ lại : Gia đình tôi cũng đã phải trải qua những ngày đau khổ tận cùng khi mà Cha kính yêu của chúng tôi cũng đã qua đời trong trận bom B52 ngay tại nhà mình (Khu Lao động Tương Mai, khu Hai Bà, Hà Nội) vào đêm 26/12/1972. Trước đó, Cha chúng tôi vẫn đang đau đáu chờ tin của em trai tôi (Nguyễn Xuân Cảnh) đang ở một nơi xa xôi, vô định nào đó và linh tính cũng đã báo cho Người một điều gì đó không vui : con trai yêu quý của Người đã bỏ mình ở nơi chiến địa.

Tôi mãi mãi mang trong mình một nỗi ám ảnh : vì sao những người ruột thịt, thân yêu của tôi lại phải bỏ mình một cách tức tưởi như vậy ? Nguyên nhân của những sự mất mát này từ đâu tới ?...

Mong sao cho chúng ta sẽ không có ai sẽ phải trải qua những cảnh ngộ đau thương như chúng tôi đã phải trải qua.