Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

KHÔNG BIẾT CÓ ĐÚNG KHÔNG NHỈ ???

Cẩn thận với những điều “lạ” khi du lịch Quảng Bình

Du lịch Quảng Bình là dự định của tôi từ mấy năm nay. Dải đất miền Trung này không chỉ nổi tiếng bởi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận di sản thế giới mà còn có bờ biển đẹp cùng những câu chuyện lịch sử oai hùng. Thế nhưng lần nào đến các đại lý du lịch trên phố cổ Hà Nội chuyên tổ chức các chuyến du lịch mở (open tour) để hỏi tour du lịch Quảng bình tôi chỉ gặp được những cái lắc đầu. Trong khi đó các tour du lịch Mai Châu Bản Lác, Hạ Long, Sapa…thì luôn sẵn sàng. Vẫn muốn thực hiện dự định của mình, tôi hỏi thăm và được biết tuyến Hà Nội - Đồng Hới có xe đường dài chạy nhanh và khá thuận tiện. Rủ thêm bạn bè, chúng tôi mua vé rồi chuẩn bị lên đường.
Xuất phát từ phố Đội Cấn vào lúc tối, chúng tôi lên xe ô tô có giường nằm máy lạnh, ngủ một giấc, sáng hôm sau đã có mặt ở Đồng Hới. Gọi một chiếc taxi,  chúng tôi tiến về bãi biển Nhật Lệ. Bãi tắm trung tâm thành phố đây á? Chúng tôi ngạc nhiên trước vẻ hoang sơ có phần tiêu điều khi taxi dừng lại. Nhưng anh lái xe khẳng định đây đúng là bãi tắm trung tâm. Nào xuống xe và lấy hành lý. Biển ban mai thật trong lành. Mấy cháu bé của chúng tôi xuống xe là tung tăng như không hề mệt mỏi chút nào sau chuyến đi đường dài.
Chúng tôi tìm chỗ ăn sáng rồi tiến vào khách sạn Công đoàn để hỏi thuê phòng. Cô nhân viên lễ tân thông báo giá cả nhưng cứ nhìn chúng tôi với vẻ mặt rất kỳ lạ và vội vã cất quyển sổ nhật ký khách sạn vào ngăn kéo, rồi thờ ơ quay đi khi chúng tôi hỏi thêm thông tin. Ngạc nhiên trước cung cách phục vụ kiểu bao cấp của ba mươi năm trước, chúng tôi quay lui và quyết định tìm một khách sạn tư nhân tươm tất nào gần đó để nghỉ trong mấy ngày ở đây.
Đi ngược trở lại phía taxi đã đưa chúng tôi đến, đoạn đường này thưa vắng chỉ có vài tòa nhà đang xây dở và nhiều cây thông mọc ven đường nhưng không khí không trong trẻo chút nào bởi các thùng rác bên đường bốc mùi rất khó chịu. Rút cục thì chúng tôi cũng băng qua rồi dừng chân trước khách sạn tư nhân đầu tiên sau khi đã đi hết đoạn đường nặng mùi đó. Đó là khách sạn Đại Nam, một tòa nhà ba tầng xây kiểu hình chữ L nhìn ra biển, khá rộng rãi, có vẻ vắng khách và sạch sẽ; tuy nhiên cái ‘nặng mùi’ của nó thì chúng tôi chỉ được biết khi trả phòng. Thỏa thuận giá cả xong xuôi, chúng tôi nhận phòng, cất hành lý rồi xuống biển.
Cát và Biển Quảng Bình
Chúng tôi hỏi những người cho thuê phao bơi và được biết một cách chắc chắn đây thực sự là bãi tắm trung tâm của thành phố, nơi dành cho cả du khách và dân địa phương. Tuy nhiên, bãi biển rất vắng dù đó là sáng thứ 7 của một tuần mùa hè tháng 6. Có sự chênh lệch lớn giữa lượng du khách ít ỏi trên bãi biển và vô số những khách sạn phía bên kia đường.
Bãi cát vàng thoai thoải và sóng êm đềm mang đến cảm giác thật dễ chịu và... mau đói. Chúng tôi hỏi thăm bác cho thuê phao bơi và được chỉ dẫn nên đến Cầu Dài để thưởng thức món lẩu mắm. Cả người cho thuê phao lẫn anh lái taxi đều dặn kỹ càng về việc cần hỏi và thỏa thuận giá cả trước khi ăn uống bất kỳ món gì.
Tối đến chúng tôi thưởng thức món mực tươi hấp và cá đuối nướng dưới tán của những cây dù ngay trên bờ kè ven biển, phía trước khách sạn Công đoàn. Ông chủ quán ân cần hỏi chúng tôi nếu muốn thuê phòng ở khách sạn Công đoàn thì cứ nói với ông, ông sẽ liên hệ thu xếp, giá cả phải chăng... Chúng tôi phì cười vì quanh đây thiếu gì khách sạn, đâu có như thời bao cấp. Nhưng vẻ mặt nghiêm túc kỳ lạ của ông chủ quán ăn khiến chúng tôi liên tưởng đến vẻ kỳ lạ ‘bí ẩn’ của cô lễ tân ban sáng. Biết đâu có mối liên quan nào đó... Nhưng chúng tôi nhanh chóng bỏ qua để tận hưởng thời gian nghỉ ngơi của mình.
Đang ăn thì trời mưa, nước mưa hắt xung quanh cây dù và bàn ăn của chúng, điều đó cũng tạo nên một trải nghiệm khó quên. Bưa tối kết thúc nhanh hơn bởi mưa ngày càng nặng hạt. Phần tính tiền không quá phức tạp với những món chính đã được thỏa thuận giá cả từ trước. Tuy nhiên vì quên không hỏi giá trước khi uống, những chai bia Hà Nội đã được chủ quán tính với giá ‘đặc sản’ 25.000 đồng/chai. Lạ nhỉ! Bia Hà Nội trở thành ‘đặc sản’ ở Quảng Bình à? Hôm sau bia Hà Nội lại về với giá thường 10.000 đồng/chai sau khi hỏi và thỏa thuận giá trước khi uống. Điều này không biết có nên xem là sự ‘lạ’ không! Sự đãng trí phải trả giá thôi. Cần nhớ kỹ lời dặn của anh lái taxi và bác cho thuê phao bơi nhé.
Sáng hôm sau chúng tôi thuê một chuyến xe để tham quan  các động Thiên Đường và Phong Nha. Chuyến xe lướt nhanh trên đường Hồ Chí Minh, đường mòn năm xưa nay rộng thênh thang, rồi xe chạy xuyên qua những cánh rừng xanh mướt.
Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng
Theo câu thành ngữ ‘đi xa về gần’, chúng tôi quyết định đến Thiên Đường trước, nơi này xa hơn Phong Nha. Dừng lại trong một bãi đỗ xe khá rộng, chúng tôi xuống xe rồi tiến về phía quầy bán vé. Có hẳn hai quầy bán vé khác nhau: một quầy bán vé tham quan, một quầy bán vé xe điện. May mắn là rất vắng khách, nếu không việc xếp hàng hai lần ắt hẳn tiêu tốn khá nhiều thời gian.
Quầy bán vé tham quan có vé dành cho người lớn và trẻ em cao hơn 1m. Quên không đo chiều cao trước khi đi du lịch và rút kinh nghiệm về việc mua sắm gì cũng nên hỏi trước, chúng tôi dắt hai cháu bé ra phía trước quầy để hỏi cô bán vé xem có cần mua vé tham quan cho các cháu không. Thẩm định chiều cao của các cháu bằng mắt, cô bán vé mỉm cười thông báo: ‘Không cần mua vé tham quan cho các bé đâu chị ạ’. Chúng tôi vui vẻ quay sang quầy mua vé thuê xe điện.
Đầy đủ các loại vé trong tay, chúng tôi tiến đến cửa soát vé. Các bé tung tăng trong niềm phấn khích và thích thú ngắm nhìn mấy gốc cây tạo dáng kỳ lạ. Tại cửa soát vé, một thanh niên trong trang phục nhân viên mầu đỏ ngăn các bé lại rồi kéo một bé đến trước một cái vạch ngang. Nhân viên này thông báo cháu cao quá một mét, rồi nói rằng vạch ngang đó là thước 1m và yêu cầu chúng tôi quay lại mua vé. Chúng tôi giải thích rằng chúng tôi không thấy cái thước đo nào ở quầy bán vé nên đã mang các cháu đến trước mặt cô bán vé để hỏi và cô nói rằng không cần mua vé cho các cháu vì chúng bé quá. Cháu bé của chúng tôi thì nhanh nhảu bỏ dép để chú nhân viên đo lại. Đầu của cháu vừa vặn chạm vạch, trừ mấy sợi tóc nhô cao hơn. Mặc dù vậy, nhân viên áo đỏ vẫn kiên quyết bắt chúng tôi quay lại mua thêm 1 vé tham quan. Thôi đành đội cái nắng chang chang quay lại quầy mua thêm 1 vé nữa. Lạ thế, cùng một doanh nghiệp Trường Thịnh quản lý mà mỗi nhân viên nói một kiểu, dù có hỏi trước thì cũng vẫn gặp sự phiền.
Từ bến đỗ xe điện, sau một hồi leo bộ trên con đường nhỏ quanh co triền núi, du khách sẽ lên đến cửa động Thiên Đường. Cửa động hơi hẹp bởi một tảng đá to chẹn ngang, nhưng càng đi xuống thì càng rộng, nhiều nhũ đá có hình thù kiểu dáng đẹp mắt. Theo giới thiệu, động này có chiều dài hơn 30 km nhưng hiện mới khai thác km đầu tiên. Công ty khai thác đã đặt những bậc thang gỗ để du khách dễ đi. Tuy nhiên, trong cái ẩm ướt của những giọt nước nhỏ xuống từ vòm động, nhiều bậc thang đã trơn trượt.
Chúng tôi quay lại xe để đi đến Phong Nha thì đã quá trưa. Sau bữa ăn trưa, chúng tôi mua vé tham quan động Phong Nha ướt và mua vé thuyền. Thuyền du lịch ở đây sẽ đưa chúng tôi tham quan trong lòng động và chúng tôi sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những kỳ ảo được cả thế giới công nhận như những lời giới thiệu từ trước đến nay. May mắn là hai loại vé bán ở cùng một chỗ và cũng rất vắng khách nên chúng tôi không mất thời gian xếp hàng.
Xuống thuyền. Gió mát khiến cái nắng nóng dịu đi đôi chút. Thuyền chạy một quãng sông dài mà vẫn chưa thấy cửa động đâu. Rồi cũng đến một cái bến, thuyền dừng. Cậu lái thuyền chạy lên bờ để trình một loại thẻ hay giấy tờ gì đó. Chúng tôi ngồi trên thuyền chờ một lát. Trình xong, cậu lái trở lại thuyền. Thuyền đi tiếp, chỉ vài chục mét rồi dừng hẳn. Chúng tôi đã ở phía trong vòm động, chỉ cách cửa động khoảng chục mét, phía trước là một cửa động khác nhưng nước dâng cao gần sát vòm, thuyền không đi tiếp được nữa. Trước vẻ mặt chưng hửng của tất cả chúng tôi, cậu lái thuyền thông báo rằng mùa này mưa, nước lên cao bít kín gần hết các cửa động tiếp theo nên thuyền không thể đi qua, khách chỉ có thể leo bộ tham quan một phần của động Phong Nha ướt ở phía ngoài này thôi. ‘Thế quầy bán vé không báo để các anh chị biết à?’ cậu hỏi và chúng tôi chỉ còn biết lắc đầu.
Chẳng còn cảm thấy ‘lạ’ trước cung cách làm du lịch ở nơi đây nữa, mặc dù các loại vé không hề rẻ, chúng tôi đành tự an ủi: thôi thì được bao nhiêu dùng bấy nhiêu. Chúng tôi, người lớn trẻ nhỏ, cùng dắt nhau vào trong động tham quan. Lòng động khá rộng, nhiều chỗ bằng phẳng như chiếc giường nằm của người cổ đại. Những nhũ đá có kiểu dáng đa dạng như hình con rồng, con rùa, con sư tử hay đụn thóc, đụn gạo...
Cửa động Phong Nha
Ngày nghỉ cuối, rút mấy lần kinh nghiệm trong vài ngày ở đây, chúng tôi thông báo từ sáng với nhân viên khách sạn là sẽ trả phòng vào khoảng 6-7h chiều để ra bến xe. Cậu nhân viên bảo rằng vì thời gian trả phòng theo thường lệ là 12h trưa nên quãng thời gian quá giờ được tính tiền là 50% giá thuê phòng cả ngày; và chúng tôi đồng ý sẽ trả thêm tiền quá giờ đúng như cách tính đó.
Tuy nhiên đến lúc trả phòng thì người quản lý khách sạn yêu cầu chúng tôi trả thêm số tiền bằng 100% tiền thuê cả một ngày vì ‘không bán được phòng cho ai vào lúc này’ và bảo đó là quy định của khách sạn từ trước đến nay đối với khách. Khi chúng tôi hỏi họ các quy định đó được niêm yết ở đâu và yêu cầu họ xuất trình bảng giá quy định, người quản lý lục lọi mãi trong ngăn kéo không tìm ra tờ giấy nào, cậu nhân viên cũng lục đục tìm kiếm phía sau rồi lôi từ đâu đó ra một tấm biển bụi bặm, chùi bụi đi thì nhìn thấy dòng chữ ‘Nội quy khách sạn’. Trong lúc người quản lý và nhân viên khách sạn cố gắng tìm dòng chữ nào đó chưa thấy để giải thích cho việc tính tiền 50% hay 100% thì taxi đã đến trước cửa giục đón chúng tôi ra bến xe. Ngán ngẩm và không muốn lỡ chuyến xe đường dài, chúng tôi đành trả tiền như mong muốn của họ cho xong, rồi lấy lại mấy chiếc thẻ nhà báo và xách hành lý chạy ra taxi. Chúng tôi biết rằng mình đã phải trả tiền cho cái sự làm ăn ế ẩm, cố tình nhập nhèm bất tín của cái khách sạn Đại Nam, số 153 đường Trường Pháp, Đồng Hới này.
Trên chuyến xe trở về Hà nội, tôi chợt nhớ ra rằng suốt mấy ngày ở Quảng Bình, chúng tôi chỉ gặp mỗi một du khách nước ngoài đến tham quan động Thiên Đường và Phong Nha. Chụp ảnh bằng iPhone, du khách này có vẻ như đi công tác tiện đường ghé qua. Lại nhớ đến Bản Lác - Mai Châu, ngôi làng bé nhỏ nơi tôi đã đến mấy lần, cả mùa đông lẫn mùa hè, lúc nào cũng nườm nượp khách tây, khách ta mang theo cả gia đình đến du lịch. Dẫu chẳng có di sản nào được UNESCO công nhận, nhưng sự mộc mạc, chân chất của những người dân Bản Lác là cái duyên, cái tín khiến người ta đến thăm rồi muốn quay lại nhiều lần cùng bạn bè, gia đình. Giờ thì tôi hiểu tại sao các đại lý du lịch ở phố cổ Hà Nội không tổ chức được các tour du lịch Quảng Bình.
Xe chạy sang địa phận Hà Tĩnh. Đường tốt, xe chạy êm ru tôi vào giấc ngủ. Những điều khó chịu đã ở phía sau lưng, ngủ một giấc thôi, sáng mai mình đã về nhà.   
Đại YÊN

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOÀNG ĐĂNG QUANG - QUẢNG BÌNH

Hoàng Đăng Quang - Quảng Bình
Kính thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ở đây tôi xin tham gia 3 nhóm vấn đề như sau:
Thứ nhất, về tình hình phân giao kế hoạch năm 2012 và tác động của một số chính sách mới ban hành. Tôi cho rằng năm nay việc phân bổ vốn, đặc biệt là phân bổ vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia giao cho các địa phương còn rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ vốn và triển khai ở các địa phương. Nhiều công trình dự án chờ vốn thi công chậm, kéo dài, kém chất lượng, làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn. Vấn đề này  đề nghị các bộ, ngành Trung ương rút kinh nghiệm để triển khai sớm hơn trong thời gian tới. Nhất là trong những lúc nền kinh tế đất nước đang còn khó khăn thì vấn đề phân giao, phân bổ vốn và giải ngân các nguồn vốn phải hết sức kịp thời.
Về tác động của một số chính sách mới ban hành. Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đã có những tín hiệu tích cực. Lạm phát tiếp tục giảm hơn kỳ vọng 7%-8%. Phải nói rằng đó là cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, công tác dự báo để ban hành một số chính sách còn thiếu kịp thời. Thí dụ, khi tình hình có nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn, giải thể, ngừng hoạt động, lẽ ra phải có chính sách mới ra đời để tháo gỡ ngay. Nhưng mãi đến đầu tháng 5 mới có Nghị quyết số 13 của Chính phủ và áp dụng gói giải pháp 29 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng việc ban hành Nghị quyết số 13 của Chính phủ là hết sức cần thiết, có tính đồng bộ và toàn diện. Nhưng việc ban hành nghị quyết có tác động của những chính sách đó đối với doanh nghiệp còn chậm trễ làm cho doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng lên rất nhiều so với cùng kỳ của năm trước.
Đối với những chính sách về miễn giản, giảm thuế cho doanh nghiệp. Phải nói rằng đây là những chính sách vừa qua là hết sức cần thiết. Nhưng tôi cho rằng đó mới chỉ là những giải pháp có tính chất nhất thời, có tính chất tình thế. Do đó, đề nghị phải hoạch định chính sách vĩ mô, phải có một lộ trình tương đối dài hạn, phải xem xét một cách toàn diện, bảo đảm tính cân đối. Việc thực hiện tính chất thắt chặt và chính sách kích thích tăng trưởng nhằm vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa bảo đảm sự tăng cường.
Vấn đề thứ hai, về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng ta biết rằng trong những tháng đầu năm là thời điểm có nhiều khó khăn và là thời điểm có mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm trước đây. Trong Quý I tăng trưởng ở mức 4%. Quý II dự báo tăng trưởng ở mức 4,5%. Nếu tính bình quân chung của hai quý thì đạt thấp. Điều này cho thấy sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế chậm. Báo hiệu sự suy giảm của nền kinh tế. Khả năng không đạt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra từ 6% đến 6,5%. Trong lúc đó, báo cáo đánh giá tốc độ tăng trưởng quý I đạt 4% cho rằng đó là mức tăng hợp lý. Tôi cho rằng, đánh giá như vậy là chưa thực sự sát với tình hình. Đề nghị xem lại vấn đề này.
Điều quan trọng hiện nay là phải duy trì được mức độ tăng trưởng không để nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi hệ lụy của việc khó tiếp cận nguồn vốn vay mặc dù lãi suất đã có giảm. Hiện nay sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn còn yếu, số lượng ngân hàng quá lớn. Về các giải pháp tôi cơ bản nhất trí với 6 nhóm giải pháp nêu trong báo cáo. Tôi đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo hướng dẫn triển khai sớm các chính sách nêu trong Nghị quyết số 13 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường. Tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo hướng dẫn triển khai 3 vấn đề như sau:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với mức giảm của lạm phát nhưng phải bảo đảm được tính ổn định của lãi suất và tăng khả năng vay vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần có nhóm chính sách giải quyết tiêu thụ các mặt hàng tồn kho cho doanh nghiệp, kích thích doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển.
Vấn đề thứ hai, ngân hàng nhà nước cần phải khẩn trương hướng dẫn cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp, có chính sách trả nợ thay đổi thời hạn lãi suất, có phương án xử lý nợ xấu, nợ cũ và cho vay nợ mới nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, khắc phục một tình trạng lãi suất giảm, ngân hàng thừa vốn, những doanh nghiệp không vay được vốn. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã đuối sức tự giác phá sản, giải thể. Đồng thời tôi cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ các phương án xử lý nợ của các ngân hàng thương mại để không để tiêu cực xảy ra.
Vấn đề thứ ba, các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết số 13 của Chính phủ tương đối đầy đủ và toàn diện, mở ra nhiều triển vọng cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất là việc triển khai thực hiện các giải pháp đó phải hết sức khẩn trương công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục là vấn đề đáng quan tâm. Đề nghị các bộ, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình cần phải sớm hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện ngay các giải pháp. Ví dụ xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ cũ, cho vay nợ mới, việc kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài cho một số đối tượng. Rút kinh nghiệm vừa qua việc hướng dẫn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2011 có một số nơi triển khai đang còn chậm.
Vấn đề thứ tư, về sản xuất nông nghiệp là một thế mạnh của nền kinh tế tuy nhiên hiện nay đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp. Trong phiên họp vừa qua Quốc hội đã tập trung thảo luận các giải pháp đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn tôi xin không phân tích thêm. Ở đây tôi đề nghị hai vấn đề:
Cùng với gói giải pháp hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, phải nói đây là sự chia sẻ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, bên cạnh đó tôi đề nghị Chính phủ dành riêng một gói giải pháp hỗ trợ cho nông dân, kích thích thị trường nông sản, hỗ trợ đầu vào, đầu ra sản xuất, ưu tiên lãi suất thấp cho chế biến nông, thủy, hải sản, có chính sách đối với hàng tồn kho là các mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo, đặc biệt quan tâm các vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, dịch bệnh và các doanh nghiệp, các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.
Giải pháp thứ hai, đề nghị tăng cường chỉ đạo các biện pháp huy động các nguồn vốn, ngoài nguồn vốn 2000 tỷ đồng nêu trong Nghị quyết 13 của Chính phủ để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay xây dựng nông thôn mới có một số tiêu chí thực hiện rất khó khăn, như xây dựng cơ sở hạ tầng nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, chúng ta sẽ không đạt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Nhân đây tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát điều chỉnh một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới để phù hợp với điều kiện của nông thôn Việt Nam hiện nay. Tôi xin hết.

BỘ Y TẾ KHÔNG BIẾT NHƯNG DÂN BIẾT - BIẾT NHƯNG ĐÀNH CAM CHỊU. VÌ ĐÂU ???

Có những phong bì 'khủng' bệnh nhân không biết

– Nghiên cứu “Chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế” do Tổ chức Hướng tới Minh bạch phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng thực hiện vừa được công bố ngày 6/6 tại Hà Nội cho thấy có những bệnh nhân đưa phong bì cả chục triệu đồng cho bác sỹ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ, bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng – đơn vị chủ trì thực hiện nghiên cứu này – cho biết khoản phong bì này “chưa thấm vào đâu” so với “phong bì to” bệnh nhân phải chi trả nhưng họ không biết mình đã phải đưa cho bác sỹ.

Đó là “phong bì khủng” từ các cuộc đấu thầu thuốc, sinh phẩm và trang thiết bị y tế và "hoa hồng" cho bác sỹ kê đơn.
Đây là những chi phí “không chính thức” khổng lồ trong ngành y tế Việt Nam hiện nay mà những biện pháp can thiệp chưa tỏ ra có hiệu quả.
Đơn thuốc tại bệnh viện Nhi TW năm 2010 có giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với giá thuốc nhập về. Kết quả thanh tra của Cục Quản lý Dược sau đó cũng thừa nhận thực trạng này là có thật. Theo ông Trần Tuấn, những "phong bì" núp bóng dưới các cuộc đấu thầu thuốc, sinh phẩm y tế mới thực sự là lớn. Người bệnh đều phải trả chi phí cho những chiếc phong bì này thông qua việc mua thuốc giá cao trong bệnh viện (Ảnh: C.Q)
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Tuấn về vấn đề “nhạy cảm” này.

Ông có thể cho biết nghiên cứu này được thực hiện trong thời gian bao lâu, với phạm vi nào? Mục đích của nghiên cứu này là gì?
Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2011 tại Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk và Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu chính thức về vấn đề này.

Mục đích đầu tiên là để tìm hiểu về tình trạng đưa và nhận phong bì trong ngành y tế thông qua các đối tượng nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành y, cán bộ y tế, người bệnh.

Mục đích thứ hai là để lãnh đạo ngành y tế phải thừa nhận một thực tế có thực đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các bệnh viện ở Việt Nam thông qua các bằng chứng khoa học.

Từ trước đến nay, câu chuyện này đã được nói đến nhiều, dưới mọi hình thức nhưng chưa có bằng chứng thuyết phục nào được đưa ra và những người làm trong ngành y cũng thường xuyên có ý phủ nhận thực tế này.
 
Tiến sĩ Trần Tuấn (Ảnh: Internet)
Ông cho biết chủ đề này đã được nói đến nhiều. Vậy kết quả nghiên cứu cuối cùng được đưa ra có gì khiến ông bất ngờ không?
Không, kết quả không có gì làm tôi bất ngờ. Nhưng tôi có một số ấn tượng đặc biệt với một trong những kết quả của nghiên cứu.
Đó là có sự trái ngược giữa bác sỹ và bệnh nhân khi họ nhận định về tính chất của “phong bì bệnh viện”.

Cụ thể: Trong khi bệnh nhân khẳng định họ đưa phong bì theo tâm lý “đám đông”, thấy người khác làm thì mình cũng làm theo, thậm chí có 1/3 bệnh nhân được hỏi cho biết họ bị cán bộ y tế gợi ý thì ngược lại, hầu hết cán bộ y tế đều cho biết họ không gợi ý, phong bì là do bệnh nhân tự nguyện đưa.

Hoặc trong khi bệnh nhân khẳng định khi đưa phong bì sẽ nhận lại dịch vụ tốt hơn hẳn (như nhẹ nhàng, từ tốn) thì cán bộ y tế khẳng định bệnh nhân có đưa phong bì hay không thì họ vẫn làm y như vậy (nghĩa là không có sự khác nhau về dịch vụ chất lượng). Điều này là rất trái ngược.

Theo ông, ngoài những phong bì trực tiếp mà bệnh nhân đưa cho bác sỹ, còn những chi phí không chính thức nào mà người bệnh đang phải chi trả không?

Còn rất nhiều. Trong đó, có những phong bì “khủng” cho bác sỹ mà bệnh nhân không biết. Đó là “phong bì khủng” từ các cuộc đấu thầu thuốc, sinh phẩm và trang thiết bị y tế.

Trong các bệnh viện, khi đấu thầu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, rất nhiều “chi phí trung gian” như hoa hồng cho những người có khả năng quyết định trúng thầu được cộng tất cả vào giá trúng thầu, đẩy giá trúng thầu lên cao hơn nhiều so với thực tế.

Và kết quả là người nhân phải bỏ tiền ra để trả cho cả những chi phí này (thực chất là chúng đã rơi vào túi của cán bộ y tế).

Đây mới là những chi phí không chính thức khổng lồ trong ngành y tế Việt Nam. Chúng tôi dự kiến trong thời gian tới sẽ tiến hành những nghiên cứu để đánh giá về thực trạng của những chiếc phong bì “khổng lồ” này.

Xin cảm ơn ông!

Nhiều hình thức "cảm ơn" trong lĩnh vực y tế
Nghiên cứu “Chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế” do Tổ chức Hướng tới Minh bạch phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng được tiến hành với sự tham gia của 180 người là bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc “cảm ơn” không chỉ là quà biếu, tiền mặt, phong bì mà còn núp dưới nhiều hình thức khác như tạo cơ hội học tập, việc làm, mua nhà ở giá gốc, xin giúp con bác sĩ vào trường học chất lượng cao, làm sổ đỏ cá nhân, vv …

Nghiên cứu này cho thấy có sự chênh lệch lớn về giá trị các khoản tiền đưa theo phong bì giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, giữa các cơ sở y tế ở thành thị và nông thôn. Mức “cảm ơn” dao động từ 50.000 đồng- 5.000.000 đồng, một số trường hợp ngoại lệ lên tới vài chục triệu đồng.

Cẩm Quyên
(Thực hiện)