Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

THỰC THI LUẬT ĐẤT ĐAI...

GS Đặng Hùng Võ: Để thực thi nghiêm pháp luật đất đai

Tháng Hai 3, 2012
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ
 
 
 

Vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua làm chúng ta đau lòng. Các hành vi sai trái đều phải bị xử nghiêm theo pháp luật. Việc giải quyết phải đúng với tinh thần của một nhà nước pháp quyền. Nhưng những sai trái về thực thi pháp luật đất đai ở địa phương, cách phản ứng trái pháp luật của người dân ở địa phương đang làm đau đầu chúng ta. Làm gì để hoàn thiện pháp luật đất đai và thực thi nghiêm pháp luật trong thực tế là một việc lớn, nhất là vào thời điểm Quốc hội đang chuẩn bị xem xét thông qua Luật Đất đai mới.
Thời hạn 20 năm sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được quy định tại Luật Đất đai 1993. Luật này cũng có quy định về việc được gia hạn khi sử dụng đất có hiệu quả. Khi Bộ Chính trị tổ chức tổng kết 10 năm thi hành chính sách, pháp luật đất đai vào năm 2001-2002, vấn đề thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được đưa ra xem xét như một trọng điểm do tính phức tạp của vấn đề đất đai. Khi hết thời hạn mà quy định là sẽ được gia hạn nếu sử dụng đất “có hiệu quả” thì ai là người kết luận về hiệu quả. Như vậy, để được kết luận đất của mình sử dụng có hiệu quả thì người nông dân lại phải “cầu cạnh” tới chính quyền huyện và xã. Nguy cơ tham nhũng sẽ nảy sinh, làm cho người nông dân không yên tâm. Hầu hết ý kiến đều cho rằng pháp luật phải có quy định cụ thể là hết thời hạn thì làm gì.
Lúc đó có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Một luồng là khi hết thời hạn thì chia lại ruộng đất, tức là làm lại cải cách ruộng đất vì lý do có người mới sinh ra, có người đã chết đi, có người không làm nông nghiệp nữa, có người quyết định về quê làm ruộng. Luồng ý kiến thứ hai là kéo dài thời hạn, thậm chí là kéo tới vô hạn để thị trường điều tiết mọi việc tiếp theo. Luồng ý kiến nào cũng có mặt hợp lý và có mặt không hợp lý. Điều khó xử là tỷ lệ hai luồng ý kiến này ngang nhau 50/50. Vấn đề lớn này không quyết định được tại Hội nghị Ban Chấp hàng Trung ương lần thứ 7, Khóa IX khi thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TƯ (2002) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên thực tế, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa khá nhiều ý kiến về bất cập của thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hiện nay. Người muốn đầu tư lớn cho nghề nông không dám bỏ tiền ra tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng. Làm lớn mà lâm vào cảnh như gia đình ông Vươn ở Tiên Lãng thì tan nát hết. Sự đau lòng ở Tiên Lãng đã chỉ ra rằng nếu không giải quyết thấu đáo về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp thì không có động lực để giải quyết vấn đề Tam nông.
Một điểm nhạy cảm tiếp theo là cách thức Nhà nước thu hồi đất, thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với đất đai đang được người nông dân sử dụng hiệu quả. Người nông dân đã gắn mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của mình trên mảnh đất được giao. Rồi một ngày bị thu hồi đất trái pháp luật, coi như mọi thứ trở thành số “0”. Những gì đã xảy ra ở vùng đất những người nông dân đã khai phá, thuần dưỡng đất bãi bồi ven biển ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về thực thi pháp luật về thu hồi đất đai hiện nay ở địa phương.
Nhiều cơ quan hành chính ở địa phương có quan niệm rất sai về cơ chế nhà nước thu hồi đất. Đã có rất nhiều ý kiến phản ảnh rằng các cán bộ thừa hành ở cấp huyện hay nói “Nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu”. Đây là một cách nói vừa thể hiện kém hiểu biết pháp luật và cũng làm mất uy tín của Nhà nước ta. Cơ chế nhà nước thu hồi đất phải được thực hiện theo đúng pháp luật. Lý do phải đúng và trình tự, thủ tục phải rõ ràng. Không thể có quyền lực thu hồi đất nào lại “vô biên” như trong cách nói như vậy. Việc cưỡng chế thu hồi đất cũng vậy. Việc này hệ trọng lắm, không thể làm nhanh được. “Dục tốc” thường “bất đạt”. Thu hồi đất là chính quyền lấy đất của dân – nguyên tắc thuyết phục và đồng thuận cần được đặt lên hàng đầu.
Điểm nhạy cảm thứ ba là cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính của dân sao cho hiệu quả. Chủ trương hiện nay đang tập trung đẩy mạnh việc nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền. Việc tập trung giao cho tòa án giải quyết mọi khiếu kiện về đất đai, không để các khiếu kiện này tràn lên trung ương là một chủ trương đúng nhưng cần có lộ trình phù hợp cho nông thôn. Trong vụ việc ở Tiên Lãng, người dân đã khởi kiện lên tòa án huyện nhưng thua kiện, khởi kiện tiếp lên tòa án tỉnh thì được khuyến khích thỏa thuận. Chưa làm theo đúng tinh thần thỏa thuận thì chính quyền đã cưỡng chế. Vậy người dân có thể tìm công lý ở đâu khi mọi cánh cửa đều đã đóng.
Cái sai về thực thi pháp luật đất đai ở Tiên Lãng rất dễ nhận ra, người dân cũng biết. UBND nói không sai, có thể hiểu được vì lý do cán bộ không dám tự phê bình. Điều quan trọng hơn cả là tại sao hai cấp tòa án cũng không nhận ra? Đây là một điều cần suy nghĩ để xác định lại giải pháp giải quyết khiếu kiện của dân. Trong một thời gian nhất định, các cơ quan chuyên môn ở trung ương phải vào cuộc để bảo đảm tính khách quan trong giải quyết, khắc phục sự bất cập về nhân lực của hệ thống tòa án, nhằm thực sự bảo vệ được quyền lợi của dân. Việc giải quyết khiếu nại hành chính của dân về đất đai cần thực hiện đúng như Luật Khiếu nại vừa được Quốc hội thông qua, không nên tách thành quy định riêng trong Luật Đất đai theo hướng không cho khiếu nại lên các cơ quan trung ương.
Một việc gây nên hậu quả rất nghiêm trọng ở Tiên Lãng, trải qua gần sáu năm, mà không thấy sự xuất hiện của công tác kiểm tra của cấp thành phố, cũng không thấy có tác động của HĐND huyện. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương chưa thực hiện được bao nhiêu. Đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật rất nặng nề, cần tới một cách làm thực chất, cụ thể, minh bạch. Nhất là khi đã biết rõ sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm thiệt hại đến quyền lợi của dân.
Chính quyền giữ chữ “tín” với dân là cốt lõi của công việc quản lý đất nước. Lòng dân không bao giờ mua được, chỉ có thể đổi được bằng chữ “tín” của chính quyền. Ở Tiên Lãng đã xảy ra những việc làm của huyện mà người dân không tin.
Vấn đề đất đai cho nông dân không hề đơn giản. Hơn 70% dân ta vẫn đang sống ở nông thôn. Việc xây dựng một xã hội nông thôn tốt đẹp đóng vai trò rất lớn để bảo đảm bền vững trong quá trình phát triển, đó là bền vững xã hội. Những gì đã xảy ra ở Tiên Lãng vừa qua là đau lòng, những sự việc đó có tính phê phán rất lớn. Đó cũng là dấu hiệu để những người có trách nhiệm biết cụ thể hơn tầm quan trọng của chính sách đất đai nông nghiệp hiện nay. Việc hoàn thiện pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp còn rất nặng nề trước mắt.
Hai cái sai của chính quyền Tiên Lãng
Pháp luật về đất đai ở nước ta chưa bao giờ cho cấp huyện có thẩm quyền quy định về thời hạn và hạn điền, thế mà Tiên Lãng dám tự quy định. Theo Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 về việc ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp quy định thống nhất thời hạn sử dụng đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm. Nếu đất được giao từ ngày 15-10-1993 trở về trước thì thời hạn được tính thống nhất từ ngày 15-10-1993, nếu đất được giao sau ngày 15-10-1993 thì tính từ ngày giao (quy định hồi tố về thời hạn sử dụng đất). Đây là chính sách rất lớn về đất đai của Đảng và Nhà nước ta.
Các quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng có căn cứ vào hết thời hạn mà không được gia hạn. Trong khi đó, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 về thi hành Luật Đất đai (khoản 1 điều 34) quy định rằng khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), trừ một số trường hợp Nhà nước có quyết định thu hồi đất nhưng không trừ trường hợp Nhà nước thu hồi vì hết thời hạn. Đó là cái sai cơ bản thứ hai của chính quyền Tiên Lãng so với pháp luật hiện hành. Tiên Lãng đã tự quyết định trước cả những quyết định lớn về “làm gì khi hết thời hạn sử dụng đất của nông dân” mà Quốc hội sẽ quyết định trước ngày 15-10-2013.
Theo TBKTSG

5 nhận xét:

  1. thưa các bác và anh hai giỏi ,

    Sau đây là ý kiến của các QUAN THAM sau khi đọc lời khuyên của cụ Đặng Hùng Vỏ .

    Thưa cụ Vỏ ,
    Cụ nói : "Một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm thiệt hại đến quyền lợi của dân. Chính quyền giữ chữ "tín" với dân là cốt lõi trong công việc quản lý đất nước. Lòng dân không bao giờ mua được, chỉ có thể đổi bằng chữ "tín" của chính quyền".
    Ý kiến của cụ thì quá lý tưởng , và khó thực hiện đối với chúng tôi . Nếu nghe theo lời cụ thì làm sao chúng tôi có nhiều biệt thự ở khu đắc địa , xe ngoại hàng chục chiếc , con cháu đi du học ở các nước 'tư bãn dẩy chết' , nhửng bửa nhậu với rượu ngoại tràn ly với gái đẹp , nhửng ván cờ 5 tỉ (trên 200 ngàn đô) , và còn nhiều thứ nữa .
    Vì vậy , chúng tôi đề nghị cụ nên sửa lại lời khuyên như dưới đây cho nó đúng với thực tế hiện nay :
    "Một nhà nước của đảng, do đảng, vì đảng thì phải xử lý nghiêm những người dân làm thiệt hại đến quyền lợi của các đảng viên . Chính quyền giữ chữ "trung" với đảng là cốt lõi trong công việc quản lý đất nước. Lòng đảng không bao giờ mua được, chỉ có thể đổi bằng chữ "trung" của chính quyền".

    Trả lờiXóa
  2. thưa các bác ,

    với quan điểm 'tiếp thu có chọn lọc' , xin nêu lên vài ý kiến đáng suy gẩm của tướng TQ Lưu á Châu :

    «… nếu một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức cao nhất, nếu hệ thống ấy không lựa chọn được những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong ».
    « … bí quyết thành công của Hoa Kỳ không nằm ở phố Wall hay ở thung lũng Silicon mà nằm ở hệ thống luật pháp tồn tại lâu đời và ở hệ thống chính trị gắn liền với nó ».
    « … hệ thống của Hoa Kỳ được thiết kế bởi những thiên tài, và giúp cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành được ».
    « …một hệ thống tồi khiến một người tốt cũng hành xử tồi, trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi cũng có thể hành xử rất tốt ».
    « … Dân chủ là điều cấp thiết nhất; không có dân chủ không thể có sự trỗi dậy bền vững ».
    Về con đường Trung quốc phát triển đi lên đạt dân giàu nước mạnh, tướng Lưu khẳng định:
    « …một quốc gia chỉ chăm chú nhìn vào sức mạnh của đồng tiền của mình, đó chỉ là một quốc gia chậm tiến và ngu dốt.
    Điều chúng ta có thể đặt lòng tin là sức mạnh của sự thật.
    Sự thật là kiến thức. Kiến thức là sức mạnh ».

    Trả lờiXóa
  3. anh nghỉ thế nào khi đọc tin thuộc loại 'sốt dẻo' như thế này trên culangcat :
    riêng tôi thì chỉ bik cầu nguyện thôi vì tôi quá chán nản !!!

    Dự kiến trong tuần từ ngày 6 - 10/2/2012, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở Trung ương và UBND TP Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

    Để chuẩn bị tốt cuộc họp trên, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình và nội dung vụ việc để có ý kiến tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.
    Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phải chuẩn bị báo cáo cụ thể, đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 56/VPCP-KNTN ngày 15/1/2012 của Văn phòng Chính phủ.
    Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao và Hội Nông dân Việt Nam chuẩn bị ý kiến tham dự cuộc họp.
    Như Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đưa tin, ngày 15/1/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
    Quốc Hà/Cổng thông tin Chính phủ

    Trả lờiXóa
  4. thưa các bác ,

    Cái tin sau đây là mới với tôi , vì tôi chưa đọc . Ko biết các bác đả đọc chưa ? , mình mới thấy sự nghiêm trọng của vấn đề .

    . . . Tôi đọc công văn số 01/2011/CVLCH, do ông Dương Văn Trong, Phó Chủ tịch LCHNTTSNL ký, gửi tới nhiều vị lãnh đạo, nhiều cấp, nhiều ngành, trình bày quan điểm của Ban chấp hành LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng về việc UBND huyện ban hành 2 Quyết định (ngày 24/11/2011), cưỡng chế thu hồi đất hai Chi hội viên Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân, có đoạn:
    Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hai hội viên được Nhà nước thừa nhận, Ban chấp hành LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng (...) chúng tôi tuyên bố: "Chúng tôi sẽ giáng trả đến cùng bằng tất cả phương tiện gì với tất cả những ai lợi dụng danh nghĩa chính quyền, cố tình lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công dân có tổ chức” và hiểu được tâm lý của những người đổ mồ hôi, công sức của mình ra và sắp bị người ta tước đoạt...
    Điều kỳ lạ là, lời cảnh báo này có vẻ không được ai quan tâm. Có thể do tâm lý “bất khả xâm phạm”, cũng có thể do sự coi khinh tầng lớp lao động của đám "oan (quan) gia nghiệp chướng" này .

    Trả lờiXóa
  5. Thư ngỏ kính gửi các quan , kính nhờ anh hai giỏi chuyển giùm , cám ơn .

    MỘT CÁCH LO XA CHO CON CHÁU

    Sơ-Quảng đời nhà Hán , làm quan trí sĩ (thôi làm quan về nhà nghỉ) về , đc vua ban cho nhiều vàng lụa .
    Con cháu cụ thấy thế , bèn cậy những ng già cả trong họ đến nói với cụ lập nhiều cơ nghiệp (của cải , nhà , ruộng và công việc làm ăn) và mua ruộng đất .
    Một hôm , nhân lúc thư nhàn (đc rỗi thời giờ) , nhửng ng già cả đem câu chuyện làm giàu cho con cháu thưa lại để cụ nghe , thì cụ nói rằng :
    "Ta tuy già lão, há lại ko nghĩ đến con cháu hay sao . Hiện ta cũng đã có ít ruộng nương , cửa nhà cũ cũa tiền nhân để lại . Con cháu ta mà chăm chỉ vào đấy thì cũng đủ ăn , đủ mặc bằng ng đc rồi .
    Nếu bây giờ , ta lại LẠI LÀM GIÀU cho chúng để cho thừa thãi dồi dào , thì ta chỉ làm cho chúng LƯỜI BIẾNG thêm ra thôi . Ng giỏi mà sẵn có nhiều của , thì kém mất CHÍ HAY ; ng ngu mà sẵn có nhiều của thì càng thêm TỘI LỖI . Vả chăng của cải mà chứa nhiều thì chỉ tổ làm cho NGƯỜI TA OÁN . Ta đã ko có gì dạy dỗ cảm hóa đc con cháu ta thì ta cũng ko nên làm cho chúng có nhiều TỘI LỖI và để thiên hạ AI OÁN chúng cho thêm phiền .
    Những của cải ta đang có đây là ơn của vua trên hậu đãi người bầy tôi già lão , ta chỉ muốn cùng cả anh em , bà con , họ hàng , làng nước cùng hưởng chung cái ơn ấy để trọn tuổi trời , chẳng cũng là phải ư ?"
    Người trong họ nghe nói thế , ai nấy đều cảm phục .
    (nguồn : Cổ học Tinh hoa q.2 tr.45-46)

    Trả lờiXóa