Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

những “khoảng trống” đằng sau vẻ hào nhoáng, quyến rũ ở di sản thiên nhiên thế giới (Thanh niên)


Sống chật vật trong lòng di sản

Vụ ba cây huê “trăm tỉ” bị đốn hạ ngay trong vùng rừng của Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng “đổ bể” đã làm lộ ra những “khoảng trống” đằng sau vẻ hào nhoáng, quyến rũ ở di sản thiên nhiên thế giới này.

Khoảng lặng ở Bàu Sen

Làng Bàu Sen ở cách không xa khu trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình). Làng tựa như thung lũng lẩn khuất giữa bốn bề núi đá vôi. Con đường chính dẫn vào làng là đường cấp phối đá dăm quanh co, gập ghềnh. Ở đầu đường vào làng cạnh đường Hồ Chí Minh, người ta đặt tấm bảng ghi rõ cấm khai thác đá trong khu vực di sản, nhưng chỉ đi vào sâu một đoạn thì nhiều nhóm người vẫn bám núi đục khoét từng tảng đá; tiếng máy nổ, tiếng xe cộ vào ra vận chuyển đá hiên ngang thách thức công tác bảo tồn di sản.
Phía sau lưng họ có những con đường rừng gùi huê mới mở lũ lượt người đi
Người dân làng Bàu Sen (xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch) thu hoạch ngô trong cảnh mất mùa. Phía sau lưng họ có những con đường rừng gùi huê mới mở lũ lượt người đi - Ảnh: Gia Tân
Nằm giữa hai dãy núi đầy lở loét, bong tróc do khai thác đá dẫn vào làng Bàu Sen là những cánh đồng ngô, lạc. Dù đang vào vụ thu hoạch nhưng đồng vắng hẳn bóng người. Hy hữu lắm mới gặp được một vài người uể oải hái ngô. Hỏi, ai cũng biểu mất mùa, bám vào đồng không sống nổi thì còn mấy ai ra đồng.
Phạm Trọng (31 tuổi), một trong ít thanh niên còn “sót” lại ở Bàu Sen trong tình cảnh thanh niên cả làng đổ vào rừng tìm huê mà chúng tôi may mắn gặp được, phân trần: “Cả làng ni không có ruộng lúa nên cái chi cũng quy ra tiền mà đi mua gạo. Trồng ngô và lạc nhưng lại không có công trình thủy lợi nào nên cứ mùa liên tiếp. Không sống nổi với nghề nông nên người dân chỉ dựa vào khai thác rừng hoặc khai thác đá. Biết làm như thế là phạm pháp nhưng lấy chi để đắp đổi qua ngày?”.
Làng Bàu Sen có bốn thôn với hàng trăm hộ dân. Phần lớn con em trong làng chỉ học ngang lớp 5, lớp 6. Một vị cán bộ xã Phúc Trạch tâm sự rằng mỗi khi ông đi vận động trẻ em đến trường, vận động thanh thiếu niên ở Bàu Sen đừng bỏ học luôn bất thành. Năm 2002 làng mới có một trường hợp đầu tiên thi đỗ đại học và kỷ lục này đến nay vẫn chưa có trường hợp thay thế. Cũng như thanh niên nhiều ngôi làng khác nằm trong vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, thanh niên Bàu Sen sau khi nghỉ học thì vào nam làm thuê, số khác ở nhà đi rừng làm gỗ.
Ngay sau khi xảy ra vụ ba cây huê trăm tỉ bị 11 người dân ở Bàu Sen đốn hạ trong khu vực rừng “bảo vệ nghiêm ngặt” của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là một cuộc đại đổ bộ vào rừng tìm huê. Sau Bàu Sen thì đến Troóc - Phúc Đồng (xã Phúc Trạch), Khe Gát (xã Xuân Trạch, H.Bố Trạch). Người thì tham gia gùi huê thuê, người vào đào tìm gốc rễ, cành ngọn, sau nữa thì tham gia các băng cướp gỗ huê làm nên cơn hỗn loạn chưa từng thấy.
Một vị cán bộ lớn tuổi làm ở Ủy ban MTTQ VN xã Phúc Trạch lắc đầu: “Khó cản lắm chú mi ơi. Cả xã có 12 thôn nhưng chỉ ba thôn là có ruộng lúa, toàn sống nhờ hai cây chủ lực là ngô và lạc. Thế nhưng cả xã mới chỉ có một công trình thủy lợi là đập Khe Ngang, lại chỉ tưới được chừng 75 ha cho làng Phúc Khê. Hàng trăm hecta còn lại của các làng khác luôn thiếu nước nên đã xảy ra mất mùa cục bộ hai, ba năm nay. Người dân không ổn định thì khuyên can họ đừng vào rừng là điều rất khó”.
Chính sách nửa vời
Khi vụ ba cây huê trăm tỉ diễn biến hết sức phức tạp thì UBND H.Bố Trạch đã thực hiện một giải pháp mang tính tức thì hy vọng hạ nhiệt cho cơn sốt người dân vào rừng. Đó là việc huyện trích ngân sách hỗ trợ toàn bộ giống ngô và đậu xanh cho nông dân hai xã Phúc Trạch và Xuân Trạch sản xuất trong mùa tới.
Có giống nhưng không có nước thì dân cũng chịu. Chúng tôi đem nỗi khốn khó của người dân hỏi Chủ tịch UBND H.Bố Trạch Phan Văn Gòn, ông Gòn thừa nhận thủy lợi là vấn đề nan giải. Ông Gòn giải thích các dự án thủy lợi phục vụ cho hai xã Phúc Trạch và Xuân đã kiến nghị lên tỉnh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mấy năm nay nhưng vẫn chưa tiến triển gì. Huyện cũng nhận ra tình trạng mất mùa, việc làm không ổn định của người dân vùng đệm là thách thức cho sự bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chưa kể đến những món lợi tiền tỉ từ rừng sẵn sàng cuốn dân nghèo vào cơn hỗn loạn.
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích 200.000 ha. Riêng về cư dân vùng đệm thuộc VQG này có đến gần 52.000 người trải dài trong 10 xã thuộc ba huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Minh Hóa (Quảng Bình). Nhiều người dân vùng đệm cho hay lâu nay họ quá mệt mỏi với những khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường chung chung mà không cảm nhận được những lợi ích cơ bản, chính đáng một khi họ chung tay bảo vệ rừng.
Còn nhớ cách nay gần 20 năm, VQG Bạch Mã (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) là điểm nóng về phá rừng. Cùng với những giải pháp cứng rắn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhân rộng ngay mô hình “giao rừng cho dân” tự quản vốn là sáng kiến từ H.Phú Lộc. Người dân được hưởng lợi từ rừng bằng lâm sản phụ, được khai thác gỗ theo hạn mức để phục vụ nhu cầu chính đáng, được cắt giao đất để trồng rừng sản xuất... Nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ cũng chung tay cải thiện đời sống dân sinh cho cư dân vùng đệm. Dần dà, chính những “lâm tặc” một thời khét tiếng phá rừng ở vùng VQG Bạch Mã lại trở thành người giữ rừng nhiệt huyết.
Khi tôi kể câu chuyện trên, nhiều người dân vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chép miệng tỏ vẻ thèm khát. Bà Nguyễn Thị Quý, 53 tuổi, ở làng Bàu Sen than vãn: “Được rứa thì còn chi bằng. Dân chúng tôi đây nghèo nhưng cả làng ni phải dùng bếp ga vì chỉ cần bẻ một nhành cây, một que củi về nấu cơm cũng đã bị kiểm lâm tịch thu. Thiếu phân bón, chúng tôi bứt vài ôm lá mui về làm phân cũng vi phạm. Vào rừng bứt đọt cây cho bò ăn cũng là vi phạm. Con cái lớn khôn lấy vợ lấy chồng thì phải làm nhà nhưng không biết lấy gỗ ở mô mà làm. Bất quá lén lút vào rừng đốn, bị bắt thì lại đi tìm mấy lão đầu nậu để mua giá cắt cổ mới làm được ngôi nhà, bộ cửa”.
Tôi đem tâm sự trên của người dân trải bày với Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Nguyễn Văn Lương thì ông Lương bộc bạch: “Mình đã từng thấy người dân bị kiểm lâm tịch thu củi hay bứt lá mang về. Nhu cầu đó là chính đáng. Qua tiếp xúc cử tri, mình cũng đã nêu vấn đề đó với cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa thấy có cơ chế nào cả”.
Gia Tân
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120604/song-chat-vat-trong-long-di-san.aspx


Đã lâu không viết lách gì, hôm nay đọc được bài này trên THANH NIÊN, lại nổi hứng "gàn" muốn viết một cái gì đó về "TỰ HÀO LÀ QUÊ HƯƠNG DI SẢN..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét