Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT ĐAI

Sở hữu đất đai nhìn từ vụ Tiên Lãng

Nguyên Tấn

(TBKTSG) – Xung quanh chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã có nhiều ý kiến tranh luận, đề nghị xem xét sửa đổi. Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất, gây xôn xao dư luận ở Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra mới đây lại một lần nữa gợi lên không ít khía cạnh liên quan đến vấn đề trên.
Đầm nuôi thủy sản và tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tan hoang sau vụ cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: Huy Hoàng
Đầm nuôi thủy sản và tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tan hoang sau vụ cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: Huy Hoàng
Theo LS. Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xuất hiện lần đầu tiên trong Hiến pháp 1980 khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai thực ra không phải được hình thành dựa trên một nền tảng lý luận khoa học nào cả mà chỉ là từ ý kiến của một vài vị lãnh đạo sau thời kỳ miền Nam vừa giải phóng.
Thật vậy, Hiến pháp 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn thừa nhận “bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân” (điều 14) và chỉ coi “đất hoang” mới thuộc sở hữu toàn dân (điều 12). Đến Hiến pháp 1980 và sau này Hiến pháp 1992 kế thừa thì đất đai (toàn bộ đất đai nói chung) được tuyên bố là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, trải qua 20 năm, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã bộc lộ vô vàn bất cập mà theo các chuyên gia vụ Tiên Lãng xảy ra vừa qua là một ví dụ cụ thể.
Cũng như nhiều vụ thu hồi đất tương tự, vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy với quyền can thiệp rất lớn của Nhà nước (ở đây là cấp huyện) vào đất đai, quyền đó có thể dễ dàng bị lạm dụng. Theo Luật Đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được trao những quyền định đoạt đối với đất đai như: quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; định giá đất; thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… “Vì được trao quyền định đoạt, Nhà nước có thể thu hồi, giải tỏa đất bất cứ lúc nào nếu Nhà nước muốn với giá đền bù rẻ mạt và điều nghịch lý là việc thu hồi đó lại được xem là hợp pháp”, LS. Trương Thanh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải, nói với TBKTSG. Ông dẫn chứng một trường hợp ông biết rõ, trong đó căn nhà thuộc diện bị giải tỏa bởi dự án 1.000 năm Thăng Long có giá đền bù tối đa 30 triệu đồng/mét vuông trong khi giá thị trường hiện lên tới 200 triệu đồng/mét vuông.
Trong vụ Tiên Lãng, hộ ông Đoàn Văn Vươn còn “thảm” hơn khi không được đền bù một đồng nào cho dù khu đất đầm bị thu hồi do họ bỏ công sức, tiền bạc khai khẩn trong nhiều năm và cho dù khu đất đầm ấy đang tạo ra nguồn lợi thủy sản với giá trị hàng tỉ đồng. Có thông tin còn cho biết thêm rằng số đất trên thu hồi dự kiến để giao cho hộ khác. Tiêu cực trong vụ việc này nếu có cũng không phải cá biệt bởi tham nhũng từ đất đai đang diễn ra hầu như khắp nơi. Nhóm tác giả gồm PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, PGS.TS. Đặng Văn Thanh, LS. Trần Hữu Huỳnh và LS. Nguyễn Tiến Lập trong một báo cáo nghiên cứu cách đây hơn một năm (*) khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tạo nên những kẽ hở quá lớn để các nhóm lợi ích bắt tay nhau trục lợi. Tình trạng này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở hai lĩnh vực (i) quy hoạch sử dụng đất và (ii) thu hồi đất (nhất là đất của nông dân) cho các dự án công nghiệp, thương mại.
Các chuyên gia cũng lo ngại rằng đến năm 2013, khi hết thời hạn giao đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối) nếu thẳng tay thu hồi đất của hàng triệu nông dân như kiểu của chính quyền huyện Tiên Lãng đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn thì sẽ tạo nên những bất ổn vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, theo LS. Trần Hữu Huỳnh, nhìn sâu hơn, vấn đề cần xem xét là ở quyền sở hữu đất đai. Với chế độ sở hữu toàn dân, đất đai được giao, cho thuê luôn có thời hạn khiến cho người sử dụng không thể an tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài, đây mới là điều nguy hiểm.
Theo ông Huỳnh, để đất đai được sử dụng một cách hiệu quả nên công nhận chế độ đa sở hữu đối với đất đai. Trong đó, có thể bao gồm sở hữu nhà nước đối với đất công; sở hữu tư nhân đối với một số loại đất (đất ở, đất ruộng, đất rừng sản xuất, đất khoáng sản đã cấp phép khai thác lâu dài, kể cả không gian, khoảng sâu nhất định trên và dưới mặt đất) và sở hữu cộng đồng (ví dụ đất xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ ở khu dân cư…). “Khi đất trở thành tư hữu thì đất đó vĩnh viễn thuộc người chủ sở hữu. Người đó sẽ tìm cách đầu tư, khai thác sao cho có hiệu quả nhất”, ông Huỳnh giải thích.
LS. Đức cho rằng sở hữu tư nhân về đất đai là một đòi hỏi xuất phát cả từ lý luận lẫn thực tiễn. Không thừa nhận vấn đề gốc rễ căn bản đó, thì dù có sửa Luật Đất đai bao nhiêu lần nữa cũng vẫn không thoát khỏi bất cập. Theo ông Đức, giả định nếu khu đất do hộ ông Vươn khai khẩn được công nhận là sở hữu của gia đình ông ấy thì có thể vụ việc đáng tiếc vừa qua đã không xảy ra. LS. Trần Hữu Huỳnh cũng đồng tình cho rằng sở hữu là quyền thiêng liêng được Hiến pháp bảo vệ. Do đó, khi đất đai trở thành tài sản sở hữu của tư nhân thì việc thu hồi đất không thể dễ dàng, tùy tiện. Theo Hiến pháp, chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, nhà nước mới được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của công dân và được bồi thường theo thời giá thị trường.
____________________________________________________________________
(*) Báo cáo “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo yêu cầu Nghị quyết 48/NQ-TW”.

N.T.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/70455/So-huu-dat-dai-nhin-tu-vu-Tien-Lang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét