Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Người xây Bảo tàng thời chiến trên đất Quảng Bình
8h35, 14/12/2006
Cách thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình 10 km đi theo đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nhìn sang hướng tây là một Làng du lịch sinh thái văn hóa, nằm trên một khu đất rộng 13 ha, tại vực Quành, thôn 7, xã Nghĩa Ninh.
Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nguyễn Xuân Liên quê huyện Hoài Ðức, tỉnh Hà Tây cũng như bao thanh niên khác hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Ông tham gia cách mạng từ những năm 1960 với nhiệm vụ là cán bộ quân y, tham gia trên chiến trường máu lửa Bình Trị Thiên xưa (nay là tỉnh Quảng Bình). Từ năm 1961 đến 1970, ông làm việc ở Ty Y tế Quảng Bình. Sau này ông trở về làm ở Trường Y tế Thái Nguyên, đến năm 1983 ông được điều động về Hà Nội làm việc tại Viện Châm cứu, năm 2003 ông về hưu. Ông Liên tâm sự: "Chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm, nhưng ký ức về cuộc chiến tranh luôn gợi nhớ lại trong ông về đồng đội của mình, những người đã hy sinh vì Tổ quốc".
Công trình mang dấu tích lịch sử
Mùa hè năm 1992, ông quyết định về thăm lại chiến trường xưa, thăm những đồng chí, đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Nghĩa Ninh năm xưa. Trở về Hà Nội tiếp tục công tác và đến năm 2003, ông Liên quyết định bán nhà, huy động hai con trai đang định cư tại Ðức và gom góp gia sản, tất cả được hơn ba tỷ đồng để mang vào Quảng Bình mua đất, xây "bảo tàng".
Cách thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình 10 km đi theo đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nhìn sang hướng tây là một Làng du lịch sinh thái văn hóa, nằm trên một khu đất rộng 13 ha, tại vực Quành, thôn 7, xã Nghĩa Ninh. Nơi đây ông Liên đã tái hiện không gian sống động, chân thực của một thời kỳ mưa bom, bão đạn chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, anh hùng của người dân Quảng Bình.
Bảo tàng được bắt đầu từ một chiếc "cầu phao" (làm bằng thùng phuy) bắc qua một con suối, gợi nhớ cho người xem công việc của Bộ đội Cụ Hồ năm xưa đã tự sáng chế ra cầu phao để vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường. Từ "cầu phao" đi theo "con đường mòn giao liên" dài 200 m, hẹp, hai bên đường "cây cối um tùm" nên địch khó có thể phát hiện bộ đội ta đang hoạt động.
Ði hết đường giao liên là các "giao thông hào" chạy dọc ven làng (Nghĩa Ninh). Các giao thông hào này liên kết giữa các nhà trong làng để làm lối thoát ra ngoài nếu bị Mỹ ném bom. Ðến đây, trước mắt chúng ta là một xóm nhỏ của những năm 1960, với hơn chục ngôi nhà. Những ngôi nhà ở đây đều được xây theo kiểu nửa nổi nửa chìm, với những mái nhà tranh được xây dựng theo đúng nguyên mẫu: Nhà nhỏ lợp tranh, tường đất. Trong nhà có hầm chữ A để trú ẩn khi địch thả bom, các vật dụng được bảo vệ bằng các thùng đất để chứa các đồ dùng dễ cháy như chăn, màn, quần áo... Những ngôi nhà này thời chiến tranh có hai tác dụng vừa là chỗ ở của gia đình, đồng thời là kho chứa lương thực của Nhà nước. Những bao gạo được gửi vào nhà dân để chi viện cho tiền tuyến miền nam được mang khẩu hiệu "Cho không lấy, thấy không xin".
Ông Liên chỉ tay vào những bao gạo nói: "Trong chiến tranh gạo không nhiều, đói lắm... Nhưng người dân Quảng Bình không hề lấy một hạt gạo vì mỗi gia đình họ đều có con em đang chiến đấu ngoài chiến trường, nếu lấy gạo ăn là ăn xương máu của con em mình".
Trong khuôn viên bảo tàng còn "mọc" lên những kho xăng, kho quân trang của bộ đội để dọc tuyến đường nhưng không có một trạm canh gác, bởi đã được nhân dân bảo vệ.
Ðặc biệt, bảo tàng còn lưu giữ được hai chứng tích của thời đó là đường ống dẫn dầu vào nam nằm dưới suối Ba Ða và một trong bốn ụ súng phòng không 12 ly 7 của mặt trận Ðồng Hới. Bảo tàng còn có "Ðài tưởng niệm nhân viên y tế" để nhớ những đồng nghiệp của ông Liên đã hy sinh trong chiến tranh.
Giữa những mảnh bom, đạn to nhỏ đủ các cỡ được thu thập từ hàng bán sắt vụn, xếp chung quanh những hố bom còn sót lại sau chiến tranh, mang dòng chữ "Sản xuất giỏi chiến đấu cũng giỏi". Du khách đến thăm khu du lịch của ông Liên không khỏi xúc động và nhận ra rằng không nơi nào trên trái đất khát vọng sống lại mãnh liệt như ở đây.
Sâu nặng tình đồng đội
Nhiều năm qua, ông Liên đã bỏ công sức để tìm đến Nghĩa trang Quảng Bình, ghi lại tên, tuổi những liệt sĩ và lập thành một danh sách mộ chí liệt sĩ. Phân, chia các ngôi mộ theo từng tỉnh, thành phố và theo vần A, B, C được ông lưu giữ rất cẩn thận.
Trong 3.000 ngôi mộ, có 300 ngôi mộ chỉ có tên không có địa chỉ. Việc làm này của ông Liên góp phần giúp các gia đình có con em đã hy sinh mà chưa biết mộ đang ở đâu, mặt khác ông cũng có một người em trai đã hy sinh cho quê hương, cho đất nước, nên ông thấu hiểu sự mất mát đó. Làm được điều này, trong lòng ông thanh thản, vơi đi phần nào trách nhiệm của người còn sống với người đã mất. Ðây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp của ông với đồng đội của mình và không phải ai cũng làm được.
Ðây là một công trình mang ý tưởng độc đáo ẩn chứa cái tâm, cái tình cảm sâu nặng của ông Liên với đồng đội, với quê hương Quảng Bình trong suốt 30 năm sống và gắn bó với mảnh đất giàu truyền thống này.
Q.T (Theo ND)
file:///I:/Bao%20%20Vuc%20Quanh/B%E1%BB%99%20V%C4%83n%20Ho%C3%A1%20Th%C3%B4ng%20Tin%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20-%20Bo%20Van%20Hoa%20Thong%20Tin%20Viet%20Nam.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét