Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

CẢM ƠN BẠN CŨ : ĐÌNH THẮNG - LAM GIANG

Thứ Hai, 30/04/2012, 07:40 (GMT+7)

Đừng để ký ức lụi tàn

TT - Bốn năm trước, cùng vài bạn bè, chúng tôi tìm đến Vực Quành, không phải với tư cách những du khách thưởng ngoạn, càng không phải với tư cách nhà báo.
Những người bạn làm du lịch đi tìm tác giả, người đã phục dựng ký ức miền đất lửa Quảng Bình bằng chính tiền túi của mình, để cố gắng hình dung công thức mà TS Ernst Sagemueller (Đức) - một chuyên gia về du lịch, trong các khóa huấn luyện của mình - luôn cho không gian Vực Quành là chuẩn mực của du lịch sinh thái - lịch sử...
Ông Nguyễn Xuân Liên (phải) giới thiệu với khách tham quan về nhà hầm giữ trẻ ở Vực Quành (ảnh chụp năm 2009) - Ảnh: Lam Giang

Nhưng tất cả đều lắc đầu. Bởi chuẩn mực đó rất khó với tới được. Lý do: tác giả, cựu chiến binh trên chiến trường Quảng Bình Nguyễn Xuân Liên, khi phục dựng những ký ức chiến tranh như một bảo tàng sinh động, với tâm nguyện “trả một phần món nợ với mảnh đất này và các đồng đội tôi đã nằm lại đây vĩnh viễn”, đã tạo tác nên một Vực Quành trên tinh thần vô-vụ-lợi...
Những doanh nghiệp du lịch đi cùng đã lắc đầu. Cái lắc đầu ngưỡng phục.
Khi ngồi lại cùng nhau, chúng tôi thử đi tìm câu trả lời, vì sao một người chưa kinh qua một khóa đào tạo nào lại có thể chuyên nghiệp đến thế khi đến với du lịch. Câu trả lời cuối cùng vẫn không khác: tấm lòng vô vụ lợi!
Vực Quành, những năm tháng đó trở thành một điểm đến, không phải chỉ với du khách, không phải chỉ với người Quảng Bình...
Nhiều đoàn làm phim truyện về chiến tranh chọn Vực Quành làm phim trường: không phải tốn tiền phục dựng bất kỳ một tiểu cảnh nào, lại hoàn toàn miễn phí, chưa kể được hỗ trợ tối đa từ chủ nhân của nó.
Nhiều đạo diễn ca nhạc chọn Vực Quành để quay ngoại cảnh vì thiên nhiên đẹp, sạch, có nhà tranh vách lá, có sông, suối, chim muông...
Nhiều đôi uyên ương chọn Vực Quành để chụp hình cưới. Nhiều thầy cô giáo đưa học sinh đến Vực Quành để học bài học lịch sử trực quan về chiến tranh. Nhiều đoàn sinh viên chọn Vực Quành để kiến tập, thực tập...
Chưa thấy ai trở về mà không vừa ý.
Tất cả đều không tốn một xu.
Dĩ nhiên, làm du lịch chuyên nghiệp phải cần một nguồn thu, chí ít cũng để trùng tu, tôn tạo, nuôi sống bộ máy cơ hữu. Và “cái chết” của Vực Quành sẽ đến như tất yếu, trên chính tinh thần vô vụ lợi của tác giả (“Khu du lịch Vực Quành đang lụi dần”,  Tuổi Trẻ 28-4)...
Song, nếu hiểu rằng những ký ức máu lửa một thời sẽ dần khô kiệt, chỉ còn trong các nhà bảo tàng khép kín và trên những trang giấy đôi khi vô hồn, thì việc gìn giữ cho Vực Quành sống sinh động là điều mà những nhà du lịch, những người làm lịch sử, những ai có trách nhiệm... phải thật sự quan tâm.
Khái niệm bảo tàng sống (living museum) ra đời ở châu Âu và đang được nhân bản trên khắp thế giới. Khái niệm “sống” (living) ở đây nôm na là chính cộng đồng góp sức vào, gìn giữ, tôn tạo, phát triển... “Lợi nhuận” cuối cùng chính là việc lưu giữ ký ức, lưu giữ văn hóa và lịch sử, tạo nên thương hiệu và chắc chắn sẽ có tác động đến kinh tế.
Nếu Vực Quành trở thành một bảo tàng sống, nếu Vực Quành được quan tâm chăm chút như một thực thể của lịch sử, của du lịch, chứ không phải chỉ là 12ha đất tư nhân (trong đó 3ha dành làm khu bảo tàng) của một cá nhân, chắc chắn sẽ không có “cái chết” tức tưởi đang được dự báo.
Vẫn chưa muộn, nếu thật sự chính quyền sở tại hoặc những người làm du lịch chuyên nghiệp bằng tình cảm thật sự của mình cộng đồng trách nhiệm với Vực Quành.
ĐÌNH THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét