Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

CHUYỆN NHÀ HÀNG XÓM


Bến Hải - đôi bờ di sản

Thứ Tư, 28.3.2012 | 08:18 (GMT + 7)

Sông Bến Hải từ thượng nguồn đổ ra biển Đông làm giàu có thêm cho hai “kho vàng” là bãi tắm Cửa Tùng - Cửa Việt của Quảng Trị (QT). Và cũng dòng sông này, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã biến nơi đây thành mốc son lịch sử sáng ngời, để lại cho các thế hệ mai sau di sản của lòng yêu nước, khát vọng hoà bình mang tên Việt Nam.

Cầu Hiền Lương trước năm 1975 - ảnh internet
Đã sau 40 năm hoà bình, người dân đôi bờ sông Bến Hải - cầu Hiền Lương vẫn ngồn ngộn lo toan rằng những chứng tích, dấu tích được làm nên bởi rất nhiều máu, nước mắt và sự sống e rồi sẽ mất đi...
Cầu Hiền Lương trong ngày hội thống nhất non sông.     Ảnh: HỒ CẦU
Cầu Hiền Lương trong ngày hội thống nhất non sông. Ảnh: HỒ CẦU
Bây giờ đứng trên cây cầu di tích lịch sử quốc gia Hiền Lương nhìn về phía nào cũng thấy màu xanh của sự sống căng đầy xa ngút mắt. Biển Cửa Tùng và địa đạo Vịnh Mốc tấp nập du khách đến từ năm châu bốn bể, vùng đồng bằng Vĩnh Linh - Gio Linh hai bờ sông Tuyến như cách gọi của Nguyễn Tuân xanh điệp trùng của lúa, hồ tiêu khiến cho những cựu binh năm xưa không còn nhận ra nơi đây từng là đất chết trong chiến tranh nữa, nhìn lên phía tây, bạt ngàn caosu trải thành một thảm xanh bao la, lẫn trong đó những cột khói nhà máy bay lên, hoà cùng gió từ biển thổi vào, làm ngất ngây lòng người tri ân bên dòng sông giới tuyến.
Phạm Thị Thuỷ - nữ nhân viên của Ban quản lý (BQL) di tích đôi bờ Hiền Lương - nói: “Do vị trí của di tích nằm ngay bên quốc lộ 1A nên rất thuận lợi cho du khách thăm viếng, tìm hiểu, hằng ngày tụi em chứng kiến rất nhiều người đến thăm cầu Hiền Lương, dâng hương ở kỳ đài giới tuyến đã oà khóc nức nở, họ bảo chỉ cần đặt được bước chân lên cây cầu lịch sử là cả một niềm hạnh phúc vô cùng lớn rồi, huống hồ còn được nhìn thấy cả một sự đổi thay đầy sức sống trên “miền đất chết” của đồng bào đôi bờ Bến Hải như thế này.
Địa đạo Vịnh Mốc cũng vậy, vô cùng hấp dẫn du khách, ai đến đây rồi cũng nói Vịnh Mốc quả là một công trình kỳ vĩ trong lòng đất chứa đựng nhiều điều muốn tìm hiểu, khám phá. Nhưng, anh chị em quản lý di tích ở đây vẫn vô cùng lo lắng rằng còn quá nhiều di tích lịch sử độc đáo, chẳng nơi nào có được ở đôi bờ Bến Hải đang trước nguy cơ mai một, mất đi do chưa được quan tâm đầu tư bảo vệ, trùng tu kịp thời, xứng tầm. Em là người con được vinh dự sinh ra trên mảnh đất, dòng sông nổi tiếng này, nên em rất biết sự yêu quý của người dân quê em đối với từng dấu tích chiến tranh đã làm nên cuộc sống hoà bình hôm nay”.
“Tồn tại hay không tồn tại!”
Nằm ở phía nam sông Bến Hải là di tích quốc gia hàng rào điện tử McNamara đang hằng ngày đối mặt với sự mất đi bởi sự bào mòn của thời gian - mưa nắng của đất trời và mòn mỏi đợi chờ kinh phí trùng tu, tôn tạo. Hàng rào điện tử McNamara là hệ thống bao gồm 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản là hàng rào dây thép gai, bãi mìn, các phương tiện điện tử phát hiện thâm nhập được quân đội Mỹ xây dựng ở vĩ tuyến 17 năm 1966, được bố trí trên chiều rộng từ 10 - 20km, dài 100km từ cảng Cửa Việt kéo dài lên đường mòn Hồ Chí Minh và tới tận biên giới Việt - Lào. Được xếp hạng di tích quốc gia từ sau ngày đất nước thống nhất, nhưng mãi tới nay, việc đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo hầu như rất nhỏ giọt, không đáng kể.
Ông Ngô Thanh Bảo - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích - danh thắng tỉnh QT - cố kìm nén nỗi bức xúc: “Dự án bảo vệ, phục hồi di tích hàng rào điện tử McNamara luôn được xếp hạng là tối cần thiết, cấp bách, nhưng hết năm này sang năm khác, cả chục năm rồi, đến khi đã được chấp nhận cho khởi động thì lại trúng vào thời điểm khủng hoảng, siết chặt đầu tư, vậy là kéo dài cho đến bây giờ. Điều chúng tôi vô cùng lo lắng và phải khẩn thiết báo động là nếu không kịp thời khởi động dự án thì những gì còn sót lại đến hôm nay rồi cũng sẽ mất nốt. Hôm vừa rồi, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh cho rằng dự án hàng rào điện tử McNamara cũng phải xếp vào danh sách ngừng đầu tư mới, tôi nói rằng, nếu hiểu như vậy là... không hiểu gì về di tích cả, đầu tư khẩn cấp để bảo vệ, khôi phục một di sản quý giá sao lại xếp ngang hàng với các công trình dân sinh xây dựng mới”.
Di tích đồ sộ nhất ở bờ bắc sông Bến Hải là hệ thống làng hầm, mà trong đó địa đạo Vịnh Mốc là... đồ sộ của đồ sộ. Toàn huyện Vĩnh Linh có 114 làng hầm với tổng chiều dài trên 40km cùng với hệ thống giao thông hào dài 2.000km, đó thực sự là những làng ngầm đưa sự sống lặn sâu xuống lòng đất thời chiến tranh, có nơi âm hơn 20m, có đầy đủ chức năng như căn hộ, hội trường, bệnh xá, nhà trẻ, trường học, trụ sở chính quyền...
TS sử học Nguyễn Bình nói rằng, hệ thống làng hầm Vĩnh Linh hoàn toàn xứng đáng để được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc xem xét, vinh danh. Thế nhưng, thực trạng của hệ thống di sản làng hầm Vĩnh Linh đã, đang nhận được sự ứng xử chưa tương xứng, ngoài địa đạo Vịnh Mốc được đầu tư “chừng mực” để bảo vệ, chống xuống cấp, số phận hàng trăm địa đạo khác gần như bị bỏ rơi hoàn toàn trong cả một thời gian dài, trong bối cảnh phải ưu tiên đất đai cho canh tác, trồng trọt kiếm cái ăn trước đã. Chưa kể hàng trăm địa đạo lớn - nhỏ khác, chỉ riêng địa đạo Vịnh Mốc cũng đang đứng trước nhiều thách thức bởi các giải pháp gia cường kè bảo vệ, gia cố chống sập... cho địa đạo đang ngày càng đòi hỏi cao hơn trước nhiều áp lực của thiên nhiên.
Trong ngôi nhà trưng bày (sắp xây) tại khu di tích làng hầm Vĩnh Linh treo dòng chữ cỡ lớn khắc bằng đá hoa cương “Tồn tại hay không tồn tại”, với dụng ý đó là phương châm sống của người dân Vĩnh Linh thời chiến tranh. Khi trở lại cầu Hiền Lương, tôi nói với nữ nhân viên bảo vệ di tích tên là Thuỷ rằng, vấn đề của vấn đề di tích mà em quan tâm phụ thuộc vào nhận thức của những người ra quyết định - tồn tại hay không tồn tại?
Tầm nhìn di sản từ... môn Vĩnh Hoàng
Tôi nói với ông Hoàng Anh Quyết - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh QT - là BQL di tích - danh thắng tỉnh hai tháng cuối năm 2011 thiếu lương nhân viên do hụt nguồn thu, rồi thì tại địa đạo Vịnh Mốc ngoài việc bán vé ra, các hoạt động để tạo giá trị gia tăng từ di tích nổi tiếng này gần như bằng không... Không đợi tôi hết “cáo trạng”, ông Quyết đã “cướp diễn đàn”: “Đó là hệ lụy tất yếu của việc không biến nổi di tích thành địa chỉ du lịch do nhiều nguyên nhân, trong đó có tính cát cứ, năng lực tổ chức, hành động, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, giữa chính quyền với ngành du lịch... Tôi đặc biệt nhấn mạnh, về cơ cấu tổ chức, không còn địa phương nào trong khu vực di sản miền Trung mà quản lý cả một hệ thống di sản đồ sộ như thế này chỉ giao cho một BQL trực thuộc Sở VHTTDL như ở QT; các địa phương khác đều là một BQL trực thuộc UBND tỉnh, chỉ khi có chiếc áo đúng tầm thì di tích, di sản mới được ứng xử, phát huy giá trị đúng tầm của nó”.
Ô hay, nghe ông Quyết nói chuyện chiếc áo và tầm nhìn “khác người” sao giống chị bán hàng phục vụ khách du lịch ở di tích Vịnh Mốc quá! Chị Trần Thị Phới - người làng Vịnh Mốc, có quầy bán hàng trong khuôn viên địa đạo Vịnh Mốc - khoe với tôi mấy rổ môn củ, mấy thúng dứa biển Cồn Cỏ và những gói hồ tiêu hạt khô do chị tự mua bao nylon về đóng gói, không nhãn hiệu chi hết - đã nuôi sống gia đình và con cái chị học hành.
Chị nói: “Củ môn trồng trên đất Vĩnh Linh ngon chi lạ, những nơi khác không có, vì rứa mới sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng được chớ. Có người tới đây thấy em bán hàng nông sản quê mùa như ri cứ cười cợt ra vẻ... khó hiểu lắm, em thì nghĩ khác, không cứ phải hàng lưu niệm cao cấp sản xuất từ máy móc cao siêu này nọ mới là sang trọng, mới là làm du lịch, em rất tự hào khi dân làng Vịnh Mốc bán được cho khách tây, ta những sản vật dân dã được làm ra từ chính đất đai này. Em vừa bán môn vừa kể cho khách nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng rằng môn, khoai Vĩnh Linh ăn phải đeo kiếng, không thì bột môn văng mù mắt... Rứa là khách mua một trả tiền thành hai, nói là “boa” cho em “kể chiện có diên”...”. 
Câu hỏi tại sao “chiếc áo” quản lý di tích của tỉnh QT lại “khác người” như vậy được tôi đặt ra với ông Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ QT. Ông Hùng thẳng thắn: “Việc xếp BQL di tích tỉnh thành một phòng, ban của một sở không chỉ là sự bất thường về mặt hành chính, nó chính là sự phản ánh tầm nhìn và thái độ ứng xử với di tích, di sản. Tôi cho rằng, để nâng tầm trách nhiệm và hiệu quả quản lý, hoạt động bảo tồn, khai thác giá trị di tích phục vụ kinh tế - xã hội địa phương, cần thiết phải giao cho một đơn vị quản lý trực thuộc UBND tỉnh”.
Lâm Chí Công