Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013
Mọi điều bạn tưởng bạn biết về sự sụp đổ của Liên Xô là sai lầm
Mọi điều bạn tưởng bạn biết về sự sụp đổ của Liên Xô là sai lầm
Đăng bởi BTV VAOL vào Thứ tư, ngày 07 tháng tám năm 2013
(Và vì sao việc này trở nên quan trọng trong một thời đại cách mạng như hiện nay)
Theo ý kiến của vị thủ tướng của Gorbachev, ông Nikolai Ryzhkov, “tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng “hãi hùng nhất”: [Chúng ta] ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra — từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.
Mọi cuộc cách mạng đều tạo ra kinh ngạc. Tuy vậy, cuộc Cách mạng Nga gần đây nhất phải được kể là một trong những kinh ngạc lớn nhất. Trong những năm trước 1991, gần như không một chuyên gia, học giả, viên chức chính quyền, hay chính trị gia phương Tây nào thấy trước được sự sụp đổ sắp xảy ra của Liên Xô, và kéo theo nó một chế độ độc tài độc đảng, một nền kinh tế do nhà nước làm chủ, và cả sự kiểm soát của Điện Cẩm Linh đối với đế quốc Liên Xô và Đông Âu. Với một ngoại lệ duy nhất, tất cả những nhà bất đồng chính kiến Xô viết cũng như chính những nhà cách mạng tương lai — nếu ta xét qua hồi ký của họ – cũng không tiên đoán được sự kiện này. Khi Mikhail Gorbachev trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản vào tháng Ba năm 1985, không một nhân vật đồng thời nào của ông dự kiến một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến cách mạng. Mặc dù người ta không đồng ý nhau về tầm mức nghiêm trọng của những vấn đề nội tại trong chế độ Xô Viết, nhưng không ai coi những vấn đề này là đang đe dọa sinh mệnh của chế độ, chí ít trong tương lai gần.
Vậy, do đâu mà có sự thiển cận đều khắp lạ lùng đến thế? Việc các chuyên gia phương Tây không tiên liệu được sự sụp đổ của Liên Xô một phần là do sử quan xét lại (historical revisionism) — tạm gọi là khuynh hướng bài chủ nghĩa chống cộng (anti-anti-communism) — một khuynh hướng phóng đại sự ổn định và tính chính danh của chế độ Xô viết. Tuy nhiên, một số nhân vật khác vốn không được coi là mềm dẻo đối với chế độ cộng sản cũng không kém kinh ngạc trước sự cáo chung của chế độ này. Một trong những người thiết kế chiến lược Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh, ông George Kennan, viết rằng, trong khi nhìn lại toàn bộ “lịch sử các sự vụ quốc tế trong thời hiện đại”, ông nhận thấy rằng “thật khó nghĩ ra một biến cố nào lạ lùng, đáng kinh ngạc, và mới thoạt nhìn không thể giải thích nỗi, hơn sự tan biến đột ngột và toàn bộ…của đại cường mệnh danh kế tục nhau là Đế quốc Nga rồi đến Liên Xô”. Richard Pipes, có lẽ là sử gia Mỹ hàng đầu về nước Nga và cũng là một cố vấn của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cho rằng cuộc cách mạng gần đây của Nga là “bất ngờ”. Một tuyển tập gồm các bài tiểu luận viết về sự cáo chung của Liên Xô trong một số báo đặc biệt năm 1993 của tạp chí bảo thủ National Interest (Lợi ích Quốc gia) có tựa đề là “Cái chết lạ lùng của chủ nghĩa Cộng sản Xô viết”.
Nếu có thể hiểu được dễ dàng hơn, thì sự thiếu phán đoán mang tính tập thể này có thể đã được an toàn xếp vào một hồ sơ trí tuệ gồm những điều kỳ lạ và phù phiếm của khoa học xã hội rồi bị lãng quên. Tuy nhiên, thậm chí ngày nay, với khoảng cách 20 năm, giả thuyết cho rằng Liên Xô vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong tình trạng lúc đó hay bất quá cuối cùng nó sẽ bắt đầu một cuộc suy tàn kéo dài khá lâu, có vẻ là một kết luận không kém phần hợp lý.
Thật vậy, vào năm 1985 Liên Xô gần như vẫn có đủ nguồn lực thiên nhiên và nhân sự của 10 năm về trước. Chắc chắn là, mức sống tại đây còn thấp hơn tại Đông Âu khá xa, nói chi đến phương Tây. Tình trạng thiếu hụt hàng hoá, hạn chế lương thực, những hàng người dài trước các quầy hàng, và nạn nghèo khổ khắc nghiệt diễn ra đều khắp xã hội. Nhưng Liên Xô đã từng trải qua nhiều đại họa to lớn hơn thế và đã có thể đối phó mà không hề mất một mảy may quyền kiểm soát của nhà nước đối với xã hội và nền kinh tế, lại càng không hề từ bỏ quyền lực này.
Không có một thước đo thành tích kinh tế chủ yếu nào trước năm 1985 cho thấy một thảm họa đang lù lù xốc tới. Từ năm 1981 đến năm 1985 mức tăng trưởng GDP của Liên Xô, mặc dù có chậm lại so với thập niên 1960 và thập niên 1970, nhưng cũng đạt được 1,9% một năm. Chính cùng một mô hình dù suy yếu nhưng không đến nỗi thảm khốc này còn kéo dài cho đến hết năm 1989. Nạn thiếu hụt ngân sách, một yếu tố kể từ thời Cách mạng Pháp được coi là tín hiệu quan trọng cho một cuộc khủng hoảng có thể đưa đến cách mạng, chưa lên tới 2% GDP vào năm 1985. Mặc dù có gia tăng nhanh chóng, nạn thâm thủng ngân sách vẫn ở dưới mức 9% GDP cho đến hết năm 1989 — một con số mà hầu hết các nhà kinh tế cho là hoàn toàn có thể xoay trở được (manageable).
Giá dầu lửa rơi cực nhanh, từ 66 đôla một thùng năm 1980 xuống 20 đôla một thùng năm 1986 (trong số 2000 giá cả) chắc chắn là một đòn nặng nề đánh vào tài chính Xô-viết. Tuy vậy, nếu điều chỉnh theo nạn lạm phát, thì vào năm 1985 giá dầu lửa trên thị trường thế giới vẫn cao hơn năm 1972, và chỉ thấp hơn toàn thập niên 1970 một phần ba mà thôi. Nhưng đồng thời, mức thu nhập của người dân Xô viết gia tăng hơn 2% vào năm 1985, và sau khi điều chỉnh lạm phát, đồng lương của họ còn tiếp tục gia tăng trong 5 năm liền cho đến hết năm 1990 ở mức độ trung bình trên 7% mỗi năm.
Vâng, tình trạng đình đốn kinh tế của Liên Xô là hiển nhiên và đáng lo ngại. Nhưng như giáo sư Đại học Wesleyan, ông Peter Rutland, đã chỉ rõ, “Dẫu sao, những chứng bệnh kinh niên của Liên Xô không nhất thiết đe dọa sinh mệnh của nước này”. Ngay cả nhà nghiên cứu hàng đầu về các nguyên nhân kinh tế của cuộc cách mạng này, ông Anders Aslund, cũng ghi nhận rằng từ năm 1985 đến năm 1987, tình hình “là không mảy may sôi động”.
Từ quan điểm của chính quyền, tình hình chính trị lúc bấy giờ thậm chí ít đáng lo ngại hơn trước. Sau 20 năm liên tục đàn áp đối lập chính trị, gần như tất cả những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đã bị cầm tù, lưu đày (như trường hợp Andrei Sakharov từ năm 1980), buộc phải ra sống ở nước ngoài, hay chết trong các trại cải tạo và nhà giam.
Cũng gần như không có bất cứ một dấu hiệu nào khác báo trước một cuộc khủng hoảng tiền cách mạng (pre-revolutionary crisis), kể cả một nguyên nhân truyền thống thường được coi là có thể dẫn đến sự suy sụp của một quốc gia – đó là sức ép từ bên ngoài. Trái lại, thập niên trước đó được các học giả đánh giá đúng đắn là thời kỳ Liên Xô “đã thực hiện được tất cả những tham vọng quân sự và ngoại giao quan trọng”, như nhà sử học và ngoại giao Mỹ, ông Stephen Sestanovich, đã viết. Tất nhiên, lúc bấy giờ Afghanistan ngày càng cỏ vẻ là một cuộc chiến lâu dài, nhưng đối với một quân lực gồm 5 triệu binh sĩ như của Liên Xô, sự thiệt hại tại đó là không đáng kể. Thật vậy, mặc dù gánh nặng tài chính khổng lồ do việc duy trì một đế quốc về sau trở thành một vấn đề chính trong các cuộc tranh luận sau năm 1987, nhưng bản thân những chi phí cho cuộc chiến Afghanistan không làm cho quốc gia kiệt quệ: Được ước tính vào khoảng 4 đến 5 tỉ đôla vào năm 1985, đó là một phần không đáng kể trong tổng sản lượng nội địa (GDP) của Liên Xô.
Hoa Kỳ cũng không phải là một lực tác động cho cuộc cách mạng. “Học thuyết Reagan” bao gồm nỗ lực chống lại và, nếu có thể, đảo ngược những bước tiến của Liên Xô trong Thế giới Thứ ba quả có tạo được sức ép chung quanh đế quốc này, ở những nơi như Afghanistan, Angola, Nicaragua, và Ethiopia. Tuy nhiên, những khó khăn của Liên Xô ở đó cũng chẳng có gì nghiêm trọng để trở thành một nguy cơ cho chế độ.
Trong một màn giáo đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang có tiềm năng gây ra nhiều tốn kém cho đối phương, Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược [hay lá chắn nguyên tử] do Reagan đưa ra thực sự có ý nghĩa nghiêm trọng – nhưng đề xuất này không hề báo hiệu một sự thất bại quân sự cho Liên Xô, vì Điện Cẩm Linh biết chắc rằng việc triển khai hữu hiệu hệ thống phòng thủ không gian của Mỹ cũng mất vài thập kỷ nữa mới thực hiện được. Tương tự như thế, mặc dù cuộc nổi dậy chống cộng sản bất bạo động của công nhân Ba Lan là một tình hình rất bức xúc cho giới lãnh đạo Xô viết, làm nổi bật sự mong manh của đế quốc của họ tại châu Âu, nhưng vào năm 1985 Phong trào Đoàn kết (Soliditary) tỏ ra đã kiệt lực. Liên Xô hình như thích nghi được với việc tung ra các “đợt bình định” đẩm máu cứ 12 năm một lần – Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, và Ba Lan năm 1980 — bất chấp dư luận thế giới.
Nói thế khác, đây là một Liên Xô đang ở trên đỉnh cao quyền lực và thanh thế toàn cầu của mình, theo quan điểm của chính nó lẫn quan điểm của thế giới còn lại. Sau này, sử gia Adam Ulam đã nhận xét “Chúng ta thường quên rằng vào năm 1985, không một chính phủ của một quốc gia quan trọng nào tỏ ra có quyền lực vững chắc và có đường lối chính sách rõ ràng như chính quyền Liên bang Sô viết”.
Hẵn nhiên, có nhiều lý do thuộc về cơ chế — kinh tế, chính trị, xã hội – cho biết tại sao Liên Xô phải sụp đổ như nó đã sụp đổ; tuy nhiên, những lý do này không thể giải thích đầy đủ biến cố này diễn ra như thế nào và diễn ra khi nào. Nghĩa là, làm sao trong một thời gian từ năm 1985 đến năm 1989, trong lúc không gặp phải những tình trạng tồi tệ gay gắt về kinh tế, chính trị, dân số, và các vấn đề cơ chế khác, mà nhà nước và hệ thống kinh tế Xô viết bỗng dưng bị một quần chúng đủ đông đảo coi là ô nhục, thiếu tính chính danh, và hết chịu nỗi để phải sụp đổ?
Gần như hầu hết mọi cuộc cách mạng hiện đại, cuộc cách mạng Nga gần đây nhất được khởi động bằng một tiến trình tự do hóa khá do dự “từ trên xuống” – và lý do căn bản của nó vượt quá nhu cầu sửa sai nền kinh tế hoặc làm cho môi trường quốc tế tốt đẹp hơn. Cái cốt lỏi trong sáng kiến của Gorbachev là rất lý tưởng, đó là điều không thể chối cãi: Ông muốn xây dựng một Liên Xô có đạo lý hơn.
Vì mặc dù chiêu bài đưa ra là cải thiện kinh tế, nhưng rõ ràng là Gorbachev và những người ủng hộ ông trước hết muốn sửa chữa những sai lầm đạo lý hơn là sai lầm kinh tế. Hầu hết những điều họ tuyên bố công khai trong những ngày đầu của chương trình tái cơ cấu (perestroika), bây giờ nhìn lại, có vẻ chỉ là một cách biểu lộ nỗi khổ tâm của họ về sự suy đồi tinh thần và những hệ quả xói mòn đạo lý của thời đại Xít-ta-lin. Đó là bước khởi đầu của một sự liều lĩnh đi tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn nạn to lớn mà mọi cuộc cách mạng vĩ đại thường bắt đầu: Thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, hợp với nhân phẩm? Cái gì tạo ra một trật tự kinh tế và xã hội công chính? Một nhà nước chính danh và đàng hoàng là như thế nào? Quan hệ của một nhà nước ấy với xã hội dân sự phải như thế nào?
“Một không khí đạo lý mới mẻ đang thành hình trên đất nước ta”, Gorbachev đã nói như thế trước Ủy ban Trung ương Đảng trong phiên họp tháng Giêng 1987, nơi ông tuyên bố rằng glasnost (chủ trương cởi mở) và tự do hóa sẽ làm nền tảng cho perestroika (chủ trương tái cơ cấu) xã hội Xô-viết của ông. “Việc thẩm định lại các giá trị và xét lại chúng một cách sáng tạo đang được tiến thành”. Sau này, khi nhắc lại cảm tưởng của ông rằng “chúng ta không thể tiếp tục như thế thêm nữa, và chúng ta phải triệt để thay đổi lối sống, dứt khoát với những sai trái trong quá khứ”, ông gọi đó là “lập trường đạo lý” của ông.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 1989, “người cha đỡ đầu của glasnost”, ông Aleksandr Yakovlev, nhớ lại rằng, vào lúc trở về Liên Xô sau 10 năm làm đại sứ tại Canada, ông cảm thấy đã đến lúc người dân phải tuyên bố, “Đủ lắm rồi! Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm nữa. Mọi việc phải được thực hiện theo một đường lối mới. Chúng ta phải xét lại tư duy, đường lối, quan điểm về quá khứ và tương lai của chúng ta…Một sự đồng thuận ngấm ngầm: giản dị là, chúng ta không thể tiếp tục sống như chúng ta đã sống trước đây — một cách nhục nhã, ngoài mức chịu đựng”.
Theo ý kiến của vị thủ tướng của Gorbachev, ông Nikolai Ryzhkov, “tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng “hãi hùng nhất”:
[Chúng ta] ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra — từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.
Một thành viên khác trong nhóm thân cận sơ khởi và rất ít ỏi của Gorbachev gồm những nhân vật chủ trương tự do, Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, cũng khổ tâm không kém vì tình trạng thiếu luật lệ và tham nhũng đều khắp. Ông nhớ lại đã nói với Gorbachev vào mùa đông 1984-1985: “Mọi thứ đã thối nát. Phải thay đổi thôi”.
Trở lại thập niên 1950, một vị tiền nhiệm của Gorbachev, ông Nikita Khrushchev, đã lần đầu thấy rõ sự mong manh của cái nền tảng của ngôi nhà mà Stalin đã xây lên trên sự khủng bố và dối trá. Nhưng thế hệ thứ năm này của giới lãnh đạo Xô-viết cảm thấy tin tưởng hơn về sức bật của chế độ. Gorbachev và các đồng chí của ông tỏ ra tin tưởng rằng những điều đúng cũng là những điều có thể quản lý được dễ dàng về mặt chính trị (politically manageable). Gorbachev tuyên bố rằng chủ trương dân chủ hóa “không phải là một khẩu hiệu nhưng là tinh túy của perestroika”. Nhiều năm về sau, ông đã trả lời phỏng vấn như sau:
Mô hình Xô-viết không những bị đánh bại trên bình diện kinh tế và xã hội; nó bị đánh bại ngay trên bình diện văn hóa. Xã hội chúng ta, nhân dân chúng ta, những người có học vấn nhất, những người có trí thức nhất, đã bác bỏ mô hình ấy trên bình diện văn hóa vì nó không tôn trọng con người, nó đàn áp con người về mặt tinh thần lẫn chính trị.
Sự thể những cải tổ đã đưa đến cuộc cách mạng năm 1989 phần lớn cũng phát xuất từ một nguyên nhân “lý tưởng” khác: bản thân Gorbachev rất ghét bạo động và, vì thế, ông cương quyết không sử dụng việc áp bức quần chúng (mass coercion) khi tầm mức của các biến chuyển bắt đầu vượt quá ý định ban đầu của ông. Triển khai các lực lượng đàn áp kiểu Xít-ta-lin cho dù để “duy trì chế độ” cũng sẽ là một hành động phản lại niềm tin tưởng son sắt nhất của ông. Một chứng nhân nhớ lại Gorbachev đã nói vào cuối thập niên 1980, “Chúng ta được dạy là chúng ta phải đấm bàn”, rồi ông nắm tay lại, minh họa cú đấm. Viên tổng bí thư phát biểu tiếp: “Nói chung, việc này có thể thực hiện. Nhưng chúng tôi không thích làm như vậy”.
Vai trò của tư duy và lý tưởng trong việc mang lại cuộc cách mạng Nga xuất hiện rõ nét hơn khi chúng ta nhìn vào những diễn biến bên ngoài Điện Cẩm Linh. Một ký giả Xô-viết hàng đầu và về sau trở thành một tiếng nói nhiệt tình đối với chủ trương glasnost, ông Aleksandr Bovin, đã viết vào năm 1988 rằng những lý tưởng của perestroika đã “chín muồi” giữa lúc nhân dân ngày càng “bức xúc” trước nạn tham nhũng, ăn cắp của công trắng trợn, trước những láo khoét, và những cản trở chặn đứng việc làm của người lương thiện. Những dự kiến “về một cuộc đổi thay có thực chất đang bàng bạc trong không gian”, một chứng nhân khác nhớ lại, và những người mang kỳ vọng này đã tạo nên một khối cử tri rõ nét (appreciable constituency) đang đòi hỏi những cải tổ triệt để. Thật vậy, những kỳ vọng đã đón chào Gorbachev khi ông lên cầm cầm quyền là rất mãnh liệt và ngày càng gia tăng đến độ chúng có thể định hình cho chính sách thực sự của ông. Đột nhiên, chính các tư duy đã trở nên một yếu tố có cấu trúc, có thực thể trong cuộc cách mạng đang diễn ra.
Theo cách nói của Yakovlev, cái uy tín của ý thức hệ chính thống, vốn ràng rịt toàn bộ hệ thống chính trị và kinh tế của chế độ Xô-viết “như những niền thép”, đang rã rệu nhanh chóng. Nhận thức mới đã giúp người dân thay đổi thái độ đối với chế độ và tạo ra “một chuyển biến trong hệ thống các giá trị”. Dần dần, tính chính đáng của các sắp xếp chính trị [cơ chế chính trị] bắt đầu bị chất vấn. Trong một trường hợp điển hình của “định lý Thomas” bất hủ mà [nhà xã hội học] Robert K. Merton xây dựng thành lý thuyết – “Nếu người ta tin rằng một tình thế là có thực, thì tình thế đó sẽ trở thành hiện thực trong hậu quả của nó”– sự suy đồi thực sự của nền kinh tế Xô-viết chỉ mang lại hậu quả nghiêm trọng sau khi và bởi vì có một chuyển biến cơ bản trong cách người dân cảm nhận và đánh giá thành tích của chế độ.
Viết cho một tạp chí Xô-viết năm 1987, một độc giả Nga gọi những gì ông chứng kiến chung quanh ông là một “sự dứt khoát triệt để trong ý thức của người dân”. Chúng ta biết độc giả này nhận xét đúng vì cuộc cách mạng của Nga là cuộc cách mạng vĩ đại đầu tiên mà tiến trình của nó được vẽ thành biểu đồ trong các cuộc thăm dò dư luận quần chúng ngay từ đầu. Vào cuối năm 1989, cuộc thăm dò dư luận tiêu biểu đầu tiên đã cho thấy dân chúng nhiệt liệt ủng hộ các cuộc tuyển cử có tính cạnh tranh và việc hợp pháp hóa các đảng phái ngoài Đảng Cộng sản Xô-viết – sau bốn thế hệ dưới chế độ độc tài độc đảng và trong lúc các đảng phái độc lập vẫn còn bất hợp pháp. Giữa thập niên 1990, hơn nửa số người được thăm dò trong một vùng nước Nga đồng ý rằng “một nền kinh tế lành mạnh” có khả năng phát triển nhanh hơn “nếu chính phủ cho phép tư nhân làm ăn theo ý họ muốn”. Sáu tháng sau, một cuộc thăm dò trên toàn nước Nga cho thấy 56% hậu thuẫn một cuộc chuyển đổi nhanh chóng hay tuần tự sang một nền kinh tế thị trường. Thêm một năm sau thì số người ủng hộ kinh tế thị trường tăng đến tỉ lệ 64%.
Những người đã gieo vào xã hội “chuyển biến ngoạn mục về ý thức” không ai khác hơn là những kẻ đã từng châm ngòi cho các cuộc cách mạng tiêu biểu khác của thời hiện đại: đó là, các nhà văn, nhà báo, và giới nghệ sĩ. Như Alexis de Tocqueville nhận xét, những con người này “giúp tạo ra một ý thức chung về sự bất mãn như vậy, một công luận được kiên định như vậy, rồi hai yếu tố này … lại tạo ra những đòi hỏi hữu hiệu cho các chuyển biến có tính cách mạng”. Đột nhiên, “toàn bộ việc giáo dục” trên cả nước trở thành “công tác của những người cầm bút”.
Tại Nga Xô cũng vậy. Những hàng người dài trước các sạp báo – đôi khi các đám đông phải xếp hàng quanh một khu phố từ lúc 6 giờ sáng, vì lượng báo ra hàng ngày thường bán sạch chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ — và số người đặt mua ngày càng đông các báo nổi tiếng có chủ trương tự do đã chứng minh sức công phá của những nhà bình luận nổi tiếng thuộc khuynh hướng glasnost, hay xin mượn cụm từ của Samuel Johnson, “những bậc thầy truyền giảng chân lý” (teachers of truth): kinh tế gia Mikolai Shmelyov; các triết gia chính trị như Igor Klyamkin và Alexandr Tsypko; các tiểu luận gia như Vasily Selyunin, Yuri Chernichenko, Igor Vinogradov, and Ales Adamovich; các ký giả Yegor Yakovlev, Len Karpinsky, Fedor Burlatsky, và chí ít trên hai chục nhà văn nữa.
Đối với họ, việc phục sinh đạo lý là thiết yếu. Điều này có nghĩa là không những chỉ rà soát lại các hệ thống chính trị và kinh tế Xô-viết, không những chỉ lật ngược các qui phạm xã hội (social norms), mà còn là một cuộc cách mạng trên bình diện cá nhân: một sự thay đổi trong nhân cách của người dân Nga. Như Mikhail Antonov tuyên bố trong một tiểu luận rất sáng tạo năm 1987, với tiêu đề “Vậy thì việc gì đang đến với chúng ta?” trên tạp chí Oktyabr, phải “cứu” lấy nhân dân – không phải để họ thoát khỏi các mối nguy từ bên ngoài, nhưng “chủ yếu để họ thoát khỏi chính mình, thoát khỏi các tiến trình phi luân đang giết chết những phẩm chất cao quí nhất của con người”. Cứu nhân dân bằng cách nào? Bằng cách làm cho tiến trình dân chủ hóa còn sơ sinh trở thành con đường định mệnh, không thể đảo ngược – không phải bằng “một đợt băng tan” ngắn ngủi của Khrushchev, nhưng bằng một cuộc thay đổi khí hậu. Và việc gì sẽ đảm bảo cho tình hình không thể đảo ngược này? Trên hết, đó là sự xuất hiện của con người tự do, một con người “không bị lây nhiễm trước các sự kiện lặp đi lặp lại của chế độ nô lệ tinh thần”. Tuần báo Ogoniok, một tạp chí quan trọng thuộc chủ trương glasnost, đã viết vào tháng Hai năm 1989 rằng chỉ có “con người không có khả năng làm chỉ điểm cho công an, không có khả năng phản bội và láo khoét, bất luận nhân danh ai hay tổ chức nào, mới có thể cứu chúng ta khỏi sự xuất hiện trở lại của một nhà nước độc tài”.
Lối lý luận vòng vo này — để cứu nhân dân, người ta phải cứu lấy perestroika, nhưng người ta chỉ cứu được perestroika nếu có thể thay đổi đựợc con người “từ bên trong” — gần như không hề làm cho ai khó chịu. Những người phát biểu tư duy về những vấn đề này gần như đã cho rằng việc cứu nước bằng chủ trương perestroika và việc kéo người dân khỏi bãi sình lầy tinh thần là hai nỗ lực đan kết chặt chẽ, có lẽ không thể tách rời nhau, và họ dừng lại ở đó. Vấn đề quan trọng là phải đưa nhân dân trở về “địa vị công dân” từ vị trí “nông nô” và “nô lệ”. “Đủ lắm rồi!” là một lời tuyên bố của Boris Vasiliev, tác giả của một tiểu thuyết bán rất chạy trong giai đoạn này về Thế chiến II, một cuốn truyện được đóng thành phim và được khán giả yêu chuộng không kém. Ông nói: “Đủ lắm rồi những láo khoét, đủ lắm rồi tinh thần nô lệ, đủ lắm rồi sự hèn nhác. Sau cùng, chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều là công dân. Những công dân tự hào của một đất nước tự hào!”
Nhìn kỹ vào những nguyên nhân của Cách mạng Pháp, de Tocqueville có nhận xét nổi tiếng rằng, các chế độ bị cách mạng lật đổ thường thường ít áp bức dân chúng hơn các chế độ trước đó. Tại sao? Vì, theo suy đoán của de Tocquevile, mặc dù người dân “có thể ít khổ sở hơn”, nhưng họ lại “cảm thấy bị xúc phạm nhiều hơn”.
Thông thường, Tocqueville có khuynh hướng bàn về những điều tối quan trọng. Từ Những Người cha lập quốc trong Cách mạng Mỹ (the Founding Fathers), đến nhóm Jacobins của Cách mạng Pháp và nhóm Bôn-sê-vich trong Cách mạng Nga, những nhà cách mạng này đã chiến đấu chủ yếu dưới một bóng cờ: phát huy nhân phẩm. Chính vì nỗ lực tìm kiếm nhân phẩm xuyên qua quyền tự do và quyền công dân mà khuynh hướng lật đổ chính quyền trong tinh thần glasnost vẫn còn tồn tại – và sẽ còn tồn tại. Cũng như trước đây những trang báo của tờ Ogoniok và tờ Moskovskie Novosti nằm hãnh diện bên cạnh hình ảnh Boris Yeltsin trên chiếc xe tăng như là các biểu tượng của cuộc mạng Nga gần đây, ngày nay những trang mạng bằng tiếng Á-rập cũng hiên ngang làm biểu tượng cách mạng bên cạnh những hình ảnh các đám đông nổi dậy tại Quảng trường Tahrir của Cairo, tại Khu Casbah của Tunis [Tunisia], trên các đường phố của Benghazi [Lybia], và các thành phố sôi sục bạo động của Syria. Gác các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa chính trị qua một bên, các thông điệp và cảm thức mà những cuộc cách mạng này gợi lên là rất giống nhau.
Mohamed Bouazizi, một thanh niên bán hoa trái, mà cuộc tự thiêu của anh đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy tại Tunisia khởi đầu cho Mùa Xuân Á Rập 2011, đã tự tử “không phải vì anh ta thất nghiệp nhưng vì khi anh đến nói chuyện với [chính quyền địa phương] có trách nhiệm về vấn đề của anh thì bị đánh đập – cái chết này là để tố cáo chính phủ”, một người biểu tình tại Tunis đã nói với một nhà báo Mỹ như thế. Tại Benghazi, cuộc nổi dậy của người Lybia bắt đầu với việc các đám đông hô vang khẩu hiệu, “Nhân dân muốn chấm dứt tham nhũng!”. Tại Ai Cập, các đám đông đã “biểu lộ tinh thần tự cường của một dân tộc bị đàn áp quá lâu đã đến lúc không còn biết sợ hãi nữa, không muốn để cho giới lãnh đạo của mình tiếp tục tướt đoạt tự do và chà đạp nhân phẩm”, cây viết chuyên đề của tờ New York Times, ông Thomas Friedman, đã tường thuật từ Cairo vào tháng Hai năm nay. [Nếu có mặt ở hiện trường], ông cũng có thể đã tường thuật như thế từ Mát-xkơ-va năm 1991.
“Nhâm phẩm có ưu tiên hơn bánh mì!” là khẩu hiệu của cách mạng Tuy-ni-di. Kinh tế Tuy-ni-di đã gia tăng trong khoảng 2 và 8 phần trăm một năm trong hai thập kỷ liền trước cuộc nổi dậy. Với giá dầu lửa ở mức cao, cũng đang phát triển kinh tế khá mạnh ngay trước khi có cuộc nổi dậy. Cả hai trường hợp này nhắc nhở chúng ta rằng trong thế giới hiện nay, tiến bộ về mặt kinh tế không thể thay thế cho niềm tự hào và tự trọng trong tư cách công dân. Nếu chúng ta không nhớ kỹ điều này, chúng ta sẽ tiếp tục kinh ngạc — trước “các cuộc cách mạng màu” trong thế giới hậu-Xô viết, trước Mùa Xuân Á Rập, và không chóng thì chầy trước một biến động dân chủ tất yếu tại Trung Quốc – như chúng ta từng kinh ngạc trước cuộc cách mạng tại Nga Xô. “Thượng Đế đã ban cho chúng ta một ý thức mãnh liệt về nhân phẩm khiến chúng ta không thể chấp nhận sự khước từ các quyền tự do và các quyền bất khả xâm phạm, bất chấp cả quyền lợi có thực hay giả tưởng nào mà các chế độ độc tài "ổn định’ có thể mang lại”, tổng thống của nước Kyrgyzstan, ông Roza Otunbayeva, đã viết vào tháng Ba năm nay. “Thật là kỳ diệu khi người dân, nam, phụ, lão, ấu, thuộc nhiều tôn giáo và khuynh hướng chính trị khác nhau, qui tụ trong các quảng trường thành phố và tuyên bố ‘chúng tôi đã bưa lắm rồi’ (enough is enough)”.
Hẳn nhiên, động lực đạo lý tuyệt vời, sự tìm kiếm chân và thiện, chỉ là một điều kiện cần nhưng không đủ để tái tạo một đất nước thành công. Nhân dân có thể đủ sức lật đổ chế độ cũ (ancien régime), nhưng không thể cùng một lúc khắc phục được nền văn hóa chính trị độc tài đã ăn sâu trên cả nước. Gốc rễ của các định chế dân chủ do những cuộc cách mạng có động cơ đạo lý có lẽ tỏ ra còn quá nông cạn, không thể giữ vững một nền dân chủ hữu hiệu trong một xã hội thiếu truyền thống quí giá là cơ sở hạ tầng biết tự tổ chức và biết tự trị. Đây là điều có thể gây trở ngại to lớn cho việc thực hiện những hứa hẹn của Mùa Xuân Á-rập – đã thấy ở Nga. Sự phục sinh đạo lý ở Nga đã bị trở ngại do sự phân hóa và ngờ vực mà 70 năm độc tài toàn trị sản sinh ra. Mặc dù Gorbachev và Yeltsin đã tháo dỡ một đế quốc, nhưng cái di sản của não trạng đế quốc trong hằng triệu người Nga đã khiến họ dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa tân độc tài của Putin (neo-authoritarian Putinism), với các chủ đề tuyên truyền to lớn như “sự bao vây của các thế lực thù nghịch” và “Nước Nga đứng dậy từ bước ngã quị”. Hơn thế nữa, bi kịch quốc gia to lớn (và tội lỗi quốc gia) mà chủ nghĩa Xit-ta-lin gây ra chưa bao giờ được tìm hiểu đầy đủ và chưa bao giờ được thống hối, vì vậy đã làm hỏng toàn bộ nỗ lực phục hồi đạo lý, đúng như các người rao giảng glasnost từng mạnh mẽ cảnh báo.
Đó là lý do nước Nga ngày nay một lần nữa đang từng bước tiến tới một thời điểm perestroika khác. Mặc dù những đợt cải tổ thị trường trong thập niên 1990 và giá dầu lửa tăng cao hiện nay đã kết hợp lại để tạo nên sự phồn vinh chưa từng có trong lịch sử cho hằng triệu người Nga, nhưng sự tham nhũng trắng trợn của tầng lớp cai trị ở chóp bu, chế độ kiểm duyệt kiểu mới, và việc công khai khinh thường dư luận đã tạo ra tình trạng bất mãn và yếm thế, một tình trạng đang bắt đầu lên tới (nếu không muốn nói đã thực sự vượt qua) mức độ của đầu thập niên 1980.
Người ta chỉ cần đến Mát-xcơ-va vài ngày để tiếp xúc với giới trí thức hiện nay hay, tốt hơn nữa, liếc qua các trang nhật ký mạng (blogs) trên LiveJournal (Zhivoy Zhurnal), diễn đàn Internet nổi tiếng nhất của Nga, hay qua các website của những nhóm trí thức đối lập và độc lập hàng đầu, là thấy được rằng câu châm ngôn của thập niên 1980 – “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm nữa!” đang trở thành tín điều một lần nữa. Lệnh truyền đạo lý của tinh thần tự do đang tái khẳng định chính nó, và hiện tượng này không chỉ diễn ra hạn hẹp trong các giới trí thức và những nhà hoạt động dân chủ. Tháng Hai năm nay, Viện Phát triển Đương đại (the Institute of Contemporary Development), một viện nghiên cứu chính sách tự do do Tổng thống Dmitry Medvedev làm chủ tịch, đã xuất bản một tài liệu có vẻ như là một chương trình vận động tranh cử tổng thống Nga năm 2012:
Trong quá khứ nước Nga cần tự do để sống [tốt đẹp hơn]; hiện nay nước Nga cần tự do để sống còn… Thách thức của thời đại chúng ta là làm sao để rà soát lại hệ thống giá trị, hun đúc một ý thức mới. Chúng ta không thể xây dựng một đất nước hiện đại với tư duy cũ…Đầu tư tốt đẹp nhất [mà nhà nước có thể dành cho con người] là Tự do và Nền Pháp trị (the Rule of Law). Và tôn trọng Phẩm giá của con người.
Chính cuộc tìm kiếm có tính cách trí thức và đạo lý này, một nỗ lực khôi phục niềm tự hào và tự trọng, bắt đầu bằng một cuộc duyệt xét đạo lý không nương nễ đối với quá khứ và hiện tại của đất nước, chỉ vỏn vẹn trong vài năm đã khoét hổng nhà nước Sô-viết đồ sộ, tước sạch tính chính danh của nó, và biến nó thành một chiếc vỏ bị thiêu rụi (burned-out shell) để rồi tan rã vào tháng Tám 1991. Câu chuyện về hành trình đạo lý và trí thức này là một câu chuyện hoàn toàn chiếm vị trí trung tâm về cuộc cách mạng vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20.
Leon Aron, Foreign Policy
Trần Ngọc Cư dịch
Theo Nghiên Cứu Lịch Sử
Blogger Hoàng Xuân Phú
1957. Rủi cho Phương Uyên – May cho Dimitrov
Posted by adminbasam on August 15th, 2013
Hoàng Xuân Phú
14-08-2013
Giam tương lai vào ngục
Tự hủy chốn dung thân
H3 Nhà nước xưng là “pháp quyền”, mà trưng ra quá nhiều phiên tòa phi pháp. Nhân danh công lý mà vi phạm cả Hiến pháp và luật, bất chấp cả lẽ phải và sự thật, để buộc tội, phán bằng được những “bản án bỏ túi”. Một trong những đặc điểm nhận diện của các phiên tòa phi pháp là: Tuy tuyên bố xét xử công khai, và Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ là “mọi người đều có quyền tham dự”, nhưng lại dùng mọi thủ đoạn để cản trở. Huy động hội “vô công rồi nghề” chiếm hết chỗ trong phòng xử án, rồi triển khai lực lượng dày đặc để ngăn cản mọi người tiếp cận khu vực xét xử. Kể cả người nhà bị cáo và người có giấy triệu tập của tòa án cũng không lọt nổi vào chốn công đường. Tại sao họ lại vi phạm pháp luật một cách trắng trợn như vậy? Phải chăng là để che giấu nhiều vi phạm còn trầm trọng hơn? Nếu không định xử sai người sai tội, bất chấp Hiến pháp và luật, thì chắc không phải bưng bít và hành xử vụng trộm như vậy.
Công lý Long An
Nếu coi mỗi phiên tòa phi pháp như một nhát xẻng khoét sâu thêm lỗ huyệt dành cho những thứ ngụy danh “pháp quyền”, thì trong vụ án Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha năng suất đào huyệt của những người đại diện cho pháp luật ngang với gầu máy xúc. Vụ việc bắt đầu khi sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị “mất tích” vào ngày 14/10/2012. Bạn cùng trọ cho biết Phương Uyên đã bị công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đi. Thế nhưng, ngày 16/10/2012 bố Phương Uyên – ông Nguyễn Duy Linh – đến đồn công an phường Tây Thạnh để tìm con, thì chỉ được trả lời là “không biết, không có giam ai, không bắt ai”. Ngày 20/10/2012 mẹ Phương Uyên – bà Nguyễn Thị Nhung – lại đến đồn công an ấy hỏi tung tích của con gái, thì họ vẫn tiếp tục tỏ ra không hề hay biết. Mãi đến ngày 22/10/2012 công an phường Tây Thạnh mới thừa nhận với bà Nhung là họ đã bắt giam Phương Uyên, nhưng vẫn không chịu nói lý do tại sao bắt.
Theo tường thuật của anh Đinh Nhật Uy, Luật sư Hà Huy Sơn đã khẳng định tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An rằng: Nguyễn Phương Uyên bị bắt trái phép vào ngày 14/10 và bị giam trái phép cho đến ngày 19/10/2012. Và chính Phương Uyên đã tố cáo trước tòa rằng: Ngày 14/10 cô bị bắt và bị giam ở phường, rồi bị giam tiếp trong một khách sạn đến ngày 19/10, không được gọi điện về nhà, và bị buộc phải ký vào một tờ giấy là tự nguyện ở lại khách sạn.
Đó chỉ là màn dạo đầu của một vụ án điển hình, mà các cơ quan mang danh “bảo vệ pháp luật” bất chấp cả Hiến pháp và luật để đạt bằng được mục tiêu kết án. Sau 7 tháng điều tra và dàn dựng, ngày 16/05/2013 “Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã đưa vụ án tuyên truyền chống phá nhà nước ra xét xử công khai“. Như thông lệ, tuyên bố là “xét xử công khai”, nhưng lại ngăn cấm mọi người tham dự. Bà Nguyễn Thị Nhung kể rằng: “Phía Nguyễn Phương Uyên, bố mẹ không hề nhận được giấy báo về phiên xử. Khi đến tòa, chỉ có mẹ và cậu của Uyên được vào bên trong. Bố và em trai Uyên phải ngồi ngoài cổng tòa.“ Bà Nguyễn Thị Kim Liên – mẹ của Đinh Nguyên Kha – cho biết: Mặc dù Đinh Nhật Uy – anh trai của Đinh Nguyên Kha – có lệnh triệu tập của tòa án, nhưng lúc đầu cũng không được vào khu vực xử án, tận khi người của tòa án ra gọi tên thì công an mới cho vào.
Một trong những điều mỉa mai nhất của vụ án này là Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, do Phó viện trưởng Nguyễn Tiến Nghiệp ký, trong đó kể tội Nguyễn Phương Uyên như sau:
“Uyên sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, mảnh còn lại có nội dung không hay về Trung Quốc.”
Chẳng nhẽ họ đòi hỏi công dân Phương Uyên phải nói hay về Trung Quốc, khi “bạn bốn tốt” của họ xâm chiếm Hoàng Sa, lấn chiếm Trường Sa, rồi đưa ra yêu sách về đường lưỡi bò, và tấn công, bắt bớ ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển của Tổ quốc mình, hay sao? Cáo trạng trớ trêu như vậy khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng một trong những mục đích của phiên tòa này là để bảo vệ Trung Quốc? Trớ trêu thay, Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, mà họ vin vào để buộc tội Phương Uyên, lại chỉ có quy định về “Tội phản bội Tổ quốc” (Điều 78) và “Tội gián điệp” (Điều 80), chứ hoàn toàn không có điều khoản nào cấm nói hay cấm viết “nội dung không hay về Trung Quốc”.
Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An quyết định:
“Truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Long An để xét xử các bị can Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam’, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự.”
Tức là truy tố về tội: “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Thế nhưng, Bản cáo trạng đó lại không đưa ra được bất cứ một bằng chứng cụ thể nào để chứng tỏ rằng hai thanh niên này “chống Nhà nước CHXHCNVN Việt Nam”.
Trước tòa, cả Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đều khẳng định rằng họ không “chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Trong bài bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên, Luật sư Nguyễn Thanh Lương đã dựa vào Hiến pháp, Luật an ninh Quốc gia, Bộ luật hình sự và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam để khẳng định rằng:
“Hành vi hay khẩu hiệu phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam… không có nghĩa là vi phạm Điều 88 Bộ luật hình sự và không vi phạm Chương XI Bộ luật hình sự phần quy định về Các tội xâm phạm an ninh Quốc gia.”
“… phần hành vi phản đối Trung Quốc chính là thể hiện lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc của Nguyễn Phương Uyên. Nên thiết nghĩ cần được Cơ quan tiến hành tố tụng có thể ghi nhận thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Căn cứ vào Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và Tuyên ngôn nhân quyền Liên hợp quốc năm 1948, Luật sư Hà Huy Sơn đã lập luận để đưa ra kết luận rằng:
“Theo như Cáo trạng của Viện kiểm sát thì hành vi của Nguyễn Phương Uyên không gây ra hậu quả nào cho xã hội; không có động cơ, mục đích chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Các hành vi của Nguyễn Phương Uyên chỉ là phản ánh bức xúc cá nhân trước hiện trạng của đất nước và muốn cảnh tỉnh thanh niên sinh viên về ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Các hành vi của Nguyễn Phương Uyên không cấu thành trách nhiệm hình sự, vì vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử hãy công minh xem xét tuyên Nguyễn Phương Uyên vô tội.”
Các kết luận kể trên của hai luật sư Nguyễn Thanh Lương và Hà Huy Sơn không chỉ dựa vào các quy định pháp lý, mà căn cứ vào cả hồ sơ đầy đủ của vụ án do cơ quan điều tra và cơ quan công tố đệ trình trước tòa. Bởi vì, theo quy định của Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự, người bào chữa có quyền:
“a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can… và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem… các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa.”
“b) Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can.“
“g) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa…”
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An chỉ truy tố Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha với tội danh miễn cưỡng và duy nhất là “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự“. Phải chăng, điều ấy chứng tỏ rằng: Hai thanh niên đó không phạm tội nào theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành?
Tuy nhiên, chẳng lý lẽ và tài năng bào chữa nào có thể lay chuyển được quyết tâm kết tội của các quan tòa. Đáp lại thái độ đàng hoàng và tự tin của hai thanh niên áo trắng, chiều ngày 16/05/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã tuyên phạt Nguyễn Phương Uyên 6 năm tù và Đinh Nguyên Kha 10 năm tù (trong đó có 2 năm thuộc về một vụ án khác), và cả hai bị cáo còn bị quản thúc 3 năm tại địa phương, không được tham gia vào các tổ chức xã hội sau khi chấp hành hết mãn hạn tù.
Bản án này đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ ở trong và ngoài nước. Sau một thời gian ngắn, “Lời kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha“ đã được trên 2900 người ghi tên hưởng ứng.
Trong bài viết với tựa đề vẻn vẹn một chữ “Nhục!“, nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2009–2014), đã đặt câu hỏi:
“Kiểu ‘xử gọn’ như vậy có đáng gọi là một việc làm đàng hoàng không? Và ai làm một việc không đàng hoàng có phải là nhục không?”
Và ông đã thể hiện đánh giá của mình về hai bị cáo bằng lời cám ơn chân thành:
“Cám ơn Phương Uyên. Cám ơn Nguyên Kha. Cám ơn những cô gái, những chàng trai yêu nước Việt Nam.”
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nhiệm kỳ 2009–2014), cho rằng “nhân dân cả nước đang rất phẫn nộ trước bản án dành cho hai em đó”, và đánh giá rằng:
“Bản án của em Uyên và em Kha càng phản ánh cái tình trạng có thể nói là phát xít, cái tình trạng dùng lực lượng công an, cảnh sát, tòa án để đàn áp những tiếng nói rất là ôn hòa, rất hòa bình, rất xây dựng cho đất nước của chúng ta.“
Nhà cầm quyền sẽ đạt được gì với những bản án như vậy? Ông Nguyễn Trung (Cựu Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Thái Lan) cho rằng “Trấn áp chỉ đưa chế độ đi tới sụp đổ!” và khẳng định:
“Không phải những gì Uyên và Kha đã làm và đã bị kết án một cách tàn bạo, mà là chính bản án Long An 16-05-2013, chính những bản án Long An như thế tiếp nối nhau trong suốt những năm vừa qua, cùng với sự bất nhất giữa nói và làm của những người có thực quyền trong ĐCSVN, đang từng ngày từng giờ uy hiếp sự tồn vong của đất nước!”
“Hiển nhiên, trấn áp như thế đang đẩy chế độ hiện hành đi tiếp tới chỗ sụp đổ, hầu như chắc chắn với thảm kịch đẫm máu.”
Phiên tòa Leipzig
Cứ mỗi lần chứng kiến một phiên tòa phi pháp ở xứ sở này, tôi lại nhớ tới Phiên tòa Leipzig xét xử vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức, nơi mà bị cáo Dimitrov (thường được phiên âm trong tiếng Việt là Đi-mi-tơ-rốp) đã trở thành người xử án. Sự kiện đó diễn ra trong năm đầu của Đế chế Đức thời Xã hội chủ nghĩa quốc gia (Nationalsozialismus), sau khi Adolf Hitler – Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Xã hội chủ nghĩa quốc gia (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, NSDAP, còn được gọi tắt là Đảng Nazi, Đảng Quốc xã) – lên làm Thủ tướng Đế chế (Reichskanzler) vào ngày 30/01/1933.
Giữa chiến dịch tranh cử vào Quốc hội Đế chế Đức (năm 1933), mà ba đảng mạnh nhất là NSDAP, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) và Đảng Cộng sản Đức (KPD), thì Tòa nhà Quốc hội Đức bị đốt vào đêm 27/02/1933. Tại hiện trường, cảnh sát chỉ bắt được Marinus van der Lubbe, một người Hà Lan theo Chủ nghĩa cộng sản hội đồng (Council communism, Rätekommunismus) và tham gia Nhóm những người cộng sản quốc tế (Gruppe Internationaler Kommunisten, GIK) từ năm 1931. Van der Lubbe khai rằng chỉ một mình phóng hỏa. Nhưng ngay lập tức, Hermann Göring – nhân vật đứng thứ hai của Đảng Nazi – đã quả quyết:
“Đây là mở đầu của cuộc nổi loạn cộng sản, bây giờ chúng sẽ bị tấn công. Không được bỏ lỡ một phút nào hết.“
Còn Chủ tịch Đảng Nazi Adolf Hitler thì thẳng thừng tuyên bố:
“Không thể thương xót được nữa; ai chặn đường của chúng ta thì sẽ bị tiêu diệt… Phải bắn bất cứ phần tử cốt cán cộng sản nào bị bắt gặp. Phải treo cổ bọn nghị sĩ cộng sản ngay trong đêm nay… Cũng không cần phải giữ gìn gì nữa trong việc chống lại bọn Dân chủ xã hội và bọn Cờ đế chế (Reichsbanner Schwarz-Rot-Gold).“
Sự quy kết vội vã ấy làm gia tăng mối nghi ngờ, rằng chính những kẻ cầm đầu Đảng Nazi là tác giả của vụ phóng hỏa Tòa nhà Quốc hội, nhằm tạo cớ để đàn áp đối thủ chính trị.
Ngay trong ngày hôm sau (28/03/1933), “Sắc lệnh Tổng thống Đế chế nhằm bảo vệ nhân dân và nhà nước“ được ban hành, với mục đích được ghi là “nhằm bảo vệ trước các hành động bạo lực cộng sản chống lại nhà nước”. Theo đó, các quyền hiến định về tự do cá nhân, tự do phát biểu chính kiến (bao gồm cả tự do báo chí), về lập hội, hội họp… đều bị hủy bỏ. Dựa vào Sắc lệnh này, KPD bị cấm hoạt động ngay lập tức, và ba ngày sau cuộc Bầu cử Quốc hội Đế chế Đức ngày 05/03/1933, tất cả 81 ghế nghị sĩ của KPD (đảng đứng thứ ba, dành được 12,3% số phiếu) bị hủy bỏ. Ba tháng sau SPD (đảng đứng thứ hai, dành được 18,3% số phiếu và 120 ghế nghị sĩ) cũng bị cấm hoạt động. Điều đó cho thấy vai trò của vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức trong việc thiết lập chế độ độc tài phát xít ở Đức.
Phiên tòa xét xử vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức diễn ra tại Tòa án Đế chế (Reichsgericht, là tòa án hình sự và dân sự cấp cao nhất ở Đế chế Đức trong thời kỳ 1879–1945), bắt đầu vào ngày 21/09/1933. Ngoài Marinus van der Lubbe, còn có bốn bị cáo khác bị đem ra xét xử, đó là Ernst Torgler (Chủ tịch Nhóm nghị sĩ của đảng KPD trong Quốc hội Đế chế Đức từ năm 1929) và ba người cộng sản Bun-ga-ri là Georgi Dimitrov, Blagoi Popov, Vassil Tanev.
Một trong những điều đặc biệt nhất là của phiên tòa này là sự xuất hiện của hai nhân chứng Hermann Göring (vào ngày 04/11/1933) và Joseph Goebbels (vào ngày 08/11/1933). Tại thời điểm đó, Göring đã giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1933–1934) và Thủ hiến (1933–1945) của nước Phổ (Preußen), Chủ tịch Quốc hội (1932–1945) và Bộ trưởng Bộ Hàng không (1933–1945) của Đế chế Đức, và năm 1934 thì được chỉ định sẽ là người kế tục nếu Hitler qua đời. Goebbels khi đó đã là Bộ trưởng Bộ Khai sáng Nhân dân và Tuyên truyền của Đế chế Đức (1933–1945), và sau này thay thế Hitler làm Thủ tướng trong ba ngày cuối đời (30/04–01/05/1945).
Việc hai nhân vật hàng đầu của Đảng Nazi ra làm chứng trước tòa thể hiện tầm quan trọng của vụ xét xử này. Hẳn chính quyền Hilter đã coi nó như một trận đánh trọng điểm trong chiến dịch tiêu diệt Đảng Cộng sản. Quyết tâm chống cộng được Göring thể hiện rõ khi đấu khẩu với Dimitrov trước tòa:
“Đối với tín hiệu mà Đảng Cộng sản đưa ra ở đây, tôi muốn trả lời bằng cách thể hiện quyết tâm, cho các vị cộng sản thấy rõ, là tôi định thực hiện cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Quả thật là tôi đã định treo cổ van der Lubbe ngay trong đêm ấy. Sở dĩ tôi chưa làm điều đó – dù không ai có thể cản trở tôi – là vì tự nhủ rằng: Ta mới túm được hắn; nhưng chắc chúng phải là cả bầy; có lẽ ta cần tên này làm nhân chứng. Đấy là cân nhắc duy nhất, khiến khi ấy tôi không chỉ ngay cho thế giới thấy rằng, nếu một bên cương quyết phá hoại, thì bên kia cũng cương quyết không chấp nhận.”
Chủ quan khinh địch, Göring đã bất ngờ đụng phải một đối thủ trên tầm, bị Dimitrov tấn công bằng những câu hỏi sắc sảo:
“Sau khi ngài với tư cách Thủ hiến và Bộ trưởng nội vụ đã tuyên bố rằng những người cộng sản đã phóng hỏa, rằng Đảng Cộng sản Đức với sự giúp đỡ của van der Lubbe, một người cộng sản nước ngoài, đã làm điều đó, thì chắc hẳn quan điểm của ngài đã xác định hướng cố định cho việc điều tra của cảnh sát và tiếp đó là cho việc xét xử của thẩm phán, và xóa bỏ khả năng tìm kiếm theo các hướng khác để tìm ra kẻ đích thực đã đốt Tòa nhà Quốc hội, đúng không?”
Dimitrov liên tục chất vấn Göring, như thể chính ông là người xử án:
“Dimitrov: Ngài Thủ hiến có biết là ngài Karwahne và ngài Frey đã trình báo như thế không?
Göring: Tôi được biết về việc trình báo ấy trong ngày kế tiếp sau vụ cháy.
Dimitrov: Vào buổi sáng hay trong đêm?
Göring: Vào buổi sáng, hoặc cũng có thể là vào buổi chiều.
Dimitrov: Vậy thì vào bao giờ? Buổi sáng hay buổi chiều?
Göring: Có thể xác định được chính xác là những lời khai báo này được chuyển tới tôi vào lúc nào.”
Rơi vào thế bị động, Göring chống đỡ lúng túng, thậm chí còn nổi khùng:
“Ta muốn nói là nhân dân Đức biết rằng ngươi cư xử vô liêm xỉ, rằng ngươi mò đến đây để đốt nhà Quốc hội. Nhưng ta ở đây không phải để nhà ngươi thẩm vấn và buộc tội như quan tòa. Trong mắt ta thì ngươi là một kẻ lừa đảo, phải treo thẳng lên giá treo cổ.”
Phản ứng ấy của vị Chủ tịch Quốc hội kiêm Thủ hiến và Bộ trưởng cho thấy Göring đuối lý đến mức nào.
Cứ như vậy, Dimitrov đã lần lượt vạch trần những điều phi lý của các chứng cớ, để phủ nhận bản cáo trạng của phía công tố nhằm bào chữa cho mình và các đồng bị cáo.
Sau 3 tháng ròng rã, với 57 ngày xét xử, ngày 23/12/1933 tòa đã tuyên án tử hình đối với van der Lubbe, còn Torgler, Dimitrov, Popov và Tanev thì được tuyên trắng án.
Phiên tòa đó đã để lại dư âm đến tận bây giờ. Là người dân sống trên đất Việt, ta chạnh lòng tự hỏi: Bao giờ thì luật sư và bị cáo ở ta mới được đối thoại sòng phẳng như vậy trước tòa? Bao giờ thì những người cầm quyền cũng chịu ra tòa để đối chất với dân? Bao giờ chân lý của dân đen ở đất này mới có thể thắng kiện cường quyền sai trái? Bao giờ…?
Nếu Phương Uyên làm theo Dimitrov
Một trong những biện pháp mà Dimitrov đã áp dụng để tự bào chữa thành công là tranh luận trực tiếp trước tòa với một số nhân vật hàng đầu của bộ máy cầm quyền (với tư cách của những người làm chứng). Là một người ngoại quốc đang tồn tại bất hợp pháp ở nước Đức, mà Dimitrov có thể làm như vậy trong một chế độ phát xít, thì tại sao công dân Nguyễn Phương Uyên lại không thể hành động tương tự trong một chế độ mang danh “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”?
Dimitrov đã chất vấn Göring trên cương vị gì? Để làm rõ tư cách của nhân chứng, Dimitrov đã hỏi Göring: “Ngài nhân chứng, ngài là Thủ hiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Quốc hội, và là một bộ trưởng chịu trách nhiệm về bộ máy cảnh sát, phải không?” Sau khi Göring khẳng định “Đúng thế”, thì Dimitrov mới dõng dạc: “Tôi hỏi…”. Vậy thì tại sao Phương Uyên không thể chất vấn Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Công an?
Dựa vào đâu để Phương Uyên có thể đối thoại với Chủ tịch Quốc hội? Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 quy định rằng:
“Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.”
Như vậy, những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông như Phương Uyên phải hiểu được Hiến pháp và luật viết gì. Thế nhưng, không chỉ riêng Phương Uyên mà cả những người đã có học vị tiến sĩ cũng hay lâm vào cảnh trớ trêu: Đinh ninh là mình hành động phù hợp với Hiến pháp và luật, vậy mà vẫn bị cấm đoán và cản trở, thậm chí bị bắt bớ và xử tù. Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào? Bản thân mình hiểu sai, hay các “đầy tớ” hiểu sai? Hay họ hiểu đúng nhưng lại cố tình làm sai? Biết hỏi đâu bây giờ? Không ai có thể trả lời chính xác hơn và đúng chức trách hơn là Chủ tịch Quốc hội, bởi vì Điều 91 Hiến pháp 1992 quy định rằng: “Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh” thuộc vào nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trước hết, Phương Uyên nên hỏi thẳng Chủ tịch Quốc hội: Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam là để thực thi, hay chỉ để trang trí? Câu hỏi này tưởng chừng ngây ngô, nhưng lại mang tính tiên quyết và thực sự cần thiết trong hoàn cảnh mà giả dối ngự trị, và tính trung thực của quan chức đáng được ghi vào sách đỏ của những thứ có nguy cơ tiệt chủng. Căn cứ vào thực tế nước nhà, hẳn rất nhiều người sẽ chọn đáp án “Hiến pháp chỉ để trang trí”. Nếu Chủ tịch Quốc hội cũng cho là như vậy, tức là thừa nhận rằng “nhà nước pháp quyền” ở xứ này chỉ là thứ “hữu danh vô thực”, thì tranh luận tại tòa là vô ích. Trong một “nhà nước phi pháp quyền” thì bắt ai và giam tù bao lâu là đặc quyền của những kẻ thao túng quyền lực. Nếu không muốn cam chịu, thì chỉ còn cách đứng lên đấu tranh, để thiết lập một nhà nước pháp quyền đích thực.
Chỉ khi Chủ tịch Quốc hội trả lời “Hiến pháp là để thực thi”, thì Phương Uyên mới có thể đặt câu hỏi thứ hai: Những gì tôi đã làm đều là thực thi các quyền được hiến định ở Điều 69 Hiến pháp 1992, theo đó
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Vậy thì tại sao tôi lại bị bắt, bị giam và bị truy tố?
Giả sử Chủ tịch Quốc hội trả lời rằng các quyền đó phải “theo quy định của pháp luật”, nhưng cho đến nay vẫn chưa có luật liên quan, nên chưa thể thực thi, thì Phương Uyên có thể đặt các câu hỏi tiếp theo.
Tại sao Quốc hội lại liên tục trì hoãn việc ban hành các luật để đảm bảo quyền tự do của công dân? Phải chăng là để Nhân dân không thể thực thi các quyền hiến định? Như vậy có phải là chống lại Hiến pháp hay không? Chống lại Hiến pháp, hoặc ít nhất cũng là vi phạm Hiến pháp, thì không bị xử lý, mà còn được bảo vệ, được cất nhắc… Thực thi Hiến pháp thì lại bị đàn áp, bị bỏ tù… Cớ sao lại như vậy?
Nếu quan niệm rằng chưa thể chấp nhận thực thi các quyền hiến định ấy “vì trình độ dân trí quá thấp”, thì còn hiến định để làm gì? Và các vị đã lãnh đạo và giáo dục kiểu gì, mà sau nửa thế kỷ cầm quyền vẫn chưa vực được dân trí lên ngang tầm… dưới ách thực dân?
Nếu quan niệm rằng chưa thể ban hành luật tương ứng vì Quốc hội quá bận với chương trình ban hành luật, thì Quốc hội còn định nợ Nhân dân đến bao giờ? Nợ gần 70 năm vẫn chưa đủ lâu hay sao? Không làm được thì sao không để những người khác làm thay?
Nếu không chịu chấp nhận để Nhân dân thực thi các quyền tự do đó, thì tại sao không trung thực xóa bỏ chúng ra khỏi Hiến pháp, mà lại lưu giữ như cạm bẫy suốt bẩy chục năm qua, kể cả sau bốn lần sửa đổi Hiến pháp, khiến những người dân chất phác bị mắc lừa?
Điều 44 Hiến pháp 1992 khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc … là sự nghiệp của toàn dân.” Tại sao nhà cầm quyền lại ngụy biện rằng “đã có đảng và nhà nước lo”, để ngăn cấm người dân tham gia “sự nghiệp của toàn dân”?
Suốt bao năm trời, chính bộ máy cầm quyền này tuyên truyền với toàn dân về “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”, rồi ghi cả điều đó vào Hiến pháp 1980, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983) và bao văn kiện khác. Tại sao bây giờ lại tức tối, khó chịu khi người dân cũng tin và nói đúng như thế? Tại sao đòi “Tàu Khựa Cút Khỏi Biển Đông” thì lại bị bắt tội là “có nội dung không hay về Trung Quốc”?
Hiến pháp 1992 quy định rõ:
“Điều 76
Công dân phải trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.”
“Điều 77
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân…”
Khi nhận thức rằng Tổ quốc lâm nguy, thì tôi phải im lặng, hay phải lên tiếng? Nếu mặc kệ, thì có bị phê phán là khước từ “quyền cao quý của công dân” và có bị kết tội là trốn tránh “nghĩa vụ thiêng liêng” – “bảo vệ Tổ quốc” – hay không? Tại sao quay lưng lại với “nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý” thì được yên ổn, còn thành tâm thực hiện nghĩa vụ và quyền hiến định thì lại bị bắt bớ? Khi biển đảo bị xâm chiếm, đồng bào ngư dân bị xua đuổi và bắt bớ, thì giới cầm quyền lặng thinh. Nhưng khi đồng bào bức xúc, xuống đường phản đối ngoại bang gây hấn, thì lại xông ra đàn áp. Cấm đoán và đàn áp công dân thể hiện lòng “trung thành với Tổ quốc” có phải là “phản bội Tổ quốc” – tức là phạm vào “tội nặng nhất” – hay không?
Liệu các câu hỏi trên có hơi lan man, có chính trị và vĩ mô quá (đối với một phiên tòa hình sự) hay không? Không! Về thực chất, đây là một vụ án chính trị, nên không thể tránh tranh luận về nội dung chính trị. Và phải bàn cãi ở tầm Hiến pháp, chứ không thể quá lệ thuộc vào những quy định gọi là pháp luật nhưng lại vi hiến. Không thể tôn sùng, kiêng kỵ bộ máy mang danh đại diện pháp luật, nhưng lại luôn sẵn sàng hành xử vi hiến.
Nếu đặt ra những câu hỏi như trên, thì Phương Uyên cũng chỉ hành động giống như Dimitrov trong phiên tòa diễn ra ở Leipzig vào năm 1933 mà thôi. Thuở ấy, khi Göring gào lên rằng “Đảng của ngài là đảng của bọn tội phạm, cần phải đập tan”, thì Dimitrov đã trả lời:
“Ngài Thủ hiến có biết rằng cái đảng cần phải đập tan ấy cầm quyền trên một phần sáu trái đất, tức là tại Liên Xô? Có biết rằng nước Liên Xô ấy có quan hệ ngoại giao, chính trị và kinh tế với nước Đức, và các hợp đồng kinh tế của nước đó có lợi cho hàng trăm nghìn công nhân Đức hay không?”
Mặc dù Chủ tọa phiên tòa ra lệnh “Tôi cấm ngài tuyên truyền Chủ nghĩa cộng sản ở đây”, nhưng Dimitrov cự lại rằng “Ngài Göring đang tuyên truyền Chủ nghĩa xã hội quốc gia”, rồi quay sang tiếp tục căn vặn Göring:
“Thế giới quan Bôn-sê-vích ấy ngự trị ở Liên Xô, trong đất nước lớn nhất và tốt đẹp nhất thế giới, và có ở đây, trong nước Đức, hàng triệu người ngưỡng mộ, là những người con tốt nhất của nhân dân Đức. Rõ không?”
Lúc nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, Dimitrov cũng tranh thủ diễn thuyết:
“Trong thế kỷ 17, người sinh ra ngành Vật lý – Galileo Galilei – bị đưa ra Tòa án dị giáo để xử tử hình vì tội theo dị giáo. Với niềm tin sâu sắc, ông đã quả quyết rằng: ‘Dù sao trái đất vẫn quay!’ Và sau này luận điểm khoa học ấy đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại.”
Đến đó thì Chủ tọa phiên tòa ngắt lời và cầm hồ sơ đứng dậy, toan đi ra khỏi phòng xử án, nhưng Dimitrov vẫn tiếp tục, rằng
“… bánh xe lịch sử vẫn quay, tiến tới Châu Âu Xô viết, tới Liên bang Thế giới Cộng hòa Xô viết”
và
“bánh xe ấy, được vận hành bởi giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, … quay và sẽ quay mãi cho đến thắng lợi cuối cùng của Chủ nghĩa cộng sản.”
Trích ra đây mấy đoạn như vậy không phải để bàn về chuyện đúng–sai của niềm tin Dimitrov, mà để thấy rằng: Những câu hỏi được gợi ý cho vai Phương Uyên không hề lan man hơn, không hề chính trị hơn so với thuyết trình của Dimitrov tại tòa. Còn rất nhiều điều khúc mắc cần được Chủ tịch Quốc hội giải đáp, nhưng tạm dừng ở đây để dành chút thời gian cho Bộ trưởng Bộ công an.
Đừng vội cho rằng Bộ trưởng “vô can”, bởi Điều 116 Hiến pháp 1992 quy định:
“Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước…”
Chính vì vậy, Phương Uyên có quyền chất vấn Bộ trưởng: Tại sao công an tiến hành bắt tôi trái với quy định của luật?
Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt…”
Vậy tại sao cơ quan công an không chủ động “thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt”, mà khi bố, mẹ tôi đến hỏi thì công an lại lừa dối, chối cãi hết lần này đến lần khác? Với bộ máy dối trá như vậy, ông lấy gì để đảm bảo rằng nó không ngụy tạo tang chứng, không bịa đặt chứng cớ để vu tội cho dân lành?
Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt.”
“Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.”
“Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến.”
“Người láng giềng” còn được “chứng kiến” khi “người thi hành lệnh đọc lệnh”, mà trong “lệnh bắt phải ghi rõ… lý do bắt”, thì hiển nhiên bố mẹ càng có quyền được biết lý do con mình bị bắt. Vậy tại sao cơ quan công an không chịu nói cho bố mẹ tôi biết lý do bắt?
Tại sao công an giam giữ tôi trái phép trong khách sạn, rồi lại bắt tôi ký thừa nhận là tự nguyện ở lại khách sạn? Với bộ máy vi phạm luật trắng trợn như vậy, ông lấy gì để đảm bảo rằng nó không dùng mọi thủ đoạn phi pháp để ép cung người vô tội?
Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rằng việc “Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can” là thuộc vào “Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra”. Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.”
Những hành động bị coi là “tội phạm” của bản thân tôi chỉ diễn ra ở tỉnh Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh, và điều này cũng đã được thừa nhận trong Cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An. Tức cái gọi là “tội phạm” của tôi không hề xảy ra trên địa phận của tỉnh Long An! Nơi cư trú và nơi bị bắt đều là Thành phố Hồ Chí Minh, chứ không phải là Long An! Vậy thì Công an tỉnh Long An lấy đâu ra thẩm quyền để điều tra và ra quyết định khởi tố bị can đối với bản thân tôi? Tại sao ông Bộ trưởng lại chỉ đạo hay chấp thuận để cho Công an tỉnh Long An vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự như vậy?
Tương tự, Phương Uyên có thể chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao như sau: Điều 171 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định
“Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.”
Tôi không hề thực hiện “tội phạm” nào ở tỉnh Long An. Việc điều tra về hành động của bản thân tôi cũng chỉ có thể tiến hành và kết thúc tại nơi tôi đã hành động, tức là tại tỉnh Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy thì tại sao Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An lại “Quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Long An”, và tại sao Tòa án nhân dân tỉnh Long An lại đứng ra xét xử bản thân tôi? Tôi có trách nhiệm phải trả lời các câu hỏi của một hội đồng xét xử không có thẩm quyền và có buộc phải chấp nhận bản án của hội đồng đó hay không?
Các câu hỏi trên chỉ là mấy ví dụ mang tính tượng trưng, để minh họa là Phương Uyên có thể tự bào chữa bằng cách vạch ra bao điều phi pháp đã và đang diễn ra tại nơi gọi là “cơ quan bảo vệ pháp luật”, đẩy cả những người vô tội vào chốn tù lao. Còn thực tế thì chính bản thân Phương Uyên mới có thể xác định được là nên chất vấn những ai, chất vấn những gì, và phải lập luận thế nào để bảo vệ mình, vì chỉ cô mới biết chính xác là mình đã làm những gì và bị các cơ quan tiến hành tố tụng đối xử như thế nào.
Cho dù Phương Uyên không lên tiếng, thì các lập luận bào chữa của Luật sư Hà Huy Sơn và Luật sư Nguyễn Thanh Lương cũng đã đủ cơ sở pháp lý và lý luận để khẳng định rằng không thể kết cho Phương Uyên tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điểm c, Khoản 1, Điều 88 Bộ luật hình sự. Thế nhưng Tòa án Long An đã không xử theo luật, mà xử theo lệnh.
Nếu ra tòa tại một nơi như Leipzig vào năm 1933, thì có lẽ Phương Uyên đã thoát khỏi chốn lao tù như Dimitrov. Tiếc rằng, cô lại phải hầu tòa tại Long An vào năm 2013. Quả là…rủi cho Phương Uyên!
Nếu Dimitrov lâm cảnh Phương Uyên
Với tài hùng biện kiệt xuất, Dimitrov đã tự bào chữa thành công, tại một phiên tòa của Đế chế Đức vào thuở Đảng Nazi của Hitler mới lên cầm quyền. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Dimitrov thế chỗ Phương Uyên trong vòng lao lý tại Việt Nam sau đúng 80 năm? Tất nhiên là phải giả sử rằng ông bị rơi vào cái danh sách mà chính quyền muốn thẳng tay trừng trị. Vì lý do gì thì không quan trọng. Cho dù trung thành với lý tưởng cộng sản, thì điều đó cũng chưa đủ để đảm bảo cho Dimitrov được an toàn trong một chính quyền cộng sản. Bi kịch đồng chí bị đồng chí hãm hại đã tái diễn ngàn vạn lần, không chỉ ở Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không chỉ dưới thời Stalin và Mao…
Để tự bào chữa, bị cáo phải có đủ những thông tin liên quan. Mặc dù bị giam giữ trong nhà tù Quốc xã, Dimitrov vẫn nhận được những thông tin cần thiết. Thử hỏi, nếu bị rơi vào hoàn cảnh mà nghi phạm bị cách ly tuyệt đối, đến luật sư và người nhà cũng không được tiếp xúc, thì liệu Dimitrov có thể thu thập được những thông tin ấy hay không? Nếu không có thông tin thì Dimitrov hùng biện cái gì?
Để tự bào chữa, thì phải thông hiểu các điều luật liên quan (của nước sở tại). Vì vậy, trong thời gian bị bọn Quốc xã giam giữ để điều tra, Dimitrov đã tìm hiểu Luật hình sự và Quy trình xét xử hình sự của Đức, và sau đó đã vận dụng thành công. Nếu bị giam cầm như Phương Uyên và bao người cùng cảnh khác, thì liệu bộ máy cường quyền có chấp nhận cho Dimitrov có được các văn bản pháp luật mà nghiên cứu, nhằm tìm ra cơ sở pháp lý để tự vệ… trước quyết tâm kết tội của chính bộ máy ấy, hay không? Nếu không có đủ kiến thức pháp luật thì Dimitrov dựa vào cơ sở nào mà hùng biện?
Để có thể chứng minh cội nguồn tội phạm và bản chất vụ án, Dimitrov đã đối chất với cả những nhân vật cầm đầu chế độ, như Göring và Goebbels, cho dù đó là Chủ tịch Quốc hội, là Bộ trưởng. Nhưng nếu lạc vào xứ sở thiên đường “cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”, thì Dimitrov chất vấn được ai? Đòi triệu tập nhân chứng cỡ Quận trưởng cũng chẳng nổi, chứ đừng mơ đến cấp Bộ trưởng. Bằng chứng mới nhất là phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn vào ngày 29/7/2013, khi mà Hội đồng xét xử bác bỏ đề nghị của các luật sư bào chữa về việc triệu tập thêm nhân chứng, mặc dù một số quan chức hoặc cựu quan chức trong số đó là thủ phạm đích thực của vụ án cướp đất – phá nhà, khiến họ Đoàn phải “tức nước vỡ bờ”. Nếu không được đối chất với những nhân chứng cần thiết, thì Dimitrov hùng biện với ai?
Để có thể tự bào chữa thành công thì bị cáo phải được nói và phải được quan tòa lắng nghe. Đoạn đối thoại sau đây, diễn ra khi Dimitrov nói lời sau cùng trước lúc nghị án, có thể minh họa phần nào về mức độ tự do ngôn luận của bị cáo trong phiên tòa Leipzig:
“Chủ tọa phiên tòa: Bao giờ thì ngài có ý định kết thúc diễn văn của mình?
Dimitrov: Tôi muốn nói nửa giờ nữa.
Chủ tọa phiên tòa: Ngài không thể nói bất tận được.”
Song Dimitrov không dừng lại, mà khẳng định quyền phát ngôn của mình, rồi bác bỏ luận điểm của bên công tố, và tuyên bố:
“Tôi đề nghị kết luận như sau:
1. Tòa án Đế chế công nhận chúng tôi vô tội trong vụ này và việc truy tố là vô căn cứ; điều đó liên quan đến tất cả chúng tôi, kể cả Torgler, Popov và Tanev;
2. Phải nhìn nhận van der Lubbe là công cụ bị kẻ thù của giai cấp công nhân lợi dụng;
3. Bắt những kẻ có lỗi trong việc truy tố chúng tôi một cách vô căn cứ phải chịu trách nhiệm;
4. Phải bồi thường cho chúng tôi tương xứng với thời gian bị mất, sức khỏe bị tổn hại và nỗi khổ phải chịu đựng, từ chi phí của những kẻ có lỗi.”
Chủ tọa phiên tòa hứa: “Những cái gọi là đề nghị của ngài sẽ được Tòa lưu ý khi nghị án.” Nhưng không phải vì thế mà Dimitrov chịu dừng lại. Ông vẫn tiếp tục diễn thuyết, cho đến đoạn đề cập về Galileo Galilei và “bánh xe lịch sử…”, như đã trích dẫn ở phần trên.
Liệu Dimitrov có thể hùng biện như thế hay không, nếu không được phép nói, hay bị bịt mồm như Linh mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa tại Huế ngày 30/03/2006? Trong chế độ “dân chủ kiểu ta”, suốt một thời gian dài cả luật sư bào chữa cũng bị ngăn chặn khi trình bày ý kiến. Bây giờ thì quan tòa đã khôn hơn, họ thay đổi chiến thuật, nhẫn nại để cho luật sư toại nguyện phát ngôn, nhưng lại bỏ ngoài tai mọi lý lẽ bào chữa và vẫn kết án theo đúng kịch bản định sẵn. Nếu không được nói, thì Dimitrov hùng biện kiểu gì? Hoặc nếu được nói, nhưng quan tòa lại chẳng thèm nghe, thì Dimitrov hùng biện để làm gì?
Phiên tòa Leipzig xét xử vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức đã kéo dài 3 tháng và diễn ra trong 57 ngày xét xử. Thời gian đó mới đủ để tranh luận, để mổ xẻ các chứng cớ và sự kiện, để triệu tập và phỏng vấn rất nhiều nhân chứng liên quan, và để Dimitrov có thể chứng minh rằng mình vô tội. Nếu chỉ được “hưởng” một phiên tòa chớp nhoáng, vẻn vẹn khoảng 6 tiếng đồng hồ như trong vụ xử Phương Uyên và Nguyên Kha, thì Dimitrov có thể hùng biện vào lúc nào?
Tài ba và sắc sảo, nhưng nếu lâm vào hoàn cảnh của Phương Uyên, thì liệu Dimitrov có thể hùng biện để chứng minh mình vô tội hay không, hay cũng đành bất lực trước một bản án viết sẵn? Mang đôi cánh tung bay vạn dặm, nhưng nếu bị cùm chặt trong lồng sắt, thì tình cảnh của đại bàng cũng chẳng hơn gì gà con bé bỏng…
Kể cả nếu được tiếp xúc với đầy đủ thông tin và tài liệu pháp luật, được nói thoải mái và được đối chất với mọi nhân chứng cần thiết, nhưng lại bị xử theo “luật kiểu ta” bởi “quan tòa kiểu ta”, thì liệu Dimitrov có thoát khỏi ngục tù hay không? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng nhau quan sát một tình huống giả định: Phía Đức mời chuyên gia từ Long An làm thẩm phán, để xét xử Dimitrov theo một bộ luật giông giống như Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam. Để đơn giản hóa vấn đề, theo hướng có lợi cho bị cáo, ta giả sử rằng: Chuyên gia Long An đã sáng suốt thừa nhận rằng Dimitrov không hề liên quan đến vụ đốt Tòa nhà Quốc hội Đức, nên chỉ còn xét xử các tội khác.
Như ta đã biết, Tòa án nhân dân tỉnh Long An ngày 16/5/2013 kết án Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã phạm vào tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự, và tuyên phạt Phương Uyên 6 năm tù, Nguyên Kha 8 năm tù (cộng với 2 năm tù về tội khác)… Rõ ràng là mức độ “tuyên truyền chống Nhà nước…” của Dimitrov còn quyết liệt hơn nhiều so với hai thanh niên người Việt. (Tất nhiên, nhà nước mà Dimitrov chống không phải là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, mà có thể tạm gọi là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức”.) Vậy thì chuyên gia Long An sẽ gán cho Dimitrov mức án nào trong khung hình phạt của Điều 88? 6 năm tù như Phương Uyên, hay 8 năm tù như Nguyên Kha? Hay đối với cỡ “đầu sỏ siêu nguy hiểm” như Dimitrov thì phải quy vào trường hợp “Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”?
Cũng chẳng cần phải phân vân quá lâu với việc chọn mức án theo Điều 88, bởi vì bản án chờ đợi Dimitrov còn nặng hơn nhiều. Đối thoại với Chủ tịch Quốc hội Göring tại tòa, Dimitrov đã không hề úp mở:
“Tiến hành cuộc chiến chống lại Đảng Cộng sản ở nước Đức là quyền của các ngài. Quyền của Đảng Cộng sản là sống bất hợp pháp ở nước Đức và chống lại chính phủ của các ngài; việc chúng tôi chống nó thế nào thì phụ thuộc vào tương quan lực lượng, chứ không phụ thuộc vào quyền.”
Khi đó, Đảng Cộng sản Đức (KPD) đã bị chính quyền Đức quy kết là chống lại nhà nước và bị cấm hoạt động. Bằng chứng thì không phải là khó kiếm. Trong lần Bầu cử Quốc hội Đế chế Đức vào ngày 06/11/1932, ba đảng dành được nhiều phiếu nhất là NSDAP (với 33,1% số phiếu), SPD (với 20,4% số phiếu) và KPD (với 16,9% số phiếu). Cả ba đảng này đều nhân danh “giai cấp công nhân”, nhưng lại chống nhau kịch liệt. Càng gần thì càng ghét và càng chống nhau, vì tranh dành ảnh hưởng trong cùng một cộng đồng nhân dân. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản năm 1928, Chủ tịch KPD Ernst Thälmann đã kêu gọi chống lại “Dân chủ xã hội phản động”, tức là chống lại SPD:
“Đảng SPD là nhân tố thúc đẩy chuẩn bị chiến tranh chống lại Liên Xô. Vì vậy cuộc chiến chống lại chiến tranh đế quốc chính là cuộc chiến chống lại Dân chủ xã hội.”
Do đó SPD và KPD khó lòng mà liên minh với nhau. Trong hoàn cảnh ấy, ngày 30/01/1933 Tổng thống Đế chế Paul von Hindenburg (là người không tham gia đảng phái nào và đã thắng cuộc trong lần Bầu cử Tổng thống trực tiếp toàn dân ngày 26/04/1925) đã bổ nhiệm Chủ tịch đảng NSDAP Adolf Hitler làm Thủ tướng Đế chế. Nhưng KPD đã kêu gọi tổng đình công để chống lại việc bổ nhiệm đó. Ngày 15/02/1933 một số đảng viên của KPD còn cắt cáp của một tháp phát sóng gần Stuttgart để ngăn cản việc phát sóng diễn văn của Thủ tướng đương nhiệm Hitler.
Từ góc độ của nhà cầm quyền Đức thời đó, nói theo ngôn ngữ chính trị chính thống ở Việt Nam hiện nay, thì Đảng Cộng sản Đức (KPD) là một “tổ chức phản động”. Tham gia ở tầng lãnh đạo của một “tổ chức phản động” đã bị chính quyền cấm hoạt động, lại công khai “chống lại chính phủ”, vậy thì Dimitrov thoát sao được bản án của chuyên gia Long An về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, như quy định ở Điều 79 Bộ luật hình sự. (Ở đây, không cần phải thay đổi từ “chính quyền nhân dân”, vì chính quyền Đức Quốc xã cũng tự xưng là chính quyền của nhân dân.) Theo đó,
“Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.”
Chưa hết. Khi đó cả ba người Bun-ga-ri Dimitrov, Popov và Tanev đều đang tồn tại bất hợp pháp ở nước Đức và đều đang làm việc cho Quốc tế Cộng sản, trong đó Dimitrov đóng vai trò Trưởng Văn phòng Tây Âu của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Nhắc đến điều này không phải để khép họ vào cái tội vặt là “nhập cảnh trái phép” và “ở lại … trái phép”, như quy định ở Điều 274 Bộ luật hình sự, mà để ta không ngạc nhiên khi chuyên gia Long An kết cho họ “Tội gián điệp”, như quy định ở Điều 80 Bộ luật hình sự. Theo đó, họ sẽ “bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Tóm lại, nếu bị treo lên cán cân công lý kiểu Long An và dùng quả cân na ná như Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam để định tội, thì Dimitrov sẽ lãnh án thế nào? Tù mười hai năm? Tù hai mươi năm? Hay tù chung thân? Hay án tử hình? Với chuyên gia Long An và thẩm phán cùng lò, chắc hẳn “tội đã rõ rành rành”, dù xử nặng đến mấy cũng vẫn “đúng người đúng tội”, “thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật” và “được dư luận xã hội đồng tình”.
Nhưng Tòa án Đế chế của nước Đức thời đó lại tuyên trắng án cho Dimitrov, Torgler, Popov và Tanev. Đối với các thẩm phán của Tòa án Đế chế thì phía công tố chỉ truy tố bốn bị cáo cộng sản đó về tội “tiến hành thay đổi Hiến pháp Đế chế Đức bằng bạo lực” và tội “đốt Tòa nhà Quốc hội”, nhưng lại không chứng minh được tội phạm, nên tòa buộc phải tuyên trắng án cho họ. Đó là nguyên tắc sơ đẳng của tư pháp đích thực.
Còn các tội khác thì sao? Tòa án chỉ có thể xử khi phía công tố truy tố. Hitler và đồng đảng tưởng rằng chỉ với tội “đốt Tòa nhà Quốc hội” là đã quá đủ để “hạ nốc ao đối thủ”, ai dè lại thất bại ê chề. Cuối cùng thì chính quyền Quốc xã đã không truy tố thêm các tội danh khác, không phải vì không tìm ra hay không tạo dựng được bằng chứng, mà có lẽ vì còn muốn giữ thể diện, tránh mang tiếng trước dư luận trong và ngoài nước là “kẻ thua cuộc tồi” (bad loser, schlechter Verlierer). Quả là… may cho Dimitrov!
Tiền đề công lý
Suốt hơn mười năm học tập và làm việc ở Leipzig, chỉ cách nơi từng xét xử Dimitrov khoảng 900 mét, tôi thường đi qua Bảo tàng Dimitrov (Dimitroff-Museum) – tên gọi của Tòa nhà Tòa án Đế chế (Reichsgerichtsgebäude) dưới thời Cộng hòa Dân chủ Đức – và hay bất giác nhớ lại phiên tòa ấy, với câu hỏi đeo đẳng: Vì sao Tòa án Đế chế Đức lại trả tự do cho Dimitrov?
Thủ tướng Đế chế Hitler đã tuyên bố: “Phải bắn bất cứ phần tử cốt cán cộng sản nào bị bắt gặp…” Ngay giữa phiên tòa, Chủ tịch Quốc hội Đế chế Đức kiêm Thủ hiến và Bộ trưởng Bộ nội vụ Phổ Göring đã hét thẳng vào mặt Dimitrov: “Ngươi là một kẻ lừa đảo, phải treo cổ từ lâu!” Và dọa dẫm: “Ngươi sẽ phải run sợ, nếu ta tóm được, khi ngươi rời khỏi tòa án này, cái đồ lừa đảo!” Hai nhân vật đứng đầu chính quyền Đức Quốc xã đã quyết tâm trừng trị như vậy, thì tại sao Dimitrov vẫn thoát khỏi nhà tù phát xít?
Bởi vì Dimitrov vô tội ư? Nếu đó là điều kiện đủ để tránh được án tù, thì bao người vô tội đã không bị hành hạ trong ngục.
Bởi vì không tìm thấy bằng chứng thuyết phục chứng tỏ rằng Dimitrov liên quan tới vụ đốt Tòa nhà Quốc hội ư? Đừng quên rằng tạo dựng chứng cớ là nghiệp vụ sở trường của đám điều tra vô lương, và nếu chấp hành tuyệt đối lệnh trên là bản năng của đám thẩm phán vô đạo, thì chẳng có bằng chứng nào được bộ máy điều tra đưa ra là không thuyết phục.
Bởi vì sức ép quốc tế ư? Quả là trong vụ án Dimitrov sức ép quốc tế là rất lớn và rất quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ để giải thoát Dimitrov. Nếu chỉ cần có sức ép quốc tế là đủ thì bây giờ nhiều nhà bất đồng chính kiến đã không bị cầm tù.
Vậy thì vì sao Dimitrov lại thoát khỏi ngục tù phát xít, nơi mà bao triệu người vô tội đã bị giết hại dã man? Không thể trả lời trọn vẹn câu hỏi này nếu bỏ qua phạm trù “tam quyền phân lập”. Theo đó, để có được một chế độ thực sự dân chủ, mọi người thực sự tự do và bình đẳng, thì quyền lực nhà nước cần được phân thành ba quyền tách biệt, đó là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Chúng cần được giao cho ba hệ thống hoạt động độc lập với nhau, kiểm tra và kiềm chế lẫn nhau, nhằm hạn chế lạm dụng quyền lực. Quyền tư pháp được thực thi bởi hệ thống tòa án, có trách nhiệm phán xử các vụ án chỉ dựa trên các quy định của luật và không bị chi phối bởi các hệ thống quyền lực khác. Trong Hiến pháp hiện hành của Cộng hòa Liên bang Đức, được gọi là Luật cơ bản (Grundgesetz für die Bundesrepublik Deutschland), chế độ “tam quyền phân lập” được hiến định tại Điều 20, và đó là một điều không được phép sửa đổi.
Năm 1933, khi Dimitrov bị xét xử ở Leipzig, nước Đức đang sử dụng Hiến pháp Đế chế Đức (Die Verfassung des Deutschen Reichs), còn được gọi là Hiến pháp Weimar (Weimarer Verfassung), có hiệu lực từ tháng 8 năm 1919 đến tháng 6 năm 1945. Tuy nguyên tắc “tam quyền phân lập” không được thể hiện rõ ràng như trong Luật cơ bản, nhưng Hiến pháp Đế chế Đức 1919 lại chứa đựng đầy đủ những điều hiến định về tư pháp theo hướng có lợi cho Dimitrov:
“Điều 102 Thẩm phán là độc lập và chỉ phải tuân theo luật.”
“Điều 104 Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời…”
“Điều 105 Không được tổ chức tòa án ngoại lệ…”
“Điều 106 Hủy bỏ việc xử án bằng tòa án quân sự, trừ thời gian chiến tranh và hoàn cảnh trên tàu chiến…”
Chiểu theo Điều 102 thì các thẩm phán xét xử Dimitrov chỉ phải căn cứ vào luật của Đức thời đó, hoàn toàn không phải tuân theo lệnh của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, kể cả lệnh của Thủ tướng Hitler và Chủ tịch Quốc hội Göring. Chiểu theo Điều 104 thì thế lực cầm quyền không thể sa thải thẩm phán chỉ vì họ xử đúng luật. Chiểu theo Điều 105 và Điều 106 thì thế lực cầm quyền không thể dùng Tòa án quân sự hay lập ra Tòa án đặc biệt để xử Dimitrov.
Đọc đến đây, có thể ai đó sẽ cười khẩy mà rằng: “Hiến định thì hiến định, ta cứ bơ thuỗn thì làm gì được ta?” Cách nghĩ này đã và đang thịnh hành trong giới cầm quyền Việt Nam, nhưng lại xa lạ với người Đức. Từ xa xưa, người Đức đã quen nghĩ Hiến pháp là… Hiến pháp, tức là để thực thi, chứ không phải là một thứ đạo cụ trang trí, nhằm đánh lừa thiên hạ. Thành thử, ngạo ngược như trùm phát xít Hitler, mà để hủy bỏ một số quyền hiến định của công dân, cũng vẫn phải dựa vào quyền hạn của Tổng thống được quy định tại Điều 48 Hiến pháp Đế chế Đức để đạo diễn ra “Sắc lệnh Tổng thống Đế chế nhằm bảo vệ nhân dân và nhà nước“, trong đó viết rõ ràng ngay tại Điều 1 rằng:
“Các Điều 114, 115, 117, 118, 123, 124 và 153 của Hiến pháp Đế chế Đức không còn hiệu lực cho đến khi có quy định khác. Do đó, được phép hạn chế quyền tự do cá nhân, quyền tự do thể hiện chính kiến, bao gồm cả quyền tự do báo chí, quyền hội họp và lập hội, được phép can thiệp vào bí mật thư từ, bưu chính, điện tín và điện thoại, được ra lệnh khám nhà và tịch thu cũng như khống chế tài sản, kể cả ngoài khuôn khổ luật định.”
Sự việc này rất đáng để các nhà độc tài thời nay liên hệ và suy ngẫm. Quyền lực, súng ống trong tay, muốn gì được nấy, tước của dân cái gì họ cũng đành nhẫn chịu. Vậy thì nếu muốn tước bỏ quyền gì của công dân cứ việc xóa chúng ra khỏi hiến pháp, viết thẳng điều đó vào luật như Hitler. Nếu làm ngược lại, trên thực tế thì cấm, mà vẫn ghi vào hiến pháp và luật là “công dân có quyền”, thì hóa ra mình lại chịu kém hắn về khoản trung thực hay sao?
Do Điều 48 Hiến pháp Đế chế Đức chỉ cho phép Tổng thống “tạm thời hủy bỏ hiệu lực của một phần hay toàn bộ các quyền cơ bản được quy định tại các Điều 114, 115, 117, 118, 123, 124 và 153“, nên các Điều 102, 104, 105 và 106 hiến định về tư pháp đã không bị Sắc lệnh Tổng thống hủy bỏ hiệu lực. Trong hoàn cảnh Đảng Nazi mới nên nắm chính quyền, chưa kịp phá bỏ hết các yếu tố nhà nước pháp quyền đã từng tồn tại ở Đức để thiết lập chế độ độc tài phát xít tuyệt đối, thì những điều hiến định về tư pháp vẫn có tác dụng đảm bảo cho các thẩm phán có thể hành nghề tương đối độc lập. Và các thẩm phán được phép và chỉ phải tuân theo Bộ luật hình sự (Strafgesetzbuch) của Đức, được ban hành và hoàn thiện dần từ năm 1871, mà mức độ hợp lý, khoa học và tiến bộ của nó thì chưa biết bao giờ Bộ luật hình sự của Việt Nam mới mon men tới được. Điều đó đã góp phần bảo vệ Dimitrov, tránh được bản án do những kẻ cầm đầu Đảng Nazi ấn định.
Phản ứng trước việc Tòa án Đế chế tuyên trắng án cho bốn bị cáo cộng sản Dimitrov, Torgler, Popov và Tanev, Thủ tướng Hitler đã ban hành Luật sửa đổi Luật hình sự và Thủ tục xét xử hình sự (Gesetz zur Änderung des Strafrechts und des Strafverfahrens) vào tháng 4 năm 1934. Theo đó, Tòa án nhân dân (Volksgerichtshof) được thiết lập để xét xử các tội “phản bội”, tức là tước bỏ chức năng xét xử của tòa án độc lập đối với các tội phạm chính trị. “Các thành viên của Tòa án nhân dân và đại diện của họ do Thủ tướng Đế chế bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ tư pháp với nhiệm kỳ 5 năm.” – Chỉ riêng quy định này cũng đủ để Thủ tướng Hitler chi phối các bản án theo ý muốn của mình. Thành lập Tòa án nhân dân để tước bỏ tính độc lập của hoạt động tư pháp là một bước đi quan trọng của Hitler trên con đường thiết lập nền độc tài phát xít.
Cơ chế “tam quyền phân lập” cho phép các thẩm phán xét xử một các độc lập, nói nôm na là họ được phán quyết đúng người, đúng tội và theo đúng các quy định của luật. Nhưng “được” không có nghĩa là “muốn”. Thẩm phán cũng chỉ là những người bình thường, với những hạn chế về tư duy, trình độ, đạo đức, tình cảm và không tránh khỏi tác động của hoàn cảnh. Nếu vì lý do gì đó, họ không muốn xử đúng thì sao? Để hạn chế hiện tượng tiêu cực này thì phải huy động sức ép của dư luận. Muốn dư luận gây sức ép đối với bộ máy tư pháp thì một mặt phải để cho họ lên tiếng, tức là phải có quyền tự do ngôn luận, mặt khác phải cung cấp thông tin khách quan cho họ, tức là phải có tự do báo chí. Trong Hiến pháp Đế chế Đức, hai quyền vừa kể thuộc vào quyền “thể hiện chính kiến bằng lời, bằng chữ, in ấn, hình ảnh hoặc bằng hình thức khác”, được hiến định tại Điều 118.
Mặc dù Điều 118 của Hiến pháp Đế chế Đức đã bị Sắc lệnh Tổng thống xóa bỏ hiệu lực, nhưng cái còn sót lại của tự do báo chí thời đó cũng khiến hậu thế phải chạnh lòng. 82 nhà báo nước ngoài vẫn được có mặt để theo dõi phiên tòa. Đúng vào ngày nhân chứng Göring xuất hiện trước tòa (4/11/1933), hai nhà báo Xô viết (của TASS và Izvestia) cũng được chấp nhận tham dự. Thậm chí, trong thời gian đầu, phiên xử còn được truyền thanh trực tiếp qua radio. Nhờ thế, diễn biến của phiên tòa được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước Đức, được dư luận theo dõi chặt chẽ, khiến các thẩm phán không thể hành động và phán quyết quá tùy tiện. Và đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ Dimitrov.
Sức ép gián tiếp từ bên ngoài của dư luận chắc không nặng bằng sức ép trực tiếp từ nội bộ… Nếu các thẩm phán đều là đảng viên của Đảng Nazi, và nếu Chủ tịch đảng Hitler (1921–1945) ra lệnh, thì liệu họ có dám vượt qua cái gọi là “kỷ luật đảng” để hành động khác đi hay không? E rằng, dù chưa nhận được mệnh lệnh từ trên, thì có người đã tự giác hành động theo “chủ trương đường lối của đảng” mất rồi. May thay cho Dimitrov và các đồng bị cáo, Chủ tọa phiên tòa là Tiến sĩ Wilhelm Bünger, người đã từng là Bộ trưởng Bộ tư pháp (1924–1927), Bộ trưởng Bộ văn hóa (1928–1930) và Thủ hiến (1929–1930) của Bang Tự do Sachsen (Freistaat Sachsen), và được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa hình sự số IV (Senatspäsident) thuộc Tòa án Đế chế từ ngày 26/06/1931. Thẩm phán Bünger không phải là đảng viên của Đảng Nazi, mà là đảng viên của Đảng Nhân dân Đức (Deutsche Volkspartei, DVP). Đảng này đã từng tham gia Chính phủ Đế chế thời Cộng hòa Weimar (1920–1921, 1923–1931), và nó chính là tiền thân của Đảng Dân chủ Tự do (Freie Demokratische Partei, FDP), mà Chủ tịch hiện nay là Phó Thủ tướng Đức (gốc Việt) Philipp Rösler. Nói chung, Thẩm phán Bünger không phải là “người của đảng” để Hitler và Göring dễ bề sai bảo, cũng không phải là người “thấp cổ bé họng” để thế lực cầm quyền dễ bắt nạt.
Tham gia xét xử dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Bünger còn có ba thẩm phán là Tiến sĩ Walter Froelich, Hermann Coenders và Tiến sĩ Emil Lersch. Thẩm phán Froelich từng tham gia Đảng Nhân dân Đức (1919–1920) và Đảng Nhân dân Quốc gia Đức (Deutschnationale Volkspartei, 1933). Theo Hubert Schorn thì Tiến sĩ Froehlich không chấp nhận phong trào Nazi của Hitler, và cũng một phần nhờ ông ấy mà mấy bị cáo cộng sản đã được trả tự do. Thẩm phán Coenders được cho là hay đặt câu hỏi khá rắn đối với những bị cáo và nhân chứng không theo xu hướng Nazi, và có vẻ đồng cảm với thuyết trình của Göring tại tòa, nhưng dường như ông không tham gia đảng nào cả. Thẩm phán Lersch thì 4 năm sau vụ án (tức là năm 1937) mới gia nhập Đảng Nazi.
Một “đội hình thẩm phán đa nguyên đa đảng” như thế mới có cơ hội thoát khỏi vòng “lãnh đạo tuyệt đối” của đảng cầm quyền khi xử án. Hiển nhiên, “đội hình thẩm phán đa nguyên đa đảng” chỉ có thể tồn tại trong một chế độ đa nguyên đa đảng. Vào đầu năm 1933, khi Hitler lên làm Thủ tướng, ở nước Đức có nhiều đảng hoạt động, trong đó 8 đảng thường đạt 1% số phiếu trở lên tại các kỳ bầu cử Quốc hội. Sau vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức vào đêm 27/02/2103, Đảng Cộng sản Đức (KPD) bị chính quyền Hitler cấm hoạt động ngay lập tức. Tiếp theo đó, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) cũng bị cấm hoạt động từ ngày 22/06/1933. Các đảng lớn khác tự giải thể hoặc bị ép phải giải thể trong tháng 6 và tháng 7 năm 1933, chỉ còn lại một đảng duy nhất là Đảng Nazi. Như vậy, khi Phiên tòa Leipzig diễn ra trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1933, thì chính trường nước Đức đã lâm vào tình trạng độc đảng. Tuy nhiên, trong năm khai sinh của chế độ độc tài phát xít, tập quán đa nguyên đa đảng vẫn còn sót lại đáng kể trong tư duy và hành động của người Đức. Vẫn còn rất nhiều người quay lưng lại với Đảng Nazi, và có nhiều người vẫn muốn hoặc dám chống lại Hitler. Trong hoàn cảnh ấy, bản năng hành nghề độc lập của các thẩm phán vẫn chưa bị triệt tiêu. Và bản năng ấy được phát huy hơn trong một tập thể thẩm phán không có ai là đảng viên Đảng Nazi. Có thể nói: Thành quả còn sót lại của chế độ đa nguyên đa đảng đã góp phần cứu sống Dimitrov.
Tóm lại, nếu cho rằng việc Dimitrov, Torgler, Popov và Tanev được Tòa án Đế chế trả tự do là hệ quả của công lý, thì tiền đề của công lý là nền dân chủ đa nguyên đa đảng, với tự do ngôn luận và tự do báo chí, được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, để đảm bảo cho tòa án có thể hoạt động độc lập và chỉ phải tuân theo hiến pháp và luật. Đó là những tinh hoa được chắt lọc từ lịch sử phát triển của nhân loại.
Trớ trêu thay, góp phần cứu sống bốn người cộng sản lại là những giá trị lịch sử mà một số đồng chí của họ vẫn kiên trì phủ định và chống lại cho đến ngày hôm nay. Giả sử một chế độ độc đảng toàn trị theo nguyên mẫu Xô viết đã được thiết lập ở nước Đức từ mươi năm trước đó, thì liệu đồng chí Georgi Dimitrov có còn sống sót để trở về làm Tổng bí thư Quốc tế Cộng sản (1934–1943) và Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bun-ga-ri (1946–1949) nữa hay không?
Sau khi thoát khỏi ngục tù phát xít nhờ phán quyết vô tội của một tòa án tư sản, được đón tiếp nồng nhiệt ở quê hương của cách mạng vô sản như những người anh hùng và được trao quốc tịch Liên Xô, hai đồng chí Blagoi Popov và Vassil Tanev được Lãnh tụ vĩ đại Joseph Stalin đưa đi đào tạo trong khuôn khổ của chiến dịch “Đại thanh trừng”: Popov bị bắt vào tháng 10 năm 1937 và bị giam 17 năm, tận đến năm 1954 mới được thả và được phục hồi. Tanev cũng bị bắt và bị giam một số năm trong một trại tù ở Vòng Bắc cực. Chẳng hiểu những năm thử thách khắc nghiệt trong nhà tù xã hội chủ nghĩa, trên đất nước mà người đồng hương Dimitrov đã từng ngợi ca trước tòa án Leipzig là “tốt đẹp nhất thế giới”, có làm xao động niềm tin của họ về sự tất yếu lịch sử và tính ưu việt hơn hẳn của chế độ độc đảng toàn trị hay không?
*
* *
Tôi tranh thủ viết cho xong những dòng này trước phiên phúc thẩm xử vụ án Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, nghe nói sẽ diễn ra vào ngày 16/08/2103. Hy vọng sẽ được những người có trách nhiệm tham khảo trước khi ấn định phán quyết.
Tôi không muốn bàn cãi thêm về việc Phương Uyên và Nguyên Kha có tội hay không, và tòa án có áp dụng đúng luật hay không, mà chỉ muốn nhắn nhủ mấy điều mang tính chung chung:
– Nếu có một điều luật nào đó cho phép kết tội những người chỉ thể hiện chính kiến một cách ôn hòa, thì điều luật ấy sai và cần phải hủy bỏ!
– Nếu cho rằng Phương Uyên và Nguyên Kha hành động sai, thì hãy khuyên bảo và giáo dục họ. Con em lãnh đạo dù ăn chơi, phá phách đến mấy, kể cả phạm pháp, thì cha anh vẫn chậc lưỡi là còn “trẻ người non dạ”, rồi bao che, nâng đỡ cho chúng… lên làm lãnh đạo. Vậy thì tại sao lại nhẫn tâm trừng trị, bỏ tù đằng đẵng mấy thanh niên mới lớn như Phương Uyên và Nguyên Kha? Chẳng nhẽ vì họ chỉ là con em thường dân hay sao?
– Nếu cho rằng Phương Uyên và Nguyên Kha có tội, thì hậu quả họ gây ra đối với Đất nước, Nhân dân và chế độ còn kém rất rất xa so với hậu quả đục khoét của những “bầy sâu”. Nếu định nghiêm trị, thì hãy ưu tiên trị các tội rất rất to của những “sâu bự”, trước khi động tới những tội nho nhỏ của người dân.
– Đừng đổ hết lỗi cho Dân, mà hãy nhìn nhận lại trách nhiệm của nhà cầm quyền. Tại sao Phương Uyên và Nguyên Kha lại hành động “lén lút” ư? Vì lẽ ra thì những hành động ấy phải được tiến hành công khai, với tư cách “quyền tự do ngôn luận” và “quyền biểu tình” được hiến định ở Điều 69 Hiến pháp 1992, nhưng lại bị nhà cầm quyền cấm đoán và cản trở. Tại sao Phương Uyên và Nguyên Kha lại tham gia cái tổ chức mà nhà cầm quyền quy là “phản động” ư? Bởi vì những hội tử tế, lẽ ra phải được phép thành lập theo Điều 69 Hiến pháp 1992, thì lại bị nhà cầm quyền cấm đoán; còn “đoàn thể quốc doanh” đang tồn tại thì tỏ ra vô dụng, hoàn toàn câm lặng, bàng quan và vô cảm trước những bức xúc của người dân… Có gì là vi phạm pháp luật trong việc Phương Uyên và Nguyên Kha hành động “lén lút” và tham gia một tổ chức “phản động” hay không? Tất nhiên là có! Đó chính là: Nhà cầm quyền vi phạm Hiến pháp, cản trở công dân hành động hợp pháp công khai và thành lập những tổ chức hợp pháp tử tế.
Phương Uyên và Nguyên Kha là hai thanh niên yêu nước, yêu nước đến mức dám dấn thân… Họ yêu nước theo cách của họ. Nhà cầm quyền không ưa kiểu yêu nước ấy, điều đó cũng dễ hiểu, bởi chính Phương Uyên và Nguyên Kha cũng không ưa kiểu yêu nước của phía cầm quyền. Sở thích khác nhau là lẽ thường tình. Xã hội rất đa dạng, dù không muốn thì cũng phải chấp nhận. Không thể bất chấp tự nhiên, tìm mọi cách để gò tất cả vào một khuôn mẫu duy nhất theo khẩu vị của một vài người, cho dù đó là của thiên tử. Để có được một xã hội thái bình, thì mọi người đều phải học cách chung sống hòa thuận với nhau và tôn trọng chính kiến của nhau. Với cách xử sự như đối với Phương Uyên và Nguyên Kha, những người cầm quyền hiện nay đã dạy cho thế hệ trẻ một bài học rất xấu, rằng: Ở đất nước này thì không thể chấp nhận bất đồng chính kiến, không thể chung sống với những người đối lập, mà phải cương quyết diệt bỏ như kẻ thù không đội trời chung. Nếu cái “tư duy chuyên chính triệt để” ấy được thừa kế bởi chính quyền kế tiếp – mà ngày thay thế chính quyền chắc chắn sẽ đến nhanh hơn nếu thế lực cầm quyền cứ tiếp tục hành xử như hiện nay – thì sau này đừng có oán thán tại sao mình không có chỗ dung thân.
Dù khôn hay dại, dù đúng hay sai, thì những thanh niên hiện còn rất trẻ cũng sẽ làm chủ đất nước trong tương lai, khi mà đại thần khét tiếng hôm nay sẽ lẫm chẫm chống gậy ra tựa cửa, mong ngóng được người qua đường hỏi chuyện. Thành thử, hãy tôn trọng và cư xử rộng lượng với “bọn trẻ” như với tương lai của chính mình!
14/08/2013
Cùng tác giả: + Quốc hiệu nào hội tụ lòng Dân?; + Chẳng nhẽ độc quyền cả nói dối hay sao?; + Là thực thi quyền hiến định ông Trọng ạ!; + Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp; + Teo dần quyền con người trong Hiến pháp; + Hai tử huyệt của chế độ; + Viễn tưởng từ chức; + Bài học tồn vong từ thảm họa; + Lực cản Nhà nước pháp quyền; + Chiến binh cầm bút; + Hãy để lương tâm lên tiếng một lần!; + Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng; + Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ; + Quyền biểu tình của công dân; + Phiêu lưu điện hạt nhân; + Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ; + Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân
Nguồn: Hoàng Xuân Phú
Rủi cho Phương Uyên – May cho Dimitrov
Rủi cho Phương Uyên – May cho Dimitrov
Hoàng Xuân Phú
Giam tương lai vào ngục
Tự hủy chốn dung thân
Nhà nước xưng là "pháp quyền", mà trưng ra quá nhiều phiên tòa phi pháp. Nhân danh công lý mà vi phạm cả Hiến pháp và luật, bất chấp cả lẽ phải và sự thật, để buộc tội, phán bằng được những "bản án bỏ túi". Một trong những đặc điểm nhận diện của các phiên tòa phi pháp là: Tuy tuyên bố xét xử công khai, và Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ là "mọi người đều có quyền tham dự", nhưng lại dùng mọi thủ đoạn để cản trở. Huy động hội "vô công rồi nghề" chiếm hết chỗ trong phòng xử án, rồi triển khai lực lượng dày đặc để ngăn cản mọi người tiếp cận khu vực xét xử. Kể cả người nhà bị cáo và người có giấy triệu tập của tòa án cũng không lọt nổi vào chốn công đường. Tại sao họ lại vi phạm pháp luật một cách trắng trợn như vậy? Phải chăng là để che giấu nhiều vi phạm còn trầm trọng hơn? Nếu không định xử sai người sai tội, bất chấp Hiến pháp và luật, thì chắc không phải bưng bít và hành xử vụng trộm như vậy.
Công lý Long An
Nếu coi mỗi phiên tòa phi pháp như một nhát xẻng khoét sâu thêm lỗ huyệt dành cho những thứ ngụy danh "pháp quyền", thì trong vụ án Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha năng suất đào huyệt của những người đại diện cho pháp luật ngang với gầu máy xúc. Vụ việc bắt đầu khi sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị "mất tích" vào ngày 14/10/2012. Bạn cùng trọ cho biết Phương Uyên đã bị công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đi. Thế nhưng, ngày 16/10/2012 bố Phương Uyên – ông Nguyễn Duy Linh – đến đồn công an phường Tây Thạnh để tìm con, thì chỉ được trả lời là “không biết, không có giam ai, không bắt ai”. Ngày 20/10/2012 mẹ Phương Uyên – bà Nguyễn Thị Nhung – lại đến đồn công an ấy hỏi tung tích của con gái, thì họ vẫn tiếp tục tỏ ra không hề hay biết. Mãi đến ngày 22/10/2012 công an phường Tây Thạnh mới thừa nhận với bà Nhung là họ đã bắt giam Phương Uyên, nhưng vẫn không chịu nói lý do tại sao bắt.
Theo tường thuật của anh Đinh Nhật Uy, Luật sư Hà Huy Sơn đã khẳng định tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An rằng: Nguyễn Phương Uyên bị bắt trái phép vào ngày 14/10 và bị giam trái phép cho đến ngày 19/10/2012. Và chính Phương Uyên đã tố cáo trước tòa rằng: Ngày 14/10 cô bị bắt và bị giam ở phường, rồi bị giam tiếp trong một khách sạn đến ngày 19/10, không được gọi điện về nhà, và bị buộc phải ký vào một tờ giấy là tự nguyện ở lại khách sạn.
Đó chỉ là màn dạo đầu của một vụ án điển hình, mà các cơ quan mang danh "bảo vệ pháp luật" bất chấp cả Hiến pháp và luật để đạt bằng được mục tiêu kết án. Sau 7 tháng điều tra và dàn dựng, ngày 16/05/2013 "Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã đưa vụ án tuyên truyền chống phá nhà nước ra xét xử công khai". Như thông lệ, tuyên bố là "xét xử công khai", nhưng lại ngăn cấm mọi người tham dự. Bà Nguyễn Thị Nhung kể rằng: "Phía Nguyễn Phương Uyên, bố mẹ không hề nhận được giấy báo về phiên xử. Khi đến tòa, chỉ có mẹ và cậu của Uyên được vào bên trong. Bố và em trai Uyên phải ngồi ngoài cổng tòa." Bà Nguyễn Thị Kim Liên – mẹ của Đinh Nguyên Kha – cho biết: Mặc dù Đinh Nhật Uy – anh trai của Đinh Nguyên Kha – có lệnh triệu tập của tòa án, nhưng lúc đầu cũng không được vào khu vực xử án, tận khi người của tòa án ra gọi tên thì công an mới cho vào.
Một trong những điều mỉa mai nhất của vụ án này là Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, do Phó viện trưởng Nguyễn Tiến Nghiệp ký, trong đó kể tội Nguyễn Phương Uyên như sau:
"Uyên sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, mảnh còn lại có nội dung không hay về Trung Quốc."
Chẳng nhẽ họ đòi hỏi công dân Phương Uyên phải nói hay về Trung Quốc, khi "bạn bốn tốt" của họ xâm chiếm Hoàng Sa, lấn chiếm Trường Sa, rồi đưa ra yêu sách về đường lưỡi bò, và tấn công, bắt bớ ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển của Tổ quốc mình, hay sao? Cáo trạng trớ trêu như vậy khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng một trong những mục đích của phiên tòa này là để bảo vệ Trung Quốc? Trớ trêu thay, Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, mà họ vin vào để buộc tội Phương Uyên, lại chỉ có quy định về "Tội phản bội Tổ quốc" (Điều 78) và "Tội gián điệp" (Điều 80), chứ hoàn toàn không có điều khoản nào cấm nói hay cấm viết "nội dung không hay về Trung Quốc".
Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An quyết định:
"Truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Long An để xét xử các bị can Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội 'Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam', quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự."
Tức là truy tố về tội: "Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Thế nhưng, Bản cáo trạng đó lại không đưa ra được bất cứ một bằng chứng cụ thể nào để chứng tỏ rằng hai thanh niên này "chống Nhà nước CHXHCNVN Việt Nam".
Trước tòa, cả Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đều khẳng định rằng họ không "chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Trong bài bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên, Luật sư Nguyễn Thanh Lương đã dựa vào Hiến pháp, Luật an ninh Quốc gia, Bộ luật hình sự và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam để khẳng định rằng:
"Hành vi hay khẩu hiệu phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam… không có nghĩa là vi phạm Điều 88 Bộ luật hình sự và không vi phạm Chương XI Bộ luật hình sự phần quy định về Các tội xâm phạm an ninh Quốc gia."
"… phần hành vi phản đối Trung Quốc chính là thể hiện lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc của Nguyễn Phương Uyên. Nên thiết nghĩ cần được Cơ quan tiến hành tố tụng có thể ghi nhận thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự."
Căn cứ vào Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và Tuyên ngôn nhân quyền Liên hợp quốc năm 1948, Luật sư Hà Huy Sơn đã lập luận để đưa ra kết luận rằng:
"Theo như Cáo trạng của Viện kiểm sát thì hành vi của Nguyễn Phương Uyên không gây ra hậu quả nào cho xã hội; không có động cơ, mục đích chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Các hành vi của Nguyễn Phương Uyên chỉ là phản ánh bức xúc cá nhân trước hiện trạng của đất nước và muốn cảnh tỉnh thanh niên sinh viên về ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Các hành vi của Nguyễn Phương Uyên không cấu thành trách nhiệm hình sự, vì vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử hãy công minh xem xét tuyên Nguyễn Phương Uyên vô tội."
Các kết luận kể trên của hai luật sư Nguyễn Thanh Lương và Hà Huy Sơn không chỉ dựa vào các quy định pháp lý, mà căn cứ vào cả hồ sơ đầy đủ của vụ án do cơ quan điều tra và cơ quan công tố đệ trình trước tòa. Bởi vì, theo quy định của Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự, người bào chữa có quyền:
"a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can… và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem… các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa."
"b) Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can."
"g) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa…"
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An chỉ truy tố Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha với tội danh miễn cưỡng và duy nhất là "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự". Phải chăng, điều ấy chứng tỏ rằng: Hai thanh niên đó không phạm tội nào theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành?
Tuy nhiên, chẳng lý lẽ và tài năng bào chữa nào có thể lay chuyển được quyết tâm kết tội của các quan tòa. Đáp lại thái độ đàng hoàng và tự tin của hai thanh niên áo trắng, chiều ngày 16/05/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã tuyên phạt Nguyễn Phương Uyên 6 năm tù và Đinh Nguyên Kha 10 năm tù (trong đó có 2 năm thuộc về một vụ án khác), và cả hai bị cáo còn bị quản thúc 3 năm tại địa phương, không được tham gia vào các tổ chức xã hội sau khi chấp hành hết mãn hạn tù.
Bản án này đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ ở trong và ngoài nước. Sau một thời gian ngắn, "Lời kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha" đã được trên 2900 người ghi tên hưởng ứng.
Trong bài viết với tựa đề vẻn vẹn một chữ "Nhục!", nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2009–2014), đã đặt câu hỏi:
"Kiểu 'xử gọn' như vậy có đáng gọi là một việc làm đàng hoàng không? Và ai làm một việc không đàng hoàng có phải là nhục không?"
Và ông đã thể hiện đánh giá của mình về hai bị cáo bằng lời cám ơn chân thành:
"Cám ơn Phương Uyên. Cám ơn Nguyên Kha. Cám ơn những cô gái, những chàng trai yêu nước Việt Nam."
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nhiệm kỳ 2009–2014), cho rằng "nhân dân cả nước đang rất phẫn nộ trước bản án dành cho hai em đó", và đánh giá rằng:
"Bản án của em Uyên và em Kha càng phản ánh cái tình trạng có thể nói là phát xít, cái tình trạng dùng lực lượng công an, cảnh sát, tòa án để đàn áp những tiếng nói rất là ôn hòa, rất hòa bình, rất xây dựng cho đất nước của chúng ta."
Nhà cầm quyền sẽ đạt được gì với những bản án như vậy? Ông Nguyễn Trung (Cựu Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Thái Lan) cho rằng "Trấn áp chỉ đưa chế độ đi tới sụp đổ!" và khẳng định:
"Không phải những gì Uyên và Kha đã làm và đã bị kết án một cách tàn bạo, mà là chính bản án Long An 16-05-2013, chính những bản án Long An như thế tiếp nối nhau trong suốt những năm vừa qua, cùng với sự bất nhất giữa nói và làm của những người có thực quyền trong ĐCSVN, đang từng ngày từng giờ uy hiếp sự tồn vong của đất nước!"
"Hiển nhiên, trấn áp như thế đang đẩy chế độ hiện hành đi tiếp tới chỗ sụp đổ, hầu như chắc chắn với thảm kịch đẫm máu."
Phiên tòa Leipzig
Cứ mỗi lần chứng kiến một phiên tòa phi pháp ở xứ sở này, tôi lại nhớ tới Phiên tòa Leipzig xét xử vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức, nơi mà bị cáo Dimitrov (thường được phiên âm trong tiếng Việt là Đi-mi-tơ-rốp) đã trở thành người xử án. Sự kiện đó diễn ra trong năm đầu của Đế chế Đức thời Xã hội chủ nghĩa quốc gia (Nationalsozialismus), sau khi Adolf Hitler – Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Xã hội chủ nghĩa quốc gia (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, NSDAP, còn được gọi tắt là Đảng Nazi, Đảng Quốc xã) – lên làm Thủ tướng Đế chế (Reichskanzler) vào ngày 30/01/1933.
Giữa chiến dịch tranh cử vào Quốc hội Đế chế Đức (năm 1933), mà ba đảng mạnh nhất là NSDAP, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) và Đảng Cộng sản Đức (KPD), thì Tòa nhà Quốc hội Đức bị đốt vào đêm 27/02/1933. Tại hiện trường, cảnh sát chỉ bắt được Marinus van der Lubbe, một người Hà Lan theo Chủ nghĩa cộng sản hội đồng (Council communism, Rätekommunismus) và tham gia Nhóm những người cộng sản quốc tế (Gruppe Internationaler Kommunisten, GIK) từ năm 1931. Van der Lubbe khai rằng chỉ một mình phóng hỏa. Nhưng ngay lập tức, Hermann Göring – nhân vật đứng thứ hai của Đảng Nazi – đã quả quyết:
"Đây là mở đầu của cuộc nổi loạn cộng sản, bây giờ chúng sẽ bị tấn công. Không được bỏ lỡ một phút nào hết."
Còn Chủ tịch Đảng Nazi Adolf Hitler thì thẳng thừng tuyên bố:
"Không thể thương xót được nữa; ai chặn đường của chúng ta thì sẽ bị tiêu diệt… Phải bắn bất cứ phần tử cốt cán cộng sản nào bị bắt gặp. Phải treo cổ bọn nghị sĩ cộng sản ngay trong đêm nay… Cũng không cần phải giữ gìn gì nữa trong việc chống lại bọn Dân chủ xã hội và bọn Cờ đế chế (Reichsbanner Schwarz-Rot-Gold)."
Sự quy kết vội vã ấy làm gia tăng mối nghi ngờ, rằng chính những kẻ cầm đầu Đảng Nazi là tác giả của vụ phóng hỏa Tòa nhà Quốc hội, nhằm tạo cớ để đàn áp đối thủ chính trị.
Ngay trong ngày hôm sau (28/03/1933), "Sắc lệnh Tổng thống Đế chế nhằm bảo vệ nhân dân và nhà nước" được ban hành, với mục đích được ghi là "nhằm bảo vệ trước các hành động bạo lực cộng sản chống lại nhà nước". Theo đó, các quyền hiến định về tự do cá nhân, tự do phát biểu chính kiến (bao gồm cả tự do báo chí), về lập hội, hội họp… đều bị hủy bỏ. Dựa vào Sắc lệnh này, KPD bị cấm hoạt động ngay lập tức, và ba ngày sau cuộc Bầu cử Quốc hội Đế chế Đức ngày 05/03/1933, tất cả 81 ghế nghị sĩ của KPD (đảng đứng thứ ba, dành được 12,3% số phiếu) bị hủy bỏ. Ba tháng sau SPD (đảng đứng thứ hai, dành được 18,3% số phiếu và 120 ghế nghị sĩ) cũng bị cấm hoạt động. Điều đó cho thấy vai trò của vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức trong việc thiết lập chế độ độc tài phát xít ở Đức.
Phiên tòa xét xử vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức diễn ra tại Tòa án Đế chế (Reichsgericht, là tòa án hình sự và dân sự cấp cao nhất ở Đế chế Đức trong thời kỳ 1879–1945), bắt đầu vào ngày 21/09/1933. Ngoài Marinus van der Lubbe, còn có bốn bị cáo khác bị đem ra xét xử, đó là Ernst Torgler (Chủ tịch Nhóm nghị sĩ của đảng KPD trong Quốc hội Đế chế Đức từ năm 1929) và ba người cộng sản Bun-ga-ri là Georgi Dimitrov, Blagoi Popov, Vassil Tanev.
Một trong những điều đặc biệt nhất là của phiên tòa này là sự xuất hiện của hai nhân chứng Hermann Göring (vào ngày 04/11/1933) và Joseph Goebbels (vào ngày 08/11/1933). Tại thời điểm đó, Göring đã giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1933–1934) và Thủ hiến (1933–1945) của nước Phổ (Preußen), Chủ tịch Quốc hội (1932–1945) và Bộ trưởng Bộ Hàng không (1933–1945) của Đế chế Đức, và năm 1934 thì được chỉ định sẽ là người kế tục nếu Hitler qua đời. Goebbels khi đó đã là Bộ trưởng Bộ Khai sáng Nhân dân và Tuyên truyền của Đế chế Đức (1933–1945), và sau này thay thế Hitler làm Thủ tướng trong ba ngày cuối đời (30/04–01/05/1945).
Việc hai nhân vật hàng đầu của Đảng Nazi ra làm chứng trước tòa thể hiện tầm quan trọng của vụ xét xử này. Hẳn chính quyền Hilter đã coi nó như một trận đánh trọng điểm trong chiến dịch tiêu diệt Đảng Cộng sản. Quyết tâm chống cộng được Göring thể hiện rõ khi đấu khẩu với Dimitrov trước tòa:
"Đối với tín hiệu mà Đảng Cộng sản đưa ra ở đây, tôi muốn trả lời bằng cách thể hiện quyết tâm, cho các vị cộng sản thấy rõ, là tôi định thực hiện cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Quả thật là tôi đã định treo cổ van der Lubbe ngay trong đêm ấy. Sở dĩ tôi chưa làm điều đó – dù không ai có thể cản trở tôi – là vì tự nhủ rằng: Ta mới túm được hắn; nhưng chắc chúng phải là cả bầy; có lẽ ta cần tên này làm nhân chứng. Đấy là cân nhắc duy nhất, khiến khi ấy tôi không chỉ ngay cho thế giới thấy rằng, nếu một bên cương quyết phá hoại, thì bên kia cũng cương quyết không chấp nhận."
Chủ quan khinh địch, Göring đã bất ngờ đụng phải một đối thủ trên tầm, bị Dimitrov tấn công bằng những câu hỏi sắc sảo:
"Sau khi ngài với tư cách Thủ hiến và Bộ trưởng nội vụ đã tuyên bố rằng những người cộng sản đã phóng hỏa, rằng Đảng Cộng sản Đức với sự giúp đỡ của van der Lubbe, một người cộng sản nước ngoài, đã làm điều đó, thì chắc hẳn quan điểm của ngài đã xác định hướng cố định cho việc điều tra của cảnh sát và tiếp đó là cho việc xét xử của thẩm phán, và xóa bỏ khả năng tìm kiếm theo các hướng khác để tìm ra kẻ đích thực đã đốt Tòa nhà Quốc hội, đúng không?"
Dimitrov liên tục chất vấn Göring, như thể chính ông là người xử án:
"Dimitrov: Ngài Thủ hiến có biết là ngài Karwahne và ngài Frey đã trình báo như thế không?
Göring: Tôi được biết về việc trình báo ấy trong ngày kế tiếp sau vụ cháy.
Dimitrov: Vào buổi sáng hay trong đêm?
Göring: Vào buổi sáng, hoặc cũng có thể là vào buổi chiều.
Dimitrov: Vậy thì vào bao giờ? Buổi sáng hay buổi chiều?
Göring: Có thể xác định được chính xác là những lời khai báo này được chuyển tới tôi vào lúc nào."
Rơi vào thế bị động, Göring chống đỡ lúng túng, thậm chí còn nổi khùng:
"Ta muốn nói là nhân dân Đức biết rằng ngươi cư xử vô liêm xỉ, rằng ngươi mò đến đây để đốt nhà Quốc hội. Nhưng ta ở đây không phải để nhà ngươi thẩm vấn và buộc tội như quan tòa. Trong mắt ta thì ngươi là một kẻ lừa đảo, phải treo thẳng lên giá treo cổ."
Phản ứng ấy của vị Chủ tịch Quốc hội kiêm Thủ hiến và Bộ trưởng cho thấy Göring đuối lý đến mức nào.
Cứ như vậy, Dimitrov đã lần lượt vạch trần những điều phi lý của các chứng cớ, để phủ nhận bản cáo trạng của phía công tố nhằm bào chữa cho mình và các đồng bị cáo.
Sau 3 tháng ròng rã, với 57 ngày xét xử, ngày 23/12/1933 tòa đã tuyên án tử hình đối với van der Lubbe, còn Torgler, Dimitrov, Popov và Tanev thì được tuyên trắng án.
Phiên tòa đó đã để lại dư âm đến tận bây giờ. Là người dân sống trên đất Việt, ta chạnh lòng tự hỏi: Bao giờ thì luật sư và bị cáo ở ta mới được đối thoại sòng phẳng như vậy trước tòa? Bao giờ thì những người cầm quyền cũng chịu ra tòa để đối chất với dân? Bao giờ chân lý của dân đen ở đất này mới có thể thắng kiện cường quyền sai trái? Bao giờ…?
Nếu Phương Uyên làm theo Dimitrov
Một trong những biện pháp mà Dimitrov đã áp dụng để tự bào chữa thành công là tranh luận trực tiếp trước tòa với một số nhân vật hàng đầu của bộ máy cầm quyền (với tư cách của những người làm chứng). Là một người ngoại quốc đang tồn tại bất hợp pháp ở nước Đức, mà Dimitrov có thể làm như vậy trong một chế độ phát xít, thì tại sao công dân Nguyễn Phương Uyên lại không thể hành động tương tự trong một chế độ mang danh "của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân"?
Dimitrov đã chất vấn Göring trên cương vị gì? Để làm rõ tư cách của nhân chứng, Dimitrov đã hỏi Göring: "Ngài nhân chứng, ngài là Thủ hiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Quốc hội, và là một bộ trưởng chịu trách nhiệm về bộ máy cảnh sát, phải không?" Sau khi Göring khẳng định "Đúng thế", thì Dimitrov mới dõng dạc: "Tôi hỏi…". Vậy thì tại sao Phương Uyên không thể chất vấn Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Công an?
Dựa vào đâu để Phương Uyên có thể đối thoại với Chủ tịch Quốc hội? Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 quy định rằng:
"Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu."
Như vậy, những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông như Phương Uyên phải hiểu được Hiến pháp và luật viết gì. Thế nhưng, không chỉ riêng Phương Uyên mà cả những người đã có học vị tiến sĩ cũng hay lâm vào cảnh trớ trêu: Đinh ninh là mình hành động phù hợp với Hiến pháp và luật, vậy mà vẫn bị cấm đoán và cản trở, thậm chí bị bắt bớ và xử tù. Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào? Bản thân mình hiểu sai, hay các "đầy tớ" hiểu sai? Hay họ hiểu đúng nhưng lại cố tình làm sai? Biết hỏi đâu bây giờ? Không ai có thể trả lời chính xác hơn và đúng chức trách hơn là Chủ tịch Quốc hội, bởi vì Điều 91 Hiến pháp 1992 quy định rằng: "Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh" thuộc vào nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trước hết, Phương Uyên nên hỏi thẳng Chủ tịch Quốc hội: Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam là để thực thi, hay chỉ để trang trí? Câu hỏi này tưởng chừng ngây ngô, nhưng lại mang tính tiên quyết và thực sự cần thiết trong hoàn cảnh mà giả dối ngự trị, và tính trung thực của quan chức đáng được ghi vào sách đỏ của những thứ có nguy cơ tiệt chủng. Căn cứ vào thực tế nước nhà, hẳn rất nhiều người sẽ chọn đáp án "Hiến pháp chỉ để trang trí". Nếu Chủ tịch Quốc hội cũng cho là như vậy, tức là thừa nhận rằng "nhà nước pháp quyền" ở xứ này chỉ là thứ "hữu danh vô thực", thì tranh luận tại tòa là vô ích. Trong một "nhà nước phi pháp quyền" thì bắt ai và giam tù bao lâu là đặc quyền của những kẻ thao túng quyền lực. Nếu không muốn cam chịu, thì chỉ còn cách đứng lên đấu tranh, để thiết lập một nhà nước pháp quyền đích thực.
Chỉ khi Chủ tịch Quốc hội trả lời "Hiến pháp là để thực thi", thì Phương Uyên mới có thể đặt câu hỏi thứ hai: Những gì tôi đã làm đều là thực thi các quyền được hiến định ở Điều 69 Hiến pháp 1992, theo đó
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật."
Vậy thì tại sao tôi lại bị bắt, bị giam và bị truy tố?
Giả sử Chủ tịch Quốc hội trả lời rằng các quyền đó phải "theo quy định của pháp luật", nhưng cho đến nay vẫn chưa có luật liên quan, nên chưa thể thực thi, thì Phương Uyên có thể đặt các câu hỏi tiếp theo.
Tại sao Quốc hội lại liên tục trì hoãn việc ban hành các luật để đảm bảo quyền tự do của công dân? Phải chăng là để Nhân dân không thể thực thi các quyền hiến định? Như vậy có phải là chống lại Hiến pháp hay không? Chống lại Hiến pháp, hoặc ít nhất cũng là vi phạm Hiến pháp, thì không bị xử lý, mà còn được bảo vệ, được cất nhắc… Thực thi Hiến pháp thì lại bị đàn áp, bị bỏ tù… Cớ sao lại như vậy?
Nếu quan niệm rằng chưa thể chấp nhận thực thi các quyền hiến định ấy "vì trình độ dân trí quá thấp", thì còn hiến định để làm gì? Và các vị đã lãnh đạo và giáo dục kiểu gì, mà sau nửa thế kỷ cầm quyền vẫn chưa vực được dân trí lên ngang tầm… dưới ách thực dân?
Nếu quan niệm rằng chưa thể ban hành luật tương ứng vì Quốc hội quá bận với chương trình ban hành luật, thì Quốc hội còn định nợ Nhân dân đến bao giờ? Nợ gần 70 năm vẫn chưa đủ lâu hay sao? Không làm được thì sao không để những người khác làm thay?
Nếu không chịu chấp nhận để Nhân dân thực thi các quyền tự do đó, thì tại sao không trung thực xóa bỏ chúng ra khỏi Hiến pháp, mà lại lưu giữ như cạm bẫy suốt bẩy chục năm qua, kể cả sau bốn lần sửa đổi Hiến pháp, khiến những người dân chất phác bị mắc lừa?
Điều 44 Hiến pháp 1992 khẳng định: "Bảo vệ Tổ quốc … là sự nghiệp của toàn dân." Tại sao nhà cầm quyền lại ngụy biện rằng "đã có đảng và nhà nước lo", để ngăn cấm người dân tham gia "sự nghiệp của toàn dân"?
Suốt bao năm trời, chính bộ máy cầm quyền này tuyên truyền với toàn dân về "kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất", rồi ghi cả điều đó vào Hiến pháp 1980, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983) và bao văn kiện khác. Tại sao bây giờ lại tức tối, khó chịu khi người dân cũng tin và nói đúng như thế? Tại sao đòi "Tàu Khựa Cút Khỏi Biển Đông" thì lại bị bắt tội là "có nội dung không hay về Trung Quốc"?
Hiến pháp 1992 quy định rõ:
"Điều 76
Công dân phải trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất."
"Điều 77
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân…"
Khi nhận thức rằng Tổ quốc lâm nguy, thì tôi phải im lặng, hay phải lên tiếng? Nếu mặc kệ, thì có bị phê phán là khước từ "quyền cao quý của công dân" và có bị kết tội là trốn tránh "nghĩa vụ thiêng liêng" – "bảo vệ Tổ quốc" – hay không? Tại sao quay lưng lại với "nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý" thì được yên ổn, còn thành tâm thực hiện nghĩa vụ và quyền hiến định thì lại bị bắt bớ? Khi biển đảo bị xâm chiếm, đồng bào ngư dân bị xua đuổi và bắt bớ, thì giới cầm quyền lặng thinh. Nhưng khi đồng bào bức xúc, xuống đường phản đối ngoại bang gây hấn, thì lại xông ra đàn áp. Cấm đoán và đàn áp công dân thể hiện lòng "trung thành với Tổ quốc" có phải là "phản bội Tổ quốc" – tức là phạm vào "tội nặng nhất" – hay không?
Liệu các câu hỏi trên có hơi lan man, có chính trị và vĩ mô quá (đối với một phiên tòa hình sự) hay không? Không! Về thực chất, đây là một vụ án chính trị, nên không thể tránh tranh luận về nội dung chính trị. Và phải bàn cãi ở tầm Hiến pháp, chứ không thể quá lệ thuộc vào những quy định gọi là pháp luật nhưng lại vi hiến. Không thể tôn sùng, kiêng kỵ bộ máy mang danh đại diện pháp luật, nhưng lại luôn sẵn sàng hành xử vi hiến.
Nếu đặt ra những câu hỏi như trên, thì Phương Uyên cũng chỉ hành động giống như Dimitrov trong phiên tòa diễn ra ở Leipzig vào năm 1933 mà thôi. Thuở ấy, khi Göring gào lên rằng "Đảng của ngài là đảng của bọn tội phạm, cần phải đập tan", thì Dimitrov đã trả lời:
"Ngài Thủ hiến có biết rằng cái đảng cần phải đập tan ấy cầm quyền trên một phần sáu trái đất, tức là tại Liên Xô? Có biết rằng nước Liên Xô ấy có quan hệ ngoại giao, chính trị và kinh tế với nước Đức, và các hợp đồng kinh tế của nước đó có lợi cho hàng trăm nghìn công nhân Đức hay không?"
Mặc dù Chủ tọa phiên tòa ra lệnh "Tôi cấm ngài tuyên truyền Chủ nghĩa cộng sản ở đây", nhưng Dimitrov cự lại rằng "Ngài Göring đang tuyên truyền Chủ nghĩa xã hội quốc gia", rồi quay sang tiếp tục căn vặn Göring:
"Thế giới quan Bôn-sê-vích ấy ngự trị ở Liên Xô, trong đất nước lớn nhất và tốt đẹp nhất thế giới, và có ở đây, trong nước Đức, hàng triệu người ngưỡng mộ, là những người con tốt nhất của nhân dân Đức. Rõ không?"
Lúc nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, Dimitrov cũng tranh thủ diễn thuyết:
"Trong thế kỷ 17, người sinh ra ngành Vật lý – Galileo Galilei – bị đưa ra Tòa án dị giáo để xử tử hình vì tội theo dị giáo. Với niềm tin sâu sắc, ông đã quả quyết rằng: 'Dù sao trái đất vẫn quay!' Và sau này luận điểm khoa học ấy đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại."
Đến đó thì Chủ tọa phiên tòa ngắt lời và cầm hồ sơ đứng dậy, toan đi ra khỏi phòng xử án, nhưng Dimitrov vẫn tiếp tục, rằng
"… bánh xe lịch sử vẫn quay, tiến tới Châu Âu Xô viết, tới Liên bang Thế giới Cộng hòa Xô viết"
và
"bánh xe ấy, được vận hành bởi giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, … quay và sẽ quay mãi cho đến thắng lợi cuối cùng của Chủ nghĩa cộng sản."
Trích ra đây mấy đoạn như vậy không phải để bàn về chuyện đúng–sai của niềm tin Dimitrov, mà để thấy rằng: Những câu hỏi được gợi ý cho vai Phương Uyên không hề lan man hơn, không hề chính trị hơn so với thuyết trình của Dimitrov tại tòa. Còn rất nhiều điều khúc mắc cần được Chủ tịch Quốc hội giải đáp, nhưng tạm dừng ở đây để dành chút thời gian cho Bộ trưởng Bộ công an.
Đừng vội cho rằng Bộ trưởng "vô can", bởi Điều 116 Hiến pháp 1992 quy định:
"Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước…"
Chính vì vậy, Phương Uyên có quyền chất vấn Bộ trưởng: Tại sao công an tiến hành bắt tôi trái với quy định của luật?
Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
"Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt..."
Vậy tại sao cơ quan công an không chủ động "thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt", mà khi bố, mẹ tôi đến hỏi thì công an lại lừa dối, chối cãi hết lần này đến lần khác? Với bộ máy dối trá như vậy, ông lấy gì để đảm bảo rằng nó không ngụy tạo tang chứng, không bịa đặt chứng cớ để vu tội cho dân lành?
Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
"Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt."
"Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt."
"Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến."
"Người láng giềng" còn được "chứng kiến" khi "người thi hành lệnh đọc lệnh", mà trong "lệnh bắt phải ghi rõ… lý do bắt", thì hiển nhiên bố mẹ càng có quyền được biết lý do con mình bị bắt. Vậy tại sao cơ quan công an không chịu nói cho bố mẹ tôi biết lý do bắt?
Tại sao công an giam giữ tôi trái phép trong khách sạn, rồi lại bắt tôi ký thừa nhận là tự nguyện ở lại khách sạn? Với bộ máy vi phạm luật trắng trợn như vậy, ông lấy gì để đảm bảo rằng nó không dùng mọi thủ đoạn phi pháp để ép cung người vô tội?
Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rằng việc "Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can" là thuộc vào "Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra". Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
"Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt."
Những hành động bị coi là "tội phạm" của bản thân tôi chỉ diễn ra ở tỉnh Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh, và điều này cũng đã được thừa nhận trong Cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An. Tức cái gọi là "tội phạm" của tôi không hề xảy ra trên địa phận của tỉnh Long An! Nơi cư trú và nơi bị bắt đều là Thành phố Hồ Chí Minh, chứ không phải là Long An! Vậy thì Công an tỉnh Long An lấy đâu ra thẩm quyền để điều tra và ra quyết định khởi tố bị can đối với bản thân tôi? Tại sao ông Bộ trưởng lại chỉ đạo hay chấp thuận để cho Công an tỉnh Long An vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự như vậy?
Tương tự, Phương Uyên có thể chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao như sau: Điều 171 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định
"Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra."
Tôi không hề thực hiện "tội phạm" nào ở tỉnh Long An. Việc điều tra về hành động của bản thân tôi cũng chỉ có thể tiến hành và kết thúc tại nơi tôi đã hành động, tức là tại tỉnh Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy thì tại sao Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An lại "Quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Long An", và tại sao Tòa án nhân dân tỉnh Long An lại đứng ra xét xử bản thân tôi? Tôi có trách nhiệm phải trả lời các câu hỏi của một hội đồng xét xử không có thẩm quyền và có buộc phải chấp nhận bản án của hội đồng đó hay không?
Các câu hỏi trên chỉ là mấy ví dụ mang tính tượng trưng, để minh họa là Phương Uyên có thể tự bào chữa bằng cách vạch ra bao điều phi pháp đã và đang diễn ra tại nơi gọi là "cơ quan bảo vệ pháp luật", đẩy cả những người vô tội vào chốn tù lao. Còn thực tế thì chính bản thân Phương Uyên mới có thể xác định được là nên chất vấn những ai, chất vấn những gì, và phải lập luận thế nào để bảo vệ mình, vì chỉ cô mới biết chính xác là mình đã làm những gì và bị các cơ quan tiến hành tố tụng đối xử như thế nào.
Cho dù Phương Uyên không lên tiếng, thì các lập luận bào chữa của Luật sư Hà Huy Sơn và Luật sư Nguyễn Thanh Lương cũng đã đủ cơ sở pháp lý và lý luận để khẳng định rằng không thể kết cho Phương Uyên tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo Điểm c, Khoản 1, Điều 88 Bộ luật hình sự. Thế nhưng Tòa án Long An đã không xử theo luật, mà xử theo lệnh.
Nếu ra tòa tại một nơi như Leipzig vào năm 1933, thì có lẽ Phương Uyên đã thoát khỏi chốn lao tù như Dimitrov. Tiếc rằng, cô lại phải hầu tòa tại Long An vào năm 2013. Quả là…rủi cho Phương Uyên!
Nếu Dimitrov lâm cảnh Phương Uyên
Với tài hùng biện kiệt xuất, Dimitrov đã tự bào chữa thành công, tại một phiên tòa của Đế chế Đức vào thuở Đảng Nazi của Hitler mới lên cầm quyền. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Dimitrov thế chỗ Phương Uyên trong vòng lao lý tại Việt Nam sau đúng 80 năm? Tất nhiên là phải giả sử rằng ông bị rơi vào cái danh sách mà chính quyền muốn thẳng tay trừng trị. Vì lý do gì thì không quan trọng. Cho dù trung thành với lý tưởng cộng sản, thì điều đó cũng chưa đủ để đảm bảo cho Dimitrov được an toàn trong một chính quyền cộng sản. Bi kịch đồng chí bị đồng chí hãm hại đã tái diễn ngàn vạn lần, không chỉ ở Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không chỉ dưới thời Stalin và Mao...
Để tự bào chữa, bị cáo phải có đủ những thông tin liên quan. Mặc dù bị giam giữ trong nhà tù Quốc xã, Dimitrov vẫn nhận được những thông tin cần thiết. Thử hỏi, nếu bị rơi vào hoàn cảnh mà nghi phạm bị cách ly tuyệt đối, đến luật sư và người nhà cũng không được tiếp xúc, thì liệu Dimitrov có thể thu thập được những thông tin ấy hay không? Nếu không có thông tin thì Dimitrov hùng biện cái gì?
Để tự bào chữa, thì phải thông hiểu các điều luật liên quan (của nước sở tại). Vì vậy, trong thời gian bị bọn Quốc xã giam giữ để điều tra, Dimitrov đã tìm hiểu Luật hình sự và Quy trình xét xử hình sự của Đức, và sau đó đã vận dụng thành công. Nếu bị giam cầm như Phương Uyên và bao người cùng cảnh khác, thì liệu bộ máy cường quyền có chấp nhận cho Dimitrov có được các văn bản pháp luật mà nghiên cứu, nhằm tìm ra cơ sở pháp lý để tự vệ… trước quyết tâm kết tội của chính bộ máy ấy, hay không? Nếu không có đủ kiến thức pháp luật thì Dimitrov dựa vào cơ sở nào mà hùng biện?
Để có thể chứng minh cội nguồn tội phạm và bản chất vụ án, Dimitrov đã đối chất với cả những nhân vật cầm đầu chế độ, như Göring và Goebbels, cho dù đó là Chủ tịch Quốc hội, là Bộ trưởng. Nhưng nếu lạc vào xứ sở thiên đường "cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản", thì Dimitrov chất vấn được ai? Đòi triệu tập nhân chứng cỡ Quận trưởng cũng chẳng nổi, chứ đừng mơ đến cấp Bộ trưởng. Bằng chứng mới nhất là phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn vào ngày 29/7/2013, khi mà Hội đồng xét xử bác bỏ đề nghị của các luật sư bào chữa về việc triệu tập thêm nhân chứng, mặc dù một số quan chức hoặc cựu quan chức trong số đó là thủ phạm đích thực của vụ án cướp đất - phá nhà, khiến họ Đoàn phải "tức nước vỡ bờ". Nếu không được đối chất với những nhân chứng cần thiết, thì Dimitrov hùng biện với ai?
Để có thể tự bào chữa thành công thì bị cáo phải được nói và phải được quan tòa lắng nghe. Đoạn đối thoại sau đây, diễn ra khi Dimitrov nói lời sau cùng trước lúc nghị án, có thể minh họa phần nào về mức độ tự do ngôn luận của bị cáo trong phiên tòa Leipzig:
"Chủ tọa phiên tòa: Bao giờ thì ngài có ý định kết thúc diễn văn của mình?
Dimitrov: Tôi muốn nói nửa giờ nữa.
Chủ tọa phiên tòa: Ngài không thể nói bất tận được."
Song Dimitrov không dừng lại, mà khẳng định quyền phát ngôn của mình, rồi bác bỏ luận điểm của bên công tố, và tuyên bố:
"Tôi đề nghị kết luận như sau:
1. Tòa án Đế chế công nhận chúng tôi vô tội trong vụ này và việc truy tố là vô căn cứ; điều đó liên quan đến tất cả chúng tôi, kể cả Torgler, Popov và Tanev;
2. Phải nhìn nhận van der Lubbe là công cụ bị kẻ thù của giai cấp công nhân lợi dụng;
3. Bắt những kẻ có lỗi trong việc truy tố chúng tôi một cách vô căn cứ phải chịu trách nhiệm;
4. Phải bồi thường cho chúng tôi tương xứng với thời gian bị mất, sức khỏe bị tổn hại và nỗi khổ phải chịu đựng, từ chi phí của những kẻ có lỗi."
Chủ tọa phiên tòa hứa: "Những cái gọi là đề nghị của ngài sẽ được Tòa lưu ý khi nghị án." Nhưng không phải vì thế mà Dimitrov chịu dừng lại. Ông vẫn tiếp tục diễn thuyết, cho đến đoạn đề cập về Galileo Galilei và "bánh xe lịch sử…", như đã trích dẫn ở phần trên.
Liệu Dimitrov có thể hùng biện như thế hay không, nếu không được phép nói, hay bị bịt mồm như Linh mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa tại Huế ngày 30/03/2006? Trong chế độ "dân chủ kiểu ta", suốt một thời gian dài cả luật sư bào chữa cũng bị ngăn chặn khi trình bày ý kiến. Bây giờ thì quan tòa đã khôn hơn, họ thay đổi chiến thuật, nhẫn nại để cho luật sư toại nguyện phát ngôn, nhưng lại bỏ ngoài tai mọi lý lẽ bào chữa và vẫn kết án theo đúng kịch bản định sẵn. Nếu không được nói, thì Dimitrov hùng biện kiểu gì? Hoặc nếu được nói, nhưng quan tòa lại chẳng thèm nghe, thì Dimitrov hùng biện để làm gì?
Phiên tòa Leipzig xét xử vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức đã kéo dài 3 tháng và diễn ra trong 57 ngày xét xử. Thời gian đó mới đủ để tranh luận, để mổ xẻ các chứng cớ và sự kiện, để triệu tập và phỏng vấn rất nhiều nhân chứng liên quan, và để Dimitrov có thể chứng minh rằng mình vô tội. Nếu chỉ được "hưởng" một phiên tòa chớp nhoáng, vẻn vẹn khoảng 6 tiếng đồng hồ như trong vụ xử Phương Uyên và Nguyên Kha, thì Dimitrov có thể hùng biện vào lúc nào?
Tài ba và sắc sảo, nhưng nếu lâm vào hoàn cảnh của Phương Uyên, thì liệu Dimitrov có thể hùng biện để chứng minh mình vô tội hay không, hay cũng đành bất lực trước một bản án viết sẵn? Mang đôi cánh tung bay vạn dặm, nhưng nếu bị cùm chặt trong lồng sắt, thì tình cảnh của đại bàng cũng chẳng hơn gì gà con bé bỏng…
Kể cả nếu được tiếp xúc với đầy đủ thông tin và tài liệu pháp luật, được nói thoải mái và được đối chất với mọi nhân chứng cần thiết, nhưng lại bị xử theo "luật kiểu ta" bởi "quan tòa kiểu ta", thì liệu Dimitrov có thoát khỏi ngục tù hay không? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng nhau quan sát một tình huống giả định: Phía Đức mời chuyên gia từ Long An làm thẩm phán, để xét xử Dimitrov theo một bộ luật giông giống như Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam. Để đơn giản hóa vấn đề, theo hướng có lợi cho bị cáo, ta giả sử rằng: Chuyên gia Long An đã sáng suốt thừa nhận rằng Dimitrov không hề liên quan đến vụ đốt Tòa nhà Quốc hội Đức, nên chỉ còn xét xử các tội khác.
Như ta đã biết, Tòa án nhân dân tỉnh Long An ngày 16/5/2013 kết án Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã phạm vào tội "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự, và tuyên phạt Phương Uyên 6 năm tù, Nguyên Kha 8 năm tù (cộng với 2 năm tù về tội khác)... Rõ ràng là mức độ "tuyên truyền chống Nhà nước…" của Dimitrov còn quyết liệt hơn nhiều so với hai thanh niên người Việt. (Tất nhiên, nhà nước mà Dimitrov chống không phải là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", mà có thể tạm gọi là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức".) Vậy thì chuyên gia Long An sẽ gán cho Dimitrov mức án nào trong khung hình phạt của Điều 88? 6 năm tù như Phương Uyên, hay 8 năm tù như Nguyên Kha? Hay đối với cỡ "đầu sỏ siêu nguy hiểm" như Dimitrov thì phải quy vào trường hợp "Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm"?
Cũng chẳng cần phải phân vân quá lâu với việc chọn mức án theo Điều 88, bởi vì bản án chờ đợi Dimitrov còn nặng hơn nhiều. Đối thoại với Chủ tịch Quốc hội Göring tại tòa, Dimitrov đã không hề úp mở:
"Tiến hành cuộc chiến chống lại Đảng Cộng sản ở nước Đức là quyền của các ngài. Quyền của Đảng Cộng sản là sống bất hợp pháp ở nước Đức và chống lại chính phủ của các ngài; việc chúng tôi chống nó thế nào thì phụ thuộc vào tương quan lực lượng, chứ không phụ thuộc vào quyền."
Khi đó, Đảng Cộng sản Đức (KPD) đã bị chính quyền Đức quy kết là chống lại nhà nước và bị cấm hoạt động. Bằng chứng thì không phải là khó kiếm. Trong lần Bầu cử Quốc hội Đế chế Đức vào ngày 06/11/1932, ba đảng dành được nhiều phiếu nhất là NSDAP (với 33,1% số phiếu), SPD (với 20,4% số phiếu) và KPD (với 16,9% số phiếu). Cả ba đảng này đều nhân danh "giai cấp công nhân", nhưng lại chống nhau kịch liệt. Càng gần thì càng ghét và càng chống nhau, vì tranh dành ảnh hưởng trong cùng một cộng đồng nhân dân. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản năm 1928, Chủ tịch KPD Ernst Thälmann đã kêu gọi chống lại "Dân chủ xã hội phản động", tức là chống lại SPD:
"Đảng SPD là nhân tố thúc đẩy chuẩn bị chiến tranh chống lại Liên Xô. Vì vậy cuộc chiến chống lại chiến tranh đế quốc chính là cuộc chiến chống lại Dân chủ xã hội."
Do đó SPD và KPD khó lòng mà liên minh với nhau. Trong hoàn cảnh ấy, ngày 30/01/1933 Tổng thống Đế chế Paul von Hindenburg (là người không tham gia đảng phái nào và đã thắng cuộc trong lần Bầu cử Tổng thống trực tiếp toàn dân ngày 26/04/1925) đã bổ nhiệm Chủ tịch đảng NSDAP Adolf Hitler làm Thủ tướng Đế chế. Nhưng KPD đã kêu gọi tổng đình công để chống lại việc bổ nhiệm đó. Ngày 15/02/1933 một số đảng viên của KPD còn cắt cáp của một tháp phát sóng gần Stuttgart để ngăn cản việc phát sóng diễn văn của Thủ tướng đương nhiệm Hitler.
Từ góc độ của nhà cầm quyền Đức thời đó, nói theo ngôn ngữ chính trị chính thống ở Việt Nam hiện nay, thì Đảng Cộng sản Đức (KPD) là một "tổ chức phản động". Tham gia ở tầng lãnh đạo của một "tổ chức phản động" đã bị chính quyền cấm hoạt động, lại công khai "chống lại chính phủ", vậy thì Dimitrov thoát sao được bản án của chuyên gia Long An về "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", như quy định ở Điều 79 Bộ luật hình sự. (Ở đây, không cần phải thay đổi từ "chính quyền nhân dân", vì chính quyền Đức Quốc xã cũng tự xưng là chính quyền của nhân dân.) Theo đó,
"Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình."
Chưa hết. Khi đó cả ba người Bun-ga-ri Dimitrov, Popov và Tanev đều đang tồn tại bất hợp pháp ở nước Đức và đều đang làm việc cho Quốc tế Cộng sản, trong đó Dimitrov đóng vai trò Trưởng Văn phòng Tây Âu của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Nhắc đến điều này không phải để khép họ vào cái tội vặt là "nhập cảnh trái phép" và "ở lại … trái phép", như quy định ở Điều 274 Bộ luật hình sự, mà để ta không ngạc nhiên khi chuyên gia Long An kết cho họ "Tội gián điệp", như quy định ở Điều 80 Bộ luật hình sự. Theo đó, họ sẽ "bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình".
Tóm lại, nếu bị treo lên cán cân công lý kiểu Long An và dùng quả cân na ná như Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam để định tội, thì Dimitrov sẽ lãnh án thế nào? Tù mười hai năm? Tù hai mươi năm? Hay tù chung thân? Hay án tử hình? Với chuyên gia Long An và thẩm phán cùng lò, chắc hẳn "tội đã rõ rành rành", dù xử nặng đến mấy cũng vẫn "đúng người đúng tội", "thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật" và "được dư luận xã hội đồng tình".
Nhưng Tòa án Đế chế của nước Đức thời đó lại tuyên trắng án cho Dimitrov, Torgler, Popov và Tanev. Đối với các thẩm phán của Tòa án Đế chế thì phía công tố chỉ truy tố bốn bị cáo cộng sản đó về tội "tiến hành thay đổi Hiến pháp Đế chế Đức bằng bạo lực" và tội "đốt Tòa nhà Quốc hội", nhưng lại không chứng minh được tội phạm, nên tòa buộc phải tuyên trắng án cho họ. Đó là nguyên tắc sơ đẳng của tư pháp đích thực.
Còn các tội khác thì sao? Tòa án chỉ có thể xử khi phía công tố truy tố. Hitler và đồng đảng tưởng rằng chỉ với tội "đốt Tòa nhà Quốc hội" là đã quá đủ để "hạ nốc ao đối thủ", ai dè lại thất bại ê chề. Cuối cùng thì chính quyền Quốc xã đã không truy tố thêm các tội danh khác, không phải vì không tìm ra hay không tạo dựng được bằng chứng, mà có lẽ vì còn muốn giữ thể diện, tránh mang tiếng trước dư luận trong và ngoài nước là "kẻ thua cuộc tồi" (bad loser, schlechter Verlierer). Quả là… may cho Dimitrov!
Tiền đề công lý
Suốt hơn mười năm học tập và làm việc ở Leipzig, chỉ cách nơi từng xét xử Dimitrov khoảng 900 mét, tôi thường đi qua Bảo tàng Dimitrov (Dimitroff-Museum) – tên gọi của Tòa nhà Tòa án Đế chế (Reichsgerichtsgebäude) dưới thời Cộng hòa Dân chủ Đức – và hay bất giác nhớ lại phiên tòa ấy, với câu hỏi đeo đẳng: Vì sao Tòa án Đế chế Đức lại trả tự do cho Dimitrov?
Thủ tướng Đế chế Hitler đã tuyên bố: "Phải bắn bất cứ phần tử cốt cán cộng sản nào bị bắt gặp…" Ngay giữa phiên tòa, Chủ tịch Quốc hội Đế chế Đức kiêm Thủ hiến và Bộ trưởng Bộ nội vụ Phổ Göring đã hét thẳng vào mặt Dimitrov: "Ngươi là một kẻ lừa đảo, phải treo cổ từ lâu!" Và dọa dẫm: "Ngươi sẽ phải run sợ, nếu ta tóm được, khi ngươi rời khỏi tòa án này, cái đồ lừa đảo!" Hai nhân vật đứng đầu chính quyền Đức Quốc xã đã quyết tâm trừng trị như vậy, thì tại sao Dimitrov vẫn thoát khỏi nhà tù phát xít?
Bởi vì Dimitrov vô tội ư? Nếu đó là điều kiện đủ để tránh được án tù, thì bao người vô tội đã không bị hành hạ trong ngục.
Bởi vì không tìm thấy bằng chứng thuyết phục chứng tỏ rằng Dimitrov liên quan tới vụ đốt Tòa nhà Quốc hội ư? Đừng quên rằng tạo dựng chứng cớ là nghiệp vụ sở trường của đám điều tra vô lương, và nếu chấp hành tuyệt đối lệnh trên là bản năng của đám thẩm phán vô đạo, thì chẳng có bằng chứng nào được bộ máy điều tra đưa ra là không thuyết phục.
Bởi vì sức ép quốc tế ư? Quả là trong vụ án Dimitrov sức ép quốc tế là rất lớn và rất quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ để giải thoát Dimitrov. Nếu chỉ cần có sức ép quốc tế là đủ thì bây giờ nhiều nhà bất đồng chính kiến đã không bị cầm tù.
Vậy thì vì sao Dimitrov lại thoát khỏi ngục tù phát xít, nơi mà bao triệu người vô tội đã bị giết hại dã man? Không thể trả lời trọn vẹn câu hỏi này nếu bỏ qua phạm trù "tam quyền phân lập". Theo đó, để có được một chế độ thực sự dân chủ, mọi người thực sự tự do và bình đẳng, thì quyền lực nhà nước cần được phân thành ba quyền tách biệt, đó là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Chúng cần được giao cho ba hệ thống hoạt động độc lập với nhau, kiểm tra và kiềm chế lẫn nhau, nhằm hạn chế lạm dụng quyền lực. Quyền tư pháp được thực thi bởi hệ thống tòa án, có trách nhiệm phán xử các vụ án chỉ dựa trên các quy định của luật và không bị chi phối bởi các hệ thống quyền lực khác. Trong Hiến pháp hiện hành của Cộng hòa Liên bang Đức, được gọi là Luật cơ bản (Grundgesetz für die Bundesrepublik Deutschland), chế độ "tam quyền phân lập" được hiến định tại Điều 20, và đó là một điều không được phép sửa đổi.
Năm 1933, khi Dimitrov bị xét xử ở Leipzig, nước Đức đang sử dụng Hiến pháp Đế chế Đức (Die Verfassung des Deutschen Reichs), còn được gọi là Hiến pháp Weimar (Weimarer Verfassung), có hiệu lực từ tháng 8 năm 1919 đến tháng 6 năm 1945. Tuy nguyên tắc "tam quyền phân lập" không được thể hiện rõ ràng như trong Luật cơ bản, nhưng Hiến pháp Đế chế Đức 1919 lại chứa đựng đầy đủ những điều hiến định về tư pháp theo hướng có lợi cho Dimitrov:
"Điều 102 Thẩm phán là độc lập và chỉ phải tuân theo luật."
"Điều 104 Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời…"
"Điều 105 Không được tổ chức tòa án ngoại lệ…"
"Điều 106 Hủy bỏ việc xử án bằng tòa án quân sự, trừ thời gian chiến tranh và hoàn cảnh trên tàu chiến…"
Chiểu theo Điều 102 thì các thẩm phán xét xử Dimitrov chỉ phải căn cứ vào luật của Đức thời đó, hoàn toàn không phải tuân theo lệnh của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, kể cả lệnh của Thủ tướng Hitler và Chủ tịch Quốc hội Göring. Chiểu theo Điều 104 thì thế lực cầm quyền không thể sa thải thẩm phán chỉ vì họ xử đúng luật. Chiểu theo Điều 105 và Điều 106 thì thế lực cầm quyền không thể dùng Tòa án quân sự hay lập ra Tòa án đặc biệt để xử Dimitrov.
Đọc đến đây, có thể ai đó sẽ cười khẩy mà rằng: "Hiến định thì hiến định, ta cứ bơ thuỗn thì làm gì được ta?" Cách nghĩ này đã và đang thịnh hành trong giới cầm quyền Việt Nam, nhưng lại xa lạ với người Đức. Từ xa xưa, người Đức đã quen nghĩ Hiến pháp là… Hiến pháp, tức là để thực thi, chứ không phải là một thứ đạo cụ trang trí, nhằm đánh lừa thiên hạ. Thành thử, ngạo ngược như trùm phát xít Hitler, mà để hủy bỏ một số quyền hiến định của công dân, cũng vẫn phải dựa vào quyền hạn của Tổng thống được quy định tại Điều 48 Hiến pháp Đế chế Đức để đạo diễn ra "Sắc lệnh Tổng thống Đế chế nhằm bảo vệ nhân dân và nhà nước", trong đó viết rõ ràng ngay tại Điều 1 rằng:
"Các Điều 114, 115, 117, 118, 123, 124 và 153 của Hiến pháp Đế chế Đức không còn hiệu lực cho đến khi có quy định khác. Do đó, được phép hạn chế quyền tự do cá nhân, quyền tự do thể hiện chính kiến, bao gồm cả quyền tự do báo chí, quyền hội họp và lập hội, được phép can thiệp vào bí mật thư từ, bưu chính, điện tín và điện thoại, được ra lệnh khám nhà và tịch thu cũng như khống chế tài sản, kể cả ngoài khuôn khổ luật định."
Sự việc này rất đáng để các nhà độc tài thời nay liên hệ và suy ngẫm. Quyền lực, súng ống trong tay, muốn gì được nấy, tước của dân cái gì họ cũng đành nhẫn chịu. Vậy thì nếu muốn tước bỏ quyền gì của công dân cứ việc xóa chúng ra khỏi hiến pháp, viết thẳng điều đó vào luật như Hitler. Nếu làm ngược lại, trên thực tế thì cấm, mà vẫn ghi vào hiến pháp và luật là "công dân có quyền", thì hóa ra mình lại chịu kém hắn về khoản trung thực hay sao?
Do Điều 48 Hiến pháp Đế chế Đức chỉ cho phép Tổng thống "tạm thời hủy bỏ hiệu lực của một phần hay toàn bộ các quyền cơ bản được quy định tại các Điều 114, 115, 117, 118, 123, 124 và 153", nên các Điều 102, 104, 105 và 106 hiến định về tư pháp đã không bị Sắc lệnh Tổng thống hủy bỏ hiệu lực. Trong hoàn cảnh Đảng Nazi mới nên nắm chính quyền, chưa kịp phá bỏ hết các yếu tố nhà nước pháp quyền đã từng tồn tại ở Đức để thiết lập chế độ độc tài phát xít tuyệt đối, thì những điều hiến định về tư pháp vẫn có tác dụng đảm bảo cho các thẩm phán có thể hành nghề tương đối độc lập. Và các thẩm phán được phép và chỉ phải tuân theo Bộ luật hình sự (Strafgesetzbuch) của Đức, được ban hành và hoàn thiện dần từ năm 1871, mà mức độ hợp lý, khoa học và tiến bộ của nó thì chưa biết bao giờ Bộ luật hình sự của Việt Nam mới mon men tới được. Điều đó đã góp phần bảo vệ Dimitrov, tránh được bản án do những kẻ cầm đầu Đảng Nazi ấn định.
Phản ứng trước việc Tòa án Đế chế tuyên trắng án cho bốn bị cáo cộng sản Dimitrov, Torgler, Popov và Tanev, Thủ tướng Hitler đã ban hành Luật sửa đổi Luật hình sự và Thủ tục xét xử hình sự (Gesetz zur Änderung des Strafrechts und des Strafverfahrens) vào tháng 4 năm 1934. Theo đó, Tòa án nhân dân (Volksgerichtshof) được thiết lập để xét xử các tội "phản bội", tức là tước bỏ chức năng xét xử của tòa án độc lập đối với các tội phạm chính trị. "Các thành viên của Tòa án nhân dân và đại diện của họ do Thủ tướng Đế chế bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ tư pháp với nhiệm kỳ 5 năm." – Chỉ riêng quy định này cũng đủ để Thủ tướng Hitler chi phối các bản án theo ý muốn của mình. Thành lập Tòa án nhân dân để tước bỏ tính độc lập của hoạt động tư pháp là một bước đi quan trọng của Hitler trên con đường thiết lập nền độc tài phát xít.
Cơ chế "tam quyền phân lập" cho phép các thẩm phán xét xử một các độc lập, nói nôm na là họ được phán quyết đúng người, đúng tội và theo đúng các quy định của luật. Nhưng "được" không có nghĩa là "muốn". Thẩm phán cũng chỉ là những người bình thường, với những hạn chế về tư duy, trình độ, đạo đức, tình cảm và không tránh khỏi tác động của hoàn cảnh. Nếu vì lý do gì đó, họ không muốn xử đúng thì sao? Để hạn chế hiện tượng tiêu cực này thì phải huy động sức ép của dư luận. Muốn dư luận gây sức ép đối với bộ máy tư pháp thì một mặt phải để cho họ lên tiếng, tức là phải có quyền tự do ngôn luận, mặt khác phải cung cấp thông tin khách quan cho họ, tức là phải có tự do báo chí. Trong Hiến pháp Đế chế Đức, hai quyền vừa kể thuộc vào quyền "thể hiện chính kiến bằng lời, bằng chữ, in ấn, hình ảnh hoặc bằng hình thức khác", được hiến định tại Điều 118.
Mặc dù Điều 118 của Hiến pháp Đế chế Đức đã bị Sắc lệnh Tổng thống xóa bỏ hiệu lực, nhưng cái còn sót lại của tự do báo chí thời đó cũng khiến hậu thế phải chạnh lòng. 82 nhà báo nước ngoài vẫn được có mặt để theo dõi phiên tòa. Đúng vào ngày nhân chứng Göring xuất hiện trước tòa (4/11/1933), hai nhà báo Xô viết (của TASS và Izvestia) cũng được chấp nhận tham dự. Thậm chí, trong thời gian đầu, phiên xử còn được truyền thanh trực tiếp qua radio. Nhờ thế, diễn biến của phiên tòa được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước Đức, được dư luận theo dõi chặt chẽ, khiến các thẩm phán không thể hành động và phán quyết quá tùy tiện. Và đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ Dimitrov.
Sức ép gián tiếp từ bên ngoài của dư luận chắc không nặng bằng sức ép trực tiếp từ nội bộ… Nếu các thẩm phán đều là đảng viên của Đảng Nazi, và nếu Chủ tịch đảng Hitler (1921–1945) ra lệnh, thì liệu họ có dám vượt qua cái gọi là "kỷ luật đảng" để hành động khác đi hay không? E rằng, dù chưa nhận được mệnh lệnh từ trên, thì có người đã tự giác hành động theo "chủ trương đường lối của đảng" mất rồi. May thay cho Dimitrov và các đồng bị cáo, Chủ tọa phiên tòa là Tiến sĩ Wilhelm Bünger, người đã từng là Bộ trưởng Bộ tư pháp (1924–1927), Bộ trưởng Bộ văn hóa (1928–1930) và Thủ hiến (1929–1930) của Bang Tự do Sachsen (Freistaat Sachsen), và được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa hình sự số IV (Senatspäsident) thuộc Tòa án Đế chế từ ngày 26/06/1931. Thẩm phán Bünger không phải là đảng viên của Đảng Nazi, mà là đảng viên của Đảng Nhân dân Đức (Deutsche Volkspartei, DVP). Đảng này đã từng tham gia Chính phủ Đế chế thời Cộng hòa Weimar (1920–1921, 1923–1931), và nó chính là tiền thân của Đảng Dân chủ Tự do (Freie Demokratische Partei, FDP), mà Chủ tịch hiện nay là Phó Thủ tướng Đức (gốc Việt) Philipp Rösler. Nói chung, Thẩm phán Bünger không phải là "người của đảng" để Hitler và Göring dễ bề sai bảo, cũng không phải là người "thấp cổ bé họng" để thế lực cầm quyền dễ bắt nạt.
Tham gia xét xử dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Bünger còn có ba thẩm phán là Tiến sĩ Walter Froelich, Hermann Coenders và Tiến sĩ Emil Lersch. Thẩm phán Froelich từng tham gia Đảng Nhân dân Đức (1919–1920) và Đảng Nhân dân Quốc gia Đức (Deutschnationale Volkspartei, 1933). Theo Hubert Schorn thì Tiến sĩ Froehlich không chấp nhận phong trào Nazi của Hitler, và cũng một phần nhờ ông ấy mà mấy bị cáo cộng sản đã được trả tự do. Thẩm phán Coenders được cho là hay đặt câu hỏi khá rắn đối với những bị cáo và nhân chứng không theo xu hướng Nazi, và có vẻ đồng cảm với thuyết trình của Göring tại tòa, nhưng dường như ông không tham gia đảng nào cả. Thẩm phán Lersch thì 4 năm sau vụ án (tức là năm 1937) mới gia nhập Đảng Nazi.
Một "đội hình thẩm phán đa nguyên đa đảng" như thế mới có cơ hội thoát khỏi vòng "lãnh đạo tuyệt đối" của đảng cầm quyền khi xử án. Hiển nhiên, "đội hình thẩm phán đa nguyên đa đảng" chỉ có thể tồn tại trong một chế độ đa nguyên đa đảng. Vào đầu năm 1933, khi Hitler lên làm Thủ tướng, ở nước Đức có nhiều đảng hoạt động, trong đó 8 đảng thường đạt 1% số phiếu trở lên tại các kỳ bầu cử Quốc hội. Sau vụ cháy Tòa nhà Quốc hội Đức vào đêm 27/02/2103, Đảng Cộng sản Đức (KPD) bị chính quyền Hitler cấm hoạt động ngay lập tức. Tiếp theo đó, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) cũng bị cấm hoạt động từ ngày 22/06/1933. Các đảng lớn khác tự giải thể hoặc bị ép phải giải thể trong tháng 6 và tháng 7 năm 1933, chỉ còn lại một đảng duy nhất là Đảng Nazi. Như vậy, khi Phiên tòa Leipzig diễn ra trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1933, thì chính trường nước Đức đã lâm vào tình trạng độc đảng. Tuy nhiên, trong năm khai sinh của chế độ độc tài phát xít, tập quán đa nguyên đa đảng vẫn còn sót lại đáng kể trong tư duy và hành động của người Đức. Vẫn còn rất nhiều người quay lưng lại với Đảng Nazi, và có nhiều người vẫn muốn hoặc dám chống lại Hitler. Trong hoàn cảnh ấy, bản năng hành nghề độc lập của các thẩm phán vẫn chưa bị triệt tiêu. Và bản năng ấy được phát huy hơn trong một tập thể thẩm phán không có ai là đảng viên Đảng Nazi. Có thể nói: Thành quả còn sót lại của chế độ đa nguyên đa đảng đã góp phần cứu sống Dimitrov.
Tóm lại, nếu cho rằng việc Dimitrov, Torgler, Popov và Tanev được Tòa án Đế chế trả tự do là hệ quả của công lý, thì tiền đề của công lý là nền dân chủ đa nguyên đa đảng, với tự do ngôn luận và tự do báo chí, được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, để đảm bảo cho tòa án có thể hoạt động độc lập và chỉ phải tuân theo hiến pháp và luật. Đó là những tinh hoa được chắt lọc từ lịch sử phát triển của nhân loại.
Trớ trêu thay, góp phần cứu sống bốn người cộng sản lại là những giá trị lịch sử mà một số đồng chí của họ vẫn kiên trì phủ định và chống lại cho đến ngày hôm nay. Giả sử một chế độ độc đảng toàn trị theo nguyên mẫu Xô viết đã được thiết lập ở nước Đức từ mươi năm trước đó, thì liệu đồng chí Georgi Dimitrov có còn sống sót để trở về làm Tổng bí thư Quốc tế Cộng sản (1934–1943) và Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bun-ga-ri (1946–1949) nữa hay không?
Sau khi thoát khỏi ngục tù phát xít nhờ phán quyết vô tội của một tòa án tư sản, được đón tiếp nồng nhiệt ở quê hương của cách mạng vô sản như những người anh hùng và được trao quốc tịch Liên Xô, hai đồng chí Blagoi Popov và Vassil Tanev được Lãnh tụ vĩ đại Joseph Stalin đưa đi đào tạo trong khuôn khổ của chiến dịch "Đại thanh trừng": Popov bị bắt vào tháng 10 năm 1937 và bị giam 17 năm, tận đến năm 1954 mới được thả và được phục hồi. Tanev cũng bị bắt và bị giam một số năm trong một trại tù ở Vòng Bắc cực. Chẳng hiểu những năm thử thách khắc nghiệt trong nhà tù xã hội chủ nghĩa, trên đất nước mà người đồng hương Dimitrov đã từng ngợi ca trước tòa án Leipzig là "tốt đẹp nhất thế giới", có làm xao động niềm tin của họ về sự tất yếu lịch sử và tính ưu việt hơn hẳn của chế độ độc đảng toàn trị hay không?
*
* *
Tôi tranh thủ viết cho xong những dòng này trước phiên phúc thẩm xử vụ án Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, nghe nói sẽ diễn ra vào ngày 16/08/2103. Hy vọng sẽ được những người có trách nhiệm tham khảo trước khi ấn định phán quyết.
Tôi không muốn bàn cãi thêm về việc Phương Uyên và Nguyên Kha có tội hay không, và tòa án có áp dụng đúng luật hay không, mà chỉ muốn nhắn nhủ mấy điều mang tính chung chung:
– Nếu có một điều luật nào đó cho phép kết tội những người chỉ thể hiện chính kiến một cách ôn hòa, thì điều luật ấy sai và cần phải hủy bỏ!
– Nếu cho rằng Phương Uyên và Nguyên Kha hành động sai, thì hãy khuyên bảo và giáo dục họ. Con em lãnh đạo dù ăn chơi, phá phách đến mấy, kể cả phạm pháp, thì cha anh vẫn chậc lưỡi là còn "trẻ người non dạ", rồi bao che, nâng đỡ cho chúng… lên làm lãnh đạo. Vậy thì tại sao lại nhẫn tâm trừng trị, bỏ tù đằng đẵng mấy thanh niên mới lớn như Phương Uyên và Nguyên Kha? Chẳng nhẽ vì họ chỉ là con em thường dân hay sao?
– Nếu cho rằng Phương Uyên và Nguyên Kha có tội, thì hậu quả họ gây ra đối với Đất nước, Nhân dân và chế độ còn kém rất rất xa so với hậu quả đục khoét của những "bầy sâu". Nếu định nghiêm trị, thì hãy ưu tiên trị các tội rất rất to của những "sâu bự", trước khi động tới những tội nho nhỏ của người dân.
– Đừng đổ hết lỗi cho Dân, mà hãy nhìn nhận lại trách nhiệm của nhà cầm quyền. Tại sao Phương Uyên và Nguyên Kha lại hành động "lén lút" ư? Vì lẽ ra thì những hành động ấy phải được tiến hành công khai, với tư cách "quyền tự do ngôn luận" và "quyền biểu tình" được hiến định ở Điều 69 Hiến pháp 1992, nhưng lại bị nhà cầm quyền cấm đoán và cản trở. Tại sao Phương Uyên và Nguyên Kha lại tham gia cái tổ chức mà nhà cầm quyền quy là "phản động" ư? Bởi vì những hội tử tế, lẽ ra phải được phép thành lập theo Điều 69 Hiến pháp 1992, thì lại bị nhà cầm quyền cấm đoán; còn "đoàn thể quốc doanh" đang tồn tại thì tỏ ra vô dụng, hoàn toàn câm lặng, bàng quan và vô cảm trước những bức xúc của người dân… Có gì là vi phạm pháp luật trong việc Phương Uyên và Nguyên Kha hành động "lén lút" và tham gia một tổ chức "phản động" hay không? Tất nhiên là có! Đó chính là: Nhà cầm quyền vi phạm Hiến pháp, cản trở công dân hành động hợp pháp công khai và thành lập những tổ chức hợp pháp tử tế.
Phương Uyên và Nguyên Kha là hai thanh niên yêu nước, yêu nước đến mức dám dấn thân... Họ yêu nước theo cách của họ. Nhà cầm quyền không ưa kiểu yêu nước ấy, điều đó cũng dễ hiểu, bởi chính Phương Uyên và Nguyên Kha cũng không ưa kiểu yêu nước của phía cầm quyền. Sở thích khác nhau là lẽ thường tình. Xã hội rất đa dạng, dù không muốn thì cũng phải chấp nhận. Không thể bất chấp tự nhiên, tìm mọi cách để gò tất cả vào một khuôn mẫu duy nhất theo khẩu vị của một vài người, cho dù đó là của thiên tử. Để có được một xã hội thái bình, thì mọi người đều phải học cách chung sống hòa thuận với nhau và tôn trọng chính kiến của nhau. Với cách xử sự như đối với Phương Uyên và Nguyên Kha, những người cầm quyền hiện nay đã dạy cho thế hệ trẻ một bài học rất xấu, rằng: Ở đất nước này thì không thể chấp nhận bất đồng chính kiến, không thể chung sống với những người đối lập, mà phải cương quyết diệt bỏ như kẻ thù không đội trời chung. Nếu cái "tư duy chuyên chính triệt để" ấy được thừa kế bởi chính quyền kế tiếp – mà ngày thay thế chính quyền chắc chắn sẽ đến nhanh hơn nếu thế lực cầm quyền cứ tiếp tục hành xử như hiện nay – thì sau này đừng có oán thán tại sao mình không có chỗ dung thân.
Dù khôn hay dại, dù đúng hay sai, thì những thanh niên hiện còn rất trẻ cũng sẽ làm chủ đất nước trong tương lai, khi mà đại thần khét tiếng hôm nay sẽ lẫm chẫm chống gậy ra tựa cửa, mong ngóng được người qua đường hỏi chuyện. Thành thử, hãy tôn trọng và cư xử rộng lượng với "bọn trẻ" như với tương lai của chính mình!
14/08/2013
Cùng tác giả:
Quốc hiệu nào hội tụ lòng Dân?
Chẳng nhẽ độc quyền cả nói dối hay sao?
Là thực thi quyền hiến định ông Trọng ạ!
Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp
Teo dần quyền con người trong Hiến pháp
Hai tử huyệt của chế độ
Viễn tưởng từ chức
Bài học tồn vong từ thảm họa
Lực cản Nhà nước pháp quyền
Chiến binh cầm bút
Hãy để lương tâm lên tiếng một lần!
Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng
Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ
Quyền biểu tình của công dân
Phiêu lưu điện hạt nhân
Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ
Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân
©2010 by Hoang Xuan Phú
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)