Hồi mới vô Quảng Bình, mình cũng cùng bà con sống bằng nguồn nước của những giếng làng khá đặc biệt. Nước giếng làng là nguồn cung cấp nước chính cho cư dân trong làng, vì hồi ấy không đào giếng, khoan giếng ở mọi nhà như ngày nay.
Mình còn nhớ ba cái giếng làng như vậy :
1/ Ở xã Lộc Ninh, khi ấy thuộc huyện Quảng Ninh, giếng nằm cuối soi ruộng giữa hai thôn Phú Xá và Hữu Cung. Giếng này, không sâu, nước chảy tràn bờ, dân làng đặt một ống bi bằng xi măng đường kính khoảng 1 mét lên miệng làm thành/bờ giếng.Vào mùa mưa, nước trong giếng cao hơn mặt đất ngoài thành giếng. Giếng này là nguồn nước sinh hoạt của các xóm kế cận.
2/ Ở xã Lý Ninh, khi ấy thuộc huyện Quảng Ninh, giếng nằm ở một vị trí cao hơn mặt đất xung quanh giữa xóm Re A và Re B. Giếng này là giếng đất (giống như các giếng làng ở đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa), mặt giếng rộng, thoạt nhìn ta thấy như một cái ao nhỏ, cỏ mọc vòng quanh, không có thành/bờ giếng bao quanh . Không thể dùng gầu có dây kéo để múc nước như ở các giếng khác, muốn múc nước lên, phải dùng mo, đài (không phải gàu tròn đáy bằng như ta thường thấy) buộc bằng một đoạn dây (thừng, chạc trìu) vào đầu đòn gánh hoặc một đoạn cây như cần câu để múc nước. Đặc biệt giếng ở vị trí cao hơn xung quanh nhưng không bao giờ cạn ngay cả trong mùa khô. Hồi ấy, trường Y sĩ có đào giếng ở nhà bếp tập thể, nhưng nước không nấu ăn được. Nước nấu ăn và uống vẫn phải gánh về từ giếng này.
3/Ở dốc Lộc Đại, xã Lộc Ninh khi ấy thuộc huyện Quảng Ninh. Giếng nằm trong khuôn viên trường Y sĩ (trước đó là trường Sơ cấp Sư Phạm), giếng được xây thành dày 20cm, lát nền bằng gạch với đường kính lớn tới 2 mét. Giếng này cung cấp đủ nước cho nhà bếp tập thể của trường nấu ăn cho 300 người và bà con xung quanh.
Đây cũng là những ký ức không quên về đất Ô Châu của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét