Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

VÒNG PHẤN KÁP-KA-Z MỚI Ở TIÊN LÃNG

HÃY VẼ MỘT VÒNG PHẤN KÁP-KA-Z MỚI Ở TIÊN LÃNG

VY VY
Giá như Béc-tôn Brếch còn sống, chúng ta hãy mời ông đến Tiên Lãng để vẽ thêm một vòng phấn mới. Cái Vòng Phấn giản đơn và huyền bí mà công lý đã dùng để phán xử quyền sở hữu. Cống Rộc nên thuộc về ai? Anh Vươn hay chính quyền Tiên Lãng. Theo pháp luật hiện thời, đất đai thuộc về toàn dân, trong đó có tôi và các bạn. Theo bạn chúng ta có cái thực quyền đó hay không? Nếu có bạn quyết định giao nó cho ai? Trước trả lời xin mời các bạn đọc bài viết sau.
Để đất nước chúng ta có một nền nông nghiệp bền vững phải thực hiện những việc sau đây:
1. Giữ lấy diện tích đất nông nghiệp – tăng khai hoang phục hóa
Đất nông nghiệp là một loại tài sản đặc biệt. Nó ra đời với sự kết hợp bền bĩ của Thiên Nhiên và Con Người. Trải qua hàng triệu năm biến đổi, lớp đất phong hóa mới hình thành, với sự cần cù của con người lớp thổ nhưỡng màu mỡ cho cây trồng mới ra đời. Người ta không thể sống mà không có cái ăn. Người ta không thể có cái ăn nếu không nuôi trồng. Người ta không thể nuôi trồng nếu không có đất đai, mặt nước. Nhân loại đã chịu đựng thiếu đói từ thủa ra đời cho mãi tới cách đây 50 năm. Lương thực thế giới mới dư thừa khoảng vài chục năm, nhưng không phải cả thế giới đều no đủ, nhiều người Châu Phi vẫn phải chết đói lúc tôi đang viết bài này và Việt Nam cách đây hơn chục năm vẫn là quốc gia thiếu đói. Đừng phụ bạc đất nông nghiệp. Chớ vội vã biến đổi mục đích sử dụng của nó để biến nó thành vàng bỏ đầy túi tham. Thiên nhiên sẽ trả thù cho những ai cố tình vùi chôn cái tài sản vô giá ấy. Không nói đâu xa, dân Phi-lip-pin đang phải cuốc vào chân mình khi lỡ nhẹ dạ nghe lời dụ ngọt, biến ruộng nương thành sân gôn, nhà máy. Năng suất nông nghiệp có giới hạn của nó. Điều gì sẽ xảy ra khi dân số nước ta tăng lên con số 120 triệu mà diện tích nông nghiệp biến mất nhanh chóng dưới gót giày xâm lược của đội quân có tên là “dự án” đang diễn ra hằng ngày.
Trong khi cả nước lập thành tích xóa sổ đất nông nhiệp thì một mình anh Vươn đã tạo thêm được gần 20 hecta đất đầm. Nó là công lao là thành quả của lao động nhọc nhằn và hy sinh quên mình. Phần đất đó theo lẽ công bằng phải được giao cho anh trên 50 năm hay vĩnh viễn mới phải vì nó không có sẵn để chính quyền giao hay cho thuê mà do chính tay anh tạo dựng. Thật trơ trẽn khi dám viết rằng anh xâm chiếm trái phép để tạo lập thêm 19.3 ha, nên phải nộp 2 triệu tiền phạt mới được giao đất. Chưa có ai trong lịch sử nước nhà, ngay cả dưới thời phong kiến xấu xa, làm người khai hoang lại bị nộp phạt. Nhớ rằng, người dân Mỹ, nơi có nền dân chủ kém ta một vạn lần, khi mới đến miền Viễn Tây, không cần khai hoang, chẳng cần phục hóa, chỉ cần một cuộn dây thừng và mấy cái cọc, đóng cọc xuống, căng dây cho kín vào, báo cho chính quyền sở tại (nếu có) là đã thực thi quyền sở hữu đất đai của mình.
2. Giữ lấy lớp đất thổ nhưỡng, cất lại ở những nơi thích hợp để con cháu ngày sau khi cần có thể sử dụng lại
Như đã nói, con người không thể tự tạo ra đất mà cần thiên nhiên và thời gian. Cái vô giá của đất trồng là ở đó. Do vậy, phải luật hóa việc bóc tách lớp đất trồng (khoảng 1m sâu) cất lại cho đời sau, khi xung quanh con cháu chúng ta xe hơi, máy tính nhiều hơn cơm gạo, khi phần lớn đất đai nông nghiệp của thế giới đã ngập sâu dưới nước biển dâng cao. Băng-la-đét là một ví dụ nhãn tiền. Nhiều phần Nam bộ của VN là một ví dụ tương lai gần. Việc đắp đê của anh Vươn làm tăng tốc bồi lắng phù sa là góp phần tạo ra lớp thổ nhưỡng tương lai, tác động tích cực vào thiên nhiên. Như vậy, chính quyền và anh Vươn, ai là người nhìn xa trông rộng đây?
3. Hãy giao đất đai vào tay người biết làm cho nó màu mỡ hơn, tốt đẹp hơn
Lao động nông nghiệp có tính đặc thù nó không phải là hoạt động sản xuất vật phẩm từ nguyên liệu có sẵn như lao động công nghiệp. Người công nhân có thể căm thù nhà máy nhưng vẫn làm ra được sản phẩm. Người nông dân không làm ra được hạt gạo, nếu căm thù ruộng đồng và cây trồng. Mùa màng không phải chỉ do bàn tay người nông dân làm ra. Nó là sự phối hợp của quá trình phát triển tự nhiên của cây trồng, vật nuôi trong điều kiện nuôi trồng với sự chăm sóc của người nông dân (Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống). Đất đai không chứa các chất dinh dưỡng vô tận, nó cần được làm cho màu mỡ hơn hằng năm bằng phân bón và kỹ thuật canh tác thích hợp. Nói tóm lại, đất đai cần được chăm sóc. Người nông dân sẽ chăm sóc đồng ruộng tốt hơn khi nó là của họ, chứ không thuộc một chủ thể mơ hồ nào đó mà họ không nhìn thấy. Nó phải là con đẻ của họ chứ không phải là người dưng nước lã. Họ không muốn nó rơi vào tay ai đó chỉ vì một chữ ký của ai đó.
4. Hãy tôn trọng tình yêu thiêng liêng đối với đất đai của người nông dân.
Con người sinh ra có tình yêu tự nhiên với đất. Ai cũng có cái cảm giác sướng vui khi được đi chân trần trên mặt đất mát mẻ. Nhớ lại, Khi Bác Hồ về đến Việt Nam đã hôn nắm đất nơi địa đầu Tổ Quốc. “Đất” và “nước” là hai yếu tố cấu thành của “đất nước” chúng ta. Không có thứ tiếng nào trên thế giới có cái danh từ chỉ xứ sở đẹp, hay, và sâu sắc như tiếng Việt chúng ta (chữ Giang sơn hay Sơn hà của tiếng Hoa cũng không hay bằng). Nói thế, để biết rằng, đất đã đi sâu vào tiềm thức dân tộc. Người Việt vốn yêu đất. Với người nông dân, tình yêu đất còn nồng nàn hơn vì nó là người bạn gắn bó suốt đời họ, nuôi sống họ, cho họ nơi nương náu lúc còn sống và ôm ấp họ khi họ qua đời. Đất thiêng liêng lắm, tình yêu đất thiêng liêng, chung thủy lắm. Thật là nhẫn tâm khi tìm cách biến tình yêu thiêng liêng đó của họ thành một cuộc ngoại tình. Cứ mỗi lần hết hạn sử dụng đất lại hỏi nhau: “Nếu không được giao đất nữa, ta sẽ làm gì?” “Nếu bị thu hồi đất sẽ sống ở đâu, ra sao?”
Nếu đã công nhận mối tình thiêng liêng của nông dân và đất đai của họ thì xin đừng cưỡng hiếp đất đai. Hãy vun đắp tình yêu ấy để đời thêm hoa trái ngọt lành. Càng yêu đất bao nhiêu, người ta càng yêu nước bấy nhiêu vì mất nước là mất đất. Hãy gắn kết nông dân vào đất nước với quyền sở hữu đất. Họ là người sản sinh ra chiến sỹ và anh hùng, những người đã đang và sẽ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước này.
Hãy nhớ rằng tới một lúc nào đó, nhà nước không phải bắt nông dân đóng thuế nông nghiệp mà phải trợ cấp cho họ trên mỗi đơn vị sản phẩm mà họ làm ra.
5. Hãy để những người lương thiện tham gia chính quyền
Người dân chỉ cần có những người không hại mình là đã mãn nguyện lắm rồi. CQ có thể không giỏi giang nhưng cần phải lương thiện. Nhưng không phải kêu gọi, khuyên bảo, chỉ thị là đủ. Phải thực hiện pháp trị và dân chủ. CQ phải thực sự là đại diện của người dân. Người dân phải có quyền bãi miễn đại diện của mình nếu họ không xứng đáng.
Trước khi trả lời câu hỏi mời các bạn xem bài này ( Tại đây!) . Tôi lấy cảm hứng từ đây để viết.
Rút từ  comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét