Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

BAO GIỜ HẾT BUỒN ???

Quảng bá du lịch Quảng Bình: Thực trạng buồn

Cập nhật lúc 07:34, Thứ Ba, 24/04/2012 (GMT+7)
 
(QBĐT) - Mặc dù là tỉnh có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng hàng năm tổng kinh phí dành cho công tác tuyên truyền quảng bá của Quảng Bình là không đáng kể. Chính vì vậy hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh thật sự chưa hiệu quả.

"Thua" từ cách nghĩ

Gian hàng của du lịch Quảng Bình tại các hội chợ - triển lãm du lịch diễn ra ở Huế, ở TP.HCM thường nằm lọt thỏm giữa các gian hoành tráng của du lịch Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Nam – Đà Nẵng, Thanh Hóa, đó là chúng ta chưa so sánh sự tích cực của các đơn vị lữ hành như Chợ Lớn Tourit, Bến Thành tourit, Viettreval, Du lịch đường sắt... Vài tấm ảnh về động Phong Nha, thạch nhũ, hệ thống karst đá vôi, những hình ảnh về khám phá hang động... không thể giúp hình ảnh của du lịch Quảng Bình trở nên hoành tráng hơn so với các đơn vị bạn. Tài liệu quảng bá du lịch Quảng Bình hầu như chỉ có một vài chủng loại tờ rơi về Phong Nha; suối nước Moọc; cuốn sách hướng dẫn các danh lam, thắng cảnh ở Quảng Bình... còn tờ rơi về các tour, kết nối tour, bảng giá tour, tuyến, phòng khách sạn thì hầu như không có. 
Trước đây, các đơn vị kinh doanh du lịch thường đổ lỗi cho việc ngành Du lịch chưa có ai đứng ra làm đầu mối chuyên lo việc truyền thông, quảng bá, rồi công tác quảng bá chưa chuyên nghiệp. Từ đó, dẫn đến tình trạng hoạt động quảng bá mạnh ai người đó làm, manh mún, không hiệu quả mà lại tốn kém nhiều chi phí. Khu nghỉ dưỡng cao cấp Sun Spa Resort, khu Du lịch động Thiên Đường thuộc Công ty CP tập đoàn Trường Thịnh và Công ty CP du lịch Sài Gòn – Quảng Bình thường xuyên tự mình đứng ra tổ chức các hoạt động quảng bá, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như tivi, báo, các tạp chí hàng không, news, timeout...
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh thăm gian hàng  Quảng Bình tại triển lãm Về miền di sản - Huế 2012. Ảnh: X.H
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh thăm gian hàng Quảng Bình tại triển lãm Về miền di sản - Huế 2012. Ảnh: X.H
Nhưng đến khi tỉnh ta tập trung tất cả các hoạt động tuyên truyền quảng bá về Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Bình thực hiện, thì các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cũng chưa thật sự chủ  động hợp tác, phối hợp để quảng bá. Rất nhiều lần, trước khi chuẩn bị tham gia một hội chợ du lịch hay một triển lãm du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch luôn gửi giấy mời đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành với chủ trương kêu gọi xã hội hóa. Nhưng thư đi thường không nhận được hồi âm lại. Còn các đơn vị kinh doanh lưu trú (ngoài Sun Spa Resort) có lẽ suy nghĩ “khách đến thì phải ở” còn ăn sâu vào tâm tưởng nên hầu như không mặn mà với vấn đề quảng bá tên tuổi, thương hiệu lắm. Vì thế, trong các chuyến quảng bá xúc tiến ở ngoài tỉnh, du lịch Quảng Bình không thể sánh được với các tỉnh khác về vận chuyển hiện vật, ấn phẩm, các thiết bị bổ trợ khiến hình ảnh và gian hàng Quảng Bình sơ sài, đơn điệu. 
Tại triển lãm “Về miền di sản” vừa diễn ra tại Huế nhân dịp festival và Năm du lịch quốc gia khu vực duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, khi tới thăm triển lãm và ghé gian hàng Quảng Bình. Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã đánh giá Quảng Bình là địa phương có tài nguyên du lịch nổi bật, đặc biệt là Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng di sản thiên nhiên thế giới, với hệ thống các hang động kỳ vĩ bậc nhất thế giới, cùng với sự đa dạng sinh học hiếm thấy. Nhưng công tác quảng bá, truyền thông còn phải cố gắng nhiều. Khi tham gia Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cũng thường xuyên gặp những câu hỏi về các tour, tuyến, các đơn vị tổ chức tour ra Quảng Bình. Rất nhiều các công ty lữ hành cũng như du khách thành phố Hồ Chí Minh muốn trao đổi, liên hệ tìm đối tác nhưng không có. Có nhiều du khách bày tỏ ý định muốn đi thăm Quảng Bình và tìm một vài công ty, chương trình tour nhưng đều không có. Trong khi theo nhận xét của nhiều người đã từng tham quan động Phong Nha đều đồng tình là quá đẹp, và quá nổi tiếng.

Định hình một hướng đi

Quảng Bình hoàn toàn có đủ điều kiện để thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước, nhưng hiện tại tổng lượt khách vẫn chưa xứng với tiềm năng (khoảng 900 ngàn lượt trong năm 2011). Theo các phân tích chung chủ yếu xuất phát từ những hạn chế trong việc quảng bá, quảng cáo, tiếp thị điểm đến du lịch Quảng Bình ở các thị trường trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh phía nam. Hà Nội và các tỉnh lân cận phía bắc.
Những năm gần đây, du lịch Quảng Bình được các kênh truyền thông nổi tiếng hỗ trợ trong công tác truyền thông hình ảnh ra các nước trên thế giới như BBC World News, CNN, NHK, National Goegraphic... Tuy nhiên, do được hỗ trợ không có phí nên thời gian và số lần phát sóng chỉ dừng ở mức nhất định. Nguồn kinh phí do Nhà nước cấp mỗi năm còn quá hạn hẹp nên thường được dành để triển khai các phương án tiếp thị ít tốn kém khác. Chẳng hạn, phối hợp với tỉnh bạn tổ chức đón, giao lưu, tiếp thị tại chỗ cho các công ty lữ hành của tỉnh bạn; tham gia các hội chợ du lịch; cung cấp thông tin một cách đầy đủ qua cổng thông tin du lịch Quảng Bình.. Ngoài ra, tập trung quảng bá chủ yếu ở thị trường trọng điểm là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới sẽ là thị trường khách vùng Trung Lào và Đông bắc Thái Lan.
Những người làm công tác quảng bá xúc tiến du lịch Quảng Bình đang định hình những thị trường mục tiêu để xúc tiến quảng bá hình ảnh tránh làm dàn trải, mỗi nơi một vài sự kiện vừa tốn kém mà hiệu quả không chắc chắn. Đồng thời, du lịch Quảng Bình đang có kế hoạch tiếp xúc với các đối tác là các hãng lữ hành lớn để họ thực hiện các tour về Quảng Bình, vì đó là những doanh nghiệp có nguồn khách lớn. Năm 2012 được dự báo là năm mà khách du lịch nội địa sẽ tăng mạnh tại các điểm du lịch như Tràng An (Ninh Bình) và Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Đây là cơ hội thực sự cho các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình quảng bá thương hiệu bản thân và quảng bá điểm đến.

Xuân Hoàng