Hoàng Đăng Quang - Quảng Bình
Kính thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ở đây tôi xin tham gia 3 nhóm vấn đề như sau:
Thứ nhất, về tình hình phân giao kế hoạch năm 2012 và tác động của một số chính sách mới ban hành. Tôi cho rằng năm nay việc phân bổ vốn, đặc biệt là phân bổ vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia giao cho các địa phương còn rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ vốn và triển khai ở các địa phương. Nhiều công trình dự án chờ vốn thi công chậm, kéo dài, kém chất lượng, làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn. Vấn đề này đề nghị các bộ, ngành Trung ương rút kinh nghiệm để triển khai sớm hơn trong thời gian tới. Nhất là trong những lúc nền kinh tế đất nước đang còn khó khăn thì vấn đề phân giao, phân bổ vốn và giải ngân các nguồn vốn phải hết sức kịp thời.
Về tác động của một số chính sách mới ban hành. Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đã có những tín hiệu tích cực. Lạm phát tiếp tục giảm hơn kỳ vọng 7%-8%. Phải nói rằng đó là cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, công tác dự báo để ban hành một số chính sách còn thiếu kịp thời. Thí dụ, khi tình hình có nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn, giải thể, ngừng hoạt động, lẽ ra phải có chính sách mới ra đời để tháo gỡ ngay. Nhưng mãi đến đầu tháng 5 mới có Nghị quyết số 13 của Chính phủ và áp dụng gói giải pháp 29 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng việc ban hành Nghị quyết số 13 của Chính phủ là hết sức cần thiết, có tính đồng bộ và toàn diện. Nhưng việc ban hành nghị quyết có tác động của những chính sách đó đối với doanh nghiệp còn chậm trễ làm cho doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng lên rất nhiều so với cùng kỳ của năm trước.
Đối với những chính sách về miễn giản, giảm thuế cho doanh nghiệp. Phải nói rằng đây là những chính sách vừa qua là hết sức cần thiết. Nhưng tôi cho rằng đó mới chỉ là những giải pháp có tính chất nhất thời, có tính chất tình thế. Do đó, đề nghị phải hoạch định chính sách vĩ mô, phải có một lộ trình tương đối dài hạn, phải xem xét một cách toàn diện, bảo đảm tính cân đối. Việc thực hiện tính chất thắt chặt và chính sách kích thích tăng trưởng nhằm vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa bảo đảm sự tăng cường.
Vấn đề thứ hai, về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng ta biết rằng trong những tháng đầu năm là thời điểm có nhiều khó khăn và là thời điểm có mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm trước đây. Trong Quý I tăng trưởng ở mức 4%. Quý II dự báo tăng trưởng ở mức 4,5%. Nếu tính bình quân chung của hai quý thì đạt thấp. Điều này cho thấy sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế chậm. Báo hiệu sự suy giảm của nền kinh tế. Khả năng không đạt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra từ 6% đến 6,5%. Trong lúc đó, báo cáo đánh giá tốc độ tăng trưởng quý I đạt 4% cho rằng đó là mức tăng hợp lý. Tôi cho rằng, đánh giá như vậy là chưa thực sự sát với tình hình. Đề nghị xem lại vấn đề này.
Điều quan trọng hiện nay là phải duy trì được mức độ tăng trưởng không để nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi hệ lụy của việc khó tiếp cận nguồn vốn vay mặc dù lãi suất đã có giảm. Hiện nay sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn còn yếu, số lượng ngân hàng quá lớn. Về các giải pháp tôi cơ bản nhất trí với 6 nhóm giải pháp nêu trong báo cáo. Tôi đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo hướng dẫn triển khai sớm các chính sách nêu trong Nghị quyết số 13 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường. Tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo hướng dẫn triển khai 3 vấn đề như sau:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với mức giảm của lạm phát nhưng phải bảo đảm được tính ổn định của lãi suất và tăng khả năng vay vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần có nhóm chính sách giải quyết tiêu thụ các mặt hàng tồn kho cho doanh nghiệp, kích thích doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển.
Vấn đề thứ hai, ngân hàng nhà nước cần phải khẩn trương hướng dẫn cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp, có chính sách trả nợ thay đổi thời hạn lãi suất, có phương án xử lý nợ xấu, nợ cũ và cho vay nợ mới nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, khắc phục một tình trạng lãi suất giảm, ngân hàng thừa vốn, những doanh nghiệp không vay được vốn. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã đuối sức tự giác phá sản, giải thể. Đồng thời tôi cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ các phương án xử lý nợ của các ngân hàng thương mại để không để tiêu cực xảy ra.
Vấn đề thứ ba, các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết số 13 của Chính phủ tương đối đầy đủ và toàn diện, mở ra nhiều triển vọng cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất là việc triển khai thực hiện các giải pháp đó phải hết sức khẩn trương công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục là vấn đề đáng quan tâm. Đề nghị các bộ, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình cần phải sớm hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện ngay các giải pháp. Ví dụ xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ cũ, cho vay nợ mới, việc kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài cho một số đối tượng. Rút kinh nghiệm vừa qua việc hướng dẫn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2011 có một số nơi triển khai đang còn chậm.
Vấn đề thứ tư, về sản xuất nông nghiệp là một thế mạnh của nền kinh tế tuy nhiên hiện nay đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp. Trong phiên họp vừa qua Quốc hội đã tập trung thảo luận các giải pháp đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn tôi xin không phân tích thêm. Ở đây tôi đề nghị hai vấn đề:
Cùng với gói giải pháp hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, phải nói đây là sự chia sẻ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, bên cạnh đó tôi đề nghị Chính phủ dành riêng một gói giải pháp hỗ trợ cho nông dân, kích thích thị trường nông sản, hỗ trợ đầu vào, đầu ra sản xuất, ưu tiên lãi suất thấp cho chế biến nông, thủy, hải sản, có chính sách đối với hàng tồn kho là các mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo, đặc biệt quan tâm các vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, dịch bệnh và các doanh nghiệp, các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.
Giải pháp thứ hai, đề nghị tăng cường chỉ đạo các biện pháp huy động các nguồn vốn, ngoài nguồn vốn 2000 tỷ đồng nêu trong Nghị quyết 13 của Chính phủ để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay xây dựng nông thôn mới có một số tiêu chí thực hiện rất khó khăn, như xây dựng cơ sở hạ tầng nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, chúng ta sẽ không đạt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Nhân đây tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát điều chỉnh một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới để phù hợp với điều kiện của nông thôn Việt Nam hiện nay. Tôi xin hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét