Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

PHÓNG SỰ 
Ký ức kể bên vực Quành
22:37:23, 28/02/2004
Ông Liên (trái) bên vạt rau tàu bay ảnh:Hữu Trà
Một người ba đời sống ở thủ đô, về hưu, ông bỏ phố phường hoa lệ, tìm đến vực Quành (thuộc xã Nghĩa Ninh - Đồng Hới - Quảng Bình) dốc toàn bộ vốn liếng để tái tạo ký ức trên một mảnh đất 10 ha gần đường Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là ký ức của ông, mà là ký ức của cả một thời bi tráng.
Người nghe chuyện gọi ông là ngông, là điên, là tay lập dị... Nhưng khi đứng với ông dưới căn hầm với những vành nôi đan bằng thứ tre mộc và chắc của chính mảnh đất này, nơi ông tái tạo một phòng sản của trạm xá thời chiến tranh, chúng tôi đã lặng người đi vì xúc động, nước mắt lăn dài trên những gương mặt tưởng chừng nắng gió cuộc đời từ lâu đã làm khô cạn. Chúng tôi, mỗi người cầm một tao nôi, ký ức bất chợt ùa về...
Ru em em théc em thèo/Để mẹ đi chợ mua bánh bèo cho em ăn.
Bánh bèo đâu cái thời mưa bom bão đạn ấy, nhưng đó là lời ru, là quá khứ và cũng là khát vọng về một viễn cảnh thanh bình.
Ông Liên đưa tay chỉ một ngôi nhà cách đó không xa, chủ nhân của ngôi nhà ấy vốn là đứa bé duy nhất trong một gia đình 9 người sống sót trong một trận bom, đứa bé đã từng nằm trong những tao nôi như thế.
Chúng tôi nhìn ông Liên trân trối, ngạc nhiên như thể ông vừa bước ra từ một câu chuyện cổ tích, nhưng đó là câu chuyện cổ tích có thật được kể bên vực Quành, trong căn hầm chúng tôi đang đứng với những tao nôi kỳ diệu, một minh chứng của sự sống được sinh sôi từ trong lòng đất lửa Quảng Bình, ngay trong những ngày bom đạn muốn hủy diệt mảnh đất này.
oOo
Ông Nguyễn Xuân Liên
Năm 1961, anh Nguyễn Xuân Liên vào công tác tại Quảng Bình lúc vừa tròn 21 tuổi, từ đó, anh sống với mảnh đất này trọn thời gian chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và hai năm khốc liệt nhất của bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ. Gần 10 năm sống và chiến đấu cùng người Quảng Bình, dù đã hơn 30 năm trôi qua, bây giờ đã thành ông Liên, nhưng ký ức của anh hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Ông vẫn kể từng chi tiết về việc đi gặt giúp dân ở Lệ Thủy, Quảng Trạch; chuyện ông chứng kiến nhiều gia đình ăn sắn hằng ngày khi trong nhà có hàng chục tấn gạo của bộ đội gửi mà “gạo vẫn không thiếu một cân”; chuyện những người mẹ thức thâu đêm săn sóc thương binh; chuyện những người chị đêm đêm chèo thuyền trong mưa bom bão đạn để vận chuyển vũ khí ra tiền tuyến... Sau này trở thành một cán bộ lâu năm của Viện Châm cứu, công thành danh toại, đời sống đủ đầy, nhưng giữa dòng đời lắm thăng trầm, ông vẫn không nguôi nỗi nhớ về mảnh đất và con người mà ông hằng gắn bó. Ông bảo rằng, đó là động lực giúp ông sống và vươn lên; là niềm an ủi mỗi khi cuộc đời gặp trắc trở. Và trong sâu thẳm của trái tim mình, ông tin rồi ông sẽ trở lại...
Mãi cho đến năm 1992, ông mới gặp lại một người bạn, từ đó, ông tìm mọi cách, thông qua công tác, để giúp đỡ người dân nơi mình từng sống. Có thành công, có thất bại, nhưng ông đã sống bằng tất cả sự hiến dâng... Điều làm ông băn khoăn là khi thăm lại các địa danh nổi tiếng, ông không còn nhìn thấy dấu tích gì của cái thời oanh liệt mà ông và đồng đội, đồng nghiệp và đồng bào Quảng Bình đã làm nên bao kỳ tích. Ngay cả tập lịch sử của ngành y tế Quảng Bình cũng không ghi đủ và đúng tên của những người có công rất lớn với ngành. Ông đem chuyện này nói với bác sĩ Vũ Toán, bấy giờ là Giám đốc Sở Y tế, ông Toán giải thích: “Sự kiện chỉ xảy ra một lần còn lịch sử thì được viết lại nhiều lần”. Ông nghe vậy nhưng vẫn băn khoăn: “Tại sao chúng ta còn sống, các nhân vật lịch sử vẫn còn mà không làm một điều gì đó, ngộ nhỡ sau này thế hệ này qua đi, lịch sử sẽ viết lại như thế nào?". Tuy nhiên đó là chuyện ngoài tầm tay của ông, người bây giờ là một cán bộ nghỉ hưu. Nói thì thế, nhưng ký ức vẫn cứ ám ảnh và thôi thúc ông.
Những chiếc nôi trong căn hầm là phòng sản của trạm xá ảnh: Hữu Trà
Năm 2003, nghỉ hưu khi con cái đã lớn và có nghề nghiệp, ông Liên quyết định trở lại Quảng Bình để thực hiện điều tâm niệm của mình. Hay tin, nhiều người cho ông là “điên”, người Quảng Bình về hưu còn ra mua nhà Hà Nội, nhiều người Hà Nội thì xây biệt phủ ở vùng ven để dưỡng già, ai lại đi vào miền gió Lào cát trắng bao giờ? Ngay gia đình ông cũng không mấy ai đồng thuận. Nhưng ông đã quyết.
Ông đi khắp nơi, tìm lại vùng đất có bóng dáng của ký ức xưa, và cuối cùng, đã đến vực Quành - nơi ngày trước có đường giao liên, có ống dẫn dầu, có trạm xá dã chiến, có dòng sông uốn lượn quanh co, hai bên bờ còn nguyên sơ những cây bản địa... bây giờ nằm không xa đường Hồ Chí Minh, cũng không xa thị xã đồng Hới... và bắt tay vào dựng lại ký ức của mình.
Thoạt đầu chỉ 2 ha, sau đó thêm 8 ha. Dừng ô tô, từ đường chính đi vào, chúng tôi như bước vào một thế giới khác, thế giới của ký ức chiến tranh. Sau khi đi qua những hố bom sâu hoắm, qua cầu phao sang sông được bắc bằng thùng phuy, một con đường giao liên mới phát, thấp thoáng trong rừng là những phuy xăng màu cỏ úa, gặp một xóm nhà nhỏ mái tranh, như những xóm nhà của vùng quê này những năm 70, và một trạm xá dã chiến... Ở đó, ông tái tạo lại những căn hầm, giao thông hào, kho gạo muối... Trên sông Quành, ông thả mô hình những bao gạo đang trôi. Dưới chân, chúng tôi bắt gặp những cây rau tàu bay - cây rau “chủ lực” thời chống Mỹ...
Khi đã thấm mệt, chúng tôi cùng ông vào một ngôi nhà cổ ở vùng Quảng Trạch được ông mua và dựng lại nguyên xi. Nhìn bầy chim le le bơi dưới vực Quành, cạnh những bao gạo, ông bảo:
- Khi mới đến, đàn chim này có 5 con, nay đã có 9 con, trong đó có một con đực.
Thấy mọi người ngạc nhiên, ông tiếp:
- Tôi không cho ai săn bắn và xua đuổi chúng, giờ nó đã quen; còn biết có một con đực là thế này - ông đưa ra chiếc ống nhòm - cái con có màu sặc sỡ nhất ấy.
Qua câu chuyện, mới biết việc ông làm là một kỳ công, ví như phải tìm được những phuy xăng và sơn lại cho đúng màu, hay như màu xanh của các bì gạo (ngày trước gọi là gạo bốn bì) giờ cũng hiếm lắm, hay tìm người đan cho đúng cái nôi theo kiểu ngày xưa đến cả chuyện tìm cho được cây rau tàu bay cũng không phải dễ...
Ông Liên tâm sự:
- Thực ra, tôi cũng chưa hình dung hết là nó khó khăn đến vậy. Tưởng là dựng một cái nhà theo kiểu cũ là xong, ai dè khi dựng xong, lại thấy thiếu các vật dụng của thời ấy, phải tiếp tục sưu tầm... Bây giờ đã chi 2 tỉ đồng rồi mà cũng chưa được như ý.
Có vẻ như hiểu ý tôi muốn hỏi về chuyện tiền, ông nói:
- Vừa rồi hai đứa con trai của tôi từ Đức về nước, con gái từ Hà Nội vào, thấy công việc tôi làm các cháu không còn phản đối mà quay sang ủng hộ. Thì cứ từ từ mà làm vậy.
Dù mới xây dựng được chừng một năm, nhưng “vùng ký ức” này đã có rất nhiều người tìm đến, hầu hết lãnh đạo tỉnh cũng đã lên thăm. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng, đoàn cán bộ hưu trí và cựu chiến binh đã viết: “Anh là một người Hà Nội nhưng còn Quảng Bình hơn cả người Quảng Bình chúng tôi, cám ơn anh đã cho chúng tôi sống lại với quá khứ đẹp đẽ và oai hùng”.
Tôi hỏi ông:
- Đầu tư nhiều tiền thế, ông có nghĩ đến chuyện thu hồi lại vốn?
Ông thủng thẳng:
- Tôi làm, trước hết là thỏa với lòng tôi. Sau nữa, tôi chỉ nghĩ, có chăng, đây là một sản phẩm du lịch để giáo dục truyền thống. Vì thế, tôi mở rộng cửa để đón tiếp mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ trong các dịp hành quân về nguồn. Về lâu dài, nếu thực sự nó được chấp nhận là một sản phẩm du lịch, khi đó, việc kinh doanh du lịch coi như là việc đương nhiên.
Nói thì nói vậy, nhưng trong lòng ông không khỏi “tâm tư” vì mấy anh kiểm lâm địa phương cứ đến vặn vẹo, ví như chuyện ông để phuy xăng (mặc dù là phuy không) để làm gì? Đào hầm, làm nhà hầm làm gì? Đã xin phép bên quân sự chưa? Về phía ông, ông cũng đã lập dự án xây dựng khu du lịch có bảo tàng ngoài trời để chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng gửi mấy tháng rồi vẫn không thấy Sở Kế hoạch - Đầu tư hồi âm. Trước Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Lâm Phương cùng hai phó chủ tịch lên thăm, ai cũng khen và khuyến khích ông, Chủ tịch tỉnh còn hứa, nếu có dự án thì tỉnh sẽ kéo điện, làm đường đến chân hàng rào cho ông như ông là một cơ sở đầu tư ngoài khu công nghiệp. Tiến sĩ Phan Viết Dũng, một người làm công tác văn hóa lâu năm, một nhà nghiên cứu văn hóa, hiện cũng là một quan chức của tỉnh, được anh em văn nghệ quý trọng gọi là Phan Viết tiên sinh, người nhiều lần đến với ông Liên, tâm đắc với việc ông làm, cũng đã góp ý vào ý tưởng của ông, ủng hộ ông. Cấp trên thì thế, còn cấp dưới thì sao mà quên bẵng chuyện của ông?
Quảng Bình vừa đón nhận bằng di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha - Kẻ Bàng vừa gia nhập vào con đường di sản thế giới ở miền Trung, tỉnh xác định du lịch như chiếc chìa khóa để mở kho báu, làm thức dậy vùng đất nghèo này, việc có thêm một sản phẩm du lịch quý giá thế này há chẳng tốt sao ?
Ông Liên ơi đừng buồn. Bởi ông đã làm được một điều kỳ diệu không chỉ cho ông, mà cho nhiều người Quảng Bình tâm huyết, và mai đây không chỉ có người Quảng Bình thôi, nhiều tấm lòng sẽ đến với ông, đến để cùng ông sống lại ký ức. Ký ức ông đang kể bên vực Quành.
Tháng 2 năm 2004
Nguyễn Thế Thịnh
file:///I:/Bao%20%20Vuc%20Quanh/Thanh%20Nien%20Online%20%20K%C3%BD%20%E1%BB%A9c%20k%E1%BB%83%20b%C3%AAn%20v%E1%BB%B1c%20Qu%C3%A0nh%20-%20Ky%20uc%20ke%20ben%20vuc%20Quanh.htm
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét