Tuesday, June 05th, 2012 | Author: GS Nguyễn Đăng Hưng
Những bức thư của binh sĩ Mỹ tử trận
ở Việt Nam
Phan Lê (Vnexpress)
“Nếu cha gọi, mẹ hãy nói rằng con ở rất gần cái chết, nhưng con không sao. Con thực sự rất may mắn. Con sẽ viết thêm thư cho mẹ, sớm thôi”, trung sĩ Mỹ Steve Flaherty viết vội trước khi tử trận ở Việt Nam.Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trao những bức thư của trung sĩ Steve Flaherty cho người đồng cấp Mỹ Leon Panetta tại Hà Nội hôm qua.Lá thư xúc động ấy không bao giờ đến được với người mẹ của trung sĩ Steve Flaherty. Anh đã chết ở Việt Nam năm 1969 trước khi có thể gửi những lá thư mang theo người, trong đó có một bức dường như đang được viết đúng trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời. Những lá thư được quân đội Việt Nam tìm thấy sau khi Flaherty chết.
Những lá thư, mô tả sự thảm khốc và tình trạng mệt mỏi trong cuộc chiến, được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh chuyển cho người đồng cấp Mỹ Leon Panetta hôm 4/6. Phía Mỹ cũng trao lại cho Việt Nam cuốn nhật ký của chiến sĩ Vũ Đình Đoàn.
Những bức thư của trung sĩ Steve FlahertyĐây là lần đầu tiên hoạt động trao đổi kỷ vật chiến tranh chung như thế này được diễn ra. Những bức thư của Flaherty được đại tá quân đội Việt Nam Nguyễn Phú Đạt lưu giữ. Ông Đạt nhắc tới những bức thư này hồi tháng 8/2011.
Đầu năm nay, Robert Destatte, một nhân viên đã nghỉ hưu của Bộ Quốc phòng Mỹ và từng làm việc cho văn phòng tìm kiếm người Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam, biết được thông tin nói trên. Sau đó, Lầu Năm Góc bắt đầu làm việc để hướng tới việc giao lại các lá thư cho gia đình Flaherty.
Các quan chức quốc phòng Mỹ, chịu trách nhiệm nhận những lá thư được chuyển cho ông Panetta, cho hay có khoảng 3 tập gồm nhiều bức thư khác nhau, 4 trong số này là của Flaherty. Những trang viết của trung sĩ này sẽ được giao lại cho gia đình của anh tại bang Nam Carolina.
Chị dâu 73 tuổi của Flahery, bà Martha Gibbons, cho hay bà biết về sự tồn tại của những lá thư cách đây một tháng rưỡi. Gibbons kể rằng chồng của bà gặp Flaherty khi anh còn là một cậu bé 6 tuổi sống trong một trại trẻ mồ côi Nhật Bản. Chồng của Gibbons đã thuyết phục mẹ nhận nuôi đứa trẻ. Flaherty lớn dần và trở thành một thiếu niên khỏe mạnh. Thế rồi, anh bỏ học ở trường cao đẳng để gia nhập quân đội dù có một học bổng bóng chày.
Các bức thư của Trung sĩ Mỹ Steve Flaherty.Gia đình Flaherty biết rằng con em họ đã tới một cánh đồng, nghỉ ăn trưa hoặc viết những lá thư. “Nó chẳng bao giờ cho chúng tôi biết nó sợ hãi và hoảng loạn đến thế nào”, bà Gibbons nói. “Nó đã sống trong nguy hiểm. Chúng tôi biết điều đó thật tồi tệ. Chúng tôi chỉ không biết rằng sự tồi tệ đó như thế nào”.
Gibbons xúc động khi những lá thư của Flaherty được đưa về nước Mỹ. “Điều này tốt cho cả hai nước. Nó tốt cho tất cả những người lính đã nằm xuống cho cả hai bên”, bà Gibbons nói và cho biết thêm rằng gia đình bà sẽ đặt những lá thư bên cạnh những huân chương và lưu bút của Flaherty, cùng với lá quốc kỳ Mỹ.
“Tôi cảm thấy những viên đạn bay qua người”
Những ký ức về cuộc Chiến tranh Việt Nam đang phai mờ dần trong nhiều người Mỹ. Với một số người cuộc chiến này thậm chí chỉ còn tồn tại trong những cuốn sách giáo khoa. Nhưng nó lại trở nên sống động từ những trang viết của trung sĩ Flaherty. Những bức thư, được gửi cho người mẹ Lois và hai phụ nữ khác lần lượt là Wyatt và Betty, cho thấy những cảm xúc của Flaherty về nỗi sợ, và về cả sự quyết tâm.
Bộ trưởng Thanh nhận từ ông Panetta cuốn nhật ký của một bộ đội Việt Nam hi sinh trong chiến tranh.“Tôi cảm thấy những viên đạn bay qua người”, Flaherty viết cho Betty. “Tôi chưa từng sợ hãi như thế kể từ khi được sinh ra.”
“Chúng tôi chịu rất nhiều tổn thất và thiệt hại nhân mạng”, một lá thư khác của Flaherty có đoạn. “Chúng tôi kéo nhiều thi thể và cả người bị thương đến mức tôi khó có thể nhớ nổi”.
“Cảm ơn vì bức thiệp ngọt ngào. Nó khiến ngày khốn khổ của tôi khá hơn nhiều. Nhưng tôi không nghĩ rằng tôi sẽ quên cuộc chiến đẫm máu mà chúng tôi đang tham gia. … Súng phóng lựu và súng máy thực sự xé toạc balô của tôi.”
Một tấm ảnh được tìm thấy trong cuốn nhật ký của Vũ Đình Đoàn.Trong một lá thư khác cho mẹ, Flaherty một lần nữa bày tỏ rằng anh sẽ nghỉ ngơi. “Con chắc chắc sẽ nghỉ ngơi và thư giãn. Con không quan tâm là ở đâu, miễn là con có thể được nghỉ, con mong sớm được như thế lắm rồi. Con sẽ cho mẹ biết ngày cụ thể”.
Flaherty, 22 tuổi khi tử trận vào tháng 3/1969, đã được đưa về quê hương để yên nghỉ. Thành viên của Sư đoàn Dù 101 chết tại khu vực phía bắc của miền nam Việt Nam.
Cuốn nhật ký của Vũ Đình Đoàn.Flaherty chắc chắn đã được tận mắt chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt. “Trung đội của con lúc đầu có 35 người, nhưng rồi chỉ còn 19 người khi cuộc giao tranh kết thúc”, anh viết cho bà Lois. “Chúng con mất chỉ huy trung đội và nhiều đồng đội”.
Cuốn nhật ký nhỏ của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn cũng có một câu chuyện riêng. Nó được một lính thủy đánh bộ Mỹ có tên Robert “Ira” Frazure phát hiện trên người anh. Trong cuốn nhật ký có một tấm ảnh và một ít tiền. Frazure cầm lấy cuốn nhật ký và mang nó về Mỹ.
Một thành viên trong đoàn xem cuốn nhật ký của Vũ Đình ĐoànCuốn nhật ký bắt đầu được biết tới hồi đầu năm nay khi chị gái một người bạn của Frazure tiến hành tham khảo tư liệu cho một cuốn sách. Frazure đã nhờ người này trả lại cuốn nhật ký. Bà Marge Scooter mang cuốn nhật ký tới chương trình truyền hình “History Detectives” của kênh PBS. Chương trình này sau đó nhờ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ giúp trao trả cuốn nhật ký.
Phan Lê (Vnexpress)
http://www.ndanghung.com/bai-viet/2012/06/05/%E2%80%9Cdieu-nay-tot-cho-ca-hai-nuoc-no-tot-cho-tat-ca-nhung-nguoi-linh-da-nam-xuong-cho-ca-hai-ben%E2%80%9D.html/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét