Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

những “khoảng trống” đằng sau vẻ hào nhoáng, quyến rũ ở di sản thiên nhiên thế giới (Thanh niên)


05/06/2012 - 02:00
Vụ đốn sưa qua lời kể của lâm tặc
Lần đầu tiên, một số nghi can trong vụ chặt ba cây sưa lớn ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nguồn cơn của “cuộc chiến sưa” vừa qua, đồng ý tiếp xúc với người ngoài.

Chúng tôi được lãnh đạo xã Phúc Trạch dẫn đi len lỏi giữa những thung lũng vắng dưới chân núi đá vôi đến nhà của người đốn sưa. Một số giàu có nhưng đa phần rất khó khăn, lại thuộc diện hộ nghèo. Lần đầu tiên trong đời, những lâm tặc này gặp sưa khổng lồ, những tưởng đổi đời nhưng có người vẫn trắng tay vì cướp.
Cưa xẻ sưa cả tuần không ai biết
Thôn Thanh Sen 3 nép mình dưới rặng núi đá vôi cao lớn. Vườn nhà dân ở đây ngoài những cây ăn quả, lâu năm thì còn xen canh môt loại cây khác đang rộ nóng là “sưa”. Nhà trưởng thôn Thanh Sen 3 có cây sưa đỏ hơn 40 cm nói được giống từ lèn đá trong rừng về, trồng 10 năm, đã nổi ròng phía trong, có thương lái lên ngã giá tiền triệu nhưng không bán.
Ngôi nhà nhỏ của Thái Xuân Tiềm nằm giữa vườn cây um tùm. Tiềm sinh năm 1973, vốn là người dân tộc Sách ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa về đây cưới vợ và ở rể. Tiềm gặp khách lạ, cứ van vái thưa trình: “Nhà cháu không có chi cả, đừng bắt mà tội”. Người ta cứ đồn thổi, những lâm tặc này khét tiếng và sau khi được hàng sưa giá trị lớn lại tỏ ra ngạo mạn nhưng với Tiềm, lại khúm núm lạ thường, chẳng có gì biểu hiện “phong thái” lâm tặc.
Tiềm cùng vợ lấy nước mời khách, kể về câu chuyện chặt sưa như một phép màu thoát nghèo nhưng cũng đầy bi kịch. Tiềm kể nhóm có 11 người, chia thành hai đoàn vào rừng để tìm những mảnh sưa nhỏ còn sót lại trong rừng, nhóm của Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thế Anh đi vào Hung Trí và phát hiện, lập tức ra hiệu cho nhóm của Tiềm quay trở lại để tiến hành cưa xẻ.
Thái Xuân Tiềm (trái), thành viên của nhóm lâm tặc đốn hạ sưa trong di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Căn nhà của Tiềm vừa xóa được mái tranh từ tiền hỗ trợ của xã. Ảnh: MINH QUÊ
Tiềm kể: “Vào khoảng ngày 20-3-2012 bắt đầu phát hiện, cả nhóm bàn bạc, phân công mỗi người mỗi việc, chuyện cưa được giao cho Nguyễn Văn Thống ở xã Phúc Trạch”. Ba cây có đường kính rất lớn, phải cưa xẻ đến bảy ngày mới xong việc. Công cụ cưa xẻ là cưa máy chạy xăng được gùi từ ngoài vào, Hung Trí cách trạm kiểm lâm Trộ Mợơng hai ngày đi đường nên tiếng cưa có vang vọng cả một vùng cũng không hề đến được tai kiểm lâm. “Chúng tôi làm bí mật gần cả tháng, chẳng ai biết gì. Bởi Hung Trí là cái thung lũng khoảng ba sào đất lọt thỏm dưới núi, nhiều người đi ngang qua chẳng để ý, chẳng ai nghĩ ở đây còn sưa. Chúng tôi là những người gặp may, xưa nay thấy sưa nhỏ thì nhiều, trong làng cũng có nhưng sưa lớn đến hai ba người ôm, tốt thế này thì chưa ai được nhìn”.
Tiềm cho biết lượng gỗ nhiều đến nỗi chỉ lấy thân ngọn, cành, còn lóc lỏi và cội rễ không cần quan tâm. Gỗ xẻ được chia ra hai đống cao chất ngất, một đống gỗ tốt và một đống gỗ xấu hơn.
Bị trấn cướp trắng tay?
Thái Xuân Tiềm kể: “Cưa xẻ tự do vì rừng là chốn không người, tôi đảm bảo phần nấu ăn, khi rảnh rỗi lại cùng xúm tay vào phụ giúp anh em trục gỗ”. Lúc đầu Tiềm nói lượng gỗ lớn nhưng sau đó như sợ lộ, nói chỉ có 130 phách. Theo Tiềm, đã hẹn nhau giữ bí mật tuyệt đối việc phát hiện ba cây sưa này nhưng không hiểu vì sao có thông tin lọt ra bên ngoài nên giang hồ vào trấn cướp rất giữ.
Tiềm cũng cho biết sau khi chặt hạ xong vài ngày thì đoàn kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào Hung Trí kiểm tra. Lúc đó vì sợ, cả đoàn đưa gỗ đi giấu ở các hang đá cạnh đó. Theo sau dấu kiểm lâm là khoảng 200 người cả thương lái và dân trấn cướp, cũng như mót sưa. Về thương lái, Tiềm kể có cả người Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, rồi cả thương lái Trung Quốc, trấn cướp thì bịt mặt. Cứ đêm ngủ, có nhiều người đến hỏi mua, đối tượng hỏi mua nói không bán là trấn, là cướp. Và nhóm 11 người triệt hạ sưa đã bị cướp rất nhiều gỗ.
Lê Văn Diễn với cánh tay xăm hai chữ “kiếp nghèo”. Căn nhà của Diễn. Ảnh: MINH QUÊ
Lúc đầu, họ đã bán một lượng lớn gỗ sưa với nhiều tỉ đồng nhưng các lâm tặc gặp chúng tôi chỉ kể là bán cho đối tượng Hiệu “sẹo”, công an viên xã Xuân Trạch 1,3 tỉ đồng. Sau khi bị cướp quá nhiều, cả nhóm hội ý và chia số gỗ còn lại thành 12 phần, mỗi phần 11 phách, mạnh ai nấy đi giấu gỗ, riêng Nguyễn Văn Minh, người phát hiện ra ba cây sưa được chia hai phần với 22 phách.
Tiềm cho biết anh thuê người gùi đi dấu sưa nhưng bị cướp, hiện còn ba phách trong rừng, không dám đưa về vì sợ bị bắt. Trong khi đó, Lê Văn Diễn (SN 1985) nằm trong nhóm 11 người cho biết anh ta được chia 11 phách sưa, gùi ra khe Nước Vàng chôn thì bị người đi săn sưa và trấn cướp giật hết, không còn mảnh nào. Riêng Hoàng Hạnh là người bị cướp ít nhất và có thể chính Hạnh đã loan tin cho giang hồ vào cướp sưa để “giật” tiền ăn sưa. Hạnh là một tay lọc lõi trong nghề sưa. Trước đây, cứ ai thuê gùi sưa, Hạnh cứ tìm cách bòn rút hoặc báo mất để trộm. Sau một thời gian gùi thuê sưa. Hạnh xây được cơ ngơi hai tầng ở vùng Tróoc, Phúc Trạch.
Lời kể về lượng gỗ giữa Tiềm và Diễn chênh nhau rất lớn, Tiềm nói 130 phách nhưng Diễn nói gỗ chia ra hai đống, không thể đếm hết, nhiều đến nỗi bình thường thấy gốc và rễ đã mừng húm, thì đợt này để ba gốc và ba bộ rễ của ba cây cho người ngoài vào mót.
Nhiều thông tin cho rằng dù bị cướp mất ít nhiều, các thành viên của nhóm 11 người chặt sưa khổng lồ này cũng ẵm tiền tỉ, bởi không bao giờ lâm tặc kể họ có bao nhiêu tiền trong tay. Đó là một bí mật mà vợ con của họ cũng không được biết.
Lâm tặc đốn sưa thuộc diện hộ nghèo
Trong số 11 người, chỉ có Hoàng Hạnh là giàu có, các thành viên còn lại có hoàn cảnh khó khăn. Tiềm có vợ và ba đứa con, vợ Tiềm vừa được trở về từ Trung Quốc sau chuyến xuất khẩu lao động cực khổ, làm việc mỗi tháng chỉ được 3 triệu đồng, không đủ sống. Trở về nhà với hai bàn tay trắng, lại còn lâm nợ.
Tiềm kể: “Vì nghèo nên em cũng đạp rừng, đạp rú kiếm ăn. Đi rừng mãi mà có đủ ăn mô”. Cả nhà chui ra chui vô cái lều nhỏ, mưa dột tứ bề. Nhà thuộc diện hộ nghèo nên xã hỗ trợ 24 triệu đồng xóa mái tranh nghèo, vay mượn khắp nơi mới dựng được cái nhà nhỏ hai gian cho vợ con ăn ở. Chúng tôi vào nhà Tiềm, cả nhà đang thu hoạch ngô và lạc, những đứa con nhỏ thó cùng bố mẹ dọn lạc, chúng chẳng biết sưa huê là gì vì nhỏ dại, riêng Tiềm, cứ run run vì sợ.
Trong khi đó, nhà của Diễn trống hoác, cũng diện hộ nghèo. Xã cũng đã hỗ trợ 24 triệu đồng để xóa mái nhà lụp xụp nhưng theo Diễn, vì không đủ tiền nên vào rừng kiếm kế sinh nhai, được chia gỗ cũng nhiều mà về nhà, hiện Diễn nói là trắng tay.
Làng đang theo vụ mùa nhưng Diễn không dám ra đồng thu hoạch, vì sợ giang hồ bắt gặp hỏi xin sưa, cứ phải ở nhà với đứa con nhỏ cùng đống bắp vợ vừa gánh về. Một số người chặt sưa khác mà chúng tôi tiếp cận đều thừa nhận đã tham gia chặt hạ ba cây sưa lớn ở vùng Hung Trí và đang đối mặt với pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét