Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

VĂN GIANG

Nhộn nhịp đầu tư bất động sản tại Văn Giang

Bài báo sau đây vạch rõ tại sao người ta quyết liệt cưỡng chế nông dân Văn Giang đến như vậy: đền bù chỉ 100.000 đ/m2 trong khi giá bán căn hộ là 20.000.000đ/m2, còn biệt thự và nhà phố là 45.000.000đ/m2. Trong bộ Tư bản, Marx từng trích dẫn lời nói sau đây của nhà hoạt động công đoàn người Anh T. J. Dunning: “Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được, được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ” (Các Mác, Tư bản, tập I, quyển I, phần 2, Chương XXIV, Nxb Tiến bộ - Mat-xcơ-va, Nxb Sự Thật – Hà nội, 1984, tr. 315, chú thích số 250).
Nhưng…
Chế độ chúng ta là xã hội chủ nghĩa cơ mà!!!
Đảng ta đường đường là Đảng Cộng sản cơ mà!!!
Bauxite Việt Nam
clip_image001
Lễ cất nóc tòa tháp D, dự án Rừng Cọ thuộc Ecopark vào cuối năm 2011. Vị thế đắc địa đã khiến cho Văn Giang đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản.
Vị thế đắc địa đã khiến huyện Văn Giang (Hưng Yên) trở thành một địa chỉ đầu tư hấp dẫn về bất động sản.
Lợi thế vị trí
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, bản quy hoạch vùng tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định huyện Văn Giang đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị loại 4 sau đó sẽ là thị xã. Khi trở thành đô thị loại 4 thì theo UBND tỉnh Hưng Yên, “căn bản người dân Văn Giang được chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại; từ người dân nông thôn trở thành người dân đô thị”.
Tái lập tháng 9/1999, huyện Văn Giang có 10 xã và 1 thị trấn. Về vị trí địa lý, Văn Giang nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, bên bờ tả ngạn sông Hồng, phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Gia Lâm, phía Tây giáp huyện Thanh Trì và phía Tây Nam giáp huyện Thường Tín của thành phố Hà Nội.
Tính trên bản đồ, có thể thấy thị trấn Văn Giang chỉ cách hồ Gươm khoảng 12 km trong khi điểm gần nhất của huyện này là điểm đầu của khu đô thị Ecopark cũng chỉ cách hồ Gươm khoảng 9 km theo đường chim bay. Với các cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy và Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang xây dựng, khoảng cách từ Văn Giang về Hà Nội đã và đang được rút ngắn đáng kể so với trước đây.
Về mặt giao thông, ngoài tuyến đường đê sông Hồng và đường 5 hiện nay, trong tương lai các tuyến đường quan trọng như đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường vành đai 4 của Hà Nội đều chạy qua huyện này.
Vị thế đắc địa đã khiến cho Văn Giang đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản, trong đó đáng kể nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico), được thành lập bởi 7 pháp nhân và 2 thể nhân, được giới thiệu là “những tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khách sạn, dịch vụ, du lịch, xây dựng”.
Năm 2003, công ty này đã được phép đầu tư dự án khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang (Ecopark) với tổng diện tích 500 ha, trở thành một trong những dự án bất động sản lớn nhất tại miền Bắc. Đến nay, dự án đã và đang triển khai một số dự án thành phần như khu căn hộ Rừng Cọ, khu nhà phố Phố Trúc và các khu biệt thự Vườn Tùng và Vườn Mai.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, giá căn hộ tại dự án này hiện đang được rao bán với giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 và giá bán biệt thự và nhà phố trên dưới 45 triệu đồng/m2, đã bao gồm phần xây thô.
Đánh giá chung của giới đầu tư là dự án này đã và đang được triển khai khá bài bản, tuy nhiên liên tục gặp rắc rối do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, mà đỉnh điểm là việcUBND tỉnh Hưng Yên đã phải tiến hành một đợt cưỡng chế trong ngày 24/4 vừa qua.
Nóng chuyện đầu tư
Tuy nhiên, Văn Giang không chỉ có Ecopark. Trên thực tế hàng loạt công ty khác đã và đang triển khai các dự án bất động sản tại đây.
Đáng kể nhất trong số này phải kể đến Công ty Cổ phần Vincom, nhà đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn trên toàn quốc.
Theo đề xuất của Vincom, đã được UBND tỉnh Hưng Yên tiếp nhận và đang xem xét, công ty này muốn lập quy hoạch xây dựng một dự án khu đô thị sinh thái trên địa bàn xã Nghĩa Trụ và Long Hưng (Văn Giang).
Tháng 8/2011, UBND tỉnh Hưng Yên đã báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về đề xuất này, theo đó Vincom có trách nhiệm ứng trước kinh phí để thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch của dự án; trường hợp sau này được thực hiện dự án này thì các chi phí này sẽ được tính vào chi phí dự án theo quy định.
Tỉnh cũng cho biết cơ chế để thực hiện dự án là theo hình thức BT, theo đó chủ đầu tư sẽ xây dựng công trình khu liên hợp thể dục thể thao của tỉnh này trên địa bàn thành phố Hưng Yên để “đối ứng”.
Theo danh mục các dự án kêu gọi đầu tư dạng BOT, BT mà tỉnh Hưng Yên công bố cuối năm ngoái, khu liên hợp thể dục thể thao của tỉnh này sẽ “đủ tiêu chuẩn thi đấu các giải trong nước và quốc tế; khán đài sân vận động trung tâm đến 35.000 chỗ ngồi, khán đài nhà thi đấu đa năng đến 3.500 chỗ ngồi” với vốn đầu tư dự kiến là 1.140 tỷ đồng.
Công ty TNHH Xuân Cầu, một nhà đầu tư có trụ sở tại Hà Nội cũng đã được UBND tỉnh Hưng Yên “thống nhất về nguyên tắc” về việc triển khai dự án “Khu đô thị nhà vườn sinh thái” và “Khu nghỉ dưỡng Văn Giang” trên địa bàn thị trấn Văn Giang và xã Liên Nghĩa, với diện tích 243 ha.
Công ty TNHH Xuân Cầu cho biết dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Trên thực tế, Xuân Cầu là chủ đầu tư lập quy hoạch chung xây dựng cho 980 ha vùng bãi huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, trong đó có các dự án thành phần nói trên; trong đó khu đô thị nhà vườn sinh thái với quy mô 198 ha tại thị trấn Văn Giang nằm trong vùng quy hoạch chung vùng bãi phía ngoài đê sông Hồng là đô thị cao cấp với các khu biệt thự, nhà vườn có mật độ xây dựng thấp.
Techconvina, một công ty nổi tiếng với hoạt động xây dựng công nghiệp hiện cũng đang triển khai một dự án mang tên “Khu đô thị mới đông Văn Giang” tại xã Long Hưng với diện tích 117 ha, dự kiến tổng vốn đầu tư 35 triệu USD. Nhà đầu tư này cho biết dự án sẽ bao gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và chung cư cao tầng.
Ở quy mô khiêm tốn hơn, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Thăng Long có trụ sở tại Hưng Yên cũng đã đề xuất một dự án mang tên “Khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thăng Long” trên diện tích 5,5 ha trên địa bàn thị trấn Văn Giang.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Hanec, một công ty cũng có trụ sở tại Hưng Yên đã đề xuất dự án “Chợ và nhà ở thương mại huyện Văn Giang” trên diện tích 6 ha tại thị trấn Văn Giang.
Theo nhận định của một số chuyên gia bất động sản, vị trí của Văn Giang có nhiều điểm tương đồng với Mê Linh (Vĩnh Phúc) trước đây và phần nào đó là Từ Sơn (Bắc Ninh) hiện nay. Các địa phương này đều ở gần với Hà Nội nhưng về chính sách ưu đãi đầu tư, khung giá đất thì thấp hơn đáng kể so với Hà Nội, do đó chi phí triển khai dự án thấp hơn nhiều so với các quận, huyện nội thành Hà Nội.
H. N.
Nguồn: vneconomy.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét