Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Người tái dựng một làng chiến tranh 
13/09/2004 08:05

Ông là một người Hà Nội. Sinh ra, lớn lên và công tác tại Hà Nội, gần cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội, nhưng có mười năm trai trẻ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông băng rừng, vượt núi vào chiến đấu tại miền Tây Quảng Bình. Mười năm ấy đã để lại trong ông những ấn tượng không thể phai nhạt về mảnh đất, con người nơi đây trong chiến tranh ác liệt. Để rồi sau hơn 40 năm, khi đã ở tuổi thất thập, ông quay lại đây...
 
Nhà trẻ trong Làng chiến tranh
Ông là một người Hà Nội. Sinh ra, lớn lên và công tác tại Hà Nội, gần cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội, nhưng có mười năm trai trẻ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông băng rừng, vượt núi vào chiến đấu tại miền Tây Quảng Bình. Mười năm ấy đã để lại trong ông những ấn tượng không thể phai nhạt về mảnh đất, con người nơi đây trong chiến tranh ác liệt. Để rồi sau hơn 40 năm, khi đã ở tuổi thất thập, ông quay lại đây...
Theo lời anh cán bộ địa chính thị xã Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) từ trung tâm thị xã ngược lên phía Tây Bắc chừng 12km, chúng tôi có mặt tại Làng chiến tranh (thuộc khu vực Quành, xã Nghĩa Ninh, thị xã Đồng Hới) của ông Nguyễn Xuân Liên. Ông Liên tâm sự với chúng tôi, càng về già ký ức về thời trẻ càng sống dậy trong ông mãnh liệt, nhất là quãng thời gian 10 năm (1961-1970) ông gắn bó, chiến đấu tại Quảng Bình. Đến năm 1992, ông mới có dịp trở lại Quảng Bình. Nhìn mảnh đất này đang thay da đổi thịt từng ngày, ông vừa vui lại vừa buồn. Ông vui bởi mảnh đất xưa nham nhở  những hố đạn bom nay  là một rừng thông xanh bạt ngàn. Còn buồn vì người ta mải lo làm ăn mà sẵn sàng xóa đi những dấu tích của một thời oanh liệt - những công sự pháo, trận địa chống càn... Vậy là ông nảy ra ý định tái tạo lại ngôi làng trong chiến tranh mà đến nay vẫn in đậm trong  trí nhớ của ông. Ông bảo: “Cũng may vẫn còn lại một đoạn địa đạo, vài ụ pháo mười  hai ly bảy”. Về lý do dựng làng, ông chân thành: “Mới đầu tôi định làm chỉ như để là món quà gửi hương hồn các đồng đội của tôi, những cán bộ ngành y tế đã hy sinh trên tuyến lửa Trị Thiên này. Nhưng rồi thấy mọi người động viên nên nghĩ càng phải làm để cho con cháu biết ngày trước cha anh chúng đã sống, chiến đấu thế nào chứ”.
Thế là đầu năm 2003, ông tạm rời phố phường Hà Nội vào Quảng Bình xin phép dựng làng.
Ông cười: “Tôi nghĩ tái dựng  một làng để cháu con có thể hình dung cuộc chiến đấu khốc liệt và những hy sinh của cha anh cũng là một cách để đền đáp mảnh đất đã che chở tôi suốt 10 năm bom đạn thôi”.
Đấy là ông nói thế, chứ bà con thôn 7, xã Nghĩa Ninh này giờ chịu  ơn ông nhiều lắm ! Dù cho đã có lúc bà con gọi ông là ông “khùng”, ông “hâm”.
Một năm trước, dân làng vùng đồi miền Tây này xôn xao cả một dạo khi nghe tin có ông cán bộ hưu trí tận Hà Nội  bỏ tiền mua hàng chục héc ta đất đồi. Mà có phải để trồng cây hay lập trang trại gì cho cam. Đằng này ông lại đi vét hố bom, đào hầm, dựng lên cả chục ngôi  nhà tranh của ngót nửa thế kỷ trước mới lạ ! Chuyện của ông nói gầm trời  này có một thì hơi quá, nhưng ở cái xứ này chắc chẳng ai làm vậy.
Ông Liên nguyên là một cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu. Năm ngoái vẫn  sống yên ổn với vợ  ở số nhà 415, C10 khu tập thể Tân Mai, Hà Nội. Đùng một cái, ông bán nhà, đưa vợ một nửa tiền rồi cầm một nửa (0,8 tỷ) vào Quảng Bình mua đất, xây làng. Ông tâm sự: “Trong khi người  ta đua nhau bỏ làng lên phố thì tôi lại bỏ phố về làng. Kể ra người ta cười cũng phải”.
Dạo ấy, có đợt vợ ông làm căng lắm, bà dọa cả ly thân để cản ý định “gàn  dở” của ông. Rồi thì ly thân thật.
Nhưng bây giờ, nhờ cái ý định gàn dở của ông mà từ tháng 7-2003 đến nay, gần 30 con người đang có công ăn việc làm trong khu làng của ông. Và cả con đường mới - niềm mơ ước của bà con nơi này, tiện cho sản xuất, cho xe cộ vào. Nhìn con đường mới bằng sỏi dài hơn 1 km từ đường Hồ Chí Minh vào ông vui lắm.
Tháng 7 vừa rồi tôi quay lại vực Quành thì nghe anh Toàn, bảo vệ nói ông Liên đã đi Hà Nội. “Nghe đâu ông đi chuyến này để nhận tiền của hai đứa con từ Đức gửi về, lấy kinh phí cho việc xây dựng giai đoạn hai”. Anh Toàn nói thêm: “Đến giờ phút này, ông cụ đã đổ vào đấy ngót 3 tỷ bạc chứ ít gì. Rứa  mà một ngôi nhà tử tế cho riêng mình ông vẫn chưa có.
Thực ra, nói là “làng” thì cũng không thật chính xác. Vì trong khu vực 10 ha, ông Liên được phép dựng làng chẳng có gia đình nào sinh sống cả.
Làng gồm một hệ thống địa đạo dài 4km với hơn chục hạng mục công trình ở dưới sông, trên mặt nước, trong lòng đất...
Dẫn chúng tôi đi thăm hết 4km địa đạo, vừa bước lên cửa hầm của khu nhà khách, ông kể: “Một năm trước địa đạo này bị san lấp chỉ còn có 1 km. Những căn hầm chữ A, lớp học dã chiến này đều mới  được phục hiện. Ban đầu tôi thuê người về làm. Tự thân đi kiếm những vật dụng còn sót lại của chiến tranh trong nhà dân. Nhưng dần dần bà  con hay tin, người góp công đào hầm, người có vật dụng gì thì đem cho nên cứ nhiều lên”.
Ấn tượng và cảm động nhất là khu nhà trẻ với những chiếc nôi trẻ, chiếu cói. Nhiều mảnh cháy sém được ông đem về tái hiện lại rất chân thực.
Xuôi đò  về phía đông vực Quành, đi qua chiếc cầu phao được ông ghép bằng những thùng phuy xanh đựng xăng trong chiến tranh, chúng tôi bắt gặp ngổn ngang  những bao tải giả gạo, giả lương thực phục hiện cảnh lương thực, yếu phẩm thả trôi trên sông nhằm tiếp tế cho bộ đội thời chiến. Trên sông có nơi cồn cát nổi lên để lộ một đoạn ống dầu. Ông Liên giải thích,  đó là đường ống dẫn dầu thuộc hệ thống dẫn dầu vào đến tận Lộc Ninh trong những năm miền Bắc chi viện cho miền Nam. Ông tính đến mùa khô sẽ tôn tạo phục vụ những giờ ngoại khóa lịch sử cho con em tỉnh nhà cũng như lớp trẻ hậu sinh mọi miền đất nước.
Sau hơn một năm  thi công, 13 hạng mục đã bước đầu hoàn thành. Ông Liên sắp sửa bắt tay vào xây dựng  giai đoạn hai.
Được biết, dự án xây dựng làng chiến tranh giai đoạn hai của ông nhận được sự quan tâm lớn của UBND tỉnh Quảng Bình bởi đây sẽ là điểm du lịch sinh thái, lịch sử trong tương lai  gần.
Đất nước đã  qua hơn một phần tư thế kỷ im tiếng súng. Cả nước đang như  một công trường bộn bề dựng xây và phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của hành trình đổi mới. Chiến tranh và những di tích của nó  đang dần trở nên hiếm hoi, phai nhạt  cùng quy luật của thời gian và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Phải làm gì để lớp  người trẻ tuổi hôm nay, những thế hệ sinh sau chiến tranh - hình dung và thấu hiểu  những mất mát gian khổ hy sinh của  cha anh những năm  kháng chiến, đặng tri ân, tôn vinh và phát huy truyền thống trong dựng xây đất nước hôm nay? Đó là câu hỏi khiến nhiều cơ quan, cấp, ngành vẫn  luôn nghĩ suy, trăn trở.
Với nguyện vọng và mục đích đầy ý nghĩa ấy, có thể nói, hành động tái hiện một ngôi làng chiến tranh của cựu chiến binh người Hà Nội Nguyễn Xuân Liên ở Đồng Hới, Quảng Bình thật đáng được ghi nhận và ủng hộ.
HNM

ANHTHU 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét