Trở về vùng đất lửa
|
Ông Nguyễn Xuân Liên |
TTCT - Bốn năm trước, trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần có bài viết về ông (chính xác hơn là viết về công việc ông làm) của tác giả Lam Giang. Giờ đây có dịp ghé Quảng Bình, tôi tìm ông ở Vực Quành, xã Nghĩa Ninh, TP Đồng Hới. Vẫn trên diện tích hơn 12ha, những ký ức chiến tranh được phục dựng với những chất liệu thực...
1. Ông đón chúng tôi bằng bộ quân phục còn rất mới và tác phong gọn, nhanh của người lính (mà bao lâu rồi nhỉ, ông đã rời quân ngũ).
Rất nhiều người bảo ông hâm! Nhưng cái tinh anh, nhanh nhẹn, nỗi niềm chất chứa trong từng ánh mắt thế kia, hâm thế nào được. Chỉ là khi người ta làm điều gì đó nghịch thường trong dòng chảy xô bồ thực dụng thế này, như vung bạc tỉ ra mà không muốn kiếm lợi nhuận, là hâm đứt đuôi con nòng nọc rồi...
“Có một nỗi ám ảnh nào chăng?”. Tôi hỏi và ông trả lời ngay: “Không! Không phải kiểu những giấc mơ thôi thúc hằng đêm đâu. Mọi thứ đến rất tự nhiên!”.
Cái tự nhiên ông nói, nghe thật nhẹ nhàng khi thanh lý ngôi nhà ở Tân Mai, Hà Nội, ông lận túi một nửa, nửa còn lại bà nhà mang về quê ngoại. Vực Quành đã ngốn của ông trên 2,5 tỉ đồng, cũng nhẹ nhàng và tự nhiên như cách ông nói...
Món hàng mới nhất mà ông tậu được là... cây nhiệt đới! Loại khí tài tinh vi trên chiến trường Bình Trị Thiên khốc liệt, khi những bộ óc chiến tranh đã “trồng” nó như một thứ rađa được ngụy trang dưới hình thức những cây xanh nhiệt đới. Ông mua từ một vựa phế liệu. “Không phải gặp đâu hay đó, cái này là mình đặt hàng mấy năm ròng đấy! Chỉ tiếc là không thể tìm đâu ra một chiếc Zin ba cầu, biểu tượng vận tải cơ giới đường Trường Sơn. Đã có một quan chức nọ hứa cho lâu rồi đấy, nhưng...”. Ông bỏ dở câu nói. Có phải lời hứa gió đã thổi bay rồi chăng?
|
Tái hiện bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Nhật về đất lửa Quảng Bình những năm tháng ác liệt bom đạn |
2.Buổi sáng ấy, vẫn với bộ quân phục xanh lá và tác phong nhanh nhẹn, ông đưa chúng tôi đi đúng tiêu chuẩn tour tham quan của du khách. Này là hầm chữ A. Này là ngôi nhà đặc trưng thời chiến Quảng Bình. Đây là trường học dưới hầm. Còn đây là phòng mổ... Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, ông thuyết trình từng chút một, giải thích cặn kẽ, nghe, cảm, sẽ thấy cả một tấm lòng...
Ở căn hầm phục dựng nhà trẻ thời chiến, ông dừng lại, khẽ khàng nâng chiếc nôi tre, mắt ánh lên, rồi chỉ vào bức hình đen trắng được phóng lớn kế bên: “Chiếc nôi này chính là chiếc nôi trong bức ảnh này. Đứa trẻ năm xưa thoát một trận bom oanh tạc và gia đình đã giữ chiếc nôi lại như giữ gìn một sự may mắn. Vậy mà khi biết tôi đang sưu tập những hiện vật thời chiến, họ đã hiến tặng ngay!”. Rồi ông xót xa: “Bọn trộm vừa ghé mấy hôm trước lấy mất bốn xác bom. Chắc lại kẹt tiền uống rượu, lấy đi bán sắt vụn, đau quá!”.
Có một dạo rộ lên phong trào chơi nhà sàn, nhà rường của giới thượng lưu. Giá cả những xác nhà như thế bị đẩy lên chóng mặt. Nhưng ông cũng phải rứt ruột mua những xác nhà như thế về Vực Quành, nếu không làm sao có thể phục dựng chính xác “Ký ức của một thời máu lửa được kể lại bằng hình ảnh và hiện vật trong khung cảnh làng quê Quảng Bình thời chống Mỹ”, như câu giới thiệu của ông trên blog về Vực Quành của mình!
Tôi không hỏi ông tìm đến Internet lúc nào, ở tuổi gần thất thập? Nhưng tôi nghe ông nói về việc tìm tư liệu từ cái kho tàng tri thức của nhân loại ấy để phục vụ ý tưởng Vực Quành của mình.
Nhưng Internet với ông không chỉ có thế. Ông còn là cộng tác viên thân tín của trang web timdongdoi.org. Ông dành hẳn cái nhà rường trang trọng nhất ở Vực Quành làm ngôi đền thờ những liệt sĩ trong khu vực, vô danh và hữu danh. Cũng từ Internet, đã có rất nhiều những cuộc đoàn tụ của các liệt sĩ và gia đình họ mà chính ông là sợi dây kết nối!
Kết thúc tour của chúng tôi bằng tấm hình chụp chung dưới ngọn quốc kỳ. Ông vội vã bắt tay từng người để tiếp tục dẫn một đoàn khách khác. Và vẫn còn một đoàn khách nữa đang chờ...
Một chủ nhật bận rộn. Ông vui, dẫu sẽ mệt. Bởi ngoài ông ra, chỉ có thêm một người giúp việc cho cả một khu du lịch rộng lớn.
Lạ lùng, tất cả đều miễn phí...
|
Nhà trẻ dưới hầm: chiếc nôi thật và bức ảnh nổi tiếng về chiếc nôi
|
3.Chuyện nhà có vẻ ổn khi hai người con thành đạt ở châu Âu ủng hộ việc ông đang làm.
Blog của ông có tên là Trở về vùng đất lửa. Email của ông dùng luôn tên Vực Quành thay cho tên ông, Nguyễn Xuân Liên. Ông đã ở Quảng Bình, những năm tháng ác liệt 1961-1970.
Dễ dàng để tìm kiếm địa chỉ của ông, trên Internet và cả trên bản đồ du lịch Quảng Bình. Trên đường Hồ Chí Minh có hẳn một bảng chỉ dẫn lớn về khu du lịch sinh thái - văn hóa Vực Quành. Tiến sĩ Ernst Sagemueller (Đức) trong những khóa huấn luyện ngắn ngày về du lịch ở Việt Nam luôn dẫn khu du lịch của ông ra như một thí dụ sinh động và chuẩn mực cho việc làm du lịch: sinh thái và lịch sử đúng như tên gọi!
Điều gì khiến một người ngoại đạo lại có thể đạt được những chuẩn mực chuyên nghiệp của một ngành nghề thời thượng như thế? Tôi tự trả lời: tinh thần vô vụ lợi! Chính tinh thần đó đã giúp ông chăm chút tỉ mẩn và tình cảm hơn đến đứa con tinh thần của mình.
Vực Quành của ông không chỉ đón du khách. Nó còn trở thành phim trường cho những clip ca nhạc và cả phim dài tập, những tác phẩm cần đến bối cảnh hiện thực của chiến tranh. Mới nhất, đoàn làm phim Bến đò xưa lặng lẽ của đạo diễn Trần Vịnh đã đóng máy quay chính ở đấy! Người ta còn đưa các tùy viên quân sự quốc tế đến đây để tìm hiểu thêm phần nào lý do chiến thắng của cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước.
Chưa hết, với người dân Đồng Hới, Vực Quành đang là điểm đến cho các đôi uyên ương chụp hình cưới. Cây xanh, sông xanh, bầu trời rộng liền kề bên đô thị, những ký ức về một thời đạn bom đang dần mất dấu trong đời sống thường nhật.
4. - Ông đã mãn nguyện? Ở tuổi 66, ước mơ quay lại chiến trường xưa phục dựng quá khứ và để sống phần nào đã thỏa?
Không, ông có nhiều nỗi buồn. Những nỗi buồn mà nếu chỉ đến với Vực Quành như một du khách vô tình, ta không thể nào thấy được...
“Tới nay đã sắp tròn năm năm mở cửa đón khách, bạn bè gần xa, người đã qua và người không phải qua chiến tranh đến thưởng lãm, mình vẫn chưa có ý định khai thác thương mại. Nhiều vị lãnh đạo địa phương và trung ương cùng bạn bè, quí khách tới thăm đều tỏ lòng thông cảm và khuyên mình nên khai thác thương mại để có tiền duy trì, phát triển Vực Quành lâu dài. Vẫn còn đắn đo vì thủ tục hành chính chưa được các cơ quan công quyền giải quyết cho. Có lẽ vì các cơ quan trên chưa nghiên cứu xong hoặc bận, vậy mình cứ yên lòng chờ...”. Trích từ một entry trên blog Trở lại vùng đất lửa!
Lạ, trên bản đồ du lịch tỉnh có tên đứa con tinh thần của ông. Trên quốc lộ 15 có hẳn các bảng chỉ dẫn đến khu du lịch của ông, sản phẩm do chính bàn tay, khối óc, con tim ông làm nên, vậy mà chính danh thì ông không là gì hết với Vực Quành!
Thôi thì mình cũng được tham gia làm đẹp cho đời, nâng cao dân trí là mừng lắm rồi. Tự sướng!
Ông an ủi mình như thế!
ĐÌNH THẮNG
file:///I:/Bao%20%20Vuc%20Quanh/tro%20ve%20vung%20dat%20lua.htm