Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Ông Liên “khùng” và làng chiến khu xưa
Ông Liên say sưa nói về ngôi làng của mình.
Bỏ hiện tại để tìm quá khứ

Câu chuyện của ông bắt đầu bằng kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu và làm việc tại Quảng Bình. Năm 1961, tròn 21 tuổi, anh Nguyễn Xuân Liên vào công tác tại ngành y tế của Quảng Bình. 10 năm sống và làm việc nơi đây, trong ông hình thành một tình yêu tha thiết mảnh đất tuyến lửa này.

Chiến tranh kết thúc, ông Liên trở về Hà Nội, mãi đến năm 1992 ông mới có dịp quay trở lại Quảng Bình. Vui vì những đổi thay to lớn của mảnh đất này, nhưng ông cũng không khỏi bùi ngùi vì những dấu tích chiến tranh một thời đang bị xoá dần. Ông Liên lo lắng, liệu thế hệ sau này, đặc biệt là những người con của quê hương Quảng Bình, có hiểu hết được hy sinh to lớn của nhữngngười  đã góp phần làm nên cuộc chiến thắng của dân tộ?

Năm 2003, ông Liên về hưu, các con ông đã trưởng thành, ông quyết định vào Quảng Bình mua một khu đất để thực hiện ước mơ của mình: tái hiện một phần của cuộc chiến tranh thông qua làng chiến khu xưa. Lúc đó, gia đình ông hết sức can ngăn, nhưng lòng ông đã quyết. Vợ ông ngăn chồng không được thì đòi ly thân, ai ngờ ông chấp nhận. Bán nhà được gần 1,5 tỷ đồng, ông chia cho vợ một nửa, còn lại ông gói ghém vào Quảng Bình.

Trả lời cho câu hỏi của tôi, cũng là thắc mắc của nhiều người về việc làm của mình, ông cười nói: “Tôi không hiểu vì sao kỷ niệm về những ngày chiến tranh ác liệt đó vẫn còn vẹn nguyện. Hình như thời gian không thể làm hao mòn vùng ký ức đó của tôi. Tôi còn nhớ, trong kháng chiến nhiều gia đình ở Quảng Bình vẫn đói ăn, cơm phải độn sắn nhưng không bao giờ động đến một hạt gạo của bộ đội. Rồi chuyện những người mẹ thức thâu đêm để săn sóc bệnh binh, chuyện những người chị từng đêm chèo thuyền chở đạn và lương thực ra tiến tuyến… Mãi mãi về sau này tôi vẫn không thể nào quên được nghĩa tình của những người dân nơi đây. Đó là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.

Về Quảng Bình, ông Liên lục tìm khắp nơi, tìm lại bóng dáng của vùng ký ức và cuối cùng ông tìm đến vực Quành, cách thành phố Đồng Hới gần 15km. Vực Quành là nơi đã từng có con đường giao liên, có ống dẫn dầu, có trạm xá dã chiến, có dòng sông Quành uốn lượn. Ông Liên mua đất để thực hiện ước mơ “điên khùng” của mình.

Những ngày đầu dựng làng, ông phải  làm công việc của bảo tàng là đi sưu tập những kỷ vật gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân như chiếc chổng tre, cái bàn cũ, nôi, cuốc, xẻng, cối giã gạo… Để có được những vật dụng đó, ông phải đi lùng khắp xóm làng của vùng đất Quảng Bình.

Như lòng cảm tạ tri ân…

Vừa đặt chân vào làng, tôi bắt gặp hình ảnh hố bom cùng những vỏ đạn và chiếc cầu bắc qua dòng sông Quành được làm bằng những chiếc thùng phi. Đi sâu vào trong là những đường hầm trú ẩn… Rồi những bệnh viện, lớp học trong hầm trú ẩn.

Vừa dắt tôi đi, ông Liên vừa giảng giải từng hiện vật trong làng với tất cả niềm say mê và tình yêu dành cho mảnh đất và con người Quảng Bình. Từ chiếc mũ rơm các cháu đội đến trường, đến chiếc nôi, chiếc bàn cũ, manh chiếu bị cháy xém,… Tất cả đều “bắt” người xem phải nhớ lại một thời chiến đấu oai hùng của dân tộc.

Xúc động hơn, trong ngôi làng của ông Liên có cả một khu tưởng niệm nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ. Ông Liên còn có vài cuốn sổ ghi chép cẩn thận tên tuổi các liệt sĩ và mô chí nằm ở đâu. Để có được những thông tin quý báu đó, trong 3 năm ở Quảng Bình, ông đã phải mòn chân rảo bước trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Việc làm này của ông bắt nguồn từ nỗi đau riêng, khi gia đình ông không thể tìm được mộ người em trai đã hy sinh ngoài chiến trường.

Làng chiến khu xưa của ông Liên bắt đầu đón khách thăm quan vào giữa năm 2003. Từ đó đến nay, ông không nhớ rõ đã có bao nhiêu lượt khách ghé thăm làng, bao nhiêu giọt nước mắt đã nhỏ xuống khi nhớ lại một thời đã qua.

Lục tìm trong cuốn sổ tưởng niệm, tôi đọc được những dòng chữ: “Anh  là người Hà Nội nhưng xứng đáng là người con của Quảng Bình hơn chúng tôi nhiều. Cám ơn anh đã cho chúng tôi sống lại với quá khứ chiến đấu oai hùng của dân tộc” hay “Nếu ai đã từng biết đến những gian lao, hy sinh cao cả của lớp người đi  trước xin hãy đến đây để hiểu thêm quá khứ qua những mái tranh, vách đất đầy sự thật này”.

Tôi hỏi, liệu ông có muốn “thu hồi vốn”? Ông Liên trầm mặc: “Tôi tái hiện lại làng chiến khu xưa là muốn thoả lòng và cảm tạ tri ân đối với mảnh đất và con người  ở đây. Tôi mong muốn đây sẽ trở thành một địa chỉ du lịch lịch sử để các bạn trẻ có thể đến đây để học tập, để hiểu và trân trọng những  giá trị mà cha ông đã dày công xây dựng nên và sau đó mong đây là sản phẩm du lịch lịch sử”.

Thanh Loan
file:///I:/Bao%20%20Vuc%20Quanh/%C3%94ng%20Li%C3%AAn%20%E2%80%9Ckh%C3%B9ng%E2%80%9D%20v%C3%A0%20l%C3%A0ng%20chi%E1%BA%BFn%20khu%20x%C6%B0a%20-%20Ong%20Lien%20%E2%80%9Ckhung%E2%80%9D%20va%20lang%20chien%20khu%20xua%20-%20D%C3%A2n%20tr%C3%AD%20%C4%91i%E1%BB%87n%20t%E1%BB%AD%20Dantri_com_vn.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét