Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015


NGƯỜI TÁI HIỆN "NGÔI LÀNG THỜI CHIẾN"
Ông Nguyễn Xuân Liên khi nghỉ hưu đã dồn toàn bộ vốn liếng và bán cả nhà ở Hà Nội để dựng lại một ngôi làng (rộng khoảng 10ha) thời chiến tranh chống Mỹ tại Vực Quành, Xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Đây là khu tái tạo lại hình ảnh một ngôi làng chiến tranh duy nhất trên toàn quốc, với nhiều nhà hầm, đường giao liên, đường xe ô tô, kho hàng hóa... cùng nhiều di vật chiến tranh thật sự. Một điều hết sức ý nghĩa là từ khi bảo tàng đưa vào hoạt động, thân nhân của các liêt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Bình có cơ hội rất lớn để tìm mộ người thân. 

Khu nhà truyền thống trong làng

Một tấm lòng son sắt:
Năm 1961, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Liên vào công tác tại Quảng Bình lúc vừa tròn 19 tuổi. Ông đã sống và chiến đấu cùng người Quảng Bình gần 10 năm. Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng ký ức của ông vẫn còn nguyên vẹn.

Năm 1992, ông Liên về thăm lại những đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại trên vùng đất lửa ngày xưa. Những xóm làng, những đồng bào không ngại hy sinh, gian khổ, bát cơm xẻ nửa cứ dần xuất hiện lại trong ký ức của ông.

Tuy nhiên, dấu tích của một thời oanh liệt không còn. Ông tự hứa với lòng mình sẽ có một ngày mình sẽ quay lại nơi này để tái hiện lại hình ảnh những xóm làng của một thời bom đạn.

Năm 2003 ông nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành và điều tâm niệm đã đến lúc thực hiện. Ông bán nhà, huy động hai đứa con trai đang định cư tại Đức cho tiền và mang vào Quảng Bình để thực hiện ý tưởng của mình.

Rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến thăm “Làng thời chiến”
của Ông Liên

Mỗi tấc đất là một kỷ niệm 
Từ đường Hồ Chí Minh rẽ phải vào khoảng hơn 1km là tới khu "bảo tàng" chứng tích chiến tranh. Mỗi hiện vật, mỗi công trình ở "bảo tàng" được tái hiện lại rất sinh động. Đi qua hố bom tấn to đùng, quanh hố bom là chi chít những vỏ bom nứt toác, đầu đạn thối...

Qua cầu phao sang sông được bắc bằng thùng phuy, một con đường giao liên mới phát, thấp thoáng trong rừng là những phuy xăng màu cỏ úa.

Trên sông Quành, ông thả mô hình những bao gạo đang trôi. Dưới chân, chúng tôi bắt gặp những cây rau tàu bay - cây rau "chủ lực" của bộ đội thời chống Mỹ trên đường Trường Sơn...

Càng tiến vào sâu khu trưng bày, người xem càng cảm nhận được rõ hơn về một khu làng thời chiến. Con đường hào dẫn vào làng hai bên khoét thêm những hàm ếch để tránh bom đạn, phía trên là rừng cây rậm rịt. Theo đó là những dấu tích chiến tranh dần hiện lên. Nào là đoạn đường mòn Hồ Chí Minh, đây binh trạm 559, những đống gỗ rừng sẵn sàng bỏ ra làm đường cho xe ra tuyền tuyến, đúng như truyền thống của người Quảng Bình "Xe chưa qua, nhà không tiếc".

Những ngôi nhà nhỏ trong "bảo tàng" được nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào. Trên bờ hào, một hàng nhiều vỏ bom bi mẹ ghép lại mang khẩu hiệu "Chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi". Tiếp đến là những ngôi nhà tranh nửa nổi, nửa chìm dưới lòng đất, có kho chứa lương thực, lẫm (tủ bằng đất) bảo vệ vật dụng gia đình phòng khi bị cháy nhà.

Giao thông hào dẫn ra sau nhà nối với các nhà bên cạnh. Trong chiến tranh, mỗi căn nhà như thế của người dân Quảng Bình là một kho chứa lương thực phục vụ tuyền tuyến. Bữa ăn của các gia đình chỉ có sắn độn ngô và rau khoai lang, nếu ai có chút lòng tham chỉ cần chích bao là có ống gạo thổi cơm. Nhưng ai cũng tự nhủ gạo đó là máu xương của đồng bào, là để phục vụ kháng chiến. Mọi người đều đồng lòng với phương châm sống "Cho không lấy, thấy không xin".

Khu bệnh viện dã chiến được tái hiện rất sinh động, nó nằm sâu dưới lòng đất có bàn mổ, đèn bão, trên tường hầm mổ là những bức ảnh về các bác sĩ, y tá đã từng sống và làm việc trong những bệnh viện sơ tán. Gần bệnh viện là khu trường học. Trong lớp học có những chiếc bàn ghế thô mộc, trên mỗi bàn có 3 - 4 chiếc mũ rơm...

Điểm nhấn của khu làng kháng chiến là ngôi nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Trên tường là danh sách hàng nghìn liệt sĩ được treo ngay ngắn. Riêng việc thiết kế ngôi nhà này của ông rất đặc biệt. Các cụ có câu "Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam", nhưng ông lại làm quay về hướng Bắc. Vì nghĩ rằng, những người con của miền Bắc ra đi chiến đấu trên khắp các chiến trường, nhưng lòng luôn hướng về quê hương, và mong ngày trở về quê mẹ.

Vậy mà chiến tranh đã cướp đi tuổi xuân của nhiều chiến sĩ, nên ông mới làm căn nhà này theo hướng Bắc. Mặc dù các anh đã hy sinh vẫn luôn hướng về quê mẹ. Cũng vì điều này mà ông Liên đã và đang làm một việc vô cùng ý nghĩa là thu thập tên, địa chỉ và chụp ảnh những ngôi mộ của các liệt sỹ rồi chuyển cho các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải.

● Một đường hào dẫn vào làng thời chiến
● Một lớp học thời chiến đã được ông Liên tái
hiện lại
● Khách du lịch đang đi trên “Chiếc cầu phao
dã chiến”
Sống gửi thác về
Chuyện sưu tầm này bắt nguồn từ việc gia đình ông đi tìm mộ của người em trai đã hy sinh tại Tây Ninh. Sau ngày đất nước sạch bóng quân xâm lược, cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, mẹ ông vẫn mong tìm được phần mộ của đứa con thân yêu của mình. Vì chỉ khi nào đưa được hài cốt của người con trở về với quê hương bà mới yên lòng.

Ông đã nhiều năm đi khắp các cơ uqan, rồi vào lại chiến trường xưa hy vọng tìm được phần mộ của người em mình. Năm 1993, ông tìm được ngôi mộ tại Tây Ninh có ghi tên liệt sĩ Nguyễn Xuân Cảnh (trùng với tên của em trai mình). Biết tin này mẹ ông mừng lắm, mặc dù đã tuổi cao (90 tuổi) sức yếu, cụ cất công vào tận nghĩa trang liệt sĩ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Tuy nhiên, niềm vui của cụ "Ngắn chẳng tay gang", người nằm dưới mộ đúng là tên của em trai ông, nhưng địa chỉ lại ở xã An Phú, huyện Kinh Môn (Hải Dương). Ông và mẹ mình đã tới An Phú và báo tin cho gia đình của liệt sĩ có cùng tên trên. Từ lần đó, ông luôn trăn trở là hiện nay, nước ta còn hàng vạn bà mẹ vẫn ngày đêm vẫn mong ngóng tìm thấy phần mộ của con của mình đã hy sinh và nằm lại ở một nơi nào đó.

Trong khi đó, rất nhiều phần mộ có tên tuổi, địa chỉ đầy đủ mà thân nhân họ cũng không hề biết. Vậy tại sao mình không ghi lại để báo cho họ biết? Vì điều đó mà mấy năm qua, ông đã lần lượt tới một số nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để chụp ảnh, ghi lại danh sách các liệt sĩ.

Đến nay ông đã sưu tầm được 3.000 ngôi mộ trong đó có tới trên 500 ngôi mộ không có quê quán trên bia mộ. Ông đã gửi danh sách này cho các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhằm giúp các thân nhân liệt sĩ đã hy sinh và được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có thể tìm thấy phần mộ của người thân. Khi đoàn báo Bắc Giang vào thăm, ông đã cung cấp danh sách các liệt sĩ quê Hà Bắc hiện được an táng tại Quảng Bình cho đoàn.

Báo Bắc Giang đã đăng tải danh sách này và đã có 6 gia đình tìm được mộ qua thông tin trên. Không dừng lại đó, vừa qua ông đã liên hệ được với nhóm làm trang web www.nhantimdongdoi.org. Ông đã chuyển danh sách 3.000 ngôi mộ liệt sĩ cho những người phụ trách trang web đưa lên mạng.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, có hàng ngàn lượt thanh niên, học sinh đến tham quan để "Thấy ông cha ta đã chiến đấu kiên cường, gian khổ thế nào". Bảo tàng là cầu nối cho các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn lịch sử đã qua - Hào hùng và oanh liệt. Ông Liên luôn tình nguyện làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách tới tham quan. Những việc ông Liên đã và đang làm quả là quý thay.
Xuân Tuấnfile:///I:/Bao%20%20Vuc%20Quanh/Tin%20-%20B%C3%A1o%20PH%E1%BB%A4%20N%E1%BB%AE%20VI%E1%BB%86T%20NAM.htm     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét