Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

“Bơm“ hàng trăm tỷ đồng vốn ưu đãi vào “dự án trên giấy“?

“Bơm“ hàng trăm tỷ đồng vốn ưu đãi vào “dự án trên giấy“? 26/02/2013 | Chuyên mục: Kinh doanh Dự án Nhà máy tinh bột Long Giang liệu có sử dụng vốn VDB sai mục đích? Phát điện trên… giấy Sáu năm trước, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận cho Cty Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh (nay là Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh) xây dựng khu liên hoàn Nhà máy thủy điện La Trọng ở vùng thượng nguồn sông Gianh. Hệ thống này bao gồm các tổ máy đặt tại Khe Rôn (huyện Tuyên Hóa) công suất 6MW; Nhà máy Thủy điện Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa) công suất 16MW và Nhà máy Thủy điện La Trọng (huyện Minh Hóa) công suất 18 MW. Tổng đầu tư cho cụm công trình năng lượng này trên 700 tỷ đồng. Nhắm được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng VDB, tháng 5/2007, tại xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), Cty CP Thủy điện Trường Thịnh đã tổ chức một buổi lễ khá long trọng, với sự hiện diện của lãnh đạo Trung ương và nhiều quan chức địa phương để tuyên bố khởi công Thủy điện La Trọng. Tại đây, những thông tin cụ thể về dự án được phát ra khiến nhiều người có mặt khi đó khấp khởi hy vọng về một đổi thay lớn cho vùng miền núi vốn nghèo khó của Quảng Bình: tổng đầu tư của dự án hơn 300 tỷ đồng; nguồn điện sẽ cung cấp cho Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Nhà máy Xi măng Sông Gianh và các xã vùng lân cận thường xuyên thiếu điện như Dân Hóa, Trọng Hóa… Giám đốc Cty Xây dựng tổng hợp Trường Thịnh – ông Võ Minh Hoài lúc đó còn “chắc mẩm”: “Sau khi đi vào sản xuất, mỗi năm nhà máy sẽ nộp cho ngân sách trên 10 tỷ đồng. Cuối 2009, công trình sẽ được đưa vào sử dụng”. Nhưng nay – đã bước sang năm 2013 (tức đã hơn 5 năm), mà vẫn chưa thấy một dòng điện nào được phát ra từ thượng nguồn con sông Gianh. Nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà người đứng đầu doanh nghiệp này hứa hẹn đến nay vẫn chỉ là những chiếc “bánh vẽ”. Vốn ưu đãi bị biến tướng? Không chỉ khởi công rồi để dự án nằm “thi gan cùng tuế nguyệt”, hồi cuối năm ngoái, dư luận báo chí trong và ngoài tỉnh này còn râm ran xung quanh câu chuyện tiền hậu bất nhất của Cty CP Tư vấn Đầu tư Long Giang Thịnh – chủ đầu tư Dự án nhà máy tinh bột Long Giang (nằm ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong quá trình triển khai dự án dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, như: ô nhiễm môi trường, xáo trộn quy hoạch vùng nguyên liệu, tai nạn chết người… Theo nguồn tin từ cơ sở, Nhà máy tinh bột Long Giang đã đăng ký lập dự án đầu tư với mục đích chế biến tinh bột dong riềng, với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Và cũng như nhiều dự án khác, nhà máy này được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có nguồn vốn lãi suất thấp lên tới hàng chục tỷ đồng từ VDB chi nhánh Quảng Bình. Nhưng hiện tại, nó đang bị dư luận xì xào là sử dụng vốn sai mục đích do lúc khởi động đầu tư, nhà máy đăng ký sản xuất tinh bột dong riềng để làm căn cứ xin cấp vốn, nhưng khi đi vào hoạt động thì lại chuyển sang làm tinh bột sắn. Liên quan tới vấn đề nêu trên, một nguồn tin khả tín của PLVN còn cho biết thêm, sau khi Dự án Thủy điện La Trọng được phê duyệt, Ngân hàng VDB chi nhánh tại Quảng Bình lập tức cam kết cấp 70% vốn/tổng đầu tư của dự án, với lãi suất cực kỳ ưu đãi (8,4%/năm) trong khi cùng lúc đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều thắt chặt tín dụng hoặc nếu vay được, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận mức lãi suất cao gần gấp đôi. Có thể thấy, trong bối cảnh như vậy mà Cty CP Thủy điện Trường Thịnh vẫn sở hữu được khoản vay gần 200 tỷ đồng, với lãi suất rất “mềm” là điều nhiều doanh nghiệp lúc bấy giờ dù nằm mơ cũng khó chạm tay vào được. Thế nhưng, sau nhiều năm vốn đã giải ngân vẫn chưa ai nhìn thấy được hình hài của cái nhà máy điện kia đâu. Làm rõ thêm vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu về thời điểm Ngân hàng VDB giải ngân vốn cho Dự án Thủy điện La Trọng 180 tỷ đồng, thì được biết nó rơi đúng thời điểm kinh tế đang khủng hoảng (năm 2010), nhiều DN lúc bấy giờ rất “khát” vốn để trang trãi nợ nần hoặc tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh, Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh là một DN hoạt động đa ngành nghề nên cũng không ngoại lệ. Điều này khiến người ta nghi vấn: Phải chăng vì gặp khó khăn nên nguồn vốn vay ưu đãi nói trên đã bị DN này sử dụng vào mục đích khác làm cho Dự án Thủy điện La Trọng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Từ 2009 – 2011, Ngân hàng VDB đã “rót” hơn 430 tỷ đồng (lãi suất 8,4 và 9,6%/năm) cho ít nhất là 3 dự án ở Quảng Bình. Trong đó, có khoản hơn 187 tỷ cấp cho một DN để nhập khẩu dây chuyền thiết bị từ Trung Quốc vào năm 2010, nhưng tới nay số máy móc này vẫn chưa có ở Việt Nam. Riêng Dự án Thủy điện La Trọng – đã ngốn hết khoản vay 180 tỷ đồng từ cách đây 2 năm, nhưng hiện cũng chưa ai thấy hình dạng của nhà máy này. Tuấn Anh