Cựu binh Mỹ và "đối thủ đáng kính" - Kỳ 2: Cuộc gặp gỡ mùa xuân
02/05/2012 3:19Vậy là, với sự cố gắng sắp xếp đúng theo trình tự, chiều ngày 10.3.2012, cuối xuân Đồng Hới yên tĩnh và mát mẻ, phòng khách của “tướng” Trần Sự đủ chỗ cho 15 người.
Những cái bắt tay thân mật, một bó hoa thay cho lời chào, và lời phát biểu ngắn của “tướng” Trần Sự: Xin cảm ơn và chúc sức khỏe các vị và đặc biệt là các phu nhân đã đến thăm tôi trong một ngày xuân của Quảng Bình, của đất nước Việt Nam thanh bình. Nhờ các vị chuyển lời thăm đến ngài đại tướng Ronald R.Fogleman và ngài thiếu tướng Donald W.Shepperd, chúc sức khỏe và cố gắng góp phần vào quá trình hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Tôi có một cậu con trai, anh của thằng này (ông chỉ sang TS Trần Tiến Dũng) làm việc tại Hà Nội, đại diện cho một số công ty của Mỹ. Cuộc chiến kết thúc rồi, tương lai mở ra con đường mới (mọi người vỗ tay to). Hôm nay tôi muốn nói, vấn đề gì cũng có quy luật: chiến tranh có quy luật của chiến tranh, kinh tế có quy luật của kinh tế. Chiến tranh là thắng hay bại, kinh tế là lãi hay lỗ (sau khi ông Sỹ dịch qua tiếng Anh, phía đối tác vang lên nhiều tiếng đồng thanh ồ à…). Nhiều nước đầu tư ở Việt Nam vào nơi có lãi là đúng quy luật. Với Quảng Bình, trải qua chiến tranh ác liệt thử thách chưa từng có trong lịch sử nhưng dù sao cũng đã qua rồi, nên Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nói, qua rồi thì khép lại cho con đường mới. Quảng Bình đủ bản lĩnh để cùng tiến bước trong sự nghiệp đổi mới. Tin rằng, các bạn cùng hướng đến tương lai, hai bên cùng có lợi (mọi người đồng thanh vỗ tay).
Các cựu binh là phi công cùng phu nhân chụp ảnh với "tướng" Trần Sự và con trai, TS Trần Tiến Dũng (giữa) - Ảnh: Nguyễn Thế Tường |
Người Việt Nam dũng cảm nhưng nhân ái
|
Thấy không khí có phần vui vẻ thân mật, tôi (tác giả bài viết này) mạnh dạn chêm vào: Ngài Trần Sự thời trẻ là một thanh niên đẹp trai, một chiến binh can trường (có tiếng đế vào từ phía các vị khách phu nhân và Sỹ đã nhanh miệng dịch lại “bây giờ vẫn đẹp trai”) nên rất được nhiều phụ nữ đem lòng yêu. Nhưng vì bận chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, vả lại cũng vì “sợ” mẹ của đồng chí này (tôi chỉ sang TS Trần Tiến Dũng) nên không thể mang tình yêu đáp lại. Thật là đáng tiếc! (Sau khi Sỹ dịch xong bốn từ “thật là đáng tiếc!”, những vị khách cười ầm lên vui vẻ và vỗ tay rất to làm không khí càng thân mật hơn).
Một vị khách Mỹ bày tỏ: Người Việt Nam dũng cảm nhưng nhân ái. Thân phụ của Sỹ đã từng đi thu gom 82 thi hài sau trận B52. Vậy mà tết năm ngoái trong bữa cơm chiều 30 vợ chồng chúng tôi vẫn được ông bà mời tham dự. Bản thân Sỹ đã viết thư cho tôi kể rằng, hồi nhỏ ngồi trong hầm nghe đại bác bắn chỉ muốn lớn nhanh để đi đánh Mỹ, thế mà nay đã thành bạn bè, xưng hô như anh em. Đất Quảng Bình rất bí ẩn không khám phá được hết. Mảnh đất này thấm nhiều máu người Quảng Bình và đồng đội chúng tôi, rất đồng ý rằng đau thương cần được khép lại.
Ông Trần Sự tâm sự: Quảng Bình trải qua nhiều cuộc chiến, chỉ tính từ năm 1947-1954, đánh Pháp, có làng như Mỹ Trạch (Lệ Thủy) bị tàn sát một lúc trên 300 người. Hòa bình được 10 năm lại bom đạn đầy trời. Toàn dân phải ngủ dưới hầm trú ẩn, trẻ con được mang gửi ngủ tráo hầm với láng giềng vì sợ bom dội xuống chết cả nhà không ai hương khói. Nhưng chiến tranh kết thúc rồi thì đồng lòng đồng sức khôi phục lại cuộc sống ở vùng đất khí hậu khắc nghiệt. Chiến tranh ác liệt, nhưng chúng tôi vững vàng kiên định vượt qua khó khăn như một câu thơ cổ: “mai hoa hương tự cổ hàn lai - hoa mai đẹp và thơm nhờ chịu qua giá rét”. Chiến tranh để lại những tổn thất rất lớn, đặc biệt là những gia đình có người thiệt mạng, để lại trong tâm hồn họ những bức xúc nặng nề không dễ gì quên được như các bạn đã nói. Nhưng người Việt Nam vốn nhân hậu. Lấy ví dụ: ngày 11.2.1965, máy bay Mỹ đánh phá Đồng Hới. Trận đó bị chúng tôi bắn rơi nhiều, phi công vũ trụ, thiếu tá Sumechco nhảy dù và bị bắt sống gần nhà một ông cụ có vợ bị thương, con chết và nhà cháy vì bom. Ông cụ cầm đòn gánh định đánh Sumechco nhưng dân quân đã kịp ngăn lại giải thích chính sách của Việt Nam. Ông cụ nguôi giận cho dẫn Sumechco đi, còn dặn theo: “Dẫn cho khéo kẻo máy bay đánh nữa hắn chết đi tội nghiệp”. Vì thế, dù chiến tranh tổn thất nặng nề nhưng chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là khép lại quá khứ, có thể từ đối thủ - đối đầu thành đối tác…
Cuối buổi tiếp, đại tá Roger thay mặt nhóm cựu sĩ quan, các phu nhân và đại tướng Ronald cảm ơn chủ nhà, những người từng là đối thủ.
Nguyễn Thế Tường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét