Để nhớ một thời chiến tranh
Hoàng Chương
Câu chuyện anh Nguyễn Xuân Liên bán nhà ở Hà Nội để vào Quảng Bình xây dựng Làng du lịch sinh thái văn hóa đã làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng khi tận mắt chứng kiến công trình của anh, chúng tôi thực sự ngạc nhiên về ý tưởng độc đáo cũng như kiến thức sâu rộng của anh về cuộc sống người dân Quảng Bình trong chiến tranh.
Vào đời, Liên từng là công nhân xây dựng, kế toán tài vụ nhưng rồi số phận đưa đẩy anh đi học y sĩ để sau đó vào phục vụ ở Quảng Bình trong những năm chiến tranh ác liệt.
Chính những năm tháng được sống cùng người dân Quảng Bình để lại trong anh những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là một cuộc sống thời chiến cực kỳ gian khổ nhưng người Quảng Bình vượt qua tất cả để chiến thắng chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Trở về Hà Nội được 20 năm, tiếp tục nghề y tại Viện châm cứu nhưng hình ảnh một mái nhà tranh đơn sơ, một lớp học thời chiến, những giao thông hào đan xen nối làng này qua làng khác cho đến củ khoai, bát cháo lúc anh ốm đau được bà con Quảng Bình chăm sóc vẫn còn đọng mãi trong anh. Tuổi càng cao, kỷ niệm xưa càng thôi thúc anh làm một điều gì đó để thỏa mãn ký ức của mình. Anh suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định mua 10ha đất ở khu vực Quành, cách thị xã Đồng Hới 10km để xây dựng Làng du lịch sinh thái văn hóa. Không phải mọi người trong gia đình và bè bạn anh đều hiểu việc anh làm, nhưng anh vẫn kiên trì ý tưởng của mình. Cho đến bây giờ, trước mắt chúng tôi là một làng quê Quảng Bình trong thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Chỉ một khu du lịch diện tích không lớn, anh đã khái quát được một Quảng Bình bước vào cuộc sống thời chiến trong tư thế hiên ngang. Trên mặt đất cùng với bộ đội phòng không, người dân Quảng Bình tay cày, tay súng. Dưới lòng đất các lớp học vẫn đủ học sinh, bệnh xá vẫn hoạt động, hội họp vẫn diễn ra đều đặn... và cảm động nhất là cảnh nhà mẫu giáo với những chiếc nôi đung đưa như ru giấc ngủ của bé thơ. Khách đến khu du lịch của anh đều xúc động nhận ra rằng, không nơi nào trên trái đất khát vọng sống lại mãnh liệt như ở đây. Mỹ “quyết đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” nhưng con người Việt Nam quyết không lùi bước, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường trong bom đạn mỗi ngày. Đến khu du lịch này ta gặp lại những mái nhà tranh của người dân Quảng Bình được xây dựng đúng với nguyên mẫu. Nhà nhỏ lợp tranh, tường đất. Trong nhà bao giờ cũng có hầm trú ẩn, có giao thông hào để thoát ra ngoài lúc nhà bị cháy. Những ngôi nhà này thời chiến tranh có hai tác dụng vừa là chỗ ở chỗ gia đình, đồng thời là kho chứa lương thực của Nhà nước. Với nhân cách sống cao đẹp, người dân Quảng Bình rất có ý thức bảo vệ không để hàng hóa mất mát, cháy nổ. Ở đây chúng ta gặp lại những kho xăng, kho quân trang, lương thực của bộ đội để dọc tuyến đường nhưng không có một trạm canh gác. Và cũng có những chiếc cầu treo gập ghềnh, những con đường mòn trong rừng giúp người xem thấy lại được hình ảnh núi rừng Trường Sơn trong những năm chiến tranh.
Tham quan công trình độc đáo của Nguyễn Xuân Liên, du khách có hai trạng thái khác nhau. Người đã đi qua chiến tranh như chúng tôi thì rất xúc động và cảm phục. Còn khách thập phương và con em Quảng Bình sinh ra sau chiến tranh có một cảm giác chung là được học thêm một bài học lịch sử quí giá.
Được biết, sắp tới anh sẽ dành 7ha đất còn lại lập vùng sinh thái, trồng các loại cây bản địa như lim, dẻ, trầm gió... để khách đến tham quan không chỉ hiểu thêm về một thời oanh liệt của Quảng Bình, mà còn được tận hưởng sự trong lành của một làng sinh thái trên vùng đất đầy nắng và gió nóng này.Bài: Hoàng Chương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét