Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

VỰC QUÀNH NHÀ EM TỦI THÂN QUÁ ! HU HU HU !!!

Của trong nhà không quý!

Thứ Sáu, 06/04/2012 20:36

Hai Phiếm xuýt xoa:
- Cảnh đẹp thiên nhiên ở đâu cũng là tài sản vốn liếng để địa phương có thể khai thác sinh lợi nhưng hình như ở ta ít chú ý đến vấn đề này...
- Dễ chỉ mình bác biết?
- Thì những hang động kỳ vĩ nằm trong lòng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình không phải do địa phương phát hiện ra mà do đoàn thám hiểm của một ông người nước ngoài dẫn đầu cùng Trường ĐH KHTN Hà Nội và người địa phương nhận ra.
- Ai phát hiện ra không quan trọng, miễn là tài sản ấy đang được khai thác!
- Thế nhưng khai thác thế nào khi khách du lịch đến Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ để ngắm hang rồi về!
- Ờ ờ... xem ra phải có một chiến lược khai thác trong kế hoạch du lịch tổng thể thật. Nếu không, du khách chỉ đến một lần hoặc ngắm hang ở Quảng Bình rồi đến chỗ khác tiêu tiền vì ngoài hang động ra chưa có thêm hình thái du lịch khác kết hợp để giữ chân khách, làm khách “thèm” phải quay lại!
- Sao địa phương không kêu gọi đầu tư với một chính sách phát triển du lịch rõ ràng nhỉ! Có thể quảng bá rộng khắp “đặc sản” hang động của mình và tìm thêm nhiều hình thức khác thành một “tua” chỉ trong tỉnh như thêm chuyện du lịch biển, du lịch khám phá hoặc đến thăm quê danh nhân trong tỉnh...
- Hang động khỏi nói nhưng biển Quảng Bình đâu kém nơi khác, rồi bến đò Nhật Lệ, nhà Mẹ Suốt, quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp nếu đầu tư và đưa vào khai thác...
- Đúng là còn nhiều chỗ, nhiều điều có thể khai thác du lịch thật...
- Hay “Bụt chùa nhà không thiêng”, có của trong nhà lại chưa nhận ra giá trị tài sản?...
Cả Nghĩ
 
"BẢO TÀNG CHIẾN TRANH" VỰC QUÀNH ĐANG CHẾT

                  Phạm Xuân Cần
   Tôi là người rất tâm đắc với ý tưởng xây dựng một làng chiến tranh của ông Nguyễn Xuân Liên, đồng thời rất khâm phục tâm huyết và ý chí của ông. Ngay từ năm 2003, qua một số bài báo trên báo Lao Động, tôi đã chú ý theo dõi "dự án đời người" này của ông Liên. 
    Vào các năm 2004, 2005 tôi đã từng đưa anh em trong cơ quan đi thăm khu bảo tàng độc đáo này. Ai nấy đều rất thích thú. 
    Mấy hôm trước, trên trang Ba Sàm có điểm một bài viết về khu du lịch sinh thái "bảo tàng chiến tranh" này.
   Hôm nay, nhân dịp cùng các bạn thanh niên trong cơ quan đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, tôi đã hào hứng kể cho các bạn trẻ về khu du lịch đặc biệt này. Mặc dù đã muộn và thấm mệt nhưng ai cũng háo hức muốn đến tận nơi. Phải rất khó khăn mới hỏi được đường đi đến đây, vì hình như dân địa phương không phải ai cũng biết địa chỉ này. Thế nhưng khi đến nơi tất thảy đều thất vọng. Hoang tàn, đổ nát, không ai quan tâm chăm sóc, trông coi. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với chủ nhân theo số điện thoại ghi trên biển hiệu nhưng vô hiệu. Đành vào chụp mấy kiểu ảnh rồi về. 
     Thật buồn cho một dự án tâm huyết, đầy ý nghĩa nhân văn lại rơi vào thảm trạng như vậy...
 
 

ĐÀNG TRONG - ĐÀNG NGOÀI

Đàng Ngoài - Đàng Trong


Đối với lịch sử trung hưng nhà Lê, năm canh tý, 1600, dù nhìn dưới khía cạnh nào cũng  phải thừa nhận đây là một niên đại quan trọng.
Niên đại 1600, đánh dấu sự thoát ly của Nguyễn Hoàng khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng. Nói rõ hơn, niên đại 1600, Nguyễn Hoàng dứt khoát bỏ miền Bắc, đặt Thuận - Quảng vào thế đứng biệt lập với Thăng Long, hay Đàng Trong biệt lập với Đàng Ngoài.
Đang khi Bình An vương Trịnh Tùng, triều thần vua Lê Kính Tông (1600-1619) cùng với vương phủ họ Trịnh mở tiệc liên hoan đón Tết Đoan Ngọ [mồng 5 tháng 5 năm canh tý, 1600] bổng nghe tin Nguyễn Hoàng và đạo quân Dinh Hùng Nghĩa của ông đã theo thủy lộ Thăng Long - Đại An dong buồm về Thuận Hoá. Sách Cương Mục Tiết Yếu ghi vắn tắt sự kiện lịch sử nầy như sau: “Khi hay tin, lòng người dao động, Tùng liền đem vua về Thanh Hoá [Tây Đô] để củng cố đất căn bản”.1


Đây là một biến cố lớn làm rúng động cả triều đình vua Lê, cả phủ liêu họ Trịnh và nhất là khắp Thăng Long, dân chúng cũng xôn xao bàn tán. Biến cố nầy trực tiếp tác động đến sự tồn tại của Trịnh Tùng cũng như chính Nguyễn Hoàng. Nếu có một phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra bất cứ từ phía nào, tất sẽ di hại to lớn và ảnh hưởng lâu dài sau nầy.  Cũng may, Trịnh Tùng chỉ biết đem vua Lê về lại Tây Đô trong tình thế hoàn toàn bị động, và lo chuẩn bị đối phó vì mọi bất trắc có thể xảy ra.
Như vậy, sau biến cố Tết Đoan Ngọ, người ta thấy Trịnh Tùng lo giữ thế thủ hơn là phô trương thế công. Biết Nguyễn Hoàng đã về lại Thuận Hoá, tất nhiên biên gìới phía nam của Tây Đô là Đèo Ngang   Trịnh tùng phải lo phòng vệ tối đa. Lần thứ nhất, đây là một phòng tuyến giữa hai thế lực bắc và nam có lý do xuất hiện, cả trong tư tưởng cả trên thực tế của hiện trường.
 
1. Đường ranh phân chia: một cây lau nhỏ hay một dòng sông?


Sách Đại Nam nhất Thống Chí , nói về tỉnh Quảng Bình có viết: “Khi quốc sơ, binh họ Trịnh cùng binh ta [họ Nguyễn] chống nhau, lấy Sông Gianh làm giới hạn, đồn binh ở đấy. Một đồn ở xã Trung Ái, một đồn ở xã Phan Long, một đồn ở xã Xuân Kiều, tục hiệu là Ba Đồn [cũng gọi là Tam Hiệu hay Tam Phiên], sau bị Đại tướng quân của ta là Nguyễn Hữu Dật đánh phá tan cả”2. Do câu lấy Sông Gianh làm giới hạn, đã trở thành một đề tài lịch sử điạ lý khá quan trọng và được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử bàn luận sôi nổi tứ trước tới nay. Gần đây nhất, nhà nghiên cứu sử, tác giả cuốn Quảng Bình, Chín Trăm Năm Nhìn Lại (1075-1975) đã dành ra 25 trang sách, ở mục nói về Đàng Ngoài – Đàng Trong, một vài luận điểm từ nguyên và ranh giới, sau khi đã liệt kê nhiều ý kiến khác nhau, tác giả cho rằng vấn đề nầy vẫn là tồn nghi lịch sử.
Một phần sự kiện vừa nêu, có liên quan đến nhân vật lịch sử mà chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu, đó là Nguyễn Hoàng, do đó chúng tôi trình bày quan điểm riêng và hy vọng chuyện tồn nghi lịch sử nầy được phần nào sáng tỏ.
Cũng như tác giả Nguyễn Đức Cung, nhiều người đã bắt đầu với câu hỏi: “Châu Bố Chính bị họ Trịnh chiếm lúc nào?” [mà nay phải chiếm lại]. Về điểm then chốt nầy, xin dẫn lại ý kiến của linh mục sử gia Nguyễn Phương.
“Trước khi phân tranh, châu Bố Chính, cả Bắc Bố Chính lẫn Nam Bố Chính, đều thuộc về đơn vị Thuận Hoá, và quan lại ở đây cũng như ở các phủ huyện khác, đều do Thăng Long bổ nhiệm. Từ khi chúa Nguyễn ly khai, chúa thay thế dần dần bằng người riêng của chúa, hoặc các quan của miền Bắc gửi vào đã qui thuận miền Nam. Nhưng những kẻ đứng đầu châu Bố Chính, trong trường hợp trên, vẫn trung thành với chúa Trịnh. Vì đó Phúc Nguyên phải sắp xếp. Năm canh ngọ (1630), khi Văn Khuông đi sứ về, và việc phòng thủ phải cẩn mật hơn, Đào Duy Từ xin chúa Sãi đánh Nam Bố Chính để dời ranh giới từ Nhật Lệ ra Sông Gianh. Lúc đó tri châu Nam Bố Chính là Nguyễn Tịch. Quận Công Nguyễn Đình Hùng, con của Ư Kỷ được lệnh đem quân ra chinh phạt, chém được Nguyễn Tịch tại trận. Chúa đổi châu thành dinh và đóng ở chỗ thường gọi là Dinh Ngói (ở làng Chánh Hoà, huyện Bố Trạch ngày nay), và có 24 đội thuyền ứng chực, đặt dưới quyền của Trương Phúc Phấn.”2bis
Lời giải thích của linh mục giáo sư sử học Nguyễn Phương nhắc lại hai sự kiện quan trọng, đó là tình trạng hành chánh trước khi phân tranh và ai là người chủ động đánh chiếm châu Nam Bố Chính. Phải thừa nhận rằng năm 1630 là cả Bắc lẫn Nam, nghĩa là cả họ Trịnh và họ Nguyễn chính thức đi vào cuộc phân tranh quyết liệt.
Lãnh thổ Đại Việt từ sau năm 1471, lúc vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mở cuộc nam chinh, lấy đất Chiêm Thành đến núi Đá Bia, và chọn vị trí địa lý nầy làm biên giới cực nam của Đại Việt, thì từ đó đến năm 1630, không có phần đất nào của lãnh thổ bị mất đi, đến nỗi phải cất quân đi đánh để chiếm lại. Như vậy, câu hỏi: “châu Bố Chính bị họ Trịnh chiếm lúc nào?” xét ra không có cơ sở để nêu ra như một vấn đề lịch sử cần phải giải quyết. Lý do, vì toàn bộ lãnh thổ Đại Việt là của vua Lê. Khi đề cử Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ Thuận Hoá năm 1558, và sau đó, năm 1570, cho kiêm nhiệm trấn thủ Thừa Tuyên Quảng Nam, thì Nguyễn Hoàng là quan lại của vua Lê, cũng như Nguyễn Tịch là quan lại của vua Lê được cử đến coi châu Bố Chính. Cả hai đều hành sử quyền cai trị, nhân danh vua Lê và tùng phục mọi mệnh lệnh từ trung ương để bảo đảm việc an dân ở tại địa phương.
Đối với Nguyễn Hoàng, cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời [ngày 3 tháng 6 năm quý sữu tức ngày 20-7-1613], ông vẫn là một công thấn của vua Lê. Bằng cớ là, dầu có ly khai với họ Trịnh từ sau năm 1600, Nguyễn Hoàng vẫn trung thành với vua Lê. Bỏ Thăng Long về lại Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng chưa có một hành động nào chứng tỏ ông chống lại vua Lê. Nhân dân châu Bố Chính từ Đèo Ngang vào tới sông Nhật Lệ, nghĩa là cả Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính chưa có một triệu chứng nào muốn ly khai với triều đình vua Lê, hà cớ gì vua Lê hay chúa Trịnh phải cất quân đi đánh.
Có chăng là, từ khi bỏ Thăng Long về lại Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng đã thực hiện một vài thay đổi trong phạm vi quyền hạn của mình. Việc đầu tiên là Nguyễn Hoàng cho dời dinh trấn thủ về phía đông dinh Ái Tử. Dinh mới nầy được gọi là Dinh Cát. Liền sau đó, Nguyễn Hoàng vượt đèo Hải Vân, thấy: “một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ nầy là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu [Nguyễn Phúc Nguyên] trấn giữ, có Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân làm phó tướng”4. 
Năm 1602, Nguyễn Hoàng tách huyện Điện Bàn vốn thuộc phủ Triệu Phong trong Thừa tuyên Thuận Hoá, cho nhập vào Quảng Nam Dinh. Năm giáp thìn, 1604, Nguyễn Hoàng cho đổi Tiên Bình Phủ thành Quảng Bình Dinh. Cũng như Quảng Nam Dinh, Quảng Bình Dinh từ nay không nhất thiết là một đơn vị hành chánh thuần túy nữa mà đã trở thành một đơn vị quân sự, vì  “các dinh đều có tướng dũng binh mạnh đóng giữ”5. 
Có lẽ do những động thái mang tính chuẩn bị về mặt an ninh như vậy, nên năm 1610, Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ, chức Tả lang Bộ Hộ của triều Lê, dâng tờ khải lên Bình An vương Trịnh Tùng đòi đi trị phiên trấn Thuận Hoá Quảng Nam. Nội dung tờ khải gồm hai điểm, lập thế tử và xử trí bọn phiên trấn mạnh để thống nhất chế độ. Lê Bật Tứ viết: “Bậc vương giả coi cả nước là một nhà, bên giường nằm, lẽ nào để cho kẻ khác nằm ngáy? Nay các xứ Thái Nguyên Lạng Sơn, Quảng Nam, Thuận Hoá vốn là bờ cõi của tiên vương, thế mà lâu nay chứa tệ, để mặc cho bọn ngoan ngạnh. Nếu không xử trí, sợ thành mối lo về sau…”6
Nhận tờ khải của Lê Bật Tứ, Trịnh Tùng chỉ thực hiện điểm một mà bỏ điểm hai. Điều nầy chứng tỏ, dù được kích động bởi một số quan lại ăn không ngồi rồi ở Thăng Long lúc bấy giờ, cả vua Lê và chúa Trịnh vẫn không dám động binh, vì sợ bị đẩy vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Như vậy, việc họ Trịnh tiếp tục giữ thế thủ từ năm 1600 đến năm 1627 là một bằng chứng có sự tính toán kỷ lưỡng trong đối sách với họ Nguyễn ở miền Nam.Vả lại, năm 1623 khi Trịnh Tùng qua đời, con là Trịnh Tráng lên thay cha, lập vợ là Ngọc Tú, con gái thứ của Nguyễn Hoàng lên làm Tây cung chánh phi. Trong tư cách đó, Ngọc Tú đã sai Nguyễn Kiều từ Thăng Long mang mật thư vào cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Không rõ mật thư nói gì, nhưng sách Thực Lục Tiền Biên kể là chúa rất vui mừng, giữ Nguyễn Kiều lại, cho làm cai đội coi mã cơ, được cải theo quốc tính Nguyễn Phúc, lại gả công chúa Ngọc Đĩnh cho.
Trong một mức độ nào đó, tình thông gia giữa hai họ Trịnh Nguyễn cũng là một căn cớ để cân nhắc đắn đo, khi hai bên có sự hiềm khích trong quyền lực. Chẳng hạn, khi Trịnh Tùng còn trên giường bệnh, Trịnh Xuân đã tranh quyền với Trịnh Tráng, nổi lửa đốt kinh thành, tạo cơ hội cho con cháu họ Mạc là Mạc Kính Khoan đem quân về Chiếm Gia Lâm, uy hiếp Thăng Long. Chính lúc nội tình họ Trịnh bối rối như vậy, Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên đã đưa ý kiến: “Tùng không biết có vua, Xuân không biết có cha, đạo trời báo ứng thật chẳng sai…Ta muốn nhân dịp nầy cử binh để phò vua Lê, nhưng đánh người trong lúc có tang là bất nhân, thừa lúc người đương nguy là bất võ; huống chi ta với họ Trịnh có nghĩa thông gia, chi bằng trước hết hãy đem lễ đến phúng để xem tình hình rồi sau sẽ liệu kế . Bèn sai sứ ra phúng”.7 
Trong tình trạng binh lương thiếu thốn, năm giáp tý, 1624, Thanh Đô vương Trịnh Tráng đã sai Công bộ Thượng thư Nguyễn Duy Thì và Nội giám Phan Văn Trị vào Thuận Hoá đòi thuế đất. Thụy Quận công nói với sứ giả miền Bắc: “Hai xứ Thuận Quảng liền mấy năm không được mùa, dân gian túng đói, vì thế không nỡ thu thuế. Khi khác được mùa sẽ chở nộp cũng chưa muộn”. Hai sứ giả về không. Lần thứ hai, chúa Trịnh vừa làm áp lực, một mặt sai hai tướng Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5,000 quân vào Hà Trung, sát phía bắc Đèo Ngang, chuẩn bị mở cuộc tấn công, Mặt khác, sai Binh khoa cấp sự trung Nguyễn Hữu Bản đem sắc dụ vua Lê vào đòi tô thuế từ năm giáp tý [1624] trở về trước và buộc Thụy Quận công phải ra Đông Đô triều yết, chúa Sãi vẫn bình tĩnh cười, bảo với sứ giả: “Việc nầy là do ý riêng của họ Trịnh, chứ hoàng đế nhà Lê nhân từ, há lại quên ơn dòng dõi công thần sao? Vả lại quân dân, của cải hai xứ nầy so với bốn trấn có là bao mà tham cầu như thế. Nếu nghĩ đến công tổ tiên ta, nên cắt cả Nghệ An cho ta nữa, huống chi là đất Thuận Quảng.” Các tướng phần nhiều xin đánh, nhưng chúa nói: “Họ Trịnh đã quên ơn, gây oán, mà ta lại lấy thân thích làm thù, e chẳng để cười cho thiên hạ”. Rồi quay lại bảo sứ giả: “Các ông vì tôi nói với Trịnh vương đừng để ý những điều hiềm nhỏ”. Rồi hậu đãi sứ giả mà bảo về. 8
Thế là hai lần sứ giả họ Trịnh đi không, lại về không. Nhưng chưa hết, họ Trịnh vẫn tưởng thế lực của mình còn có trọng lượng trong tờ sắc của vua Lê. Đầu năm đinh mão, 1627, một lần nữa Lê Đại Nhậm mang sắc vào, ngoài tô thuế, còn buộc Thụy Quận công phải cho con ra chầu, thêm 30 thớt voi đực, 30 thuyền đi biển để dùng vào việc cống triều Minh. Chúa Sãi cười và trả lời bằng một câu nói mang hai ý nghĩa, nửa như thử thách, nửa như tiết lộ việc Thuận Hoá đang thật sự củng cố biên phòng. “Lệ ta cống triều Minh chỉ có vàng và kỳ nam thôi. Nay họ Trịnh đòi thêm ngoại ngạch, ta không dám theo mệnh. Còn con ta thì đương sắm quân khí để sửa sang việc biên phòng, xin vài năm nữa ra chầu cũng không muộn”9. 
Không thể kiên nhẫn hơn được, tháng 2 năm đinh mão, 1627, họ Trịnh mở cuộc tấn công miền Nam. Đây là trận thử sức đầu tiên mà bên chủ động là họ Trịnh đã nhận lấy thất bại. Tấn công mà không thắng tức là thua. Thêm vào đó, họ Trịnh còn thua trên trận chiến tâm lý, khi họ Nguyễn cho phao tin ở Thăng Long Trịnh Gia và Trịnh Nhạc đang nổi loạn. Nghe tin, chẳng cần kiểm chứng hư thực, Trịnh Tạc vội cuốn tướng thu quân, gấp rút  trở về Thăng Long trong nỗi lo lắng có thể vừa mất cả chì lẫn chài. Và khi họ Trịnh chưa lấy lại khí thế đi trị phiên trấn, thì ở miền Nam, năm 1630, chúa Sãi đánh chiếm châu Nam Bố Chính, đưa phòng tuyến từ Nhật Lệ ra tận Sông Gianh - Nguồn Son để chuẩn bị đối phó lâu dài với họ Trịnh.
Phải thừa nhận đây là một chiến thắng của họ Nguyễn, vừa công khai tự chọn ranh giới để đương đầu với họ Trịnh, vừa trả đũa trận tấn công năm 1627. Hành động nầy cũng nói lên sức mạnh của Đàng Trong, cho dù Đàng Ngoài đã thiết lập 3 cái đồn ở Bắc Bố Chính, có chỗ tích trử binh lương, lại có nơi đặt hành tại cho vua Lê cùng thân chinh với Thanh Đô vương Trịnh Tạc đi tiểu trừ phiên trấn Thuận Quảng.
Đến đây thì đường ranh phân chia nam bắc đã thấy rõ. Quan điểm của chúng tôi trình bày trong bài viết Thử đi tìm giới tuyến Đàng Ngoài và Đàng Trong, đăng trong Tạp Chí Tiếng Sông Hương, số ra năm 2002-2003, đã được tác giả Nguyễn Đức Cung nhắc lại và chia sẻ, khi ông nhận xét: “Ông Hoàng Đình Hiếu đã đề cập đến vấn đề giới tuyến và đưa ra những phân tích khá cụ thể để đi đến kết luận Sông Gianh - Nguồn Son là biên giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong”10
Xin nhắc lại,  Nguồn Son cũng là Rào Son hay sông Troóc, khi chảy từ thượng nguyên về đến gần làng La Hà thì nhập với Sông Gianh rồi chảy ra biển, là thủy lộ thiên nhiên, có chiều dài tổng cọng là 43,8 km [38,8 km + 5km= 43,8km], từ sau năm 1630 là ranh giới giữa châu Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính, đồng thời cũng là ranh giới chính thức giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong sau năm 1659.
Trong sách Phủ Biên Tạp Lục, sử gia Lê Quý Đôn đã ghi nhận: “Ở chỗ phân giới xưa trên sông Son có chỗ bỏ trống là Cồn Bồi, cồn Thị, cồn Cấm, dân hai bên đều không dám cày cấy, cây cỏ mọc thành rừng…”, và Ngô Thời Sĩ, viết Lời bạt cho sách Phủ Biên Tạp Lục thì nói: “Hai trăm năm tới đây, cắt đất Bố Chính làm hai phía, lấy một cây lau nhỏ làm giới hạn. Công việc miền Nam hà cũng mơ màng không rõ gì cả…”. (Bản dịch của Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977). Trong khi đó, Bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc vụ khanh, Đặc trách Văn Hoá, Sàigòn 1973, thì viết: “Thế rồi từ sông La Hà [tức Sông Gianh] trở vào phía nam được coi như một cõi đất nước khác. Từ hai trăm năm trở lại đây, châu Bố Chính được chia cắt thành hai thuộc riêng biệt, người ta lấy một con sông làm giới hạn. Cho nên những công việc xảy ra phía nam sông La Hà, mọi người chúng ta đều mờ mịt, không ai hay biết gì hết”. 11


Cũng nên biết rằng, Sông Gianh có những nét đặc thù riêng của nó. Bởi vì:




Sông Gianh cả thảy ba nguồn,


Nguồn Nan, Nguồn Nậy, lại còn Nguồn Son.


Lòng thành dạ thiết cho tròn,


Mai sau dựng nghiệp, cháu con hưởng nhờ.


                                                          (Ca dao vùng Sông Gianh)
 Giới tuyến Sông Gianh - Nguồn Son  được xác nhận hai lần nữa với những sự kiện lịch sử khá rõ ràng. Việc thứ nhất liên quan đến tôn giáo, việc thứ hai liên quan đến thờì điểm kết thúc chiến tranh Trịnh Nguyễn.  
Năm 1659, thấy công cuộc truyền giáo ở Đại Việt đã phát triển, giáo quyền Roma đã qui tụ các xứ đạo lẻ tẻ của các miền truyền giáo lại, đặt trực thuộc một vị giám mục do Tòa Thánh chỉ định và nâng khu vực truyền giáo cũ thành các giáo phận mới.
Ở Đại Việt có hai giáo phận tiên khởi được thành lập bởi Đoản Sắc Super Cathedram Principis do Đức giáo hoàng Alexandro Vll (1655-1667) ban hành ngày 9-9-1659, đó là giáo phận Đàng Ngoài, bao gồm các tỉnh phía nam Trung Hoa và Ai Lao; giáo phận Đàng Trong, bao gồm Cao Miên và Thái Lan. Giáo phận Đàng Ngoài do giám mục Francois Pallu (1658-1678) coi sóc; giáo phận Đàng Trong do giám mục Pierre Lambert de la Motte (1658-1679) quản nhiệm. Giáo quyền lúc bấy giờ đã căn cứ trên một được ranh phân chia có sẵn, để dùng làm giới tuyến cho hai giáo phận mới thành lập. Và điều khá hy hữu là đường ranh phân chia hai giáo phận Đàng Trong, Đàng Ngoài năm 1659 đến nay vẫn còn, đó là Sông Gianh - Nguồn Son.12


Cũng vậy, vào năm nhâm tý, 1672, chúa Trịnh Tạc ở Đàng Ngoài thấy không thể thắng Đàng Trong được sau 7 lần giao tranh, nên đã tự động lui binh. Sông Gianh - Nguồn Son vốn là đường ranh giới cũ của châu Bắc Bố Chính thuộc Đàng Ngoài và châu Nam Bố Chính thuộc Đàng Trong sau năm 1630, từ nay [1672], tự nó đã trở thành đường ranh giới chia hai nước Đại Việt trong một kết ước bất thành văn. Bởi vì sau tháng 12 năm nhâm tý, 1672, cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong không còn tiến hành một trận đánh nào nữa. Chiến tranh Trịnh Nguyễn kết thúc.




2. Chỉ danh Đàng Ngoài – Đàng Trong và thời điểm xuất hiện


Như đã trưng dẫn tài liệu lịch sử ở trên, sau năm 1600, ba cái đồn binh của chúa Trịnh ở phía nam Hoành Sơn [Đèo Ngang] là Di Luân, Trung Ái và Phan Long, cùng một chiến lũy ở Thuận Bài [nay là xã Quảng Thuận] có lý do để thiết lập khẩn cấp. Ba cái đồn và một chiến lũy, trước năm 1600 chưa ai thấy, nhưng khi cuộc phân tranh bùng nổ năm 1627, thì vị trí ba cái đồn đã được binh lính của chúa Trịnh Tạc dùng làm chỗ dưỡng quân, tích trử lương thực, điểm xuất phát, đồng thời cũng là nơi đặt hành tại của vua Lê, mỗi lần nhà vua thân chinh cùng với Thanh Đô vương đi đánh miền nam.
Cũng vậy, năm 1672, khi cuộc phân tranh kết thúc, chúa Trịnh Tạc đã sai Thống suất Hào Quận công Lê Thời Hiến ở lại trấn giữ Nghệ An, kiêm trấn thủ châu Bắc Bố Chính, chia quân đóng trong các đồn cũ để giữ phần đất phía nam Đèo Ngang cho vua Lê. 13
Điều chúng tôi muốn nói là, sau biến cố Tết Đoan Ngọ, 1600, có một chỉ danh mới xuất hiện trong ngôn ngữ địa phương, đặc biệt là vùng Bắc Bố Chính, đó là Đàng Ngoài và Đàng Trong. Gọi là chỉ danh vì Đàng Ngoài và Đàng Trong mang tính phương hướng bao quát hơn là có tính định vị địa lý. Thoạt tiên, Đàng Ngoài và Đàng Trong, từ sau năm 1600, có chung một giới tuyến là Đèo Ngang. Sau hơn một nửa thế kỷ, năm 1659, Tòa Thánh Roma thiết lập hai giáo phận truyền giáo tiên khởi cho giáo hội Công giáo ở Đại Việt theo Đoản Sắc Super Cathedram Principis do Giáo hoàng Alxando Vll ban hành ngày 9-9-1659, thì giáo quyền lúc bấy giờ đã chọn Sông Gianh - Nguồn Son là đường ranh đã có sẵn từ sau năm 1630, để làm ranh giới phân chia hai giáo phận mới, đó là giáo phận Đàng Ngoài và giáo phận Đàng Trong. Trong ngôn ngữ tôn giáo, Đàng Ngoài và Đàng Trong có biên giới rõ ràng trên lãnh thổ địa lý để phân biệt với các giáo phận lân cận khác.
Bàn về sự xuất hiện hai địa danh Đàng Ngoài, Đàng Trong, đã có nhiều ý kiến đóng góp khác nhau. Sau khi đã tìm hiểu từ nguyên trong, ngoài, ở trong, ở ngoài, linh mục sử gia Léopold Cadière cho rằng hai chữ Đàng Ngoài Đàng Trong xuất hiện trong thế kỷ 18, dùng để chỉ hai nước Việt Nam ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. (NĐC, tr 291). Theo tác giả Trần Gia Phụng thì “trong Từ Điển Việt-Bồ-La của Alexandre De Rhodes ấn hành năm 1651 tại Rome, đã có hai chữ Đàng Ngoài và Đàng Trong, nghĩa là hai địa danh nầy phải xuất kiện trước đó và trở nên phổ thông. Vậy hai địa danh Đàng Ngoài và Đàng Trong có thể xuất hiện từ khi chiến tranh Trịnh Nguyễn phát khởi năm 1627, vì từ đây, nước ta được chia thành hai khu vực với hai chính quyền đối nghịch nhau.”14 
Theo học giả Tạ Chí Đại Trường thì “tên Đàng Trong hẵn chỉ ra đời khá lâu sau cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn [1627-1672] thành hình, tuy nhiên vì khả năng liên lạc giữa các vùng Nam - Bắc yếu kém so với chiều dài lãnh thổ chiếm được, nên chúa Nguyễn chỉ là kẻ mang ý chí riêng biệt ra khai thác tính chất phân ly tiềm tàng thôi”15. Riêng nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đức Cung thì cho rằng “hai chữ Đàng Trong, Đàng Ngoài có lẽ xuất hiện cùng một thời kỳ với chữ Kẻ Chợ, nghĩa là trong thế kỷ XV và XVl. Kẻ Chợ là tiếng chỉ chốn kinh đô, tức Thăng Long.”16 
Đối với ý kiến của học giả Tạ Chí Đại Trường, phải hiểu do hoàn cảnh nào và lúc nào thì cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn thành hình? Có phải là năm mậu ngọ,1558, lúc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá để tránh bị Trịnh Kiểm sát hại như đã sát hại Nguyễn Uông? Hay sau năm 1600, sau khi đã bị cầm chân ở Thăng Long gần 8 năm mà Bình An vương Trịnh Tùng không hề đả động đến trách nhiệm quan trọng của Nguyễn Hoàng là tổng trấn hai xứ Thuận Quảng? Hoặc sau năm 1627, lúc chiến tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn chính thức bùng nổ? Ngoài ý kiến của tác giả Nguyễn Đức Cung, cả ba lập luận trên đây xem ra quá trể  so với các sự kiện lịch sử đã xảy ra.
Quan điểm chúng tôi là, sau năm 1600, khi ba cái đồn ở Bắc Bố Chính được thiết lập, thì sinh hoạt địa phương trở nên nhộn nhịp. Một phần do binh lính trong đồn có nhu cầu của đời sống, một phần dân cư gần đó muốn có sự trao đổi mua bán với quân sĩ trú đóng trong ba cái đồn. Do vậy mới có một cái chợ [gia binh] nhóm gần đồn Phan Long. Lúc đầu tên cái chợ cũng là tên cái đồn, chợ Phan Long. Về sau chợ được cải tên là chợ Ba Đồn. Có lẽ do binh lính và cả vợ con của họ ở đồn Xuân Kiều và đồn Trung Ái tập trung về chợ Phan Long, càng ngày càng đông, do đó mới có một tên chung là Chợ Ba Đồn [chợ chung cho cả ba cái đồn]. Chợ Ba Đồn từ ngày khai sinh, nay đang tồn tại và trở thành một thị trấn lớn, nơi đặt huyện lỵ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay.
Do hoàn cảnh lịch sử, phương dân cả phía bắc Đèo Ngang, cả phía nam Đèo Ngang đã có cơ hội gặp gỡ nhau, mua bán, trao đổi hàng hoá địa phuơng với nhau tại một cái chợ phiên, cứ 10 ngày họp một lần vào các ngày 6, 16, 26 của mỗi tháng âm lịch.



Ba Đồn là chợ xưa nay,


Tụ nhân, tụ hoá, mười ngày một phiên.


Phố phường Nam, Khách hai bên,


Mỗi phiên đông đến vài nghìn người ta…



(Quảng Bình Địa Dư tiện độc, tác giả là cụ An Đình Trần Kinh)


Khi họp chợ, người ta quen nhau, biết mặt nhau và biết cả quê quán của nhau. Từ một hoàn cảnh như vậy, tất dễ phát sinh ra một chỉ danh đặc biệt để phân biệt kẻ trong, người ngoài. Do vậy, danh xưng Đàng Trong – Đàng Ngoài, chúng tôi cho rằng đã xuất hiện sau năm 1600. Địa điểm xuất hiện là vùng Bắc Bố Chính. Cơ hội xuất hiện là trong các phiên họp chợ ở Ba Đồn. Tập thể sử dụng đầu tiên có thể là phương dân vùng Sông Gianh – Đèo Ngang, bởi vì câu ca dao dùng chỉ danh Đàng Ngoài đầu tiên mang thổ ngữ đặc sệt của điạ phương Bắc Bố Chính.



Đàng Ngoài đã lắm cau khô,


Lắm con gái đẹp t’lẩy vô thăm chồng,


Gặp t’lộ mưa giông,


Đàng t’lơn gánh nặng,


Đèo Ngang chưa t’lèo,


Khớp hòn đá cheo leo,


Chân t’lèo, chân t’lợt,


Kháp O múc nác,


Chộ chú chăn t’lâu.


Ba Đồn quan lính ở đâu ?


[Đàng Ngoài đã lắm cau khô.


Lắm con gái đẹp trẩy vô thăm chồng,


Gặp trộ mưa giông,


Đàng trơn gánh nặng,


Đèo Ngang chưa trèo,


Khớp [sợ] hòn đá cheo leo,


Chân trèo, chân trợt,


Kháp [giáp mặt] O múc nước


Chộ [thấy] chú chăn trâu,


Ba đồn quan lính ở đâu ?]          (Ca dao vùng Bắc Bố Chính).



Cũng cần ghi nhận giá trị lịch sử của những câu ca dao, tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian từ trước tới nay. Ở một thời kỳ nhất định nào đó, ca dao, tục ngữ hay những câu thơ nhại theo các văn bản nổi tiếng, thường chuyên tải một nội dung thời thế, một hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Chẳng hạn :


Thuở trời đất nổi cơn thuế má,


Bọn nhà nông nhiều gả lao đao.


Xanh kia thăm thẳm từng cao


Vì ai gây dựng nên tao thế nầy.


Trống ngoài đình lung lay bóng nguyệt…



Đọc mấy câu thơ nhại lại những vần thơ nổi tiếng trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Bà Đoàn Thị Điểm vừa dẫn, ai cũng biết đây là thời có thuế nông nghiệp ra đời giai đoạn có chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà ở miền Bắc từ thập niên 50 trở về sau. Nhưng người ta có thể cãi lại rằng, bài thơ không chống thuế nông nghiệp của chính phủ Hồ Chí Minh, mà chống thuế thời quân chủ phong kiến xa xưa, do có câu : Trống ngoài đình lung lay bóng nguyệt. Thời đại Hồ Chí Minh làm gì có trống thúc thuế nổi lên ở ngoài đình. Cái tài tình của dân gian nằm ở đó !


Nếu cần trưng dẫn thêm về giá trị lịch sử của ca dao, tục ngữ, chúng ta có những câu ghi lại được  thời điểm, sự kiện, thái độ và cả lý do mà tập thể dân gian muốn phát biểu :



Tháng chín có lệnh vua ra,


Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.


Không đi thì chợ không đông,


Đi thì bóc lột quần chồng sao đang.


Có quần ra quán bán hàng,


Không quần ra đứng đầu làng trông quan !



Chiếu vua Minh Mệnh ban ra giữa tháng 9 năm mậu tý, 1828, bắt dân Đàng Ngoài phải đổi y phục theo dân Thuận Quảng ở Đàng Trong, nghĩa là phải bận quân chân, áo khách, cấm không được mặc váy. Bày tỏ thái độ trước lệnh cấm nầy, dân gian Đàng Ngoài đã dùng lời lẽ nhẹ nhàng, nhưng thật thấm thía để nói lên sự đối kháng quyết liệt của mình.


Cũng vậy, ngày nay với cái nhìn tinh tế của nhân dân, họ xác định được số phận của họ nằm ở đâu trong nấc thang của một xã hội được nói là vô giai cấp, nhưng rõ ràng là có đẳng cấp


:


Tôn Đản là của các quan,


Tây Hồ là của kẻ gian nịnh thần.


Đồng Xuân là của thương nhân,


Viã hè là của nhân dân anh hùng !



 Ở đây phải nói tính chất anh hùng thật vô cùng mỉa mai. Thời gian và sự kiện lịch sử xã hội đã được xác định. Bởi vì nhân dân anh hùng chỉ có dưới thời đại xã hội chủ nghĩa mà thôi !


Tóm lại, do việc Nguyễn Hoàng muốn phân định hai khu vực địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, để xác lập tư thế biệt lập với Chúa Trịnh sau chuyến bỏ Thăng Long về lại Thuận Hoá năm 1600, nên chỉ danh Đàng Ngoài và Đàng Trong đã trở thành phổ thông trong ngôn ngữ địa phương vùng Bắc Bố Chính. Bối cảnh lịch sử và những nét độc đáo của địa phương làm chứng cho nội dung câu ca dao Đàng Ngoài đã lắm cau khô.


Với tất cả nét tiêu biểu vừa điểm qua, Nguyễn Hoàng đã thật sự cải sinh miền đất phía nam Hoành Sơn thành một Thuận Quảng mới. Với Nguyễn Hoàng, Đàng Trong đã trở thành một phần lãnh thổ vĩ đại và phong phú từ sau năm 1600.



Chú thích :1. Nguyễn Khoa Chiêm, Việt Nam Khai Quốc Chí truyện, nxb Nhà Văn, Hà Nội, 1994, tr 78 và Đặng Xuân Bẳng,   Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu nxb Khoa Học Xã Hội , Hà Nội, 2000, tr 444.


Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Quảng Bình, tập số 9, Nha Văn Hoá Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sàigòn, 1961, tr 141.
                  2bis. Dẫn theo Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình, 900 năm nhìn lại, nxb Nhật Lệ, USA, 2006, tr 294.


Đại Nam Thực Lục, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr 36.
Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 2, nxb Thuận Hoá, Huế, 2006, tr 8.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, q. 18, tr 214.
Thực Lục, Sđd, tr 41.
Thực Lục, Sđd, tr 43,
Thực Lục, Sđd, tr 43.
Thực Lục, Sđd, tr 43
Nguyễn Đức Cung, Sđd, tr 285.
Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sàigòn 1973, tr 444.
Hoàng Đình Hiếu, Sông Gianh, Đàng Trong, Giáo Hạt Quảng Bình, Tủ Sách Sông Gianh, Quê Hương Bọ Mạ xb, USA, 2004, Chương Hai : Lịch sử Truyền Giáo tại Giáo Hạt Quảng Bình, tr 107.
Thực Lục, Sđd, tr 88 và Toàn Thư, Sđd, tr 290.
Trần Gia Phụng, Nhà Tây Sơn, nxb Non Nước, Toronto, Canada, 2005, tr 33, ct # 1.
Tạ Chí Đại Trường, Thần, Người và Đất Việt, nxb Văn Nghệ, California, USA, 1989, tr 217.
Nguyễn Đức Cung, Sđd, tr 291.

MỘT TRĂM NĂM HÀN MẶC TỬ

100 NĂM NGÀY SINH HÀN MẶC TỬ (1912 - 2012) VÀ 7 THẬP KỶ BÀI THƠ “ĐÂY THÔN VỸ DẠ”


Có lẽ nếu không có bài thơ "Đây thôn Vỹ Giạ" thì vùng đất xinh xắn kia cũng không nhiều tao nhân mặc khách ghé thăm đến vậy. Nhắc đến bài thơ này người ta sẽ nhớ ngay đến một mối tình điển hình cho sự nuối tiếc bâng khuâng và dường như nó là phông nền của cái đẹp. Bây giờ người thiếu nữ áo trắng xưa vẫn được sương khói của thôn Vỹ giăng phủ khiến bài thơ bản mệnh của Hàn thi sĩ vẫn miên man trong tâm thức của nhiều thế hệ yêu thơ.
Nhân hướng tới 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử (1912-2012) và 7 thập kỷ bài thơ "Đây thôn Vỹ Giạ", Sông Hương xin trân trọng giới thiệu góc nhìn rất tinh tế của nhà phê bình Đặng Tiến.


Hàn Mạc Tử và bài thơ thôn Vỹ

Đây thôn Vỹ Giạ trong phong trào thơ mới 1932-1945 có lẽ là một trong vài bài thơ phổ biến nhất, đã được đem ra giảng dạy tại nhà trường dưới nhiều chế độ khác nhau, có thể vì nhiều lý do khác nhau. Bài này chỉ nêu lên giá trị nghệ thuật, trên nhiều địa tầng khác nhau.

Bài thơ làm khoảng nửa sau năm 1939, khi tác giả đã bị bệnh phong hủi nặng, đang điều dưỡng tại Quy Nhơn. Thơ làm khi nghĩ tới, hay để gửi cho người tình trong mộng là Hoàng Cúc sau khi nhận được một tấm bưu ảnh bà gửi từ Huế.

Tiểu truyện kể lại rằng, trước đó, 1932, chàng 20 tuổi, nhà nghèo, làm ở sở đạc điền Quy Nhơn. Nàng mười tám, mười chín, gia đình khuê các, thân phụ là cấp trên của Hàn. Hai người có lúc cùng ở chung đường. Tình thơ mộng, đơn phương của tuổi hoa niên. Chàng đã từng làm nhiều thơ ca ngợi:

Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương


Sau đó, 1934, nàng theo gia đình về Huế; chàng bỏ việc vào Sài Gòn viết văn, làm báo. Khi biết mình bị chứng nan y, 1936, Hàn về lại Quy Nhơn. Sau đây là lời Hoàng Cúc, tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, trong một lá thư gửi cho Quách Tấn ngày 15-10-1971.

(Sau khi được tin Hàn bị bệnh nặng) «thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte visite. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận được bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ và một bài khác nữa do Ngâm gửi về…». (Hoàng Tùng Ngâm, bạn thân của Hàn, là em con chú với bà Kim Cúc).

Chứng từ giúp ta hiểu thêm hoàn cảnh sáng tác, nhưng bài thơ không phải là minh họa cho tấm bưu ảnh. Điều đặc biệt là không khí trong sáng, dịu dàng của tác phẩm hoàn toàn tương phản với căn bệnh ngặt nghèo đang vào thời kỳ cuối của tác giả, lúc đó. Theo hồi ký của Nguyễn Bá Tín, em ruột của Hàn:

«Những năm 1938-1939, nhất là năm 1939, anh đau dữ dội hơn hết. Tâm trạng anh biến đổi nhiều qua thơ anh. Giai đoạn này anh sống nửa mơ nửa thực, thường hay xuất thần không biết gì (tr.90)».

Trích dẫn hai khổ thơ đầu, ông Tín cho thông tin: «Hai loại thơ nói trên được sáng tác trong cùng một giai đoạn, trong cùng một hoàn cảnh bệnh tật. Cùng trong túp lều tranh xơ xác, dưới cây phượng vĩ tàn tạ, bên bờ biển hoang vắng mà hai trạng thái tâm hồn hoàn toàn khác biệt nhau tùy theo cảm hứng. Tâm trí anh từ ngày đau nặng, vẫn mơ ước thoát khỏi thân tàn ma dại, khỏi không gian và thời gian [1]…». Trong một hồi ký vừa được in thành sách mới đây, 2010, Bùi Tuân, bạn thân Hàn Mạc Tử đã xác nhận đời sống cơ cực này, tại một xóm nghèo cạnh Quy Nhơn.

Chứng từ như thế thật quý giá. Tuy nhiên, trong một ấn bản sau, Hà Nội 1994, cũng về hai khổ thơ đầu, ông Tín lại giải thích khác đi. (Xem chú thích số 4 đoạn dưới).

Như vậy, chúng ta đã có cái khung về hoàn cảnh sáng tạo bài thơ, giữa năm 1939. Nhưng văn bản xuất hiện lần đầu, ở đâu, thì chúng tôi không biết, chỉ dựa theo văn bản trong sách Trần Thanh Mại, 1941. Ông xếp bài thơ vào thi tập Xuân Như Ý, dưới tên Đây Thôn Vỹ Giạ (tr.223), chúng tôi tôn trọng chính tả này. Ấn bản sau đó, 1942, Hoàng Trọng Miên xếp vào tập Đau Thương, dưới chính tả Vỹ Dạ, thịnh hành ngày nay, và dưới tên Hàn Mặc Tử.

*

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên…


Là một trong dăm ba câu thơ đẹp và trong sáng nhất trên nền trời thơ Việt Nam. Thần diệu trong đơn giản, câu thơ gợi lên một không gian đơn sơ nhưng tuyệt vời - và không gian ngoại thành Huế ấy cũng là phong cảnh quê hương chung của chúng ta, mà có lần Văn Cao đã khắc họa «bóng cau với con thuyền, một dòng sông».

Đây Thôn Vỹ Giạ gồm 3 đoạn, đều cấu trúc trên nhiều câu hỏi, mở đầu bằng chữ Sao. Chữ sao, nghi vấn và biểu cảm, khơi nguồn một bài thơ, sẽ là một đặc sắc của thơ mới:

Sao buổi đầu xuân êm ái thế… (Xuân Diệu)

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong… (Thâm Tâm)

Nhạc điệu tân kỳ: câu thất ngôn Việt Nam nhịp 3/4; câu thơ đường luật nhịp 4/3. Câu thơ Hàn Mạc Tử khác lạ, khoan thai, tự nhiên 2/3/2

Sao anh / không về chơi / thôn Vỹ

Sáu âm bằng liên tiếp, nhịp những bước chân đều, dừng lại ở âm trắc cuối câu. Mãi sau này ta mới gặp âm điệu ấy ở Nguyễn Đình Thi:

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Hay trong Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm:

Anh đưa em về sông Đuống…

…Ai về bên kia sông Đuống

…Bao giờ về bên kia sông Đuống


Độ dài ngắn từng câu có phần xê xích, nhưng âm hao thì gợi nhớ câu thơ Hàn Mạc Tử.

Địa danh sông Đuống đưa âm trắc bất thường về cuối câu, nhắc đến tên thôn Vỹ.

Trần Thanh Mại [2] là người uyên bác và đã dày công đưa ra chuyên luận đầu tiên về một nhà thơ đương đại, và đề cao Hàn Mạc Tử, từng ca ngợi bài thơ này như một «viên ngọc vô ngần quý giá (tr.60), nhưng lại chê câu đầu là một «sơ suất»: câu ấy là một câu nói thường chứ không thể là một câu thơ, «Vỹ» cũng không vần với «lên» với «điền» hay với «ngọc» được (tr.224).

Hàn Mạc Tử hoàn toàn theo đúng âm luật khi dùng vần trắc như thế, như ông đã làm nhiều lần: «trăng nằm sóng soải trên cành liễu», và như Huy Cận viết «sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp». Chỗ này, ngược lại, là một «sơ suất» của chính Trần Thanh Mại, có lẽ vì chủ quan và viết vội. Còn nói rằng, đây «là một câu nói thường, không thể là một câu thơ» là một lỗi thẩm âm. Thơ hay, là khi câu thơ đi gần tới văn xuôi mà không phải văn xuôi; văn xuôi hay là khi câu văn đi gần tới thơ nhưng không là thơ. Ví dụ từ Xuân Diệu:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò


Câu trước văn vẻ, trau chuốt, hay cái hay thông thường của văn chương; câu sau hồn nhiên, hay cái hay kỳ diệu của chất thơ, một nghệ thuật vượt qua kỹ thuật. Câu thơ hay thường khi là ngôi sao sáng một mình, mà Roman Jakobson gọi là hiện tượng câu thơ mồ côi, không phải trường hợp câu «sao anh không về chơi thôn Vỹ», vì âm điệu mà ông Mại cho là «trái tai», đã chuẩn bị cho một câu khác, ở phần sau, cũng ngoại luật:

Mơ khách đường xa khách đường xa

Bình thường, theo âm luật, thì trong câu thơ thất ngôn, chữ thứ hai và thứ sáu phải cùng một thanh, hoặc bằng, hoặc trắc.
 
Bài Đây thôn Vỹ Giạ là một trong ba bài Trần Thanh Mại đưa ra để chứng minh rằng «hầu hết thơ bảy chữ của Hàn Mạc Tử không kể bài thơ dài ngắn, đều đã theo luật bằng trắc của Đường thi (…) âm điệu hiển nhiên, bất di bất dịch, không còn bác bẻ được nữa» (tr.222). Nhưng… Hàn đã bác bẻ: bài thơ thôn Vỹ gồm ba đoạn mà cả hai đoạn đầu… không niêm. Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… không bao giờ làm thơ «thất niêm» như vậy.

Nêu lên vấn đề này, không phải để đôi co với Trần Thanh Mại - người tôi cảm phục - mà chỉ để nói rằng, trên câu thơ mở đầu một bài thơ được truyền tụng vẫn có đôi điều cần thưa đi gửi lại.

Ngay từ Sao khơi nguồn bài thơ đã là một từ ý nhị và tế nhị. Bình thường nó là từ nghi vấn. Nhưng khi viết «Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung» thì Huy Cận không hỏi ai điều gì.

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng chữ sao 73 lần, có khi trong 4 câu liên tiếp: «khi sao…, giờ sao… mặt sao… thân sao…», nhưng thường dùng trong chức năng biểu cảm.

Từ sao đầu bài thơ dào dạt nhiều tâm tình, chủ yếu là lòng chờ đợi, mà ta đã gặp trong những bài thơ đầu tay của Hàn như trong Tình Quê:

 …Cách nhau ngàn vạn dặm
 Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không ngóng đợi
Dầu ai không lắng nghe…


Hai khổ thơ sau cũng cấu trúc trên thể nghi vấn, «thuyền ai… có chở… ai biết», nhưng không để hỏi, dù là tự hỏi, mà chỉ thể hiện lời đối thoại nội tâm, như những vòng sóng gợn lăn tăn trên mặt hồ. Những trầm tư hòa điệu kỷ niệm với ước mơ, những tiếc nuối mông lung, nhớ nhung bàng bạc, những tình cảm không tên, có khi đã man mác trôi qua hay chập chờn chưa hình thành. Những dự phóng, hồi quang dang dở. So đo, đem từng câu thơ ra diễn giảng một cách duy lý là không thể. Dịch ra tiếng nước ngoài cũng khó.

*

Sao anh không về chơi thôn Vỹ


Thanh điệu làm nổi bật chữ «về», dấu huyền, giữa câu, đáng lẽ phải là âm trắc theo quy luật Gió theo lối gió, mây đường mây. Chữ «về», đắc địa và đắc ý, là một từ rất Huế. Người Việt dùng chữ về để diễn tả sự trở lại: về nhà, về làng, về nước, về nguồn…; người Huế, đi đến nhà bạn, ở xa, cũng dùng chữ «về», thân ái, tâm tình. Mỗi tình bạn là một quê hương, một đợi chờ, «một cõi đi về» như tên bài hát của một người Huế, Trịnh Công Sơn. Lại mang máng nhớ thêm: «Sao em không về… Trong cơn đau vùi… Làm sao có nhau…» Phạm Duy, không phải người Huế, cũng viết Về Miền Trung, và đã tế nhị lập lại nhiều lần động từ về trong nghĩa tâm tình đó. Mà về, thôn Vỹ xa xôi, chỉ để «nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên».

Tiếng Việt phân biệt nắng với mặt trời. Thấy nắng trước khi thấy mặt trời; câu thơ diễn tả niềm vui, có khi là hạnh phúc, khi bắt gặp tia nắng trên đọt cau, rồi mới ý thức được ánh sáng ngoại giới, êm ả như cảnh Nắng trong vườn của Thạch Lam. Nắng đẹp thường là nắng mới, và nắng sớm; và đẹp nhờ thiên nhiên phản chiếu. Cây cau đẹp vì thân mảnh mai cao vút, cắt những tàu lá nhọn rủ xuống trên nền trời; lá trúc cũng vậy. Tàu cau, cành trúc giúp ta yêu một màu trời, nâng tầm nhìn và tầm suy nghĩ lên cao để yêu một khóm mây, một làn gió, một tia nắng quái, một mảnh trăng non.

Người Huế, chính xác hơn là người Vỹ Dạ, Bửu Ý đã có lời ca ngợi tàu cau trong bóng nắng chiều thậm hay: «Ở làng quê, cây mau cao nên chiều mau xuống (…). Tàu cau nhễu bớt bụi sáng xuống nụ tầm xuân. Chị ru em bằng tiếng hát bèo trôi» [3].

Nắng mới lên thoạt tiên trên những đọt cau có khi còn lóng lánh sương đêm, rồi mới xuống dần, xuống dần, theo từng đốt thân cau, cao và thẳng đứng, xuống dần đến mảnh vườn xanh như ngọc.

Vườn ai mướt quá

Từ «ai» đã từng gây hiểu lầm. Nó là từ phiếm định, không chỉ riêng vườn của một chủ nhân nào cụ thể, mà có nghĩa là một mảnh vườn nào đó, của ai đó, như chữ ai trong câu cuối tiểu thuyết Đôi Bạn của Nhất Linh «đèn nhà ai mới thắp, yếu ớt trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đang mờ dần…». Vì tính cách phiếm định đó mà trong các bản dịch ra tiếng Pháp của nhà xuất bản Ngoại văn, Hà Nội (1975, tr. 438), hay Gallimard-Unesco, Paris (1981, tr. 149), người dịch đã sử dụng số nhiều «les jardins», thậm chí «mặt chữ điền» cũng số nhiều. Bản Peras và Vũ Thị Bích, Paris (2001, tr.161) dịch vườn ai thành «un jardin» cũng trong thể phiếm chỉ.

Sở dĩ phải dài dòng như vậy, vì gần đây, có người giải thích «vườn ai» là ám chỉ vườn bà Kim Cúc, khiến bà đã bất bình vì vườn bà không trồng cau, là loại cây «bình dân», «và cũng không ai trồng cau ở Vỹ Dạ» [4]

*

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền


Vườn. Ôi vườn xưa trong những bóng trưa! Người xưa tượng trưng hạnh phúc địa đàng trong một khu vườn. Tôi mường tượng là một khu vườn thôn Vỹ, đơn sơ như lời tả của Bửu Ý, bạn tôi: bụi hóp sống chung với hàng chè tàu, vườn trước thì nở tằn tiện một hai khóm hoa đủ làm vui mắt người đi đường. Đã có người gọi đồng bằng sông Cửu Long là văn minh Miệt Vườn, cũng có người gọi văn hóa Huế là văn hóa Vườn, mà Lê Quý Đôn đã từng ca ngợi. Vườn ai mướt quá… Âm hao mềm mại, óng ả, lưu luyến nhờ những nguyên âm đôi, làm nổi bật chữ ai dịu dàng, tình tứ, rất Huế: ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai mong… thuyền ai thấp thoáng trên sông.

Lá trúc che ngang… Lá trúc ở đây, là rào dậu, phân định ranh giới của vườn. Không rào dậu thì không thành vườn.Vườn là một địa phận môi giới, giữa cõi trong và cõi ngoài, chưa phải là cõi riêng nhưng không còn là của chung. Là trung gian giữa thiên nhiên và văn hóa. Là nhân loại chuyển mình từ đời sống du mục sang đời sống định cư, là giấc mơ đoàn tụ giữa Chức Nữ với Ngưu Lang, lời tình tự lứa đôi, có cu gáy và bướm vàng nữa chứ… Là hạnh phúc có khi đang thực tại, có khi trong ước mơ hay niềm tiếc nuối một thiên đường đã mất. Thiên đường xanh những mối tình thơ dại, chẳng hạn, như thơ Baudelaire, một trong những bậc thầy của Hàn Mạc Tử.

Hãy trả lại cho Hàn Mạc Tử hàng cau thôn Vỹ trong những vườn trăng: «ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo».

Câu văn này, mở đầu lời Tựa tập Thơ Điên, tình cờ thôi, như cô đọng cả bài thơ Thôn Vỹ, một dòng suối tuôn ào ra khỏi tâm tư. Nó là một tâm cảnh, một thực thể duy nhất, cần được nhìn và cảm nhận như một tổng hòa toàn bích, và cảm nhận bằng trực quan thẩm mỹ.


Một tác phẩm nghệ thuật, bản nhạc, bài thơ, bức tranh, là sáng tác của một cá nhân nghệ sĩ, trong một khoảnh khắc, một địa phương nhất định, nhưng đồng thời nó cô đúc rung cảm của nhân loại từ muôn nơi, muôn thuở. Câu thơ:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay


Không khỏi gợi nhớ một câu của Trương Nhược Hư (đầu thế kỷ 8) trong Xuân giang hoa nguyệt dạ (Đêm hoa trăng trên sông xuân, nguyên là tên một điệu hát xưa):

Thùy gia kim dạ thiên chu tử
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu.


(Nhà ai đêm nay dong thuyền nhỏ
Chốn nào tương tư lầu sáng trăng)

Không cần dịch khó khăn, tôi bê nguyên câu thơ HMT vào:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
(Trăng sáng lầu ai thương nhớ ai)


Xem đại ý, thậm chí lấy từng chữ ra mà so, cũng không xê xích bao nhiêu. Mà cũng chưa chắc Hàn Mạc Tử đã biết Trương Nhược Hư. Nghệ thuật quả là một thế giới kỳ diệu.

Sau đó:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Là một câu thơ khó hiểu. Ai mơ, chủ từ của động ngữ là gì? Người dịch ra tiếng nước ngoài, để tạo mạch lạc với câu tiếp theo, thường cho khách đường xa làm chủ từ. Đây là một trong nhiều cách tiếp cận; nhưng câu thơ có thể không duy lý, mà chỉ là lời lẩm bẩm trong một giấc mơ thức tỉnh, và cả đoạn thơ chập chờn như một giấc mơ, gợi nhớ đến bài Mon rêve familier (Giấc mơ thân thuộc) của Verlaine, thậm chí bài Nắng mới của Lưu Trọng Lư «chập chờn sống lại những ngày không», dĩ nhiên là nội dung khác biệt.

Khách đường xa có thể là hồi âm câu đầu sao không về, qua một không gian đã trùng trùng xa cách.

Áo em trắng quá: trắng màu trinh nguyên, ngây thơ, vô nhiễm, linh hiện trong giấc mơ vô tội. Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong… lung linh, huyền huyền ảo ảo, mờ sương mờ khói.

Sương khói ở đây là thời gian xa cách, che lấp và bôi nhòe, tan biến. Như ý một câu thơ cổ, trong Hoa Tiên: đã sương đã khói đã vài năm nay. Nhân ảnh là từ Hán việt duy nhất trong bài thơ, một từ uyên bác trong cõi nôm na, tạo thêm nét cổ kính, trang trọng cho một lời tâm sự đơn giản. Có lẽ tác giả đã mượn ở Cung oán ngâm khúc một hình ảnh vô cùng hợp tình hợp cảnh: Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương. Trong bài thơ thôn Vỹ, chữ nhân ảnh có nghĩa là hình bóng người xưa, một chút nghĩa cũ đang mờ dần nhạt dần với thời gian. Nhưng hiểu rộng ra, trong kinh Phật, nó còn diễn tả kiếp sống mong manh, có có không không. Các cụ sẽ xem câu thơ đây là điềm dữ cho tác giả, một câu thơ «trệ», báo hiệu việc không may. Như cái chết sắp đến.

Hiểu như vậy là lìa xa văn bản, nhưng xích gần lại định mệnh thảm khốc của nhà thơ.

Vì chỉ khoảng một năm sau khi sáng tác Đây thôn Vỹ Giạ, Hàn Mạc Tử qua đời, đi vào Vườn trăng Vĩnh viễn.

Orleans, 21.2.2012
ĐẶNG TIẾN
(SH277/03-12)
Phụ chú:

Nhân đây cũng xin nhắc lại một thông tin, lối nhìn tùy tiện qua một bài báo, Đây thôn Vỹ Dạ một tiếng thở dài đáng quý trên báo Người Giáo Viên Nhân Dân, 1/1990, của một ông Lê Đình Mai nào đó. Theo bài báo, thôn Vỹ là một ổ điếm, và Hàn Mạc Tử đã có công «phản ánh kiếp sống giang hồ, tố cáo tệ đoan của xã hội cũ, trong một bài thơ hiện thực, nhân đạo, một tiếng thở dài đáng quý». Ôi thánh tai và thánh tai!


[1] - Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử anh tôi, tr.94. Nxb Tin, 1990, Paris.
[2] - Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, 1941, Nxb Võ Doãn Mại, tái bản 1942, Sài Gòn.
[3] - Bửu Ý, Dạ Khúc, báo Văn, 1965, in lại trong Ngày tháng thênh thang, tr. 48, Nxb Văn Học, 2011.
[4] - Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử trong riêng tư, phần 4, trên mạng lưới dunglac.org. Đã in, 1994, Hà Nội.
Theo ông, thì bà Kim Cúc, 1939, có gửi tặng HMT một tấm hình 6/9 mặc áo dài lụa trắng, đã gợi ý cho bài thơ. Theo nhiều nguồn tư liệu khác, thì bà chỉ gửi một bưu thiếp mua ở tiệm ảnh Tăng Vinh, cửa Thượng Tứ, Huế.
Ông Tín còn cho rằng cuộc tình duyên bất thành vì lý do tôn giáo. Rồi giải thích: «Gió theo lối gió mây đường mây. Lương giáo không hòa đồng, ân tình khó kết hợp. Thân thế anh như một đám bắp bến đò Cồn hướng về thôn Vỹ Dạ… Hai câu kết ý Hàn nói phải chăng vì đời sống trầm hương của chị Cúc «sương khói» đã che mờ đi bóng dáng con người nhân thế của anh» (internet). Lối giải thích này dĩ nhiên là thô thiển nhưng cũng cần biết đến.