Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

BAO GIỜ ĐẾN ?

Các nhà đầu tư Hà Nội quan tâm gì ở Quảng Bình?

Cập nhật lúc 10:36, Thứ Ba, 05/06/2012 (GMT+7)
(QBĐT) - Tỉnh ta có lợi thế về phát triển du lịch, công nghiệp chế biến nông- lâm- hải sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, và còn là một thị trường thương mại đầy tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ thủ đô Hà Nội.
Mới đây, lần đầu tiên thành phố Hà Nội cử một đoàn cán bộ cấp cao, cùng với một số tập đoàn, tổng công ty lớn của thủ đô đến công tác tại tỉnh ta. Ngoài việc trao đổi tình hình hoạt động trên các mặt, lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi địa phương ra, thành phố Hà Nội rất quan tâm tìm hiểu tiềm năng thế mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh và quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, xã hội tại tỉnh ta.
Qua khảo sát ban đầu, các nhà đầu tư Hà Nội cho rằng tỉnh ta có nhiều tiềm năng lợi thế để thu hút nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch, thương mại, công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, thị trường bất động sản, nhà ở, khu thương mại...
Qua tìm hiểu tình hình các doanh nghiệp Hà Nội cho rằng tỉnh ta có lợi thế về giao thông: có QL1A, đường Hồ Chí Minh nhánh đông và nhánh tây, đường xuyên Á, đường sắt Bắc-Nam, QL12A; có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, thông thương với nước bạn Lào và vùng Đông - Bắc Thái Lan, cảng nước sâu Hòn La, sân bay Đồng Hới... rất thuận lợi để mở rộng việc giao lưu kinh tế với các tỉnh và quốc tế. Đặc biệt tỉnh ta có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng; có Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các di tích lịch sử văn hóa... là những tiềm năng để hợp tác phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế.
Dự án bia Hà Nội-Quảng Bình đang phát huy hiệu quả.
Dự án bia Hà Nội-Quảng Bình đang phát huy hiệu quả.
Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và đã có nhiều dự án, nhà máy lớn của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được xây dựng tại Quảng Bình, trong đó có một số nhà đầu tư từ Hà Nội và điều đáng mừng là có nhiều nhà máy, dự án đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư. Ví dụ, dự án Bia Hà Nội liên doanh với công ty bia rượu Quảng Bình, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ được 20 triệu lít bia chai, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 70-80 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện tại Dự án Bia Hà Nội-Quảng Bình đang được mở rộng tăng công suất và trong mùa hè này có thêm sản phẩm bia hơi Hà Nôi góp mặt trên thị trường Quảng Bình.  Dự án May xuất khẩu Hà Quảng đã giải quyết việc làm cho gần 800 lao động, góp phần quan trọng ổn định tình hình xã hội, mỗi năm đóng góp cho ngân sách nhiều tỷ đồng.
Vừa qua, Tổng công ty thương mại Hà Nội đã đầu tư tour du lịch đến Đồng Hới và cử nhiều đoàn công tác đến nghiên cứu tìm hiểu tình hình và đã đầu tư 7 đại lý cấp 1 của Tổng công ty tại tỉnh ta. Theo lời ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội thì sắp tới Tổng công ty sẽ đầu tư một đại lý thương mại có quy mô lớn, trực thuộc Tổng công ty tại Đồng Hới. Đồng thời, Tổng công ty đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại lớn (dạng siêu thị) tại thành phố Đồng Hới.
Trước mắt Tổng công ty thương mại Hà Nội sẽ nâng cấp tour du lịch từ Hà Nội đến Quảng Bình, để thu hút khách Hà Nội, khách quốc tế đến tại Quảng Bình. Ông Thắng cho rằng tour du lịch Hà Nội-Quảng Bình rất thuận lợi về giao thông. Đặc biệt 2 ngày nghỉ cuối tuần, tối thứ sáu khách lên tàu hỏa vào Quảng Bình và tối chủ nhật lên tàu về Hà Nội, đây là một tour tiết kiệm thời gian nhất, thuận lợi nhất để thu hút khách từ Hà Nội. Hoặc có thể đi bằng đường hàng không, chỉ chưa đầy một giờ bay khách du lịch Hà Nội đã có mặt tại Đồng Hới...
Lượng khách du lịch đến Quảng Bình thời gian qua tăng khá cao, trong đó khách đến từ thành phố Hà Nội chiếm số lượng hơn 30%. Đây là một tiền đề quan trọng để Tổng công ty thương mại Hà Nội mở rộng, nâng cấp tour du lịch Hà Nội-Quảng Bình.
Một lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hà Nội đang quan tâm nữa là tỉnh ta có tiềm năng về nguyên liệu nông sản như hạt tiêu, cao su, hải sản... có chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Các nhà đầu tư đang nghiên cứu để đầu tư một nhà máy chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu tại Đồng Hới hoặc vùng phụ cận.
Đồng Hới là một trong những đô thị trẻ nhất nước, với tốc độ đô thị hóa rất cao. Vì vậy vấn đề đầu tư phát triển khu nhà ở thương mại, khu đô thị, hạ tầng đang là vấn đề hấp dẫn các nhà đầu tư Hà Nội, nơi có kinh nghiệm và năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư bất động sản. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà ở Hà Nội, mong muốn của Tổng công ty này được hợp tác đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại với quy mô từ 40-50 ha,  tại Bảo Ninh, Đồng Hới. Ngoài ra Tổng công ty đang tìm hiểu để đầu tư một số nhà máy sản xuất VLXD như: sản xuất kính xây dựng, gạch lát nền, ốp tường, khai thác chế biến khoáng sản...
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng băn khoăn về môi trường đầu tư, tiếp cận thủ tục đất đai...ở tỉnh ta. Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cơ chế, chính sách, sở hữu đất đai, chính sách ưu đãi... khi đầu tư vào tỉnh ta.  Mặc dù thời gian qua môi trường đầu tư ở tỉnh ta đã được cải thiện, nhưng để nâng cao năng lực thu hút đầu tư, tỉnh ta cần có giải pháp tích cực hơn nhằm cải thiện một cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Về phía tỉnh ta mong muốn thành phố Hà Nội tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, nhất là nhân lực thuộc lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, du lịch... Đặc biệt các nhà đầu tư Hà Nội cần hợp tác cùng khai thác lợi thế của tuyến đường 12A, nối Quảng Bình với nước bạn Lào và vùng Đông- Bắc Thái Lan, qua cầu Hữu Nghị III. Tuyến hành lang này có nhiều ưu điểm để liên kết phát triển kinh tế vùng, khu vực
.

những “khoảng trống” đằng sau vẻ hào nhoáng, quyến rũ ở di sản thiên nhiên thế giới (Thanh niên)


05/06/2012 - 02:00
Vụ đốn sưa qua lời kể của lâm tặc
Lần đầu tiên, một số nghi can trong vụ chặt ba cây sưa lớn ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nguồn cơn của “cuộc chiến sưa” vừa qua, đồng ý tiếp xúc với người ngoài.

Chúng tôi được lãnh đạo xã Phúc Trạch dẫn đi len lỏi giữa những thung lũng vắng dưới chân núi đá vôi đến nhà của người đốn sưa. Một số giàu có nhưng đa phần rất khó khăn, lại thuộc diện hộ nghèo. Lần đầu tiên trong đời, những lâm tặc này gặp sưa khổng lồ, những tưởng đổi đời nhưng có người vẫn trắng tay vì cướp.
Cưa xẻ sưa cả tuần không ai biết
Thôn Thanh Sen 3 nép mình dưới rặng núi đá vôi cao lớn. Vườn nhà dân ở đây ngoài những cây ăn quả, lâu năm thì còn xen canh môt loại cây khác đang rộ nóng là “sưa”. Nhà trưởng thôn Thanh Sen 3 có cây sưa đỏ hơn 40 cm nói được giống từ lèn đá trong rừng về, trồng 10 năm, đã nổi ròng phía trong, có thương lái lên ngã giá tiền triệu nhưng không bán.
Ngôi nhà nhỏ của Thái Xuân Tiềm nằm giữa vườn cây um tùm. Tiềm sinh năm 1973, vốn là người dân tộc Sách ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa về đây cưới vợ và ở rể. Tiềm gặp khách lạ, cứ van vái thưa trình: “Nhà cháu không có chi cả, đừng bắt mà tội”. Người ta cứ đồn thổi, những lâm tặc này khét tiếng và sau khi được hàng sưa giá trị lớn lại tỏ ra ngạo mạn nhưng với Tiềm, lại khúm núm lạ thường, chẳng có gì biểu hiện “phong thái” lâm tặc.
Tiềm cùng vợ lấy nước mời khách, kể về câu chuyện chặt sưa như một phép màu thoát nghèo nhưng cũng đầy bi kịch. Tiềm kể nhóm có 11 người, chia thành hai đoàn vào rừng để tìm những mảnh sưa nhỏ còn sót lại trong rừng, nhóm của Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thế Anh đi vào Hung Trí và phát hiện, lập tức ra hiệu cho nhóm của Tiềm quay trở lại để tiến hành cưa xẻ.
Thái Xuân Tiềm (trái), thành viên của nhóm lâm tặc đốn hạ sưa trong di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Căn nhà của Tiềm vừa xóa được mái tranh từ tiền hỗ trợ của xã. Ảnh: MINH QUÊ
Tiềm kể: “Vào khoảng ngày 20-3-2012 bắt đầu phát hiện, cả nhóm bàn bạc, phân công mỗi người mỗi việc, chuyện cưa được giao cho Nguyễn Văn Thống ở xã Phúc Trạch”. Ba cây có đường kính rất lớn, phải cưa xẻ đến bảy ngày mới xong việc. Công cụ cưa xẻ là cưa máy chạy xăng được gùi từ ngoài vào, Hung Trí cách trạm kiểm lâm Trộ Mợơng hai ngày đi đường nên tiếng cưa có vang vọng cả một vùng cũng không hề đến được tai kiểm lâm. “Chúng tôi làm bí mật gần cả tháng, chẳng ai biết gì. Bởi Hung Trí là cái thung lũng khoảng ba sào đất lọt thỏm dưới núi, nhiều người đi ngang qua chẳng để ý, chẳng ai nghĩ ở đây còn sưa. Chúng tôi là những người gặp may, xưa nay thấy sưa nhỏ thì nhiều, trong làng cũng có nhưng sưa lớn đến hai ba người ôm, tốt thế này thì chưa ai được nhìn”.
Tiềm cho biết lượng gỗ nhiều đến nỗi chỉ lấy thân ngọn, cành, còn lóc lỏi và cội rễ không cần quan tâm. Gỗ xẻ được chia ra hai đống cao chất ngất, một đống gỗ tốt và một đống gỗ xấu hơn.
Bị trấn cướp trắng tay?
Thái Xuân Tiềm kể: “Cưa xẻ tự do vì rừng là chốn không người, tôi đảm bảo phần nấu ăn, khi rảnh rỗi lại cùng xúm tay vào phụ giúp anh em trục gỗ”. Lúc đầu Tiềm nói lượng gỗ lớn nhưng sau đó như sợ lộ, nói chỉ có 130 phách. Theo Tiềm, đã hẹn nhau giữ bí mật tuyệt đối việc phát hiện ba cây sưa này nhưng không hiểu vì sao có thông tin lọt ra bên ngoài nên giang hồ vào trấn cướp rất giữ.
Tiềm cũng cho biết sau khi chặt hạ xong vài ngày thì đoàn kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào Hung Trí kiểm tra. Lúc đó vì sợ, cả đoàn đưa gỗ đi giấu ở các hang đá cạnh đó. Theo sau dấu kiểm lâm là khoảng 200 người cả thương lái và dân trấn cướp, cũng như mót sưa. Về thương lái, Tiềm kể có cả người Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, rồi cả thương lái Trung Quốc, trấn cướp thì bịt mặt. Cứ đêm ngủ, có nhiều người đến hỏi mua, đối tượng hỏi mua nói không bán là trấn, là cướp. Và nhóm 11 người triệt hạ sưa đã bị cướp rất nhiều gỗ.
Lê Văn Diễn với cánh tay xăm hai chữ “kiếp nghèo”. Căn nhà của Diễn. Ảnh: MINH QUÊ
Lúc đầu, họ đã bán một lượng lớn gỗ sưa với nhiều tỉ đồng nhưng các lâm tặc gặp chúng tôi chỉ kể là bán cho đối tượng Hiệu “sẹo”, công an viên xã Xuân Trạch 1,3 tỉ đồng. Sau khi bị cướp quá nhiều, cả nhóm hội ý và chia số gỗ còn lại thành 12 phần, mỗi phần 11 phách, mạnh ai nấy đi giấu gỗ, riêng Nguyễn Văn Minh, người phát hiện ra ba cây sưa được chia hai phần với 22 phách.
Tiềm cho biết anh thuê người gùi đi dấu sưa nhưng bị cướp, hiện còn ba phách trong rừng, không dám đưa về vì sợ bị bắt. Trong khi đó, Lê Văn Diễn (SN 1985) nằm trong nhóm 11 người cho biết anh ta được chia 11 phách sưa, gùi ra khe Nước Vàng chôn thì bị người đi săn sưa và trấn cướp giật hết, không còn mảnh nào. Riêng Hoàng Hạnh là người bị cướp ít nhất và có thể chính Hạnh đã loan tin cho giang hồ vào cướp sưa để “giật” tiền ăn sưa. Hạnh là một tay lọc lõi trong nghề sưa. Trước đây, cứ ai thuê gùi sưa, Hạnh cứ tìm cách bòn rút hoặc báo mất để trộm. Sau một thời gian gùi thuê sưa. Hạnh xây được cơ ngơi hai tầng ở vùng Tróoc, Phúc Trạch.
Lời kể về lượng gỗ giữa Tiềm và Diễn chênh nhau rất lớn, Tiềm nói 130 phách nhưng Diễn nói gỗ chia ra hai đống, không thể đếm hết, nhiều đến nỗi bình thường thấy gốc và rễ đã mừng húm, thì đợt này để ba gốc và ba bộ rễ của ba cây cho người ngoài vào mót.
Nhiều thông tin cho rằng dù bị cướp mất ít nhiều, các thành viên của nhóm 11 người chặt sưa khổng lồ này cũng ẵm tiền tỉ, bởi không bao giờ lâm tặc kể họ có bao nhiêu tiền trong tay. Đó là một bí mật mà vợ con của họ cũng không được biết.
Lâm tặc đốn sưa thuộc diện hộ nghèo
Trong số 11 người, chỉ có Hoàng Hạnh là giàu có, các thành viên còn lại có hoàn cảnh khó khăn. Tiềm có vợ và ba đứa con, vợ Tiềm vừa được trở về từ Trung Quốc sau chuyến xuất khẩu lao động cực khổ, làm việc mỗi tháng chỉ được 3 triệu đồng, không đủ sống. Trở về nhà với hai bàn tay trắng, lại còn lâm nợ.
Tiềm kể: “Vì nghèo nên em cũng đạp rừng, đạp rú kiếm ăn. Đi rừng mãi mà có đủ ăn mô”. Cả nhà chui ra chui vô cái lều nhỏ, mưa dột tứ bề. Nhà thuộc diện hộ nghèo nên xã hỗ trợ 24 triệu đồng xóa mái tranh nghèo, vay mượn khắp nơi mới dựng được cái nhà nhỏ hai gian cho vợ con ăn ở. Chúng tôi vào nhà Tiềm, cả nhà đang thu hoạch ngô và lạc, những đứa con nhỏ thó cùng bố mẹ dọn lạc, chúng chẳng biết sưa huê là gì vì nhỏ dại, riêng Tiềm, cứ run run vì sợ.
Trong khi đó, nhà của Diễn trống hoác, cũng diện hộ nghèo. Xã cũng đã hỗ trợ 24 triệu đồng để xóa mái nhà lụp xụp nhưng theo Diễn, vì không đủ tiền nên vào rừng kiếm kế sinh nhai, được chia gỗ cũng nhiều mà về nhà, hiện Diễn nói là trắng tay.
Làng đang theo vụ mùa nhưng Diễn không dám ra đồng thu hoạch, vì sợ giang hồ bắt gặp hỏi xin sưa, cứ phải ở nhà với đứa con nhỏ cùng đống bắp vợ vừa gánh về. Một số người chặt sưa khác mà chúng tôi tiếp cận đều thừa nhận đã tham gia chặt hạ ba cây sưa lớn ở vùng Hung Trí và đang đối mặt với pháp luật.

những “khoảng trống” đằng sau vẻ hào nhoáng, quyến rũ ở di sản thiên nhiên thế giới (Thanh niên)


Sống chật vật trong lòng di sản

Vụ ba cây huê “trăm tỉ” bị đốn hạ ngay trong vùng rừng của Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng “đổ bể” đã làm lộ ra những “khoảng trống” đằng sau vẻ hào nhoáng, quyến rũ ở di sản thiên nhiên thế giới này.

Khoảng lặng ở Bàu Sen

Làng Bàu Sen ở cách không xa khu trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình). Làng tựa như thung lũng lẩn khuất giữa bốn bề núi đá vôi. Con đường chính dẫn vào làng là đường cấp phối đá dăm quanh co, gập ghềnh. Ở đầu đường vào làng cạnh đường Hồ Chí Minh, người ta đặt tấm bảng ghi rõ cấm khai thác đá trong khu vực di sản, nhưng chỉ đi vào sâu một đoạn thì nhiều nhóm người vẫn bám núi đục khoét từng tảng đá; tiếng máy nổ, tiếng xe cộ vào ra vận chuyển đá hiên ngang thách thức công tác bảo tồn di sản.
Phía sau lưng họ có những con đường rừng gùi huê mới mở lũ lượt người đi
Người dân làng Bàu Sen (xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch) thu hoạch ngô trong cảnh mất mùa. Phía sau lưng họ có những con đường rừng gùi huê mới mở lũ lượt người đi - Ảnh: Gia Tân
Nằm giữa hai dãy núi đầy lở loét, bong tróc do khai thác đá dẫn vào làng Bàu Sen là những cánh đồng ngô, lạc. Dù đang vào vụ thu hoạch nhưng đồng vắng hẳn bóng người. Hy hữu lắm mới gặp được một vài người uể oải hái ngô. Hỏi, ai cũng biểu mất mùa, bám vào đồng không sống nổi thì còn mấy ai ra đồng.
Phạm Trọng (31 tuổi), một trong ít thanh niên còn “sót” lại ở Bàu Sen trong tình cảnh thanh niên cả làng đổ vào rừng tìm huê mà chúng tôi may mắn gặp được, phân trần: “Cả làng ni không có ruộng lúa nên cái chi cũng quy ra tiền mà đi mua gạo. Trồng ngô và lạc nhưng lại không có công trình thủy lợi nào nên cứ mùa liên tiếp. Không sống nổi với nghề nông nên người dân chỉ dựa vào khai thác rừng hoặc khai thác đá. Biết làm như thế là phạm pháp nhưng lấy chi để đắp đổi qua ngày?”.
Làng Bàu Sen có bốn thôn với hàng trăm hộ dân. Phần lớn con em trong làng chỉ học ngang lớp 5, lớp 6. Một vị cán bộ xã Phúc Trạch tâm sự rằng mỗi khi ông đi vận động trẻ em đến trường, vận động thanh thiếu niên ở Bàu Sen đừng bỏ học luôn bất thành. Năm 2002 làng mới có một trường hợp đầu tiên thi đỗ đại học và kỷ lục này đến nay vẫn chưa có trường hợp thay thế. Cũng như thanh niên nhiều ngôi làng khác nằm trong vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, thanh niên Bàu Sen sau khi nghỉ học thì vào nam làm thuê, số khác ở nhà đi rừng làm gỗ.
Ngay sau khi xảy ra vụ ba cây huê trăm tỉ bị 11 người dân ở Bàu Sen đốn hạ trong khu vực rừng “bảo vệ nghiêm ngặt” của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là một cuộc đại đổ bộ vào rừng tìm huê. Sau Bàu Sen thì đến Troóc - Phúc Đồng (xã Phúc Trạch), Khe Gát (xã Xuân Trạch, H.Bố Trạch). Người thì tham gia gùi huê thuê, người vào đào tìm gốc rễ, cành ngọn, sau nữa thì tham gia các băng cướp gỗ huê làm nên cơn hỗn loạn chưa từng thấy.
Một vị cán bộ lớn tuổi làm ở Ủy ban MTTQ VN xã Phúc Trạch lắc đầu: “Khó cản lắm chú mi ơi. Cả xã có 12 thôn nhưng chỉ ba thôn là có ruộng lúa, toàn sống nhờ hai cây chủ lực là ngô và lạc. Thế nhưng cả xã mới chỉ có một công trình thủy lợi là đập Khe Ngang, lại chỉ tưới được chừng 75 ha cho làng Phúc Khê. Hàng trăm hecta còn lại của các làng khác luôn thiếu nước nên đã xảy ra mất mùa cục bộ hai, ba năm nay. Người dân không ổn định thì khuyên can họ đừng vào rừng là điều rất khó”.
Chính sách nửa vời
Khi vụ ba cây huê trăm tỉ diễn biến hết sức phức tạp thì UBND H.Bố Trạch đã thực hiện một giải pháp mang tính tức thì hy vọng hạ nhiệt cho cơn sốt người dân vào rừng. Đó là việc huyện trích ngân sách hỗ trợ toàn bộ giống ngô và đậu xanh cho nông dân hai xã Phúc Trạch và Xuân Trạch sản xuất trong mùa tới.
Có giống nhưng không có nước thì dân cũng chịu. Chúng tôi đem nỗi khốn khó của người dân hỏi Chủ tịch UBND H.Bố Trạch Phan Văn Gòn, ông Gòn thừa nhận thủy lợi là vấn đề nan giải. Ông Gòn giải thích các dự án thủy lợi phục vụ cho hai xã Phúc Trạch và Xuân đã kiến nghị lên tỉnh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mấy năm nay nhưng vẫn chưa tiến triển gì. Huyện cũng nhận ra tình trạng mất mùa, việc làm không ổn định của người dân vùng đệm là thách thức cho sự bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chưa kể đến những món lợi tiền tỉ từ rừng sẵn sàng cuốn dân nghèo vào cơn hỗn loạn.
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích 200.000 ha. Riêng về cư dân vùng đệm thuộc VQG này có đến gần 52.000 người trải dài trong 10 xã thuộc ba huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Minh Hóa (Quảng Bình). Nhiều người dân vùng đệm cho hay lâu nay họ quá mệt mỏi với những khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường chung chung mà không cảm nhận được những lợi ích cơ bản, chính đáng một khi họ chung tay bảo vệ rừng.
Còn nhớ cách nay gần 20 năm, VQG Bạch Mã (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) là điểm nóng về phá rừng. Cùng với những giải pháp cứng rắn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhân rộng ngay mô hình “giao rừng cho dân” tự quản vốn là sáng kiến từ H.Phú Lộc. Người dân được hưởng lợi từ rừng bằng lâm sản phụ, được khai thác gỗ theo hạn mức để phục vụ nhu cầu chính đáng, được cắt giao đất để trồng rừng sản xuất... Nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ cũng chung tay cải thiện đời sống dân sinh cho cư dân vùng đệm. Dần dà, chính những “lâm tặc” một thời khét tiếng phá rừng ở vùng VQG Bạch Mã lại trở thành người giữ rừng nhiệt huyết.
Khi tôi kể câu chuyện trên, nhiều người dân vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chép miệng tỏ vẻ thèm khát. Bà Nguyễn Thị Quý, 53 tuổi, ở làng Bàu Sen than vãn: “Được rứa thì còn chi bằng. Dân chúng tôi đây nghèo nhưng cả làng ni phải dùng bếp ga vì chỉ cần bẻ một nhành cây, một que củi về nấu cơm cũng đã bị kiểm lâm tịch thu. Thiếu phân bón, chúng tôi bứt vài ôm lá mui về làm phân cũng vi phạm. Vào rừng bứt đọt cây cho bò ăn cũng là vi phạm. Con cái lớn khôn lấy vợ lấy chồng thì phải làm nhà nhưng không biết lấy gỗ ở mô mà làm. Bất quá lén lút vào rừng đốn, bị bắt thì lại đi tìm mấy lão đầu nậu để mua giá cắt cổ mới làm được ngôi nhà, bộ cửa”.
Tôi đem tâm sự trên của người dân trải bày với Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Nguyễn Văn Lương thì ông Lương bộc bạch: “Mình đã từng thấy người dân bị kiểm lâm tịch thu củi hay bứt lá mang về. Nhu cầu đó là chính đáng. Qua tiếp xúc cử tri, mình cũng đã nêu vấn đề đó với cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa thấy có cơ chế nào cả”.
Gia Tân
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120604/song-chat-vat-trong-long-di-san.aspx


Đã lâu không viết lách gì, hôm nay đọc được bài này trên THANH NIÊN, lại nổi hứng "gàn" muốn viết một cái gì đó về "TỰ HÀO LÀ QUÊ HƯƠNG DI SẢN..."