Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

BẠN ĐỒNG HÀNH...?

Vì sao nhà máy xi măng Áng Sơn ngừng sản xuất?

Cập nhật lúc 08:02, Thứ Hai, 26/03/2012 (GMT+7)
 
(QBĐT) - Từ sau Tết Nhâm Thìn 2012 đến nay, Nhà máy xi măng lò quay Áng Sơn, thuộc Công ty cổ phần COSEVCO6 đã ngừng sản xuất. Theo ông Phan Văn Diễn, Tổng giám đốc công ty nguyên nhân là do không có tiền để trả tiền điện, tiền than và các chi phí khác phục vụ cho hoạt động của nhà máy. Việc nhà máy xi măng công suất gần nửa triệu tấn sản phẩm/năm ngừng sản xuất không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm của hàng trăm lao động.
Qua làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Công ty cổ phần COSEVCO6 mới đây được biết hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty rất khó khăn. Bao trùm lên là Nhà máy xi măng Áng Sơn công suất 500.000 tấn sản phẩm vừa đưa vào sản xuất tháng 12-2010 đã phải đóng cửa. Mặt khác công ty đang nợ lương và các khoản chế độ từ cuối năm 2011 đến nay chưa tìm được nguồn nào để trả cho người lao động.
Dự án Xi măng Áng Sơn theo công nghệ lò quay tiên tiến, thiết bị đầu tư mới 100% của Trung Quốc, với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công đến tháng 12-2010, nhà máy đi vào sản xuất. Quá trình sản xuất có xảy ra một số sự cố, thiết bị trục trặc, hư hỏng nhẹ. Tuy nhiên cán bộ công nhân nhà máy cùng với các chuyên gia đã khắc phục được các sự cố. Từ tháng 8-2011 đến khi nhà máy đóng cửa (tháng 1-2012) nhà máy hoạt động bình thường, công suất đạt tối đa theo thiết kế.


<>
Nhà máy xi măng Áng Sơn đang ngừng sản xuất. Ảnh: Tr.T
Nguyên nhân nhà máy buộc phải đóng cửa là do còn nợ tiền đầu tư mua thiết bị, nguyên liệu, tiền điện, tiền than... của khách hàng trên 100 tỷ đồng không có nguồn để thanh toán. Lý giải về việc này, ông Phan Văn Diễn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần COSEVCO6 cho rằng khi lập dự án đầu tư các ngân hàng cam kết cho vay đủ tiền để đầu tư, kể cả 50 tỷ đồng vốn lưu động.  Do việc trượt giá của đồng đô la Mỹ so với đồng Việt Nam nên đã đội giá đầu tư lên cao. Thời điểm lập và phê duyệt dự án đầu tư năm 2006-2007, khi đó giá một đồng đô la Mỹ được tính bằng 11.000 đồng Việt Nam, đến khi nhà máy đi vào sản xuất phải trả 21.000 đồng/1USD; lãi suất vay 12%/năm, tăng lên 22,5%/năm và giá than 4a là 717.000 đồng/tấn vận chuyển đến nhà máy, nay phải mua với giá cao gấp 3,5 lần (2.581.000 đồng/tấn) và phải trả tiền ngay. Trước mắt để nhà máy có thể hoạt động trở lại cần ít nhất vài chục tỷ đồng vốn lưu động, giải quyết các vấn đề cấp bách phục vụ cho sản xuất và trả lương cho công nhân.
Vừa qua, công ty đã có cố gắng khắc phục sự cố, hỏng hóc của máy móc thiết bị, thuê chuyên gia giỏi để xử lý nâng cao chất lượng Clinke đạt được mác Cpc >50 theo tiêu chuẩn Việt Nam 7024:2002; đồng thời đã tổ chức lại sản xuất hợp lý hơn, tinh giảm bộ máy từ 968 người còn 698 người (số dôi dư 297 người đã được giải quyết chế độ, cho nghỉ hưu và chuyển công tác...). Bộ phận gián tiếp của công ty đã giảm 50% so với trước và giao quyền chủ động cho các giám đốc xí nghiệp đơn vị trực thuộc, nên hiệu quả sản xuất đã có chiều hướng tăng, giảm được lỗ.
Ông Phan Văn Diễn cho biết, công ty đang kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến hợp tác, liên doanh với nhà máy. Trong đó công ty đã trực tiếp làm việc với tập đoàn  HB (là tập đoàn mua lại Nhà máy XM Sông Gianh) để tìm giải pháp cứu vãn nhà máy, kể cả việc phải bán lại nhà máy cho tập đoàn này. Tuy nhiên cho đến nay chưa có nhà đầu tư nào ngỏ ý liên kết hoặc mua lại nhà máy. Vừa qua công ty đã kêu gọi, vận động cổ đông của công ty góp thêm được gần 10 tỷ đồng đầu tư vào nhà máy. Tuy nhiên số tiền này không thể giải quyết được sự thiếu nguồn vốn trầm trọng của công ty.
Trao đổi với chúng tôi lãnh đạo Công ty cổ phần COSEVCO6 mong được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Đó là giãn nợ gốc và giảm lãi suất tiền vay (hiện nay tỷ suất huy động giảm từ 14% xuống 13%, nhưng công ty vẫn phải trả lãi 22,5 là quá cao), đồng thời cho công ty được vay đủ hạn mức như ngân hàng đã cam kết.
                                                                                            Tr. Thái

HÌNH ẢNH MỚI NHẤT VỀ VỰC QUÀNH TRÊN BLOG "TẠP HÓA FAXUCA"

                                                                                                                

"BẢO TÀNG CHIẾN TRANH" VỰC QUÀNH ĐANG CHẾT

                  Phạm Xuân Cần
   Tôi là người rất tâm đắc với ý tưởng xây dựng một làng chiến tranh của ông Nguyễn Xuân Liên, đồng thời rất khâm phục tâm huyết và ý chí của ông. Ngay từ năm 1993, qua một số bài báo trên báo Lao Động, tôi đã chú ý theo dõi "dự án đời người" này của ông Liên. 
    Vào các năm 2004, 2005 tôi đã từng đưa anh em trong cơ quan đi thăm khu bảo tàng độc đáo này. Ai nấy đều rất thích thú. 
    Mấy hôm trước, trên trang Ba Sàm có điểm một bài viết về khu du lịch sinh thái "bảo tàng chiến tranh" này.
   Hôm nay, nhân dịp cùng các bạn thanh niên trong cơ quan đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, tôi đã hào hứng kể cho các bạn trẻ về khu du lịch đặc biệt này. Mặc dù đã muộn và thấm mệt nhưng ai cũng háo hức muốn đến tận nơi. Phải rất khó khăn mới hỏi được đường đi đến đây, vì hình như dân địa phương không phải ai cũng biết địa chỉ này. Thế nhưng khi đến nơi tất thảy đều thất vọng. Hoang tàn, đổ nát, không ai quan tâm chăm sóc, trông coi. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với chủ nhân theo số điện thoại ghi trên biển hiệu nhưng vô hiệu. Đành vào chụp mấy kiểu ảnh rồi về. 
     Thật buồn cho một dự án tâm huyết, đầy ý nghĩa nhân văn lại rơi vào thảm trạng như vậy...